Bằng cách nào Việt Nam trở thành “niềm hy vọng” của thế giới trong đại dịch SARS 2003?
“Đó là tốc độ, năng lực lãnh đạo, tính minh bạch, linh hoạt, sự quyết liệt trong giáo dục cộng đồng về cách thức phòng tránh. Nghe thì dễ đấy, nhưng thực tế không phải vậy”.
Trong đại dịch SARS, kiểm tra thân nhiệt là hoạt động bắt buộc đối với tất cả hành khách xuất nhập cảnh tại tất cả các quốc gia. (Ảnh: BBC)
Thành công không phải phép màu
“Cơ thể tôi như đi mượn. Tôi chẳng thể cử động theo ý mình được”, Nguyễn Thị Mến, y tá tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), kể với phóng viên New York Times về kí ức đầu tiên sau 9 ngày hôn mê sâu. Cảm giác đau khắp người như bị đánh, khó thở tới mức “như sắp chết đuối”.
Năm 2003, giữa tâm điểm của đại dịch SARS, sự hồi phục của chị Mến được nhiều người ví là một phép màu. Trong số 6 ca nguy kịch, chị là bệnh nhân duy nhất được cứu sống. 5 người khác đã không thể qua khỏi. Tất cả đều là đồng nghiệp của chị. Diễn biến bệnh tình của họ giống hệt như doanh nhân Trung Quốc họ Chen, bệnh nhân nội trú tại bệnh viện họ công tác, cũng là ca đầu tiên tại Việt Nam dương tính với virus.
SARS khởi phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) và lây lan khắp thế giới, khiến hơn 8.000 người mắc bệnh, trong đó có 813 ca tử vong. Tại Việt Nam, 63 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 5 ca tử vong, là con số cuối cùng mà WHO ghi nhận được. Chỉ 6 tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố mức cảnh báo toàn cầu, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch SARS.
Bác sĩ người Ý Carlo Urbani là người đã đồng hành cùng Việt Nam trong phát hiện và ngăn chặn dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp). Ông đã qua đời vì chính căn bệnh mà ông là người đầu tiên nhận diện. (Ảnh: Felicita Pubblica)
Bà Aileen Plant, điều phối viên chiến dịch ứng phó với SARS của WHO tại Việt Nam nhận định, thành công của Việt Nam không phải là một phép màu. Phương pháp được triển khai “rất xưa cũ, tương tự như những lần trước: ngăn chặn người mắc bệnh lây nhiễm cho những người khác”.
Cuối tháng 2/2003, 2 ngày sau khi ông Chen nhập viện trong tình trạng sốt, đau nhức cơ, ho liên tục, bệnh viện Việt Pháp đã chủ động thiết lập liên lạc với WHO. Theo khuyến nghị của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Carlo Urbani, các mẫu bệnh phẩm dịch họng, mẫu máu của bệnh nhân được gửi đi kiểm tra đồng thời tại 3 nơi: Viện vệ sinh dịch tễ Quốc gia ở Hà Nội, các phòng thí nghiệm vệ tinh của WHO ở Nhật Bản và Mỹ. Lúc này, chủng virus gây bệnh vẫn chưa được chỉ mặt, đặt tên.
Video đang HOT
Một cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế Việt Nam và các chuyên gia WHO đã diễn ra tại Hà Nội, không lâu sau những cảnh báo của ông Urbani về sự tương đồng giữa bệnh trạng của Chen với dịch viêm phổi lạ đang lây lan tại Trung Quốc và Hồng Kông.
Chỉ trong vòng vài tiếng, Việt Nam đã có động thái mà CNN coi là “táo bạo”: Tạm đóng cửa bệnh viện Việt Pháp, không tiếp nhận thêm bệnh nhân, sơn lại tường, thay toàn bộ khăn, thảm, hấp khử trùng thiết bị y tế. Ngay cả các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khỏe mạnh cũng phải ở lại bệnh viện. Những nhân viên y tế bị lây nhiễm được chuyển đi cách ly.
“Mục tiêu cuối cùng là để trong trường hợp xấu nhất, SARS chỉ có thể lây lan sang những người đang ở trong viện, không lây lan ra bên ngoài cộng đồng”, bà Plant phân tích. WHO đánh giá đây là một bước đi quan trọng trong việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại Việt Nam.
Trong một bài viết của mình, Tạp chí y khoa NEJM lâu đời và uy tín hàng đầu nước Mỹ đã dùng từ “đáng kinh ngạc” khi nhắc tới quyết định cách ly “ổ dịch”, kiểm soát nhiễm khuẩn và rất nhanh chóng yêu cầu sự hỗ trợ từ chuyên gia quốc tế mà Việt Nam đã triển khai.
“Khi công khai toàn bộ thông tin và hành động cương quyết để ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam đứng trước nguy cơ thiệt hại về kinh tế và hình ảnh quốc gia. Nhưng nếu giấu diếm thì hậu quả có thể đã rất thảm khốc”, NEJM nhấn mạnh.
Dập tắt đại dịch không chỉ nhờ may mắn
Cũng như cách nhiều tờ báo viết về quốc gia đầu tiên dập tắt đại dịch, New York Times cho rằng “Việt Nam may mắn khi chỉ một người duy nhất mang virus vào quốc gia này”. Tuy nhiên, chính tờ này cũng chỉ ra, “Việt Nam đã tận dụng may mắn bằng cách vào cuộc thật nhanh để hạn chế dịch bệnh bùng phát”.
Tờ Washington Post ca ngợi, đây là “câu chuyện về sự quyết đoán, phối hợp và may mắn, trong đó, phát hiện sớm, thực hiện các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ, tuân thủ hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế là mấu chốt”.
Bà Plant đánh giá, ngay sau cuộc họp với WHO vào ngày 9/3, Việt Nam đã có những động thái công khai và tích cực trong việc ngăn ngừa SARS lây lan trên diện rộng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, bao gồm các quan chức Chính phủ và chuyên gia y tế, được thành lập. Tất cả các Cơ quan chính phủ, Bộ ban ngành đều được huy động tham gia phối hợp đối phó với dịch bệnh.
Hệ thống quét thân nhiệt bằng hồng ngoại – trị giá khoảng 50.000 USD, theo ước tính của New York Times, được thiết lập tại các sân bay và cửa khẩu, nhằm sàng lọc những trường hợp nghi sốt. Hàng trăm nhiệt kế điện tử được trang bị tại các văn phòng quản lý nhập cảnh.
Các địa phương được yêu cầu cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày vào một giờ cố định. Tất cả mọi thông tin phát sinh phải được báo cáo tập trung về một đầu mối.
Mọi nỗ lực tìm kiếm và xác định những được từng tiếp xúc với bệnh nhân được gấp rút thực hiện. Những người trở về từ Trung Quốc và tất cả các trường hợp nghi nhiễm bắt buộc phải cách ly để theo dõi. Hai bệnh viện tại Hà Nội được chỉ định là tuyến đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân lây nhiễm. Hai bệnh viện khác tại ngoại thành nhận nhiệm vụ sẵn sàng trở thành trung tâm cách ly khi cần.
“Đó là tốc độ, năng lực lãnh đạo, tính minh bạch, linh hoạt, sự quyết liệt trong giáo dục cộng đồng về cách thức phòng tránh. Nghe thì dễ đấy, nhưng thực tế không phải vậy”, bà Plant ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam.
Về phần mình, ông Pascale Brudon đại diện WHO tại Việt Nam khi đó khẳng định, với thành công này, “Việt Nam đã thắp lên cho thế giới niềm hy vọng rằng SARS hoàn toàn có thể khống chế được”.
Theo Trí Thức Trẻ
Virus corona có thể lây lan thế nào trên máy bay?
Virus corona có thể truyền sang hành khách khác thông qua những giọt nước bọt hoặc dịch nhầy li ti và qua bề mặt tiếp xúc như ghế ngồi hoặc bàn ăn.
Hành khách trở về từ Vũ Hán được kiểm tra thân nhiệt bằng máy quét nhiệt ở sân bay Narita hôm 23/1/2020. Ảnh: AP.
Khi dịch bệnh bùng phát, lẽ tất nhiên chúng ta cần cẩn trọng khi lên máy bay. Tình hình thậm chí càng đáng báo động hơn khi hai loại virus nguy hiểm xuất hiện cùng lúc. Người dân trên thế giới đang bị đe dọa bởi virus corona mới khởi phát ở Trung Quốc và lan rộng ra gần 15 quốc gia khác, bao gồm Mỹ. Thời gian này cũng trùng với mùa cúm thường, căn bệnh tính đến nay đã gây ra 8.200 ca tử vong trên khắp nước Mỹ.
Dù nhiều sân bay lớn bắt đầu kiểm tra hành khách qua cửa để đề phòng virus corona, động thái này có thể chưa đủ làm yên lòng những người cần đi máy bay. Chúng ta có thể tránh lây nhiễm từ một người hắt hơi khi xếp hàng, nhưng khi đã ngồi yên trong cabin với đai an toàn thắt chặt, chúng ta buộc phải phó mặc cho số phận.
Tuy vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về dịch viêm phổi Vũ Hán, các nhà khoa học có hiểu biết nhất định về những virus corona tương tự và các bệnh hô hấp khác như cúm mùa.
Bệnh hô hấp nói chung lây lan như thế nào?
Nếu từng dùng tay che miệng khi hắt hơi hoặc tránh một đồng nghiệp ho khan liên tục, có thể bạn đã biết sơ qua về cách thức lây lan của bệnh hô hấp. Khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, họ bắn ra những giọt nước bọt, dịch nhầy hoặc chất lỏng cơ thể khác. Nếu tiếp xúc với một giọt trong số đó, bạn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Các giọt nước bọt hoặc dịch nhầy li ti không bị bị ảnh hưởng bởi luồng không khí trong không gian mà rơi xuống gần nơi chúng bắn ra. Theo Emily Landon, giám đốc quản lý kháng khuẩn và kiểm soát truyền nhiễm ở Đại học Y Chicago, hướng dẫn phòng cúm của bệnh viện trường nêu rõ chúng ta có thể bị lây khi đứng gần người bệnh trong phạm vi 2 mét từ 10 phút trở lên.
Bệnh hô hấp cũng có thể lan truyền qua các bề mặt mà giọt chất lỏng rơi xuống như ghế máy bay hoặc bàn để khay ăn. Thời gian chúng tồn tại tùy thuộc vào bản chất của giọt chất chất lỏng và bề mặt tiếp xúc, chẳng hạn đó là nước bọt hay dịch nhầy, đặc hay rỗng. Các loại virus có sự khác biệt đáng kể về thời gian bám trên bề mặt, từ vài giờ tới hàng tháng.
Giới nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng virus có thể truyền trong không khí qua những hạt khô siêu nhỏ gọi là aerosol. Nhưng theo Arnold Monto, giáo sư dịch tễ học và y tế cộng đồng ở Đại học Michigan, đó không phải là cơ chế lây lan chủ yếu của virus. Virus thường ưa môi trường độ ẩm cao và nhiều loài sẽ suy yếu nếu gặp phải điều kiện khô trong thời gian dài.
Lưu ý khi đi máy bay
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta có thể tiếp xúc với người nhiễm bệnh trong phạm vi hai hàng ghế. Nhưng mọi người thường không ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay, đặc biệt là chuyến bay kéo dài vài tiếng. Họ thường vào nhà vệ sinh, duỗi chân và chạm vào đồ vật ở khoang chứa hành lý trên đầu. Thực tế, trong đợt bùng phát năm 2003 của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) do virus corona, một hành khách đi chuyến bay từ Hong Kong tới Bắc Kinh đã lây nhiễm cho những người ngồi xa hơn hai hàng ghế. Tạp chí Y khoa nhấn mạnh tiêu chí của WHO "sẽ bỏ sót 45% số bệnh nhân nhiễm SARS".
Xuất phát từ trường hợp trên, một nhóm nhà nghiên cứu y tế cộng đồng tiến hành tìm hiểu việc di chuyển ngẫu nhiên quanh khoang máy bay có thể thay đổi khả năng nhiễm bệnh của hành khách như thế nào. Tỷ lệ tử vong là số người chết so với số ca nhiễm bệnh. Dù được xem như tai họa toàn cầu, dịch cúm mùa có tỷ lệ tử vong tương đối nhỏ, ở mức khoảng 0,1%. Năm 2018 và 2019, cúm mùa ảnh hưởng tới 35,5 triệu người ở Mỹ, khiến 490.000 người phải nhập viện và 34.200 người tử vong.
Tỷ lệ tử vong cũng giúp lý giải tại sao các cơ quan y tế cộng đồng phải cảnh báo khi xuất hiện những đợt bùng phát virus corona. Dịch SARS có tỷ lệ tử vong 10%, cao gấp 100 lần so với cúm mùa. Tỷ lệ tử vong do virus nCoV hiện nay là gần 3%, tương đương với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Nếu dịch SARS hoặc dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan tới hàng triệu người, số lượng tử vong sẽ rất lớn. Khác với cúm mùa, chúng ta dễ bị đe dọa bởi virus nCoV do chưa ai từng nhiễm loại virus này trước đây và chưa có phương pháp đặc trị như vắcxin.
An Khang (Theo National Geographic)
Theo vnexpress.net
Bệnh viện Việt Pháp xây mới tòa nhà cho bệnh nhân nội trú Mong muốn nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh, bệnh viện xây dựng tòa nhà điều trị nội trú theo tiêu chuẩn quốc tế, diện tích 23.000m2. Toà nhà khám chữa bệnh mới rộng rãi hơn gồm 7 tầng nổi, 2 tầng hầm đỗ xe. Không gian bệnh viện xây dựng thông thoáng, sạch sẽ. Bên cạnh đó, toà nhà cũ đang sửa...