Bàng hoàng lời kể của một trẻ nhiễm HIV từng bị bạo hành
Không chỉ dùng đòn roi với con trẻ nhiễm HIV, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân còn đặt ra “luật” riêng, xử phạt các lỗi vi phạm của học sinh bằng… tiền; bắt trẻ lớn dùng đòn roi “dạy dỗ” trẻ nhỏ (?!).
Cùng với video quay cảnh bảo mẫu hành hung trẻ HIV đang được cơ quan chức năng điều tra xử lý, một video khác với nội dung “Công an đánh trẻ mồ côi nhiễm HIV tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân, Thủ Đức” được đăng tải ngày 24/3/2015 trên Youtube đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Khoa Măng non – nơi nhiều bé đã bị bảo mẫu hành hạ dã man
Theo nội dung video trên, sự việc xảy ra ngày 6/2/2015. Công an phường Linh Xuân vào Trung tâm “làm việc” với nhiều trẻ em đang được chăm sóc, giáo dục tại đây về vấn đề nhóm trẻ quậy phá, đập vỡ cửa kính của lớp học.
Lần theo những thông tin trên, phóng viên Dân trí đã tìm gặp em T.P.T. (16 tuổi, người thực hiện video và công bố trên mạng). Nhiều câu chuyện bi thương quanh cuộc sống của các trẻ em tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đã hé mở qua lời kể nghẹn ngào của nhân vật bất hạnh này.
Theo lời P.T, em là trẻ nhiễm HIV, cha mẹ mất sớm nên được ông bà nội gửi đến sinh sống và học tập ở trung tâm nhiều năm qua. Tại đây, ngoài việc tuân thủ quy định chung của trung tâm, học sinh còn phải tuân thủ những quy định “lạ” do giáo viên đặt ra. “Mọi hành vi bị xem là có lỗi của tụi em đều được cô quy ra thành tiền, chẳng hạn đọc sách xong để trên giường không xếp vào giá bị phạt 100 nghìn đồng, để dép dưới sàn nhà không đặt lên kệ bị phạt 100 nghìn, quần áo mặc xong không giặt trong ngày bị phạt 100 nghìn…”, T. kể.
Một nhóm trẻ lớn tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân
“Không lỗi nọ thì lỗi kia, tụi em đứa nào cũng bị phạt, có những bạn bị phạt hàng trăm nghìn mỗi tháng. Để có tiền đóng phạt cho cô, tụi em phải gọi điện về xin người thân chu cấp thêm. Nhưng xin nhiều lần quá người nhà không cho… Đợt Tết vừa rồi nhiều bạn phải mượn tiền của bạn khác để đóng phạt cho cô rồi mới được về ăn Tết cùng gia đình. Những bạn cùng nhóm trẻ lớn như em đã nhiều lần phản ánh lên cô Giám đốc Trung tâm nhưng không được xử lý. Mặt khác, hễ tụi em phản ánh thì lập tức bị đánh đập, có đứa bị cô cầm cả cây gỗ đánh, cây gãy làm đôi. Các cô còn bắt nhóm trẻ lớn như em trừng trị nhóm trẻ nhỏ lớp 2, lớp 3 bằng vũ lực, nếu tụi em không đánh thì các cô sẽ đánh tụi em”.
Cuối năm 2014, một nhóm gồm 16 trẻ (khoảng từ 12 đến 17 tuổi) trong trung tâm đã âm thầm viết đơn kêu cứu gửi lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM. Được biết, đầu năm 2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra và xử lý vụ việc.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân xác nhận, việc các học sinh tại Trung tâm gửi đơn lên Sở là có thật.
“Căn cứ theo quyết định xử phạt của Sở, chúng tôi đã cách chức Trưởng khoa Tuổi Xanh đối với cô Nguyễn Thị Hồng Trinh; cách chức Phó khoa với cô Huỳnh Thị Tuyết Trinh và kỷ luật bảo mẫu là cô Lưu Thị Hà. Sau vụ việc trên, cô Nguyễn Thị Hồng Trinh đã gửi đơn và thôi việc tại trung tâm. Riêng cô Lưu Thị Hà thì tiếp tục có hành vi đánh đập trẻ tại khoa Măng non, đang được các cơ quan truyền thông phản ánh”, bà Tiên cho biết.
Biên bản em P.T. bị công an phường Linh Xuân xử phạt hành chính
Liên quan đến đoạn video công an phường Linh Xuân vào trung tâm “làm việc” với các trẻ HIV, bà Nguyễn Thị Kim Tiên cũng xác nhận sự việc trên là đúng. Theo lời bà Tiên: “Trong quá trình sinh hoạt cùng nhau, một số trẻ trong trung tâm có nảy sinh mâu thuẫn. Trẻ có hành vi gây rối, quậy phá, đập vỡ cửa kính không hợp tác với nhân viên của trung tâm nên chúng tôi đã gửi văn bản đến cơ quan công an phường Linh Xuân. Công an phường đã tiếp nhận thông tin và vào tìm hiểu, làm việc với cán bộ công nhân viên của trung tâm và làm việc với trẻ ở trung tâm. Trong quá trình trên, các trẻ đều có người giám hộ”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo nội dung tham khảo từ video và phản ánh của em P.T., bản thân em và một số trẻ khác đã bị công an đánh đập bức cung ngay tại trung tâm. “Ban đầu khi vào làm việc thì em có người giám hộ là cô Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục, song cô chỉ ngồi ít phút rồi bỏ đi. Dù không làm vỡ cửa kính nhưng em đã bị công an chửi, đe dọa, đánh đập, ép phải nhận tội đập vỡ cửa kính. Khoảng 1 giờ sáng ngày 7/2, các chú công an áp giải tụi em về phường nhưng không có cô nào đi cùng”.
Sau sự việc trên, P.T. cùng một số trẻ khác vì quá sợ nên đã xin tự nguyện rời khỏi trung tâm, bỏ học ra ngoài đi làm phục vụ cho một nhà hàng. “Tụi em mong muốn có một mái ấm thực sự để nương nhờ nhưng ngày nào ở trung tâm chúng em cũng phải đương đầu với nỗi sợ hãi”. Cũng theo lời P.T., “5 cô bảo mẫu tại khoa Măng non đánh trẻ bị ghi hình lại chỉ là những người “kém may mắn”… Thực tế chúng em chứng kiến hàng ngày tại đây còn khủng khiếp hơn nhiều”.
PV Dân trí đang cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ thực hư những lời kể “sửng sốt” của em P.T.
Vân Sơn
Theo Dantri
"Con gọi tên anh nhiều lắm..."
Người vợ trẻ đau đớn không nói lên lời, nước mắt của chị chảy xuống khuôn mặt của đứa con thơ, chị ghì chặt nó vào lòng. "Anh ơi anh về với mẹ con em. Chúng nó gọi tên anh nhiều lắm anh ơi. Anh hứa là về thăm chúng mua quần áo mới cho chúng mà anh ...", tiếng khóc người vợ làm thắt lòng người xung quanh.
Cố gắng đi làm để năm nay lấy vợ...
Trong bầu không khí u ám, tang thương nơi xã nghèo Lâm Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), thi thể 3 nạn nhân xấu số trong vụ sập giàn giáo tại Formosa (Hà Tĩnh) đã được đưa về quê nhà để mai táng.
Khoảng 11h trưa hôm nay, thi thể 3 nạn nhân xấu số tại xã Lâm Trạch đã được đưa về quê nhà để mai táng. Trong ngôi nhà đang xây dở, khói hương bay nghi ngút hòa lẫn trong tiếng gào khóc của người thân, bạn bè gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Lịch (SN 1986, ở thôn 2 xã Lâm trạch, huyện Bố Trạch). Anh Lịch mới được nhận vào làm việc tạiFormosa.
Nhưng, niềm vui kiếm được việc làm, trang trải cuộc sống cho vợ con của anh Lịch chưa được bao lâu thì chị Nguyễn Thị Thương (SN 1987, vợ anh Lịch) như chết lặng khi nhận được tin chồng mình tử nạn. Ngồi ôm hai đứa con Nguyễn Thị Thu (SN 2010) và Nguyễn Ngọc Thiên (SN 2013), người phụ nữ bất hạnh gào khóc: "Mới hôm qua thôi, anh còn đang ở nhà với mẹ con em, anh còn bồng hai đứa con đi chơi và dặn hai đứa ở nhà với mẹ phải thật ngoan, ít ngày nữa đi làm về ba sẽ mua kẹo cho hai con. Ấy thế mà sao anh lại bỏ mặc mẹ con em mà ra đi nhanh vậy, em và các con giờ phải sống răng đây?!".
Cách đó không xa, cũng tại thôn 1, hai căn nhà nhỏ đối diện nhau, những chiếc khăn tang trắng xóa, những người thân, bạn bè của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo (SN 1983) và anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1982) vẫn đang gấp rút làm công tác chuẩn bị để lo hậu sự cho hai anh.
Vùng quê yên bình ngày nào bây giờ lại phủ trắng màu khăn tang
Nơi vùng quê nghèo, quanh năm người dân chỉ biết bám vào mấy sào ruộng cằn cỗi, làm mùa ít ngày lại vô rừng đi bóc vỏ keo thuê, đốt than về nuôi gia đình. "Cứ nghĩ ra đó làm công cao sẽ đỡ cái thân hơn, rồi rủ nhau cùng đi làm cho có anh có em. Bây giờ lại thành ra thế này!". Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của các nạn nhân xấu số.
Hiện hữu nỗi u buồn trên khuôn mặt, đôi mắt đỏ hoe, anh Nguyễn Thái Học (SN 1975, anh họ nạn nhân Bảo) đau đớn: "Có lẽ nó là đứa hiền lành nhất xóm, hôm qua nó mới nhận công việc liền báo tin mừng về cho mẹ, dặn mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con sẽ cố gắng đi làm để năm nay lấy vợ về phụ giúp mẹ già, nhưng giờ thì nó lại bỏ mặc mẹ, gia đình mà ra đi".
Người thân, bạn bè đã đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Bảo
Thuộc diện hộ nghèo của xã, lại vừa mới bị tai nạn gãy chân, mới ra đi làm lại được 3 ngày, nhưng vận hạn vẫn không buông tha anh. Trong căn nhà nhỏ vừa được nhà nước hỗ trợ, chị Đinh Thị Phương (SN 1981, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Dũng) cùng 3 đứa con nhỏ đang gào khóc bên cạnh thi thể anh Dũng.
Những đứa trẻ đáng thương vẫn chưa hình dung ra chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết ngồi khóc bên thi thể ba mình
Ngay sau khi nhận được hung tin, anh Trương Đình Thiết, chú ruột anh Trương Đình Tuấn, (SN1976), thôn Nam Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh đã cấp tốc ra Hà Tĩnh để xác minh sự việc và mong rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn. Có lẽ đến thời điểm này, chị Trương Thị Mận (SN 1974, vợ anh Tuấn) cùng hai đứa con đang còn bế trên tay vẫn chưa hình dung được những chuyện gì đang xảy ra với mình.
Nhằm chia sẻ nỗi đau, sự mất mát của các gia đình có nạn nhân xấu số đã tử vong trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài đã có công văn hỏa tốc đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Sở Tài chính phối hợp, kịp thời hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong mỗi người 5 triệu đồng, gia đình các nạn nhân bị thương mỗi người 2 triệu đồng.
" Con tôi chết thật rồi..."
Khi chúng tôi tìm về gia đình nạn nhân Lâm Hữu Chính (SN 1978) ở xóm 7, xã Diễn Thành (Diễn Châu, Nghệ An) một trong 13 công nhân không may tử vong trong vụ sập giàn giáo kinh hoàng xảy ra vào 19h30' ngày 25/3, tại công trường Formosa, trên gương mặt của từng người dân nơi đây vẫn còn lăn dài những giọt nước mắt. Từ căn nhà nhỏ cũ nát tiếng khóc văng vẳng không ngớt như muốn xé lòng người.
Người thân gia đình nạn nhân Lâm Hữu Chính khóc trong nỗi đau quá lớn
Anh Lâm Hữu Chiến (em trai nạn nhân Chính - PV) cố kìm những giọt nước mắt kể lại giây phút gia đình mình nhận hung tin: "Khi đó tôi thấy một cuộc điện thoại của một người bạn đang làm việc với anh Chính gọi về. Họ nói là anh ấy đã gặp nạn nhưng tôi không tin đó là sự thật. Còn trách rằng họ đùa ác ý. Nào ngờ khi hỏi đi hỏi lại họ vẫn xác định đó là sự thật, tôi như chết đứng người".
Biết tin con mình đã tử vong trong vụ tai nạn thương tâm, bà Cao Thị Ba (75 tuổi) ngất lịm đi. Khi tỉnh lại người mẹ già chỉ biết gào khóc trong đau đớn. Đêm ấy mọi người trong gia đình thức trắng, một số người thân lập tức lên đường vượt hơn 200km vào tận hiện trường nơi anh Chính làm việc và gặp nạn để nhận thi thể.
Chị Chu Thị Kiều chỉ biết ôm lấy hai đứa con thơ mà gào khóc. Các con của chị còn quá nhỏ để biết được nỗi đau mà mình đang phải gánh chịu
Được biết anh Chính là trụ cột của cả gia đình, số tiền lương làm việc tại đây anh đều chi tiêu rất tằn tiện dành dụm gửi về phụng dưỡng mẹ già nuôi hai đứa con thơ. Con gái lớn của anh là cháu Lâm Yến Nhi (6 tuổi), còn con nhỏ Lâm Minh Nhật năm nay chưa tròn 3 tuổi. Chúng còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau quá lớn mà mình phải gánh chịu.
Chị Chu Thị Kiều (SN 1979) vợ anh nạn nhân Chính vẫn chưa thể tỉnh lại sau cú sốc quá lớn, người vợ trẻ khóc trong đau đớn: "Anh ơi về vơi mẹ con em. Anh bảo sẽ về với chúng mua quà cho các con mà sao anh không về vậy", rồi người vợ trẻ cố lết đến bên chiếc bàn thờ lập vội của chồng gào khóc thảm thiết. Hai đứa trẻ thơ vô tội cũng lết theo mẹ của chúng mà gọi tên cha. Những người có mặt không thể cầm nổi nước mắt.
Đau thương nhấn chìm xóm nhỏ trong nước mắt, mới đây thôi khi anh Chính được nhận vào làm công nhân tại Formosa với mức lương khá cao. Nhiều người còn vui mừng thay cho gia đình anh ấy vậy mà bỗng chốc tai họa lại đổ ập xuống gia đình nghèo khó ấy khi hạnh phúc còn chưa kịp mỉm cười.
Người vợ trẻ, chị Hứa Thị Hạnh nén giọt nước mắt trước nỗi đau để cho đứa con thơ dại bú, khiến mọi người không kìm nổi nước mắt
Trước lúc gặp tai nạn khoảng 1 tiếng anh Chính còn gọi điện thoại về cho vợ con. Qua điện thoại anh kêu tên các con, nghe chúng nói cười vậy mà giờ đây anh đã vĩnh viễn rời xa chúng.
Tại gia đình nạn nhân Phạm Xuân Hùng (SN 1986) ở xóm 6, xã Diễn Yên chúng tôi cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh người vợ trẻ và hai đứa con thơ ôm nhau gào khóc bên chiếc quan tài lạnh lẽo của chồng, của cha mình.
Đứa trẻ thơ vẫn chưa biết điều gì vừa xảy ra với gia đình của mình, nó vẫn hồn nhiên mỉm cười tươi trước mọi người
Ông Phạm Văn Tân (SN 1951) bố của anh Hùng khóc nghẹn: "Nó hiền lắm, lúc nào gọi điện về cũng nói sẽ cố gắng tăng ca rồi lo cho cuộc sống gia đình. Nào ngờ, vậy là con tôi chết thật rồi ...".
Bên chiếc bàn thờ lập vội của chồng, chị Hứa Thị Hạnh (SN 1990) ôm đứa con thơ mới tròn 18 tháng tuổi gào khóc thảm thiết. Người vợ trẻ đau đớn không nói lên lời nước mắt của chị chảy xuống khuôn mặt của đứa con thơ, chị ghì chặt nó vào lòng. "Anh ơi anh về với mẹ con em. Chúng nó gọi tên anh nhiều lắm anh ơi. Anh hứa là về thăm chúng mua quần áo mới cho chúng mà anh ...".
Bên cạnh mẹ cháu Phạm Tiến Đạt (5 tuổi) con đầu của anh Hùng không biết tai họa đang đến với gia đình mình. Nó cũng sà vào lòng mẹ ôm lấy em rồi chỉ lên bàn thờ của bố. "Bố về rồi mà mẹ!" Câu nói thơ ngây của nó khiến mẹ chúng càng đau đớn hơn nhiều lần.
Chiếc bàn thờ lập vội và nỗi đau cho người ở lại.
Những người vợ trẻ, những đứa con thơ bỗng chốc mất đi người mà mình yêu thương nhất, mất đi chỗ dựa duy nhất của cuộc đời mình. Họ gào khóc trong đau đớn. Rồi đây họ sẽ phải sống tiếp như thế nào khi người chồng người cha mãi mãi không còn nữa.
Văn Lịnh - Nguyễn Tình - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Quyết không để nghiện ngập tái diễn Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM), khẳng định như vậy khi đề cập tình trạng người nghiện xuất hiện trở lại tại một số vùng ven TP HCM Phóng viên: Cuối năm 2014, khi TP HCM thực hiện đề án đưa người nghiện...