‘Bằng chứng thép’ mơ hồ của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin về một cuốn sách có niên đại 600 năm chứa những ghi chép cổ xưa về Biển Đông nhưng thực tế chưa ai được nhìn thấy tài liệu này.
Các tàu cá Trung Quốc đậu tại cảng Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, hôm 5/4. Ảnh:Reuters
Phóng viên John Sudworth từ BBC mới đây có dịp đến đảo Hải Nam, Trung Quốc để tìm hiểu cách mà chính phủ nước này tuyên truyền nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Theo Sudworth, Hải Nam là nơi mà dường như mọi hoạt động đều phục vụ cho mục đích trên, từ chính sách quân sự cho đến ngư nghiệp hay du lịch. Nhưng lý do trực tiếp dẫn nhóm công tác của BBC tới đây xuất phát từ thông tin mà báo chí Trung Quốc đăng tải, liên quan tới sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt: Cuốn cổ thư 600 năm tuổi chứa các bằng chứng quan trọng về lợi ích nước này trên Biển Đông.
‘Bằng chứng thép’
Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng cuốn sách thuộc quyền sở hữu của một ngư dân đã nghỉ hưu tên Su Chengfen, được cho là chứa những ghi chép hướng dẫn định vị trên biển từ thời xưa lưu truyền tới nay. Phạm vi của nó trải rộng tới cả những bãi đá hay rạn san hô tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đó hàng trăm hải lý.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “vùng biển lịch sử”. Vì thế, cuốn sách của ông Su, nếu là thật, rõ ràng sẽ trở thành một “bằng chứng thép” của nước này, như những gì mà truyền thông địa phương miêu tả, Sudworth bình luận.
Sudworth tới gặp ngư dân Su khi người đàn ông 81 tuổi này đang bận rộn đóng một con thuyền ở sân trước, cách biển không xa.
“Nó truyền từ đời này qua đời khác”, ông nói khi được hỏi về cuốn sách cổ. “Từ đời ông, tới đời cha rồi tới tôi”.
“Nó chủ yếu hướng dẫn chúng tôi cách đi lại, làm sao để đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bằng cách nào để quay về đảo Hải Nam”, ông Su cho hay.
Nhưng khi Sudworth đề nghị Su cho xem sách, ông lại nói rằng cuốn cổ thư hiện không tồn tại.
“Dù cuốn sách quan trọng nhưng tôi đã vứt nó đi vì nó bị hỏng rồi”, ông giải thích. “Tôi lật giở nó quá nhiều. Nước biển mặn trên đôi tay đã ăn mòn nó… Cuối cùng, tôi không thể đọc nổi nó nữa nên quyết định vứt đi”.
“Bất kể ông Su có lý giải thế nào thì cuốn sách lúc này dường như không còn có khả năng là ‘bằng chứng thép’ của bất kỳ thứ gì nữa”, Sudworth nhấn mạnh. Thay vào đó, nó chỉ cho thấy sự lúng túng của truyền thông nhà nước Trung Quốc trong việc cung cấp những thông tin nhằm chứng minh cho tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Video đang HOT
Ông Su Chengfen. Ảnh cắt từ video
Cuộc chiến tuyên truyền
Cả đoàn rời nhà ông Su để tiếp tục hành trình khám phá đảo Hải Nam và chứng kiến cách mà chính quyền địa phương kiểm soát những thông điệp liên quan đến Biển Đông.
“Những chiếc xe màu đen của nhà chức trách bám theo chúng tôi tới mọi địa điểm, từ bến cảng nơi chúng tôi cố gắng phỏng vấn ngư dân cho tới chợ cá nơi chúng tôi nói chuyện với những người buôn bán tại đây hay cả lúc chúng tôi trở về khách sạn”, Sudworth kể.
“Sự chú ý như vậy có lẽ là không cần thiết bởi hầu như tất cả những người chúng tôi tiếp cận đều không muốn nói chuyện”, ông cho hay.
Theo Sudworth, những người đồng ý phỏng vấn thì chỉ lặp lại những tuyên bố vô lý, gây tranh cãi của chính quyền nước này rằng “Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì ngư dân Trung Quốc tới đây đầu tiên”.
Tất cả những động thái trên được thực hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hauge sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Giới quan sát nhận định phán quyết từ PCA nhiều khả năng sẽ bất lợi cho Trung Quốc, thậm chí có thể phủ nhận hoàn toàn “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra.
Trung Quốc trong khi đó khăng khăng không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận thẩm quyền xét xử của PCA.
Đây là nguyên nhân vì sao Bắc Kinh ra sức bảo vệ vị thế của mình bằng những biện pháp khác, ví dụ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường ngoại giao để thu hút ủng hộ từ đồng minh. Đó cũng là lý do giải thích cho việc chính quyền địa phương dành nhiều quan tâm trước sự xuất hiện của một nhà báo nước ngoài ở Hải Nam, theo BBC.
Bên cạnh đó, Sudworth cho rằng một lý do khác khiến đoàn bị chú ý dường như là bởi họ hỏi quá nhiều về lực lượng dân quân biển của Hải Nam.
Trung Quốc bị tố quân sự hóa tàu cá để phục vụ cho việc thực thi, tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển. Ảnh minh họa: Reuters
Trung Quốc được cho là đã huấn luyện quân sự cho ngư dân suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng thời gian gần đây, theo một số báo cáo, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc gia tăng đáng kể cường độ hoạt động và trở nên quyết đoán hơn trước tại các vùng biển tranh chấp.
Sudworth cho biết dù nhóm của ông đã rất nỗ lực thuyết phục nhưng không người dân nào ở Hải Nam chịu nói về vai trò của lực lượng dân quân biển trong hạm đội tàu cá. Và càng hỏi nhiều thì họ càng bị giám sát chặt chẽ hơn.
Giáo sư Andrew S. Erickson từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đánh giá sự hiện diện của dân quân biển Trung Quốc tại những vùng nước tranh chấp sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro dẫn tới các tình huống leo thang nguy hiểm.
Theo ông Erickson, nguy cơ có thể còn gia tăng hơn nữa sau khi PCA đưa ra phán quyết.
“Khi tòa trọng tài công bố phán quyết cuối cùng, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cố gắng để tìm cách thể hiện lập trường phản đối cứng rắn cũng như quyết tâm và sự không hài lòng của họ”, Erickson nói. “Khả năng lực lượng dân quân biển Trung Quốc áp sát và quấy rối tàu của Mỹ, Philippines hay các nước khác là điều mà các quốc gia này nên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó”.
Chuyến công tác của Sudworth kết thúc ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Tại đây, ông nhìn thấy một tàu du lịch Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện hành trình trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tour du lịch kéo dài 5 ngày bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Hàng nghìn du khách Trung Quốc đã tham gia, song tour này lại không áp dụng cho người nước ngoài.
Sudworth nhận xét đây là một chuyến du lịch khá kỳ lạ khi mà hành khách chỉ tới những rạn san hô và bãi đá hầu như không có người ở, cách rất xa Trung Quốc. Chúng cũng chính là các bãi đá mà “tổ tiên ông Su Chengfen đã đến từ cách đây hàng thế kỷ” như những gì truyền thông Trung Quốc mô tả nhưng không hề có bằng chứng.
Theo Sudworth, ngay cả khi ông Su có thể trình ra cuốn cổ thư 600 tuổi của mình thì đó cũng chỉ là một bằng chứng cho thấy con người đã đánh bắt, đi lại ở Biển Đông từ rất lâu chứ không nói lên quyền sở hữu của bất kỳ bên nào đối với khu vực này.
Sudworth gặp một phụ nữ sắp lên con tàu du lịch tới Hoàng Sa và hỏi người này rằng vì sao bà muốn dành kỳ nghỉ quý giá của mình chỉ để tới thăm vài bãi đá.
“Chúng tôi cũng không thích thú gì”, bà đáp. “Đến đó và xem, đấy là nhiệm vụ của chúng tôi”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Học giả ôn hòa về Biển Đông của Trung Quốc chết vì tai nạn
Ngô Kiến Dân, học giả Trung Quốc nhiều lần phản bác quan điểm "diều hâu" về Biển Đông qua đời trong một tai nạn thảm khốc.
Học giả Ngô Kiến Dân, người có quan điểm ôn hòa ở Trung Quốc đột ngột qua đời vì tai nạn. Ảnh: Sohu.
Giới chức Trung Quốc hôm 19/6 thông báo cựu đại sứ Ngô Kiến Dân đã qua đời sau khi chiếc xe chở ông cùng 4 người khác đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc ở Vũ Hán hôm thứ 7 tuần trước.
Cái chết đột ngột của nhà ngoại giao được coi là "chim bồ câu hòa bình" có ảnh hưởng rất lớn này đã làm chấn động giới học giả đối ngoại Trung Quốc, khiến nước này mất đi tiếng nói mạnh mẽ nhất ủng hộ quá trình hòa nhập, hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết các bất đồng, theoTodayOnline.
Ngô Kiến Dân là nhà ngoại giao nổi tiếng ở Trung Quốc, từng là đại sứ tại Pháp, Hà Lan và Liên Hợp Quốc. Ông cũng từng là phiên dịch cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cùng nhiều nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.
Sau khi về nước, ông Ngô đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Trong thập niên 80, 90 thế kỷ trước, ông Ngô nhiều lần lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nên tuân thủ các luật lệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quan điểm này khiến ông bị nhiều chính trị gia Trung Quốc chỉ trích, họ coi Ngô Kiến Dân là người "mang tâm thế nước nhỏ". Quan điểm của Ngô Kiến Dân cũng ít được chú ý đến từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền với niềm tin Trung Quốc cần có vai trò độc lập hơn, mạnh mẽ hơn để cạnh tranh với Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Ngô cho rằng Trung Quốc cần giữ bình tĩnh và suy nghĩ một cách toàn diện để có thể giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
"Nước nào phát động chiến tranh trong lúc đang hòa bình và phát triển sẽ phải trả giá. Trung Quốc không bao giờ nên làm điều này", ông Ngô nói trong một cuộc tranh luận với tướng La Viện, học giả nổi tiếng với quan điểm cứng rắn trong vấn đề Biển Đông.
"Ông ấy là người có dũng khí, ông vẫn tiếp tục lên tiếng", Thời Ân Hoành (Shi Yinhong), chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nói về ông Ngô.
Đầu năm nay, ông Ngô có tranh cãi quyết liệt với tổng biên tập tờ Global Times vì cho rằng các bài viết cứng rắn của tờ báo làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận ngoại giao với Nhật Bản.
Tôn Hưng Kiệt, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Cát Lâm, cho rằng sự ra đi của ông Ngô là tổn thất lớn với ngành ngoại giao Trung Quốc, bởi ông là "ngọn cờ đầu có tiếng nói giá trị trong thời điểm hiện nay".
Ông Ngô qua đời trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan sắp ra phán quyết trong vụ Philippines kiện yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn khăng khăng phớt lờ vụ kiện và tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của tòa, bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế.
Báo chí Trung Quốc những tuần gần đây cũng liên tục đăng những bài viết chỉ trích Mỹ và phương Tây trong vụ kiện, đồng thời khơi dậy tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc, khiến giới ngoại giao càng có ít cơ hội cho một giải pháp hòa bình nếu phán quyết của tòa bất lợi cho nước này.
Văn Việt
Theo VNE
Tổ chức Hong Kong có thể khiến tòa hoãn ra phán quyết vụ kiện Biển Đông Một tổ chức về pháp lý ở Hong Kong gửi tài liệu lên Tòa Trọng tài Thường trực, cho rằng tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện "đường 9 đoạn". Daniel Fung, chủ tịch Viện Luật quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, có trụ sở tại Hong Kong. Ảnh: Xinhua Các nhà phân tích đại lục Trung Quốc tin...