Bằng Kiều: ‘Bà xã là khán giả khó tính nhất’
“Vì thế, nếu nói về sự nghiệp thì có lẽ sự nghiệp lớn nhất đến bây giờ của tôi chính là Trizzie và ba cậu nhóc kháu khỉnh. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, tôi không thể trở thành người nghệ sĩ hạnh phúc trên sân khấu được”, nam ca sĩ chia sẻ.
- Trở về sau đúng 10 năm định cư ở Mỹ, cái mốc này với anh có phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên hay thời cuộc đưa đẩy?
- Trong vài năm trở lại đây tôi cũng có nhận được nhiều lời mời về VN biểu diễn, nhưng vì công việc ở Mỹ rất bận rộn, và cũng như chúng ta hay nói về cái “duyên”, tôi chưa thu xếp để về được. Tháng 12/2011, tôi về VN thăm gia đình, tình cờ gặp được một người bạn lâu năm. Anh ngỏ ý muốn mời tôi về biểu diễn, trước là để gặp gỡ lại những khán giả thân quen, sau là anh muốn gây một quỹ từ thiện chuyên về mổ tim cho người nghèo.
Bản thân tôi xưa nay vẫn muốn âm nhạc của mình đồng hành với những hoạt động có ý nghĩa để đáp lại lòng thương yêu của mọi người dành cho mình. Vậy nên tôi đã nhận lời ngay không cần suy nghĩ. Cũng có thể nói tôi đã may mắn có được những người bạn tâm giao cùng nhau thực hiện chương trình mà không đặt mục đích thương mại trên hết. Sau chương trình hòa nhạc này, một phần lợi nhuận sẽ được đơn vị tổ chức và tôi gửi tặng các quỹ từ thiện.
- Cả một thời gian dài không trở về VN biểu diễn như nhiều ca sĩ Việt kiều khác, đến thời điểm này anh thấy có điều gì cần chia sẻ thêm với khán giả trong nước?
- Nói thật là dù thâm niên đi hát cũng hơn 20 năm, biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ khắp nơi nhưng lần này tôi vẫn thấy hồi hộp, lo lắng, cảm giác khó tả lắm! Tất nhiên đây sẽ là chương trình đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của tôi. Hy vọng là đến lúc gặp gỡ thì tình cảm và sự ủng hộ của khán giả sẽ làm cho tôi đỡ hồi hộp hơn để cống hiến hết mình cho đêm nhạc. Một đêm của âm nhạc và cảm xúc!
- Live concert lần này của anh sẽ rất đáng nhớ?
- Xin được thưa trước với khán giả là chương trình sẽ không có những màn vũ đạo hoành tráng với những vũ công xinh đẹp hay hiệu ứng sân khấu ly kỳ, lộng lẫy. Thay vào đó tôi và ê-kip thực hiện chương trình chỉ làm hết sức để tập trung vào phần âm nhạc, sự tinh tế, cảm xúc… Tất cả đều phải bằng âm nhạc, là cuộc trình diễn về âm thanh, ánh sáng, trên hết là âm nhạc. Hiện tại tôi đang rất phấn khích với ý tưởng dàn dựng và âm nhạc mà ê-kip thực hiện đưa ra.
- Ðể phù hợp với gu thẩm mỹ, sở thích của đa số bà con kiều bào ở hải ngoại, anh có vẻ “hoài cổ” khi chọn nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến để trình diễn nhiều hơn là nhạc trẻ, nhạc pop đương đại. Nhưng khán giả trong nước vẫn nhớ đến anh như một giọng ca tiên phong, đầy “trọng lượng” của dòng nhạc trẻ tươi tắn, tràn đầy sức sống và sáng tạo của thời kỳ vàng son Làn Sóng Xanh. Lần trở về này, liệu khán giả sẽ lại được nghe một Bằng Kiềutươi tắn hơn với nhiều thử nghiệm mới mẻ hơn?
- Bao nhiêu năm qua, nhiều khán giả đã quen thuộc với giọng hát Bằng Kiều. Lần trở về này sẽ rất thiếu sót, nếu không muốn nói là có lỗi, nếu không hát những bài khán giả yêu cầu. Ða số khán giả đã nghe CD, xem video những bài hát và đã yêu mến nó, bây giờ khi có dịp thì rất muốn nghe live nên tôi không thể lấy khán giả của mình ra để thử nghiệm được. Sẽ có những thử nghiệm tươi mới nhưng có lẽ là những chương trình sau này. Tôi mong muốn âm nhạc của hòa nhạc lần này sẽ vẽ nên một chân dung đầy đủ nhất về Bằng Kiều sau 22 năm ca hát.
Bằng Kiều và nhạc sĩ Dương Thụ.
- Nói về sáng tác, những ca khúc của anh thời gian qua (Chỉ còn mưa rơi, Chỉ là như thế, Chuyện lạ, Hè muộn, Lại đây với anh, Và anh vẫn hát, Lạc mất linh hồn…) nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ người hâm mộ. Liệu khán giả sẽ được thưởng thức những sáng tác mới nhất của Bằng Kiều trong live concert sắp tới?
- Tôi chỉ viết nhạc khi có tâm sự thôi. Sáng tác đầu tiên là ca khúc Hè muộn, chú Dương Thụ đã giúp tôi về phần lời. Sau đó tôi cũng viết thêm một số ca khúc nữa và may mắn được khán giả yêu thích. Nhưng tôi nghĩ rằng ông trời đã phân công mỗi người một việc, mà tôi được chọn làm ca sĩ rồi nên sau này tôi không viết nữa, chỉ dùng những sáng tác của các nhạc sĩ.
- Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật (mẹ là diễn viên chèo, hai anh là nghệ sĩ kịch), bản thân anh lại học kèn bassoon (Nhạc viện Hà Nội) rồi chơi ban nhạc (Chìa Khóa Vàng, Hoa Sữa, Quả Dưa Hấu) trước khi tách ra làm ca sĩ solo. Tại sao với sở thích ca hát, với chất giọng đặc biệt trong và giàu cảm xúc, anh không theo nghề hát ngay từ đầu?
- Thật ra tôi đi hát từ khi còn rất nhỏ, khoảng 6, 7 tuổi đã đi hát đám cưới rồi. Cũng là duyên may khi tôi gặp được thầy Phúc Linh là thầy dạy bassoon ở nhạc viện. Chính thầy là người ảnh hưởng lớn nhất về thẩm mỹ âm nhạc của tôi về sau này. Cũng chính cây kèn bassoon đã giúp tôi cảm nhận được cái đẹp, cái hay của âm nhạc, những cảm nhận và thẩm mỹ đó là hành trang và nguồn cảm xúc vô tận để tôi mang vào trong con đường ca hát của mình.
- Xin hỏi anh 10 năm ở Mỹ, thời gian có đủ dài để anh gầy dựng một sự nghiệp?
- Thật ra thì… tôi đã có sự nghiệp khi còn ở VN. Khi lập gia đình bên Mỹ thì 10 năm qua tôi chỉ phát triển sự nghiệp của mình lên thôi, và công lớn nhất thuộc về bà xã của tôi – Trizzie Phương Trinh, người luôn là khán giả khó tính nhất, hầu hết những bài “hit” của Bằng Kiều là do Trizzie chọn. Vì thế, nếu nói về sự nghiệp thì có lẽ sự nghiệp lớn nhất đến bây giờ của tôi chính là Trizzie và ba cậu nhóc kháu khỉnh. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, tôi không thể trở thành người nghệ sĩ hạnh phúc trên sân khấu được.
Video đang HOT
Bằng Kiều in concert 2012 là chương trình đầu tiên của dự án Hòa nhạc VN (Vietnam Concert) do Công ty Viet Vision và Ba Na Hills phối hợp thực hiện.
Trong chương trình diễn ra tại cả hai thành phố (tối 26/10, tại sân Lan Anh – TP.HCM và tối 26/10 ở Trung tâm hội nghị quốc gia – Hà Nội) đều có sự xuất hiện của ba vị khách mời là ba giọng hát gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Bằng Kiều: Mỹ Linh, Hồng Nhung và ca sĩ hải ngoại Minh Tuyết. Ngoài ra sẽ có hai vị khách mời đặc biệt xuất hiện trong vai trò cầu nối giữa Bằng Kiều và khán giả của chương trình.
“Bất ngờ và độc đáo”, đó là quyết tâm mà ê-kip thực hiện chương trình (do đạo diễn Phạm Hoàng Nam tổng chỉ huy, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh làm giám đốc sản xuất, nhạc sĩ Hoài Sa và Vũ Quang Trung làm đạo diễn âm nhạc…) muốn mang đến cho khán giả.
Theo Tuổi Trẻ
Nhạc sĩ Dương Thụ trong mắt 3 diva
Bộ ba Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh đều có những câu chuyện rất riêng, thú vị khi kể về vị nhạc sĩ tài ba.
Hồng Nhung: "Chưa ai nghe lời chú Thụ một cách tuyệt đối như tôi!"
- Tôi nghe nói rằng chị có ngoại hình rất giống cô con gái duy nhất của nhạc sĩ Dương Thụ, phải không?
- Đó là bé Mi! Những ngày tôi mới vào Sài Gòn, ở với cha, chú Thụ và bé Mi hay ghé chơi vào ngày cuối tuần. Có lẽ cùng cảnh sống một cha một con, chúng tôi dễ đồng cảm hơn. Bé Mi bệnh nặng, ra đi, để lại nỗi đau lớn nhất trong đời cha mình.
Tôi còn nhớ khi tôi hát Papa tại Nhà hát Lớn Hải Phòng năm 1985 nhân dịp đi thi âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, chú Thụ đã khóc với sự cảm thông sâu sắc như thế nào.
- Đâu là điểm chung giữa hai nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt: Trịnh Công Sơn và Dương Thụ, để chị gặp được họ?
- Tôi nghĩ hai nhạc sĩ viết nhạc rất khác nhau nhưng cùng xuất phát từ suối nguồn tình cảm của tâm hồn. Họ đều là những nhà tri thức với kiến thức văn hóa rộng và sâu sắc, có thể nói ít, hiểu nhiều, sức mạnh trong nhạc và lời mang nội lực đủ để ở lại trong lòng người nghe một cách sâu nặng mà không cần hình thức quá lộng lẫy, hay gây choáng ngợp.
Hồng Nhung và Mỹ Linh.
- Trong 3 diva, Hồng Nhung được coi là giọng hát phù hợp nhất với nhạcDương Thụ. Điều gì theo chị đã làm nên điều đó?
- Tôi chỉ hát một cách tự nhiên bằng chính nghiệm sinh của đời sống, không luyến láy, khoe giọng hay tạo kịch tính, có thể vì thế mà hợp với nhạc của chú Thụ. Việc đồng cảm giữa tôi và chú Thụ về thẩm mỹ nói chung trong đời sống, dù đó là gu về nhà cửa hay âm nhạc, về thời trang hay về một bộ phim hay... khiến tôi "cảm" nhạc của chú tự nhiên hơn. Cứ vào bài là hát, không cần suy tính, phân tích tác phẩm...
- Điều đáng giá nhất chị học được từ "bố" mình là gì?
- Tôi luôn trọng chú Thụ về bề dày hiểu biết văn hóa Việt, tôi sợ rằng tôi khó có thể học hết được từ chú. Chú Thụ cũng là người đặc biệt, vô cùng nhạy cảm, với gu thẩm mỹ cao, tinh vi đến từng chi tiết. Có lẽ chú Thụ chưa gặp ai nghe lời chú một cách tuyệt đối như tôi, trong cả âm nhạc và việc làm đẹp trong đời, như chuyện nhà cửa, chọn một cây hoa, hay kể cả chọn một chiếc áo đẹp...
- Đó là lý do khiến Hồng Nhung là khách hàng duy nhất "đặt hàng" được "kiến trúc sư" Dương Thụ?
- Tôi và chú Thụ cùng thích kiểu nhà ở gần gũi với thiên nhiên. Nhà của chú Thụ ở Sài Gòn vừa đẹp, vừa cho tôi cảm giác thoải mái, thư giãn. Vì thế, hơn một lần, tôi đã nhờ chú vẽ nhà cho tôi. Tôi rất nể chú Thụ và rất biết ơn chú về điều này!
- Ngược lại, nhạc sĩ Dương Thụ cũng nói rằng chú ấy học được từ chị một số điều, chị thử đoán xem?
- Có thể là tính kỷ luật của tôi, việc bỏ thời gian đầu tư vào chuyện học hành hay thể thao... Chú Thụ cũng theo tập chương trình Suối nguồn tươi trẻ, nhờ vậy, tôi trông trẻ khác thường so với tuổi tác.
- Nhạc sĩ Dương Thụ đang đứng ở đâu trong làng nhạc, lúc này, theo chị? Với chị, giai đoạn sáng tác nào của nhạc sĩ là thăng hoa hơn cả?
- Tôi tin rằng âm nhạc Dương Thụ sẽ giữ mãi vị trí riêng của mình vì vốn dĩ chưa bao giờ có chủ ý cạnh tranh. Âm nhạc của cảm xúc và tâm hồn trong sáng sẽ chẳng bao giờ cũ, dù có thể không phải là thời trang. Gần đây, ít thấy chú cho ra bài hát mới, nhưng làm sao đoán được đâu sẽ là đoạn thăng hoa nhất, bởi biết đâu, nó vẫn còn ở phía trước!
Mỹ Linh: "Không nên gọi Dương Thụ là 'Thái thượng hoàng'"
- Cái tên Dương Thụ gợi lên trước hết trong chị điều gì?
- Là cách chú đặt lòng tin vào mọi người - điều rất quan trọng nhưng cũng rất xa xỉ trong giới này. Và điều làm nên sức nặng của lòng tin ấy chính là con mắt xanh của chú. Đó có lẽ cũng là lý do khiến chú thường rất mát tay trong việc giới thiệu cho làng nhạc những tên tuổi mới.
- C hị có nghĩ rằng ngoài anh em, Dương Thụ còn là một trong những kim chỉ nam đáng giá cho chị, điều mà không ít ca sĩ trẻ hôm nay vì thiếu mà đã lạc lối?
- Hai cuộc hạnh ngộ đó phải nói là những may mắn lớn trong đời tôi! Trong cuộc sống, còn gì ý nghĩa hơn khi bạn gặp được một người chỉ đường tốt, nhất là trong một cái nghề rất dễ "sai một ly, đi một dặm".
Dương Thụ và Thanh Lam.
- Nhưng tôi cũng nghe nói rằng "người chỉ đường" ấy từng có lần... đuổi chị ra khỏi phòng thu?
- Chuyện đó quả thật là tôi không nhớ nhưng đúng là chú Thụ đôi khi nóng tính đến mức hơi vô lý và không phải lúc nào cũng đúng. Dù vậy, tôi vẫn yêu quý chú như thường. Cứ nhìn cách chú ấy chơi với đủ mọi giới thì biết! Phải là người có tầm thế nào thì mới có một "network" rộng như vậy!
- Chị nghĩ đâu là chỗ riêng cho chị trong âm nhạc Dương Thụ?
- Nơi nào cần đến sự nồng nàn và dịu dàng!
- Trong 3 diva, chị tự thấy, ai là người hát nhạc Dương Thụ thành công nhất?
- Hồng Nhung phải xếp thứ nhất, Thanh Lam cũng là thứ nhất, còn tôi là... huy chương bạc. Nhưng đó là trong các bài chú ấy viết riêng cho các chị ấy. Còn những bài viết riêng cho tôi thì tôi phải là nhất chứ!
- Có người ví Dương Thụ như là một "Thái thượng hoàng" của làng nhạc Việt, chị thấy có đúng?
- Tôi thấy nói thế không phải là nâng cao mà là hơi hạ thấp chú Thụ. Bởi nghe thì cũng oai đấy nhưng "một chiều" lắm! Giữa chú và chúng tôi, tình thân đó như giữa những người trong gia đình...
Thanh Lam: "Phải rất đau đớn mới lãng mạn được đến thế!"
- Sức hút nào đã khiến chị là người đầu tiên trong 3 diva khai phá nhạcDương Thụ?
- Tôi cho rằng đó là hồn Việt, triết lý Việt, tinh thần Việt - điều rất đáng được xem là tấm gương soi cho nhiều bạn trẻ hôm nay. Chính điều đó đã làm nên vẻ đẹp lãng mạn và bay bổng trong âm nhạc của chú...
- Nhưng người được khen hát nhạc Dương Thụ thành công nhất lại không phải là người khai phá. Phải chăng chị quá mạnh mẽ trước vẻ đẹp ngây thơ ấy?
- Hát nhạc của ai, tôi cũng muốn phải có mình trong đó. Nghệ thuật không phải là sự cộng hưởng sao? Vậy tại sao mình không tương tác? Với tôi, vẻ đẹp quyến rũ nhất trong âm nhạc Dương Thụ không phải sự ngây thơ mà là lãng mạn - đúng như con người chú. Lãng mạn cả khi tận cùng của nó là đau đớn. Chính vì từng rất đau đớn nên nỗi buồn ở chú mới ẩn sâu đến thế, và sự lãng mạn cũng mới có thể bay cao đến thế - như một cách để chú thoát ra.
- Hiểu Dương Thụ đến thế mà sao trong 3 diva, chị lại có vẻ... ít thân chú ấy nhất nhỉ?
- Mỗi nghệ sĩ có một góc riêng. Có thể góc riêng đó của tôi không giống với góc riêng của chú Thụ nên chưa đậm duyên. Dù trước đây, tôi (và Quốc Trung) cũng từng rất thân với chú. Nhưng tôi nghĩ, cái "thân" trong nghệ thuật không hẳn đã quá cần đến cái "thân" trong đời sống.
- Chị có biết câu hát "Đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm", nhạc sĩ Dương Thụđã đặt lời giúp Quốc Trung lúc chị vừa đi là một câu tả thực không?
- Tôi không cho rằng sự đồng cảm đó lại cần đến một phép tả thực. Bởi vào tầm tuổi ấy, với một tâm hồn giàu rung cảm, cùng một kho kinh nghiệm sống, lẽ đương nhiên chú Thụ có thể nhìn thấu suốt hết mọi vấn đề và sâu sắc hóa thân mà không cần phải là người chứng kiến.
- Nhưng khi nghe câu hát đó, chị có tự thấy mình quả là một người đàn bà đáng tiếc?
- Lẽ đương nhiên tôi luôn bị lôi cuốn trước những bài hát có mình hay một phần đời sống của mình trong đó. Có những lúc, vì vậy, cũng cảm thấy mình tan biến trong câu hát đó...
- Có đúng chị là người không ai dám mắng, trừ... Dương Thụ?
- Kể cả chú Thụ cũng chưa bao giờ "dám" mắng, vì cách chú mắng thường: "Cô là tôi sợ cô nhất đấy!", còn tôi gào lên: "Ờ, thế chú cứ tiếp tục sợ đi cho cháu được nhờ!" (cười to).
- Mắng thế nào thì chị ở lại?
- Đấy, mắng như chú Thụ! Mắng bằng cả sự yêu mến và lo lắng, trong một cái giới vốn không có nhiều sự độ lượng!
- Kinh nghiệm sống nào từ Dương Thụ là ấm áp với chị?
- Như trong âm nhạc của chú, đó chính là sự lãng mạn! Đành rằng làm nghệ thuật ai chẳng có lúc bay bổng, lãng mạn, nhưng với Dương Thụ, chú ấy có thể lãng mạn trong mọi trường hợp. Nhớ có lần tôi từng phàn nàn với chú về việc người bạn trai của mình đã để xe hết xăng lúc đã khuya khiến tôi phải khổ sở cuốc bộ hàng bao nhiêu cây số với một đôi giày cao gót... - điều với tôi là một cực hình. Vậy mà chú lại bảo: "Lẽ ra cháu nên cảm ơn ông trời vì điều đó không bao giờ lặp lại nữa đâu cháu ạ!". Và đúng là điều đó không bao giờ lặp lại nữa thật!".
Theo Đẹp
'Tôi ngạc nhiên vì cái gọi là người nổi tiếng ở VN' "Tôi đã từng biểu diễn rất nhiều trên sân khấu nên bây giờ chẳng nhất thiết tôi phải lên sân khấu để gào lên rằng tôi vẫn giữ được đẳng cấp, được phong độ và tôi là người nổi tiếng. Tôi rất ngạc nhiên vì cái gọi là người nổi tiếng ở Việt Nam", nghệ sĩ violin Xuân Huy nói. Về Việt Nam...