Bạn trẻ sinh nhật ngày 30.4: Những yêu thương gọi tên TP.HCM
Sinh nhật ngày 30.4 – ngày Thống nhất đất nước với nhiều bạn trẻ là những niềm vui đặc biệt.
Thùy Linh (phải) trong một ngày sinh nhật 30.4 của mình – NVCC
Sinh nhật ngày 30.4 nhưng toàn được tổ chức từ 29.4
Nguyễn Thị Thùy Linh, 27 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền, đang là phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, sống ở Hà Nội cho hay có ngày sinh nhật 30.4 trùng ngày lễ lớn của đất nước cũng có những niềm vui riêng.
Thường thì kể cả khi đi học THPT, học ĐH hay đã đi làm tôi đều được bạn bè tổ chức sinh nhật vào ngày 29.4, bởi ngày 30.4 thì mọi người đã nghỉ lễ. Riêng đúng ngày sinh nhật, cả gia đình sẽ có một bữa ăn ấm cúng cùng nhau. Vì trong kỳ nghỉ nên mọi người thường đón tiệc trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Các năm trước chúng tôi phải đặt bàn trước từ sớm, bởi các nhà hàng quán ăn trong tối 30.4 đều đông kín người, năm nay không biết tình hình sẽ thế nào”, Linh chia sẻ.
Linh cũng cho hay, trước đó dự định nghỉ lễ 30.4 cô và gia đình nhỏ sẽ có chuyến đi thăm TP.HCM đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con còn nhỏ, nên cô đã hoãn lại chuyến đi này, chờ một dịp gần nhất khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Hoàng hôn bình yên ở TP.HCM – ẢNH BẢO VY
“Vì có dự kiến đi nên tôi đã tìm hiểu nhiều về thành phố, cũng được nghe kể rất nhiều về thành phố này từ nghỉ dưỡng, ẩm thực, tới các khu vui chơi. Mọi người nói với tôi TP.HCM náo nhiệt hơn cả Hà Nội, quán xá náo nhiệt thậm chí đến cả 12 giờ đêm, ẩm thực thì vô vàn, phong phú bởi nơi đây là nơi nhiều bà con làm ăn xa quê đến từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung nên có đủ thứ đặc sản. Đặc thù công việc của mình, tôi gặp gỡ với nhiều người, các đồng nghiệp, thầy cô, giảng viên đang công tác TP.HCM, mọi người luôn làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng, xử lý công việc hiệu quả và đặc biệt luôn luôn nhiệt tình, chu đáo”, Linh bộc bạch.
Đón sinh nhật trong pháo hoa tưng bừng của TP.HCM
Đó là những trải nghiệm của Nguyễn Anh Huy, sinh ngày 30.4.1995, trú xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Năm nay 25 tuổi, đang làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, Anh Huy đã trải qua nhiều ngày kỷ niệm sinh nhật đáng nhớ. “Những năm trước, khi không có Covid-19, 30.4 là thời điểm cả thành phố rất đông vui, náo nức, luôn có phần được mọi người chào đón nhất, đó là phần bắn pháo hoa. Sinh nhật năm nào tôi cũng ra đường cũng các bạn ngắm pháo hoa, rồi trêu với các bạn ‘cảm ơn thành phố đã tổ chức sinh nhật cho em’”, Anh Huy chia sẻ.
Video đang HOT
Sinh nhật tập thể của Anh Huy và các bạn thời sinh viên – ẢNH NVCC
Huy, bạn trẻ có sinh nhật ngày 30.4 – ẢNH NVCC
“Sinh nhật ngày 30.4, trong ngày vui của thành phố là một cảm giác rất là thú vị. Ngày học ĐH, có một mình tôi trong lớp là sinh ngày 30.4, nhưng cũng tổ chức sinh nhật tập thể với các bạn khác cùng tháng 4. Mọi người mua bánh kem, ra vỉa hè, đường phố cùng thổi nến rất vui”, Anh Huy kể.
Anh Huy cho hay, gia đình mình đã 20 năm lập nghiệp ở thành phố này, và như mọi bạn trẻ được thành phố bao dung, che chở, Huy yêu và cảm thấy thân thuộc từng góc phố, ngóc ngách, con đường của thành phố.
“Mỗi buổi tối, tôi có sở thích đi bộ, đi dạo công viên, cà phê vỉa hè với các bạn rồi đi ngang đường Cách Mạng Tháng 8 tìm mua sách cũ của một bà cụ về đọc. TP.HCM luôn có những chốn đi về thân quen với mình như thế. Khi tôi 30 tuổi, 5 năm nữa cũng sẽ là kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, đó là một dấu mốc rất đặc biệt”, bạn trẻ có ngày sinh 30.4 bộc bạch.
Quầy sách cũ mà Huy hay ghé vào mua trên đường Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM – ẢNH NVCC
Thấy thương gì đâu
Không chỉ là với người trẻ có sinh nhật ngày 30.4, với nhiều người trẻ đang sống ở TP.HCM, thành phố này với bao giản dị, đáng yêu. Một trong số đó là cảm nhận về con người sống ở thành phố này, lúc nào cũng dễ mến hiền hòa, sẵn lòng nghĩa hiệp giúp đỡ người khác.
Bạn Thiều Quang Thanh Sang, 21 tuổi, sinh viên Học viện cán bộ TP.HCM, tình nguyện viên tại chốt kiểm dịch Covid-19 trong thời gian cách ly xã hội ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho hay trong thời gian anh và các tình nguyện viên trực đêm, thường xuyên có một người chở thơm (dứa) trên chiếc xe ba gác qua trạm, rồi ghé lại tặng các bạn trẻ một bịch.
“Anh ấy đã gọt sẵn thơm tầm 4-5 trái để sẵn trong một chiếc bịch, rồi gửi cả chúng tôi muối ớt, nói rằng để các em ăn có sức giúp người dân. Ngày nào cũng tầm khuya khuya thì anh chạy xe ba gác qua, cho thơm rồi đi luôn. Không biết tên anh là gì nhưng chúng tôi rất cảm động. Rồi những cô bác sống ở gần điểm chúng tôi chốt dịch cũng thường xuyên mang trà đá, cả gà đã nấu sẵn cho chúng tôi ăn, khi chúng tôi kêu trả tiền, các cô bác nhất quyết không lấy, nói là ‘không có gì đâu’. Những tấm lòng người dân ở TP.HCM thật đáng quý”, Sang nói.
Chiếc xe chở thơm tốt bụng hay ghé qua trạm, tặng thơm cho các bạn – ẢNH THIỀU QUANG THANH SANG
Nguyễn Thị Huyền Ly, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn thì thấy thân thương với những người bán hàng rong, chú chạy xe ôm, hay người bán cà phê, nước cam trong chiếc xe nho nhỏ đầu hẻm, gặp khách nào mua hàng cũng niềm nở chào hỏi “con uống gì, để dì làm”. “Hay nhiều lần tôi chạy xe mà bị rớt bịch đồ để trên xe xuống đường, bỗng thấy từ xa có anh bạn mặc đồng phục một hãng xe ôm công nghệ tiến tới nhặt giúp, rồi còn cười vui vẻ giữa phố đông. Có những thứ nhỏ bé mà khiến mình vui vui cả một ngày”.
Trong khi đó, Phạm Tâm Tuấn Khương, 28 tuổi, sáng lập Bếp Sẻ Chia (Sharing Kitchen) nơi hỗ trợ những bữa ăn miễn phí cho các em nhỏ ở các mái ấm ở TP.HCM, cho biết anh thật sự cảm động với nhiều người ở TP.HCM luôn sẵn lòng gửi bánh, đồ ăn tặng cho các em nhỏ. “Một chị đều đặn 4 năm nay, cứ tới cuối năm là gửi 40 triệu đồng để tụi nhỏ có sữa uống. Có chị gửi tới bếp 20 kg mọc, lại chuyển thêm 3 triệu đồng nói để các con có thêm món ăn. Thấy thương gì đâu”.
Cảm xúc đặc biệt của cô giáo sinh vào đúng Ngày Thống nhất 30/4
Mỗi năm gần đến sinh nhật mình, cô Trần Thị Bích Phượng, giáo viên trường THCS Tô Ký (Hóc Môn, TPHCM) lại cảm thấy lâng lâng tự hào bởi đó cũng là lúc đất nước hân hoan kỷ niệm Ngày Thống nhất 30/4.
Cô giáo Trần Thị Bích Phượng sinh ngày 30/4/1975.
Hàng năm, gần như cô giáo dạy Văn Trần Thị Bích Phượng không tự tổ chức sinh nhật nhưng cô nhận được những "món quà" bất ngờ giản dị như tấm thiệp chúc mừng từ học trò hay những lời mời họp mặt từ bạn bè.
Năm nay, những ngày cuối tháng 4, cô không thể tất bật đến lớp, đến trường với học trò vì phải nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Dù đôi chút buồn nhưng cô Phượng cũng nhận được những lời nhắn chúc mừng sinh nhật.
Nhìn đường phố treo đầy cờ phướn chào mừng kỉ niệm ngày thống nhất đất nước, người dân hân hoan đón chào ngày lễ lớn của dân tộc thì lòng cô lại thấy chộn rộn.
"Tôi nghe mẹ tôi kể lại, gần trưa ngày 30/4/1975 thì mẹ đau đẻ, ba vắng nhà nên lúc đó người cậu bồng mẹ đưa lên xe ngựa để chở tới nhà bảo sinh. Đến 13h, tôi cất tiếng khóc chào đời", cô Bích Phượng kể lại lúc ra đời của mình.
Cô Phượng kể tiếp, từ nhỏ lúc đi học hay đến lúc lớn đi làm, cô luôn cảm thấy vui dù mọi người hay trêu gọi "30/4" thay cho tên.
"Cứ đến ngày sinh nhật mỗi năm, tôi đều cảm thấy vui, hãnh diện, tự hào và thấy cuộc đời mình có phần may mắn khi sinh ra đúng vào thời điểm ấy.
Đó là thời khắc chiến tranh đã qua đi, một thời kỳ mới mở ra, một cuộc sống mới cho dân tộc mình", cô Phượng chia sẻ.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc vì may mắn sinh ra không còn chiến tranh. Cũng từ đó tôi thấy phải sống thật có trách nhiệm khi thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh để mang lại cuộc sống yên bình ngày hôm nay", cô giáo dạy Văn bộc bạch.
Cô giáo Trần Thị Bích Phượng (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp chụp ảnh nhân dịp đầu năm học mới.
Sinh ra tại mảnh đất Hóc Môn có bề dày lịch sử, cô yêu mảnh đất ấy và luôn muốn đóng góp cho quê hương mình.
Tốt nghiệp ra trường năm 1998, cô Phượng được quay về quê giảng dạy cho trường THCS Thị trấn Hóc Môn. Sau đó trường THCS Tô Ký (Hóc Môn) được thành lập năm 2012 thì cô Phượng gắn bó ở ngôi trường này đến nay.
22 năm gắn bó với môi trường sư phạm, với nghiệp dạy văn, cô luôn hạnh phúc với công việc mình đã chọn.
Cô Phượng cũng chia sẻ rằng mình mong muốn mọi trẻ em đều được học hành tới nơi tới chốn. Gia đình, nhà trường phải phối hợp với nhau để giúp các em học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, cô luôn muốn truyền dạy cho thế hệ sau tình yêu dân tộc.
"Ngoài bài giảng, tôi tìm hết những gì mà bản thân cảm nhận được về chiến tranh, để giáo dục đạo đức học sinh trong những tiết dạy của mình.
Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình đối với thế hệ sau, giúp các em thêm yêu quê hương đất nước mình", cô giáo Phượng tâm sự.
Ngoài công việc giảng dạy, cô Phượng còn phụ trách công đoàn nhiều năm nay
Câu lạc bộ những người sinh ngày 30/4
Cô Trần Thị Bích Phượng chia sẻ, cô là một trong hàng nghìn người có ngày sinh đặc biệt 30/4/1975. Cách đây 15 năm, tại TPHCM có một sự kiện đáng nhớ kết nối gần 1.000 người cùng ngày sinh trong một tiệc sinh nhật chung.
Sau đó buổi hội ngộ đó, một "Câu lạc bộ những người sinh ngày 30/4" đã được ra đời. Hàng năm, các anh chị trong nhóm thường gặp nhau làm tổ chức các từ thiện. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên nhóm không thể tổ chức họp mặt như mọi năm nhưng mọi người vẫn luôn quan tâm và thăm hỏi nhau.
3 chàng trai tô điểm góc phố quen của TP.HCM bằng ký ức ngày 30/4 Qua dự án tranh, nhóm bạn trẻ muốn gợi nhớ rằng mỗi góc nhỏ người dân TP.HCM chạy xe qua hàng ngày từng là chứng nhân cho sự kiện lịch sử hào hùng cách đây 45 năm. "1 ngày và 45 năm" là dự án hướng về ngày 30/4 của nhóm bạn Thái Thanh, Maxk Nguyễn, Minh Mi Goi. Trên nền 9 bức...