Bằng chứng nếu thiếu các thương hiệu bom tấn, Disney sẽ “sấp mặt” chứ không như bây giờ
Nhiều dự án phim lẻ không thuộc thương hiệu có sẵn (franchise) của Disney bị rơi vào tình trạng lỗ khiến việc phát triển ý tưởng mới ngày càng trở nên khó khăn.
Phim thương hiệu (franchise) hiện đang nổi lên như một xu thế trong ngành công nghiệp điện ảnh mà Disney là một trong những ông lớn đi đầu. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, an toàn, khổng lồ, các nhà sản xuất còn đỡ phải nghĩ nhiều khi chỉ cần phát triển thêm từ ý tưởng của phần phim đầu vốn đã ăn khách.
Điều này khiến khán giả trở nên lười biếng trong gu thưởng thức phim điện ảnh, còn đe dọa sự phát triển của các ý tưởng gốc khi các phim lẻ (non-franchise) giờ đây không những khó bán hơn, khó phát triển hơn, dễ bị lỗ hơn, mà đã được “đẻ” ra rồi còn có nguy cơ bị “đem con bỏ chợ” khi nhà sản xuất đánh hơi thấy mùi lỗ, họ đem bán cho các dịch vụ chiếu phát khác để cứu vát chút đỉnh.
Từ anh hùng viễn Tây tới cổ tích thời hiện đại: Lỗ!
Tuần này, A Wrinkle in Time (tựa Việt: Nếp Gấp Thời Gian) – bộ phim bom tấn được đầu tư và quảng bá rất rầm rộ của Disney chính thức ra mắt khán giả. Được chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho trẻ em của tác giả Madeleine L’Engle, dự án phim này đã được người hâm mộ truyện gốc nói riêng cùng các mọt phim trông đợi rất nhiều từ khi Disney mới đưa ra những thông tin “nhá hàng” đầu tiên về phim.
Được chỉ đạo bởi bộ đôi đạo diễn Ava DuVernay (đạo diễn phim Selma) và biên kịch Jennifer Lee (Frozen), A Wrinkle in Time chính là dự án mới nhất của Nhà Chuột bên cạnh loạt phim Star Wars và vũ trụ phim siêu anh hùng của Marvel (MCU).
Là bộ phim đầu tiên của một nữ đạo diễn người Mỹ gốc Phi được đầu tư với kinh phí lên tới hơn 100 triệu đô la, dự án này thể hiện tham vọng của Disney trong mục tiêu thay đổi chiến lược sản xuất phim trong cả hai mảng phim người đóng (live-action) và phim không nhượng quyền (non-franchise). Tuy nhiên, nhìn từ những dự án trước đây của Disney, có vẻ kế hoạch này đang gặp không ít khó khăn khi nhận được cả đống nhận xét tàn tệ từ khán giả lẫn giới phê bình.
Điểm lại những bộ phim người đóng được coi là dự án “bom tấn” không thuộc các franchise có sẵn do Disney nắm quyền sở hữu, kết quả thu về chẳng hề khả quan chút nào so với kỳ vọng của hãng. Thậm chí, có những phim bị gắn mác siêu bom xịt bị các báo bêu riếu một thời gian kha khá.
Điển hình có thể kể đến là bộ phim viễn tưởng John Carter (2012) dựa trên nguyên tác truyện của tác giả Edgar Rice Burroughs – ế đến nỗi Disney phải hạ mức doanh thu kỳ vọng tới 200 triệu đô la. Một năm sau, The Lone Ranger với sự tham gia của tài tử đình đám Johnny Depp cùng mỹ nam Armie Hammer cũng “lỗ sấp mặt” khi chỉ thu về 260 triệu đô trong khi chi phí sản xuất đã là 250 triệu (nếu tính thêm các chi phí phát sinh từ quảng bá và phụ thu tại rạp thì phim phải thu về tới 650 triệu đô la mới có lãi!).
Năm 2015 Tomorrowland- tác phẩm được Disney hy vọng sẽ đạt được thành công vang dội như Pirates of the Caribbean khi Nhà Chuột thậm chí còn mở nguyên cả một công viên giải trí ăn theo phim này, lại tiếp tục lỗ “chỏng vó” khi bị cả giới phê bình cũng như khán giả “ghẻ lạnh” và còn khiến hãng mất từ 120 đến 140 triệu đô. Đó là còn chưa kể tới những Prince of Persia: The Sands of Time, The Sorcerer’s Apprentice hay Fantasia… Rất có thể tới đây danh sách này sẽ cập nhật thêm cái tên A Wrinkle in Time.
Những niềm hy vọng mới
Hiện tại vẫn còn hơi sớm để nói về sự thành bại của A Wrinkle in Time, song những dự án “sớm nở tối tàn” trước kia vẫn khiến người ta không khỏi lo lắng cho số phận của bộ phim này. Trên lý thuyết, đây chính xác là thể loại phim mà Disney nên theo đuổi: một tác phẩm rực rỡ, tươi sáng, nghiêm túc, thân thiện, dễ xem, dễ cảm và phù hợp với không khí gia đình cũng như có cơ hội để phát triển thành một loạt phim mới. Bản thân tiểu thuyết gốc cũng rất được yêu mến và là phần mở đầu của cả một loạt truyện.
Khi các loạt phim lớn có xu hướng tiếp cận nhiều hơn đến lứa khán giả từ độ tuổi mới lớn trở lên, nhu cầu thị trường đối với các loạt phim như vậy sẽ rất cao, mà Disney lại là chuyên gia trong việc lôi kéo các đối tượng khán giả này.
Cũng có vài ngoại lệ trong chiến lược sản xuất phim người đóng của Disney. Trong vài năm trở lại đây, hãng phim đã gặt hái được những thành công vang dội nhờ các dự án phim người đóng làm lại từ các thương hiệu hoạt hình cổ tích kinh điển của mình. The Jungle Book thu về gần 1 tỷ đô la trong năm 2016, và chỉ một năm sau, Beauty and the Beast chiếm luôn vị trí thứ 11 trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại.
Video đang HOT
Hiện tại, Disney vẫn còn đang “thai nghén” một số tác phẩm người đóng đang được người hâm mộ hết sức chờ đợi nữa là Dumbo (do Tim Burton đạo diễn), The Lion King, Mulan và Peter Pan. So với các bộ phim nói trên, A Wrinkle in Time tuy không được “thừa hưởng” danh tiếng từ tác phẩm gốc của Disney, song cũng là một dự án có đầu tư kinh phí lớn được đặt nhiều kỳ vọng.
Có thể nói, việc làm lại phiên bản người đóng từ các thương hiệu có sẵn là một chiến lược thông minh của Disney khi các bộ phim mới sẽ được bảo chứng doanh thu nhờ danh tiếng của phiên bản gốc, từ đó góp phần thu về lợi nhuận cao cũng như ngày càng củng cố thêm thương hiệu của hãng.
Tuy nhiên, sẽ đến một lúc nào đó Nhà Chuột sẽ cạn kiệt ý tưởng để làm lại. Chính vì thế, việc tìm ra những hướng đi khác, những chất liệu làm phim mới đa dạng về thể loại cùng các cốt truyện tiềm năng mới đang là mục tiêu cấp thiết mà Disney hướng tới. Tất nhiên, có thành công hay không lại phải tuỳ vào việc hãng giải trí chuyên “hút máu” trẻ em này có tạo ra được tác phẩm mới lạ đủ sức thu hút khán giả hay không.
Nguồn: Screen Rant
Theo Trí Thức Trẻ
15 nhân vật phản diện bị Walt Disney loại khỏi phim trong phút chót (Phần 2)
Những nhân vật cực thú vị nhưng bị loại bỏ trong giai đoạn phát triển và thiết kế phim của hãng Walt Disney.
Trong phần 1, người viết đã đề cập đến những nhân vật được Walt Disney tạo ra trong quá trình sản xuất các bộ phim của họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà những nhân vật này không được bước lên phim. Hãy cùng tìm hiểu họ là ai nhé!
8. Jabberwocky phiên bản hoạt hình
Jabberwocky hay Jabberwock là một trong những sinh vật đáng chú ý nhất do Lewis Carroll sáng tạo ra, và lẽ ra sinh vật này cũng đã xuất hiện trong phim Alice của Disney
Thậm chí, Jabberwocky còn có cả một bài thơ riêng về mình tên là "Beware of the Jabberwocky, và nó sẽ xuất hiện ngay sau khi Alice rời khỏi tiệc trà và tiến thẳng tới lâu đài của Hoàng Hậu Cơ. Nhưng sau cùng thì ý tưởng Jabberwocky đã bị loại bỏ khỏi phim, tuy nhiên con quái này cũng đã có cơ hội lộ diện trong Alice in Wonderland phiên bản người đóng và do Tim Burton làm đạo diễn.
7. Buldeo (The Jungle Book)
Bản phác thảo nhân vật Buldeo
The Jungle Book hay Quyển Sách Rừng Xanh được xem là một trong những phim có dàn nhân vật đa dạng về tính cách nhất của Disney, từ gấu Baloo đáng yêu cho đến hổ Shere Khan độc địa. Tất nhiên ai cũng biết Shere Khan là kẻ phản diện chính của toàn bộ phim, nhưng ngoài Khan ra chúng ta còn có những vai phản diện thứ yếu khác chẳng hạn như rắn Kaa hay vua Louis. Và đáng lẽ ra cậu bé Mowgli của chúng ta còn phải gặp một đối thủ khó nhằn khác, đó là lão thợ săn Buldeo.
Buldeo là một thợ săn kiêm người tìm kiếm kho báu. Lão luôn nhăm nhe kho báu kỳ dị của Louis tại Vương Quốc Khỉ. Thậm chí còn có phiên bản Buldeo đòi đấu với Shere Khan để xem ai là kẻ mạnh nhất rừng xanh. Kết quả thì Shere Khan giết được Buldeo và về sau Mowgli dùng súng của lão để diệt Shere Khan. Có điều khi ý tưởng này được đưa ra thì cả Disney và biên kịch Bill Peet đều bác bỏ, do đó Buldeo mãi không bao giờ thấy ánh mặt trời.
6. Arawn (The Black Cauldron)
Disney thế nhân vật này bằng một anh đầu cắm sừng
The Horned King hay Vua Sừng trong Cái Vạc Đen là một trong số rất ít những nhân vật phản diện có tạo hình kinh dị qua được cổng kiểm duyệt của Disney. Có điều trước khi Horned King ra đời, Disney suýt nữa chọn một nhân vật khác kinh dị không kém để làm phản diện chính của phim này.
Đó là Arawn, nhân vật theo truyền thuyết của xứ Wale là vua của cõi khác, kẻ bảo hộ cho chiến tranh, trả thù và chết chóc. Lý do Arawn bị cắt khỏi phim là vì các nhà làm hoạt họa nghĩ lũ trẻ thích nhân vật phản diện có sừng hơn. Dù bị cắt vai, nhưng Arawn vẫn có một vai trò nho nhỏ trong phim.
Trong đoạn đầu tiên của Black Cauldron, người dẫn truyện kể rằng có một vị vua ác độc đến mức chư thần cũng phải sợ, và linh hồn của y bị phong ấn trong cái Vạc Đen. Linh hồn đó là Arawn và trên cái vạc cũng khắc gương mặt của y. Bản thân Vua Sừng cũng là tay sai của chính Arawn.
5. Marguerite (Beauty and the Beast)
Bà dị hợm hĩnh của Belle
Sau khi loại bỏ hai bà chị của Belle và tạo ra nhân vật Gaston, bên sản xuất của Disney lại đưa ra ý tưởng về một nhân vật phản diện nữa, đó là Marguerite, bà dì chảnh chọe và tham lam của Belle, chị của Maurice.
Ban đầu thì Marguerite sống cùng gia đình của Belle và giúp đỡ nuôi dưỡng Belle sau khi mẹ cô qua đời và cha cô thì mất hết tài sản. Chính Marguerite đã toan lợi dụng Belle, ép cô lấy Gaston để lại sống trong giàu sang, dù rằng Belle từ chối y từ trước.
Số phận của Marguerite cũng như hai người chị của Belle, ngay lập tức bị loại bỏ bởi biên kịch Linda Woolverton vì bà muốn người xem chỉ tập trung ghét mỗi Gaston.
4. Genie of the Ring (Aladdin)
Các phiên bản khác nhau của Thần Nhẫn
Thần đèn béo phệ với chất giọng không lẫn vào đâu được của Robin Williams đã và luôn là phần hay nhất của phim hoạt hình Aladdin. Và Thần đèn là vị thần duy nhất trong cả bộ phim. Tuy nhiên, theo bản nháp ban đầu thì phim này lẽ ra phải có hai vị thần, và vị thần bị "bỏ lại" chính là Thần Nhẫn (Genie of the Ring)
Thông tin về vị thần này cũng rất ít ỏi, chỉ biết là Jafar tìm ra được Thần Nhẫn và dùng y để đấu với Aladdin. Dù vậy, Thần Nhẫn ở đây không phải do Disney bịa ra, mà dựa theo truyện cổ tích Trung Đông. Trong "Ngàn Lẻ Một Đêm" thì chàng Aladdin của chúng ta cũng sở hữu và dùng Thần Nhẫn để lấy lại Thần Đèn, nhưng Thần Đèn vẫn có sức mạnh vượt trội hơn.
3. Xerek (The Incredibles)
Tạo hình của Xerek, phiên bản già và trẻ
Một trong số 3 thay đổi đáng tiếc nhất của Disney. Trong Incredibles hay Gia Đình Siêu Nhân, cả gia đình buộc phải quay lại với công cuộc cứu nhân độ thế, diệt gian trừ yêu chỉ vì tay phản diện Syndrome. Thế nhưng Syndrome lại không phải là lựa chọn đầu tiên của hãng phim.
Theo kế hoạch ban đầu thì vai phản diện chính là Xerek, một nhà khoa học hai trăm tuổi dùng khả năng của mình để kéo dài sự sống. Bản thân nhân vật Xerek đã được đưa ra ý tưởng, phác thảo rồi cả phát triển, nhưng rồi Pixar/Disney lại chọn Syndrome.
Dù rằng không được đưa lên phim, ý tưởng về Xerek được sử dụng lại trong loạt truyện tranh Incredibles, với chút ít thay đổi. Trong truyện Xerek là người yêu cũ của Helen, Siêu Nữ Uốn Dẻo, về sau khi Helen phát hiện ra y là trùm của lũ tội phạm, Xerek đã tính sử dụng cô làm nguồn sống kéo dài tuổi thọ của y.
Âm mưu của Xerek thất bại, và y lộ rõ tuổi tác cùng hình hài thật của mình là một ông già khóm. Trong suốt 200 năm thọ mệnh, y đã tích lũy của cải, quyền lực cùng sức ảnh hưởng đủ lớn để trở thành kẻ địch đáng sợ nhất trong thế giới của Gia Đình Siêu Nhân.
2. Supai (The Emperor's New Groove)
Bị loại chỉ vì anh quá tham vọng
Quay trở lại với Vũ Điệu Hoàng Đế bản gốc, thì ban đầu Yzma âm mưu thả bóng đen bao phủ toàn bộ trái đất. Và để làm được điều đó, Yzma đã định phóng thích Vị Thần Bóng Tối Supai.
Theo như truyền thuyết do Disney chế ra thì Supai là tạo vật của màn đêm vĩnh hằng, do đó nó bị chư thần phong ấn lại để ánh sáng có thể lan tỏa ra khắp thế giới. Chỉ có một phần của Supai trốn thoát được, do đó chúng ta mới có ngày và đêm. Và Supai luôn muốn được tự do để đem bóng tối trở lại thế giới.
Yzma đem thảm họa nhân gian này trở lại vì lý do rất ngô nghê là bà ta tưởng rằng chính mặt trời là tác nhân gây ra những nếp nhăn trên mặt của mình, và Supai sẽ cho bà ta được trẻ mãi không già. Cuối cùng thì Supai cũng bị hai nhân vật chính của chúng ta đánh bại.
Sau khi viết đi viết lại kịch bản, thì Supai cũng bị loại bỏ do nhà làm phim cảm thấy nhân vật này quá tham vọng, và chọn thực hiện phim về "hai người bạn vui vẻ, đồng hành vượt qua mọi khó khăn".
1. Captain Cleaver (Who Framed Roger Rabbit)
Phác thảo ban đầu của Đại Úy Cleaver
Ai Đổ Tội Cho Thỏ Roger? được xem là tượng đài của nền văn hóa đại chúng, vì phim lồng ghép giữa người đóng và hoạt hình. Cốt truyện của phim đơn giản là Chú Thỏ Roger, siêu sao của thế giới Hoạt Hình, bị người ta vu oan tội giết người, và Thám Tử Tư con người, Eddie Valiant, một tay bợm và là người rất ghét những nhân vật hoạt hình, lại bị cuốn vào vụ án này một cách tình cờ. Nhân vật Judge Doom của Christopher Lloyd cũng được xem là vai phản diện hoàn hảo cho tổng thể của bộ phim. Có điều, lẽ ra thì Roger và Eddie còn phải chạm trán với một tay phản diện khác nữa.
Trong kịch bản đầu tiên, thì bên phía Hoạt Hình cũng cử ra một người nữa điều tra vụ việc của Roger, đó là Đại Úy Cleaver, người đứng đầu tổ trọng án xứ Hoạt Hình. Điều buồn cười là tay Cleaver này lại chuyên "ngáng giò" Eddie và làm đủ mọi cách chỉ để phá được vụ án nhằm chứng minh y là vua phá án. Thật đáng tiếc khi Disney bỏ nhân vật này, vì nếu không thì chúng ta sẽ lại được xem thêm những màn tương tác giữa Cleaver và Eddie.
Theo Trí Thức Trẻ
Bom tấn "A Wrinkle in Time" của Disney bị "dìm" không thương tiếc Sau vài tuần bay" trên mây với "Black Panther", Disney đã sớm rơi xuống mặt đất vì bộ phim khoa học giả tưởng trị giá 100 triệu USD sắp trở thành thảm họa mới với cả đống bình luận tệ hại cho dự án tham vọng "A Wrinkle in Time". Chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi cùng tên của tác...