Băng cướp của Hiền “đầu bạc”, Kỳ 2: Trốn trại, lên núi
Bị bắt đúng thời điểm bãi vàng đang nhộn nhịp, đông đúc, những ngày nằm trại, Hiền tiếc mãi và quyết tâm sớm quay lại đó để rửa hận. Thụ án được khoảng một năm tại Trại cải tạo Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa…
Pù Luông nhộn nhịp khi đội quân đào vàng từ khắp nơi kéo đến mỗi ngày một đông với không ít những kẻ ăn theo cùng đủ các loại dịch vụ, đến cả thuốc phiện, gái bán dâm. Những cái hang nằm sâu trong núi bắt đầu có tên, được thợ đào vàng đặt theo từng đặc điểm riêng như: Hang Đỏ, hang Mõm Chó, hang Công Cộng, hang Bương, hang Kịt… Dẫu phức tạp, ô hợp nhưng những vụ việc xảy ra ở đây cũng chỉ là vặt vãnh, chủ yếu là tranh chấp nhỏ hoặc thiệt mạng cũng vì núi lở, sập hầm, còn ai cũng hùng hục đào đãi, gom góp lấy từng vụn vàng với mong muốn kiếm thật nhanh, đào thật nhiều, có tí “đỏ” mang về là chuồn khỏi nơi đầy cạm bẫy, hiểm nguy này.
Đến năm 1988, tại các bãi đào vàng trong khu vực bỗng xuất hiện một thanh niên nom rất thư sinh. Đó chính là Hiền “đầu bạc”. Hiền đến đây không phải để đào như những người khác mà gã đến để cướp tiền, hàng, vàng của dân đào vàng lẫn người bán hàng trong khu vực Son Bá Mười. Không lâu sau, Hiền “đầu bạc” bị CA bắt và bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 8 năm tù giam về tội trộm, cướp tài sản công dân.
Các đối tượng trong băng cướp và vũ khí CQĐT thu được
Cuộc đào tẩu của Hiền “đầu bạc”
Bị bắt đúng thời điểm bãi vàng đang nhộn nhịp, đông đúc, những ngày nằm trại, Hiền tiếc mãi và quyết tâm sớm quay lại đó để rửa hận. Thụ án được khoảng một năm tại Trại cải tạo Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa, trong một lần ra ruộng lao động, Hiền tình cờ nhặt được một lưỡi cưa sắt đã gãy chỉ còn một đoạn dài bằng ngón tay cái. Ý nghĩ trốn trại loé lên, Hiền lựa lúc quản giáo không nhìn thấy, giấu nhẹm vào gấu quần, mang về phòng giam.
Sau đó, Hiền đã bàn với ba phạm nhân trong buồng giam là Lê Văn Thành (tức Thành “toét”), phạm tội trộm cắp tài sản công dân, án phạt 34 tháng tù giam; Cao Hải Chi, án xử 8 năm tù giam tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và Nguyễn Văn Kim, án tập trung cải tạo 3 năm, cùng nhau tìm cách trốn trại. Vì là kẻ có học, nên Hiền rất ma mãnh, bảo những kẻ cùng ý định là không cưa ngang song sắt mà cưa sát phần cắm vào tường xây phía trên, quản giáo có vào kiểm tra rất khó phát hiện, vì lầm tưởng đó là phần giao nhau giữa chấn song sắt với phần vữa tường.
Đến đêm 26-12-1989, sau khi 2 song sắt được cắt rời, lợi dụng sơ hở của quản giáo, Hiền và đồng bọn đã bẻ chấn song sắt trên cửa sổ buồng giam số 1, bỏ trốn. Trốn khỏi trại giam, Hiền quay lại bãi đào vàng, nơi mà y và đồng bọn đã “làm ăn” trước đó để ẩn náu và tiếp tục cướp bóc. Còn Cao Hải Chi và Nguyễn Văn Kim trốn một mạch đến nay, dù đã có lệnh truy nã khắp nơi nhưng CA Thanh Hóa vẫn chưa bắt lại được. Vì không biết đi đâu, nên Lê Văn Thành xin được đi theo Hiền “đầu bạc”.
Tiếp tục gây tội ác
Video đang HOT
Tại bãi vàng, Hiền và Lê Văn Thành nhanh chóng cùng với Lê Văn Chiến, Nguyễn Quang Thành (tức Thành “côi”) cũng là những đối tượng hình sự cộm cán, từng đi tù và trốn trại lập thành băng cướp, cưỡng ép những người đi đào đãi vàng phải “nhập hội” và đào vàng nộp cho chúng. Hiền “đầu bạc” trực tiếp đứng ra chỉ huy, điều hành tất cả mọi việc. Hiền phong Thành “toét”, Thành “côi” là “sĩ quan”, mỗi tên trông coi một đội đào vàng, còn mình thì chỉ huy chung.
Chúng chọn khu vực Kịt Toong Hoong, nơi có nhiều vàng nhất làm “đại bản doanh”. Kịt Toong Hoong nằm sâu trong thung lũng. Muốn vào đến nơi phải trèo qua một quả núi rồi men theo con suối cạn đến một hang đá. Muốn đào được vàng phải chui vào hang bằng cách bò sấp, rồi phải lặn qua một vũng nước sâu. Chỉ có người sức khỏe tốt mới dám vào.
Khi đã sang bờ bên kia, chỉ cần xúc vài xẻng đất mang ra cũng kiếm được vàng, có khi trong vài xẻng đất ấy có tới hàng cây vàng. Chính vì thế mà nhiều người mong được đổi đời đã liều mạng vào Kịt Toong Hoong để rồi không ít người đã vĩnh viễn phải nằm lại đây hoặc mang thương tật suốt đời…
Khi đã trở thành tướng cướp đội lốt chủ bưởng vàng, quy tập những phu vàng làm việc dưới trướng của mình, Hiền bắt đầu tìm cách moi sạch những đồng tiền cuối cùng của họ nên tính chuyện thành lập những dịch vụ ăn theo để cho những kẻ đào vàng này giải trí. Hắn lập ra một quán bán hàng, giao cho tên Thành côi trực tiếp cùng Hiền phụ trách.
Đây là một trạm liên hoàn, vừa có chức năng như một ngân hàng, vừa là quán tạp hoá bán đủ những nhu yếu phẩm. Sau khi quán hàng này xuất hiện, Hiền bắt những người đào vàng phải vào đây đổi vàng cho chúng với giá rẻ mạt để lấy gạo, rượu, thịt, bia, thuốc lá.
Cung cấp những thứ nhu yếu phẩm cho cửa hàng của Hiền là những người ở Thanh Hóa, Hà Sơn Bình lên đây buôn bán, bị Hiền cho đàn em tới ép phải bán lại cho chúng với giá rẻ. Ngoài việc bóc lột tới nhẵn túi các phu vàng dưới trướng, Hiền còn cho đàn em trà trộn vào đám phu vàng, đến các lán trại khác xin làm thuê để dò la thám thính xem lán nào có vàng, tiền, vũ khí thì tổ chức đánh cướp.
Điển hình như vụ đột nhập lán của Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng “chư”) ở xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cướp của hội này 2 khẩu 2 AK, hai băng tiếp đạn có 60 viên, vụ việc xảy ra rạng sáng một ngày đầu tháng 3-1990. Hôm đó, sau khi nghe đám đệ tử thám thính về báo lán của Dũng “chư” có 2 khẩu AK còn mới, Hiền tìm cách vẽ được sơ đồ cách bố trí nơi ăn ngủ của Dũng “chư” rồi cùng Thành “toét” xách súng K54 tổ chức đột nhập bất ngờ vào lán của Dũng cướp vũ khí. Ngay sau khi lấy được súng của Dũng chư, hai tên lại tiếp tục đột nhập vào lán Sơn Sâm, quê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, lấy đi một súng K54 có 8 viên đạn.
Có súng, bọn chúng tiếp tục sử dụng vào hoạt động phạm tội khác như vụ cướp ngày 8-3-1990, Hiền còn sai Thành toét, Trịnh Văn Sĩ (tức Sĩ “giao”) cùng một số tên khác đem súng K54, AK đến lán của anh Phó Đức Chính, quê ở phường Chăm Mát, thị xã Hoà Bình, đe dọa, cướp đi 3 bộ quần áo bò, 1 áo Nato, 3 đèn pin, 2 bộ quần áo kaki Trung Quốc, 2 áo bay Liên Xô và 2 vỏ chăn – những vật dụng rất có giá thời đó.
Xong xuôi, cả bọn lại tiếp tục dùng súng bắn thị uy và xông vào lán của hai anh Phạm Xuân Thiện, Lê Mạnh Hùng, quê ở thị xã Hòa Bình, cướp đi 2,6 chỉ vàng, 4 quần bò, 2 áo phông, 2 áo mút, 5 đèn pin Trung Quốc, 30 gói thuốc lá các loại, 1 cassette Trung Quốc, 1 cassette của Nhật. Cướp được tài sản, bọn chúng đem về lán ở cùng tên Hiền sử dụng. Vài ngày sau, thấy không tiện trong việc làm ăn, Hiền “đầu bạc” gọi anh Hùng lên trả lại chiếc cassette Trung Quốc, còn chiếc cassette của Nhật y dùng cho đến khi bị bắt…
Trước tình hình trật tự trị an trên bãi vàng ngày càng diễn biến phức tạp, bọn tội phạm hình sự trốn trại đã tụ tập thành ổ nhóm do tên Nguyễn Mạnh Hiền (tức Hiền “đầu bạc”) cầm đầu và hoạt động phạm tội ngày càng táo tợn, ngày 28-3-1990, một tổ công tác của Phòng CSHS CA Thanh Hóa được lệnh kết hợp với CA huyện Bá Thước lên bãi vàng ở khu vực hang Công Cộng bắt các đối tượng hình sự đang có lệnh truy nã. Khi tổ công tác vừa xuất hiện, Nguyễn Mạnh Hiền cùng Lê Văn Thành dùng súng AK, K54 bắn trả quyết liệt. Cũng chính hôm đó, khi nhìn thấy em ruột bị lực lượng CA dẫn giải, đứng trên núi, Hiền tuyên bố sẽ sẵn sàng mạng đổi mạng nếu không thả em hắn ra.
Kỳ sau: Liều mạng ngu xuẩn
Theo Pháp Luật XH
Băng cướp của Hiền "đầu bạc" Kỳ 1: Vì câu nói bóng gió...
Đã hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày tướng cướp Hiền "đầu bạc" bị xử bắn trên núi Hàm Rồng, nhiều người dân xứ Thanh vẫn còn nhắc đến tên tướng cướp tàn ác này.
Có người còn kể rằng, ngày Hiền "đầu bạc" bị xử bắn, đám đệ tử của y cứ lảng vảng bên ngoài trường bắn và đánh tiếng rằng, nếu ai lấy được xác Hiền đem về cho chúng sẽ đổi lấy vàng ngang trọng lượng tên cướp. Nói đến tướng cướp Hiền "đầu bạc" ở Thanh Hóa trước đây thì có lẽ nhiều người vẫn nhớ. Ngoài sự đa nghi, tàn ác với ngay cả đồng bọn dưới trướng, Hiền còn là "tướng cướp có chữ" bởi y đang học dở năm thứ ba Đại học Kinh tế Quốc dân, bị đuổi.
Thông minh, học giỏi nhưng khi bước chân đến giảng đường, thấy bạn bè súng sính quần nọ, giày kia nên Hiền đã mặc cảm với thân phận của mình. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà Hiền luôn ra vẻ ta đây là người am hiểu, chịu chơi, trong cuộc chơi nào cũng thể hiện là người nổi trội. Thâm tâm, Hiền rất sợ ai đó nói đúng "chân tướng" nghèo nàn của mình. Và điều Hiền lo sợ đã đến khi một lần anh ta cùng đám bạn ra quán chè chén uống, chẳng biết Hiền "nổ" câu gì mà bị bà hàng nước mắng: "Đúng là đồ nhà quê".
Sững người trong giây lát trước câu nhiếc của bà bán nước, khuôn mặt Hiền từ đỏ bừng rồi tái dần trước ánh mắt dò xét nửa như giễu cợt của đám bạn. Từ xấu hổ, Hiền cảm thấy nhục nhã và rồi y trở nên hung hăng, cục súc, hễ không vừa lòng điều gì là chửi bới, văng tục, thậm chí dùng cả nắm đấm để giải quyết. Năm 1986, do cầm đầu một vụ đánh nhau, Hiền đã bị đuổi học khi đang là sinh viên năm thứ ba.
Bị đuổi học, Hiền không dám ở lại quê nhà đã khoác ba lô đi tìm nơi kiếm sống. Thời điểm đó, người dân đổ xô lên núi Pù Luông để đào vàng, Hiền đã gia nhập đội quân đó.
Ngày đó Pù Luông nổi tiếng là một khu rừng hoang sơ của hệ sinh thái núi đá vôi trải dài từ Mai Châu của tỉnh Hòa Bình nối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn và Vườn quốc gia Cúc Phương, tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ. Hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về đây đào vàng với hy vọng đổi đời. Có thời điểm mỗi ngày tới 3 - 4 ngàn người đến đào đãi vàng, biến vùng núi hoang dã này trở thành trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều vụ cướp của, giết người, tai nạn chết người xảy ra liên tục nơi đây.
Theo một số chủ bưởng vàng giờ đã giải nghệ thì ngày ấy, lên Bá Thước đào vàng giàu lên cũng rất nhanh nhưng cũng rất dễ bỏ mạng. Vàng cám lẫn vào bùn đất, bám lấp lánh dưới các khe suối nhưng đã vào tới nơi thâm sơn cùng cốc này thì chẳng ai dại gì phí sức để đãi lấy vài cái vẩy vàng. Ai cũng muốn đãi vàng sa khoáng và để làm được điều đó, thợ đào vàng men theo những triền đá lấp lánh vảy vàng để đào len lỏi như hang chuột, sâu xuống lòng đất hàng trăm mét.
Mỗi hang đủ lọt một người chui xuống theo chiều thẳng đứng. Thợ đào vàng xuống dưới bằng ròng rọc hoặc đu dây và cứ thế khoét đất sâu vào lòng đất, bốc, vét được bao nhiêu đất thì chuyển lên cho người bên trên. Càng vào sâu trong lòng đất thì càng thiếu không khí nên người ta phải dùng những chiếc bơm nén khí, ròng ống xuống. Nhiều vụ chết người do ngạt thở đã xảy ra, chưa kể đến việc sập hầm, đánh nhau, tranh giành lãnh địa, hầu như ngày nào cũng có. Nhưng sức hút của vàng dưới lòng đất nơi đây vẫn mạnh mẽ hơn rất nhiều, nên đội quân đi tìm sự giàu có từ vàng vẫn ùn ùn kéo vào đây.
Là kẻ thông minh, có học nên chỉ vài hôm đặt chân vào bãi vàng, Hiền đã nghĩ phải làm cách nào kiếm được nhiều vàng mà không phải tốn sức, không phải làm phu phen cho người khác sai khiến. Để làm chuyện này chỉ có đi cướp và với mồm mép vốn có, Hiền nhanh chóng tụ tập được những kẻ côn đồ trên địa bàn lập thành nhóm ô hợp, chuyên chặn đường những người lao động, người dân nơi khác tới làm ăn buôn bán ở bãi vàng để cướp tiền bạc, tài sản.
Kiếm vàng nơi rừng thiêng nước độc đã khó, ra khỏi bìa rừng, họ lại chạm trán toán cướp của Hiền "đầu bạc" nên nhiều người cảm thấy ngán! Ít lâu sau, Hiền đầu bạc bị CA Thanh Hóa bắt về tội trộm, cướp tài sản công dân, và bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 8 năm tù giam. Thế nhưng, chỉ một năm sau, tên cướp ngày nào ấy lại quay lại, biến cả vùng đào vàng này trở thành mảnh đất hắn tác oai, tác quái!
Kỳ 2: Trốn trại, lên núi lập băng cướp
Theo Pháp Luật XH
Chuyện "nghề" của các nữ quái tuổi Teen Chưa qua tuổi trăng tròn nhưng thành tích bất hủ của các nữ quái luôn khiến các bậc "đàn anh, đàn chị" nể phục. Chân dung 2 nữ quái tuổi Teen Kiều nữ tuổi teen thành "Đại ca"của băng cướp Nhiều người bảo, con bé Dung xinh xắn, ngoan ngoãn, chắc lớn lên sẽ tốt phước lắm. Thế nhưng, người biết chút ít...