Bàng hoàng khi học trò… xem nhẹ tính mạng
Mới đây dư luận không khỏi bàng hoàng khi nghe tin học trò dùng dao lam rạch tay để phản đối cô giáo, rồi một học trò khác vì làm mất tiền quỹ lớp đã tìm đến cái chết.
“Sức đề kháng” của học trò trước những khó khăn trong học tập, cuộc sống dường như đang ngày càng yếu ớt, dễ tổn thương đến mức người lớn… phải bàng hoàng lo lắng.
Đắng lòng học trò phản ứng bằng… cái chết
Mới đây xảy ra vụ việc em T.Y, học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi dùng dao lam rạch cổ tay ngay trong giờ học. Lý do là em Y phản ứng cách dạy của cô giáo dạy Sinh và lo lắng mình làm ảnh hưởng đến bạn bè cùng lớp.
Mục đích của Y. có thể là không muốn mình làm liên lụy đến các bạn trong lớp (cô giáo từ chối dạy thêm cho lớp vì xích mích với Y.), ở đây có thể do giáo viên (GV) còn thiếu sự khóe léo với học trò thế nhưng phản ứng dùng dao lam rạch tay của Y. vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng.
Việc học kiến thức vẫn đang “át” các kỹ năng tại các trường phổ thông.
Đau lòng hơn là trường hợp em C.T., HS Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi, TPHCM tìm đến cái chết vì làm mất tiền quỹ lớp không có trả. Vì làm mất 600 nghìn đồng, em sợ bạn bè cười chê, sợ bố mẹ rầy và không tìm được cách giải quyết khác, em đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Cái chết của em làm gia đình, thầy cô và bạn bè bè bàng hoàng trong nỗi đau tận cùng.
Đây không phải lần đầu chúng ta gặp tình trạng HS giải quyết khó khăn, ức chế trong cuộc sống và học tập bằng cái chết. Trước đó, đã có những sự việc tương tự xảy ra.
Đầu năm 2012, một nữ sinh ở Thái Bình đã nhảy lầu tự tử cũng trong giờ học khi bị cô la rầy và yêu cầu chép phạt. Sau đó không lâu, 3 nữ sinh học lớp 7 ở Đắk Nông cùng uống thuốc độc pha trong nước cam quyên sinh để rồi mọi người đoán già đón non lý do các em chết là làm mất sổ đầu bài.
Không chỉ trong mối quan hệ ở trường lớp, trong cuộc sống các em cũng có thể dễ dàng tìm đến cái chết vì các lý do như mâu thuẫn bạn bè, gặp khó khăn trong tình cảm tuổi mới lớn hay những khúc mắc với bố mẹ, mọi người xung quanh.
Video đang HOT
HS yếu kỹ năng ứng phó
ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, ở độ tuổi mới lớn, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, đôi khi lấn át cả quá trình ức chế nên các bạn trẻ dễ mất kiểm soát bản thân và có những hành động khó ngờ. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất với những vấp váp đầu đời và cũng là tuổi “ương ngạnh” nên với người lớn luôn có “dấu cách”.
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất theo ThS Khắc Hiếu là do các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, cảm thấy bế tắc vì không có kỹ năng giải quyết vấn đề nên dễ rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự kéo mình lên. Chỉ một lời phê bình của GV, hay mất mấy trăm nghìn tiền quỹ lớp, thi trượt đại học hay các lý do dường như rất nhỏ nhặt khác cũng đủ để nhiều bạn trẻ kết thúc cuộc sống của mình.
Học trò tại TPHCM tham gia vào chương trình kỹ năng thực hành xã hội do giáo viên tổ chức.
“Những lý do nhỏ nhặt đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, có thể giải quyết được nếu như được người lớn hướng dẫn. Nhưng không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng này cả. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao HS học rất nhiều bài vở, kiến thức nhưng những kỹ năng cơ bản nhất trong cuộc sống lại không có?”, thầy Hiếu xót xa.
Vị chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh, nếu không tự giải quyết được, các em cần biết cách chia sẻ, tìm đến sự trợ giúp của người khác cũng là cách giải quyết để tránh được những vụ tự tử thương tâm.
Nhiều người cũng bày tỏ, hiện nay không ít học trò được nuôi dưỡng như “gà công nghiệp”, không có cơ hội trải nghiệm, cọ xát với thực tế mà toàn được người lớn đứng ra làm và giải quyết hộ từ những việc nhỏ nhất. Điều cần thiết với các em là được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề đó chứ không phải là người khác làm thay để khi gặp sự cố để các em không phải lúng túng hay có suy nghĩ tiêu cực.
Theo thầy Nguyễn Thành Nhân – chuyên gia của Trung tâm đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương, hiện nay trẻ thiếu kỹ năng thực hành xã hội, được bố mẹ bao bọc nhưng lại thiếu đi sự chia sẻ với chính những người thân bên cạnh mình. Khi gặp những khúc mắc trong cuộc sống, không có kỹ năng giải quyết và cũng không có người để chia sẻ nên các em dễ co cụm, dẫn đến suy nghĩ bi quan.
Ngoài ra, nhiều trẻ thiếu khả năng chấp nhận sự thất bại và không được học cách vượt qua thất bại đó nên khi gặp vấn đề, các em có phản ứng tiêu cực như một cách để bảo vệ cái tôi của mình.
Những năm gần đây, ngành giáo dục đang từng bước thực hiện lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều “lỗ hổng” trong quá trình này như chưa có giáo trình căn bản, đội ngũ GV là “sản phẩm” của ngành giáo dục trước đó nên bản thân họ đôi khi cũng thiếu hụt kỹ năng sống và xử lý tình huống.
Cũng không thể không nhắc đến những tác động khách quan từ bên ngoài xã hội đến HS nên gia đình và nhà trường đều than việc giáo dục đạo đức, kỹ năng cho các em hiện nay là một bài toán cực kỳ khó.
Hoài Nam
Theo dân trí
Lạm thu ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia
Nhiều phụ huynh ở xã Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bức xúc khi Trường tiểu học Đông Hà tiến hành thu tiền đầu năm với 16 khoản thu, đặc biệt có khoản thu xây dựng nhà để xe nhiều khối lớp học trong nhiều năm qua.
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, đa phần các phụ huynh đều bức xúc về khoản thu tiền xây dựng nhà để xe với 80.000 đồng/học sinh (trường hợp một hộ có 2 con cùng học trong trường thì được giảm một học sinh), học phí và phụ đạo.
Với danh sách các khoản thu do phụ huynh cung cấp gồm tiền xây dựng nhà để xe (80.000 đồng), phụ đạo (50.000đ x 9 tháng), nước uống (20.000đ), tiền điện (20.000đ), quỹ lớp (10.000đ), học phí (60.000đ), khen thưởng (30.000đ), hoạt động đội (10.000đ), bảo vệ trực đêm và vệ sinh (20.000đ), bảo hiểm y tế (264.000đ), bảo hiểm thân thể (60.000đ), bảng tên và logo thêu trên đồng phục (21.000đ), ghế nhựa dùng ngồi chào cờ (15.000đ), quần áo thể dục (50.000đ), quần áo đồng phục (130.000đ) và kế hoạch nhỏ (7.000đ). Tổng số tiền trên 1,2 triệu đồng.
Các khoản tiền do phụ huynh ghi lại.
Khi PV Dân trí đề nghị nhà trường cung cấp danh sách các khoản thu đầu năm 2012-2013 vào chiều ngày 9/10, thầy Đặng Tấn Lực - hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà yêu cầu kế toán in danh sách các khoản thu chỉ gồm tiền hội phí (tức học phí) là 60.000 đồng/HS, quỹ khuyến học (khoản khen thưởng) với 30.000đ/HS, kế hoạch nhỏ (7.000đ/HS) và hoạt động đội (10.000đ/HS). Tổng 4 khoản thu là 107.000đ/HS mà nhà trường trình Hội đồng nhân dân xã Nghĩa Hà về dự kiến các khoản thu trong năm học.
Đáng lưu ý, Tờ trình HĐND xã trên còn nêu: "Để các hoạt động của nhà trường ổn định và sớm triển khai trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, đề nghị HĐND xã cho chủ trương để trường thực hiện nhiệm vụ năm học đạt hiệu quả".
Tờ trình với 4 khoản thu mà nhà trường cung cấp cho PV Dân trí.
Phụ huynh C. tâm sự: "Ở miền quê thuần nông thì lấy đâu nhiều tiền để đóng cho con như vậy. Điều chúng tôi bức xúc nhất là khoản thu để xây dựng nhà xe, trong khi có nhiều cháu ba mẹ chở đi học hoặc đi bộ mà lại thu toàn bộ HS trong trường".
Hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà cho biết: "Năm học 2012-2013, toàn trường có 318 HS với 10 lớp học. Nhà trường vinh dự đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011. Sắp tới trường tiến hành xây dựng nhà để xe cho HS từ nguồn kinh phí do Ban đại diện cha mẹ HS vận động, hiện nhà trường đang chờ ý kiến của UBND xã Nghĩa Hà".
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhà trường đã thông báo mức thu cụ thể là 80.000 đồng/HS từ ngày họp phụ huynh đầu năm học 2012-2013. Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thu và chi của Ban đại diện cha mẹ HS, nêu: "Thu theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, không quy định mức thu cụ thể cuối năm học kinh phí chưa sử dụng được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng".
Thế nhưng, khoản thu trên đều được giáo viên chủ nhiệm thông báo mức thu cụ thể đến phụ huynh HS và yêu cầu nộp các khoản thu đầu năm học 2012-2013.
Cũng là vấn đề thu tiền xây dựng nhà để xe cho HS, một phụ huynh có con đang học lớp 10 (đề nghị giấu tên) cho biết: "Lúc con tôi học ở Trường tiểu học Đông Hà cũng bị thu khoản tiền xây dựng nhà để xe, không chỉ một năm mà năm nào cũng vậy. Đến giờ, con tôi học cấp 3 rồi lại nghe nhiều phụ huynh khác bức xúc về việc thu khoản tiền này. Năm nào cũng thu toàn bộ HS gần 10 năm qua nhưng chẳng thấy đâu".
Tiền xây dựng nhà để xe là khoản thu tiêu biểu với danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ HS. Ngoài ra, Trường tiểu học Đông Hà còn vận dụng khoản thu gọi là tiền "học phí" và "phụ đạo".
Theo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, khoản thu bắt buộc gồm thu học phí, lệ phí thi tốt nghiệp nghề phổ thông và bảo hiểm y tế. Đối với khoản thu hộ, Sở quy định các khoản thu gồm bảo hiểm thân thể (đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc), mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS như tiền quần áo đồng phục, thể dục, phù hiệu,...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, các trường phổ thông áp dụng mức thu học phí theo Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 thì học sinh Trường tiểu học Đông Hà được áp dụng khung học phí ở khu vực nông thôn là 25.000 đồng/HS (2 buổi/ngày). Như vậy, với khoản thu học phí 60.000đ/HS (buổi sáng) và phụ đạo buổi chiều (50.000đ/HS) thì có gọi là "lạm thu" hay không?
Thầy Đặng Tấn Lực nói: "Buổi sáng, các em học theo chương trình đã quy định, còn buổi chiều chỉ phụ đạo cho các HS yếu và kém. Riêng thứ 6 là bồi dưỡng HS giỏi". Rõ ràng không phải HS nào cũng được học 2 buổi/ngày trong một tuần.
Ông Thái Văn Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi khẳng định: "Nếu ngành phát hiện trường nào lạm thu, tôi yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Trường hợp sai phạm thuộc về hiệu trưởng thì ban giám hiệu đó phải chịu án kỷ luật thích đáng".
Dự kiến, trong tháng 10 và 11/2012, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi phối hợp với các Phòng GD-ĐT và đơn vị liên quan tiến hành thanh tra các khoản thu, chi đầu năm ở các trường học trong toàn tỉnh.
Theo dân trí
Đề án dạy tiếng Nhật: Có thể tiến tới là ngoại ngữ 1 Chiều 8/10, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tiếp Công sứ Nhật bản Hidéo SuZuki. Nội dung của cuộc gặp mặt xoay quanh vấn đề triển khai Đề án dạy tiếng Nhật trong các nhà trường. Quang cảnh buổi gặp mặt Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam...