Băng cướp của Hiền “đầu bạc” Kỳ 3: Những kẻ liều lĩnh và tàn nhẫn
Sau lần bị công an tấn công vào tận hang ổ, Hiền tính chuyện phải rèn rũa băng nhóm, sẵn sàng chống trả mỗi khi vấp phải lực lượng CA nên ngoài số vũ khí cướp được, hắn trích một khoản tiền không nhỏ để mua súng đạn, dạy đồng bọn bắn súng.
Nhắc lại lần vào hang ổ bọn cướp ở bãi vàng năm đó. Khi tổ công tác vào tới hang Công Cộng thì bắt gặp tên Nguyễn Mạnh Hòa (tức Hòa đớ, em ruột Hiền “đầu bạc”, cũng là đối tượng hình sự vừa trốn trại), đang mang thuốc mìn lên hang Kịt. Tổ công tác nhanh chóng bắt giữ tên Hoà, dẫn giải xuống núi. Tin Hoà bị bắt đến tai Hiền đầu bạc. Hắn sai tên Thành toét dùng súng AK bắn trả công an còn bản thân vác một khẩu AK chạy lên đỉnh núi, chặn đường rút của tổ công tác, bắn uy hiếp và tuyên bố, nếu công an không thả tên Hòa thì sẽ bắn chết cả công an lẫn em trai hắn.
Lúc đó, CA đang dẫn tên Hoà đi lọt giữa hai trái núi, xung quanh chỉ có cây rừng lưa thưa, không thể ẩn nấp còn tên Hiền lại đứng trên đỉnh núi, lăm lăm khẩu súng AK đầy đạn. Sau khi hội ý, tổ công tác quyết định thả tên Hoà, rút lực lượng về để đảm bảo tính mạng cho dân, an toàn cho lực lượng CA làm nhiệm vụ. Bởi, trong hoàn cảnh địa hình như vậy, các anh khó có thể dẫn tên Hoà về được trụ sở CA an toàn đành phải thả Nguyễn Mạnh Hòa. Mãi đến tháng 4-1990, khi Hòa đớ về quê ở Cẩm Sơn, Cẩm Thủy thì bị bắt.
Video đang HOT
Các chiến sĩ CA bàn phương án tác chiến, tiêu diệt băng cướp Hiển “đầu bạc”
Sau lần bị công an tấn công vào tận hang ổ, Hiền tính chuyện phải rèn rũa băng nhóm, sẵn sàng chống trả mỗi khi vấp phải lực lượng CA nên ngoài số vũ khí cướp được, hắn trích một khoản tiền không nhỏ để mua súng đạn, dạy đồng bọn bắn súng. Tuy nhiên, kiểu cai trị của Hiền lại khiến hắn tự chuốc thêm nhiều thù hận bởi sự tàn nhẫn của hắn, sẵn sàng đánh chết kẻ nào dám trái lệnh hay cố ý giấu vàng đem ra ngoài bán.
Ngay cả với đám đệ tử, tên nào không làm vừa lòng hắn cũng bị “xử” chết trong khi Hiền lại tham lam vô độ, vàng do đám đệ tử “kiếm” về Hiền cho mình được quyền phân xử và bao giờ hắn cũng dành cho mình phần nhiều hơn. Chính kiểu “cai trị quân phiệt” của Hiền đã dẫn tới những mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ của chúng.
Nhiều tên đàn em trong đó có Lê Văn Chiến, một đối tượng hình sự cộm cán, kẻ đầu tiên giơ tay cứu vớt Hiền khi hắn vừa vượt ngục, lại bị Hiền đối xử không công bằng, luôn bị thua thiệt trong các lần đi cướp, liền bàn với Trịnh Văn Sỹ tức Sỹ giao, tìm cơ hội để khử Hiền và đám thân cận để soán ngôi tướng. Mờ sáng ngày 2-4-1990, khi Hiền và đám đệ tử còn đang mê mệt trong giấc ngủ thì Chiến và Sỹ Giao giắt theo súng K54 bất ngờ đến lán Hiền đầu bạc, Thành côi, Thành toét ở hang Mó, đứng trước cửa lán tuyên bố: “Hôm nay, tao sẽ bắn chết chúng mày!”.
Sau câu tuyên bố, Chiến dùng súng K54 bắn một phát vào ngực Thành côi làm tên này bị thương nặng thế nhưng điều không may đã xảy ra với Chiến khi tên này định bắn tiếp phát thứ hai thì súng hóc đạn. Nhờ vậy, Thành toét lao vào quật ngã tên Chiến xuống đất để cướp khẩu súng trên tay Chiến. Cả hai vật lộn nhau và cùng ngã từ lán xuống hố nước cạnh đó. Thấy vậy, Hiền lấy súng ra bắn Sỹ giao làm tên này sợ quá bỏ trốn.
Khi Chiến lăn xuống hố nước chưa kịp đứng dậy, tên Hiền gí súng AK vào đùi trái Chiến bóp cò, bắn liền ba phát làm vỡ toang đùi Chiến. Không còn nhớ, Chiến chính là kẻ xưa kia từng bước đưa Hiền từ kẻ vừa trốn khỏi trại giam Thanh Phong, trở thành tướng cướp, uy hiếp các chủ bưởng trong bãi, Hiền chỉ còn nghĩ chuyện phải giết chết Chiến nhưng không phải bằng súng. Ném khẩu súng vẫn còn rất nhiều đạn sang bên cạnh, Hiền lấy gậy ô rô quật vào đầu Chiến cho tới khi gã này chết hẳn.
Sau khi trừng trị đẫm máu kẻ dám nổi loạn, Hiền sai em trai là Hòa đớ cùng một số tay chân đưa Thành côi đi cấp cứu tại Bệnh viện Hà Sơn Bình. Sau khi được các bác sỹ băng bó vết thương xong, Thành côi lập tức cùng đồng bọn bỏ trốn khỏi bệnh viện và lén lút đến nhà ông Phạm Như Lai, cậu ruột Hiền bạc ở phố Lò Sũ, Hà Nội, ẩn náu và chữa trị vết thương.
Em trai cùng tên đàn em bị thương đi rồi, Hiền và Thành toét xách súng sang lán của anh Lê Mạnh Hùng, quê ở Hà Sơn Bình, bắt dẫn đường cho chúng đi tắt qua rừng về Hà Sơn Bình. Đi đến thị trấn Mai Châu (Hòa Bình), Thành toét bị lực lượng CA bắt cùng khẩu súng K54 mà y đã lấy của tên Chiến và ba gói vàng mạt khoảng hai cây mà theo lời khai của Thành, đó cũng là vàng của Hiền bạc. Hiền may mắn chạy thoát, trốn về ẩn náu tại nhà cậu ở Hà Nội (nơi Thành côi đang điều trị vết thương).
Hiền và đám tay chân thân tín đi rồi, đám đệ tử của Chiến mới dám đưa xác kẻ xấu số này về quê ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), chôn cất. Tại nghĩa trang, cả nhóm cắt máu ăn thề, hứa sẽ trả thù cho chủ nhưng tuyệt nhiên không ai, kể cả người nhà của Chiến có đơn trình báo cơ quan CA. Mặc dù không được trình báo nhưng qua các nguồn tin, CA tỉnh Thanh Hóa đã biết được nguyên do nên ngày 27-5-1990 đã thành lập Hội đồng khám nghiệm, khai quật tử thi Lê Văn Chiến để giám định và kết luận y chết do bị bắn vỡ đùi trái, vỡ động mạch chủ làm mất máu, dẫn đến trụy tim mạch.
Trung tuần tháng 4-1990, khi Thành côi được chữa khỏi vết thương, anh em Hiền – Hòa cùng Thành ở lại Hà Nội ăn chơi, tiêu hết tám cây vàng trong vòng một tuần, rồi rủ nhau quay về hang Kịt. Thấy tên “chủ bưởng của các bưởng vàng”, “đầu gấu của các đầu gấu, đầu bò” dẫn đàn em quay lại bãi vàng, tất cả các hội đào vàng khác trong khu Kịt Toong Hoong đều bỏ chạy. Hiền xách súng AK, tổ chức đồng bọn đến tất cả các lán của các hội đào vàng lấy gạo, thực phẩm, quần áo, đạn dược và đồ dùng khác đem về lán của y ở khu vực hang Dong, tiếp tục con đường làm tướng cướp nơi bãi vàng. Chính trong thời gian này, Hiền cũng đã si mê một cô gái đẹp nổi tiếng trong vùng. Chuyện hỏi vợ của hắn cũng đặc biệt không kém gì tính cách của y, và cũng chẳng có tên cướp nào xử sự như vậy!
Theo Pháp Luật XH
Băng cướp của Hiền "đầu bạc", Kỳ 2: Trốn trại, lên núi
Bị bắt đúng thời điểm bãi vàng đang nhộn nhịp, đông đúc, những ngày nằm trại, Hiền tiếc mãi và quyết tâm sớm quay lại đó để rửa hận. Thụ án được khoảng một năm tại Trại cải tạo Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa...
Pù Luông nhộn nhịp khi đội quân đào vàng từ khắp nơi kéo đến mỗi ngày một đông với không ít những kẻ ăn theo cùng đủ các loại dịch vụ, đến cả thuốc phiện, gái bán dâm. Những cái hang nằm sâu trong núi bắt đầu có tên, được thợ đào vàng đặt theo từng đặc điểm riêng như: Hang Đỏ, hang Mõm Chó, hang Công Cộng, hang Bương, hang Kịt... Dẫu phức tạp, ô hợp nhưng những vụ việc xảy ra ở đây cũng chỉ là vặt vãnh, chủ yếu là tranh chấp nhỏ hoặc thiệt mạng cũng vì núi lở, sập hầm, còn ai cũng hùng hục đào đãi, gom góp lấy từng vụn vàng với mong muốn kiếm thật nhanh, đào thật nhiều, có tí "đỏ" mang về là chuồn khỏi nơi đầy cạm bẫy, hiểm nguy này.
Đến năm 1988, tại các bãi đào vàng trong khu vực bỗng xuất hiện một thanh niên nom rất thư sinh. Đó chính là Hiền "đầu bạc". Hiền đến đây không phải để đào như những người khác mà gã đến để cướp tiền, hàng, vàng của dân đào vàng lẫn người bán hàng trong khu vực Son Bá Mười. Không lâu sau, Hiền "đầu bạc" bị CA bắt và bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 8 năm tù giam về tội trộm, cướp tài sản công dân.
Các đối tượng trong băng cướp và vũ khí CQĐT thu được
Cuộc đào tẩu của Hiền "đầu bạc"
Bị bắt đúng thời điểm bãi vàng đang nhộn nhịp, đông đúc, những ngày nằm trại, Hiền tiếc mãi và quyết tâm sớm quay lại đó để rửa hận. Thụ án được khoảng một năm tại Trại cải tạo Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa, trong một lần ra ruộng lao động, Hiền tình cờ nhặt được một lưỡi cưa sắt đã gãy chỉ còn một đoạn dài bằng ngón tay cái. Ý nghĩ trốn trại loé lên, Hiền lựa lúc quản giáo không nhìn thấy, giấu nhẹm vào gấu quần, mang về phòng giam.
Sau đó, Hiền đã bàn với ba phạm nhân trong buồng giam là Lê Văn Thành (tức Thành "toét"), phạm tội trộm cắp tài sản công dân, án phạt 34 tháng tù giam; Cao Hải Chi, án xử 8 năm tù giam tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và Nguyễn Văn Kim, án tập trung cải tạo 3 năm, cùng nhau tìm cách trốn trại. Vì là kẻ có học, nên Hiền rất ma mãnh, bảo những kẻ cùng ý định là không cưa ngang song sắt mà cưa sát phần cắm vào tường xây phía trên, quản giáo có vào kiểm tra rất khó phát hiện, vì lầm tưởng đó là phần giao nhau giữa chấn song sắt với phần vữa tường.
Đến đêm 26-12-1989, sau khi 2 song sắt được cắt rời, lợi dụng sơ hở của quản giáo, Hiền và đồng bọn đã bẻ chấn song sắt trên cửa sổ buồng giam số 1, bỏ trốn. Trốn khỏi trại giam, Hiền quay lại bãi đào vàng, nơi mà y và đồng bọn đã "làm ăn" trước đó để ẩn náu và tiếp tục cướp bóc. Còn Cao Hải Chi và Nguyễn Văn Kim trốn một mạch đến nay, dù đã có lệnh truy nã khắp nơi nhưng CA Thanh Hóa vẫn chưa bắt lại được. Vì không biết đi đâu, nên Lê Văn Thành xin được đi theo Hiền "đầu bạc".
Tiếp tục gây tội ác
Tại bãi vàng, Hiền và Lê Văn Thành nhanh chóng cùng với Lê Văn Chiến, Nguyễn Quang Thành (tức Thành "côi") cũng là những đối tượng hình sự cộm cán, từng đi tù và trốn trại lập thành băng cướp, cưỡng ép những người đi đào đãi vàng phải "nhập hội" và đào vàng nộp cho chúng. Hiền "đầu bạc" trực tiếp đứng ra chỉ huy, điều hành tất cả mọi việc. Hiền phong Thành "toét", Thành "côi" là "sĩ quan", mỗi tên trông coi một đội đào vàng, còn mình thì chỉ huy chung.
Chúng chọn khu vực Kịt Toong Hoong, nơi có nhiều vàng nhất làm "đại bản doanh". Kịt Toong Hoong nằm sâu trong thung lũng. Muốn vào đến nơi phải trèo qua một quả núi rồi men theo con suối cạn đến một hang đá. Muốn đào được vàng phải chui vào hang bằng cách bò sấp, rồi phải lặn qua một vũng nước sâu. Chỉ có người sức khỏe tốt mới dám vào.
Khi đã sang bờ bên kia, chỉ cần xúc vài xẻng đất mang ra cũng kiếm được vàng, có khi trong vài xẻng đất ấy có tới hàng cây vàng. Chính vì thế mà nhiều người mong được đổi đời đã liều mạng vào Kịt Toong Hoong để rồi không ít người đã vĩnh viễn phải nằm lại đây hoặc mang thương tật suốt đời...
Khi đã trở thành tướng cướp đội lốt chủ bưởng vàng, quy tập những phu vàng làm việc dưới trướng của mình, Hiền bắt đầu tìm cách moi sạch những đồng tiền cuối cùng của họ nên tính chuyện thành lập những dịch vụ ăn theo để cho những kẻ đào vàng này giải trí. Hắn lập ra một quán bán hàng, giao cho tên Thành côi trực tiếp cùng Hiền phụ trách.
Đây là một trạm liên hoàn, vừa có chức năng như một ngân hàng, vừa là quán tạp hoá bán đủ những nhu yếu phẩm. Sau khi quán hàng này xuất hiện, Hiền bắt những người đào vàng phải vào đây đổi vàng cho chúng với giá rẻ mạt để lấy gạo, rượu, thịt, bia, thuốc lá.
Cung cấp những thứ nhu yếu phẩm cho cửa hàng của Hiền là những người ở Thanh Hóa, Hà Sơn Bình lên đây buôn bán, bị Hiền cho đàn em tới ép phải bán lại cho chúng với giá rẻ. Ngoài việc bóc lột tới nhẵn túi các phu vàng dưới trướng, Hiền còn cho đàn em trà trộn vào đám phu vàng, đến các lán trại khác xin làm thuê để dò la thám thính xem lán nào có vàng, tiền, vũ khí thì tổ chức đánh cướp.
Điển hình như vụ đột nhập lán của Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng "chư") ở xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cướp của hội này 2 khẩu 2 AK, hai băng tiếp đạn có 60 viên, vụ việc xảy ra rạng sáng một ngày đầu tháng 3-1990. Hôm đó, sau khi nghe đám đệ tử thám thính về báo lán của Dũng "chư" có 2 khẩu AK còn mới, Hiền tìm cách vẽ được sơ đồ cách bố trí nơi ăn ngủ của Dũng "chư" rồi cùng Thành "toét" xách súng K54 tổ chức đột nhập bất ngờ vào lán của Dũng cướp vũ khí. Ngay sau khi lấy được súng của Dũng chư, hai tên lại tiếp tục đột nhập vào lán Sơn Sâm, quê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, lấy đi một súng K54 có 8 viên đạn.
Có súng, bọn chúng tiếp tục sử dụng vào hoạt động phạm tội khác như vụ cướp ngày 8-3-1990, Hiền còn sai Thành toét, Trịnh Văn Sĩ (tức Sĩ "giao") cùng một số tên khác đem súng K54, AK đến lán của anh Phó Đức Chính, quê ở phường Chăm Mát, thị xã Hoà Bình, đe dọa, cướp đi 3 bộ quần áo bò, 1 áo Nato, 3 đèn pin, 2 bộ quần áo kaki Trung Quốc, 2 áo bay Liên Xô và 2 vỏ chăn - những vật dụng rất có giá thời đó.
Xong xuôi, cả bọn lại tiếp tục dùng súng bắn thị uy và xông vào lán của hai anh Phạm Xuân Thiện, Lê Mạnh Hùng, quê ở thị xã Hòa Bình, cướp đi 2,6 chỉ vàng, 4 quần bò, 2 áo phông, 2 áo mút, 5 đèn pin Trung Quốc, 30 gói thuốc lá các loại, 1 cassette Trung Quốc, 1 cassette của Nhật. Cướp được tài sản, bọn chúng đem về lán ở cùng tên Hiền sử dụng. Vài ngày sau, thấy không tiện trong việc làm ăn, Hiền "đầu bạc" gọi anh Hùng lên trả lại chiếc cassette Trung Quốc, còn chiếc cassette của Nhật y dùng cho đến khi bị bắt...
Trước tình hình trật tự trị an trên bãi vàng ngày càng diễn biến phức tạp, bọn tội phạm hình sự trốn trại đã tụ tập thành ổ nhóm do tên Nguyễn Mạnh Hiền (tức Hiền "đầu bạc") cầm đầu và hoạt động phạm tội ngày càng táo tợn, ngày 28-3-1990, một tổ công tác của Phòng CSHS CA Thanh Hóa được lệnh kết hợp với CA huyện Bá Thước lên bãi vàng ở khu vực hang Công Cộng bắt các đối tượng hình sự đang có lệnh truy nã. Khi tổ công tác vừa xuất hiện, Nguyễn Mạnh Hiền cùng Lê Văn Thành dùng súng AK, K54 bắn trả quyết liệt. Cũng chính hôm đó, khi nhìn thấy em ruột bị lực lượng CA dẫn giải, đứng trên núi, Hiền tuyên bố sẽ sẵn sàng mạng đổi mạng nếu không thả em hắn ra.
Kỳ sau: Liều mạng ngu xuẩn
Theo Pháp Luật XH
Băng cướp của Hiền "đầu bạc" Kỳ 1: Vì câu nói bóng gió... Đã hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày tướng cướp Hiền "đầu bạc" bị xử bắn trên núi Hàm Rồng, nhiều người dân xứ Thanh vẫn còn nhắc đến tên tướng cướp tàn ác này. Có người còn kể rằng, ngày Hiền "đầu bạc" bị xử bắn, đám đệ tử của y cứ lảng vảng bên ngoài trường bắn và đánh tiếng...