Bán trẻ em lấy tiền đi du lịch
Tô Tuấn Anh chối phăng mọi cáo buộc ông chủ mưu buôn bán trẻ em và hưởng lợi bất chính
Sáng 24-8, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trẻ em” ở Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi – khuyết tật và lang thang cơ nhỡ Tia Sáng ( Trường Tia Sáng) đối với hai bị cáo từng là quyền hiệu trưởng Trường Tia Sáng qua các giai đoạn gồm Trần Văn Hữu (SN 1960, trú tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc – Lâm Đồng) và Nguyễn Văn Mạnh (SN 1984, quê Thanh Hóa).
Ông Tô Tuấn Anh, bị can bị khởi tố, tạm giam tại Công an quận Tân Phú – TPHCM về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm – được đưa đến tòa với tư cách nhân chứng.
Cho con nuôi, thu tiền!
Trả lời các câu hỏi của chủ tọa phiên tòa Hoàng Thị Minh Hương, bị cáo Trần Văn Hữu thừa nhận từ năm 2002, ông làm tài xế cho Công ty Anh Nga. Sau đó, Trường Tia Sáng thành lập, ông được ông Tô Tuấn Anh, chủ Công ty Anh Nga đồng thời là người sáng lập trường, yêu cầu qua phụ trách Ban Đời sống của trường (lúc đó đã có hiệu trưởng). Đến tháng 10-2007, hiệu trưởng trường xin nghỉ, Hữu được Tô Tuấn Anh chỉ đạo miệng lên nắm quyền hiệu trưởng.
Trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Đại (ngụ xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng) đến Trường Tia Sáng xin nhận cháu Tô Nhất Anh (10 tháng tuổi) làm con nuôi và được ông Hữu yêu cầu ủng hộ 20 triệu đồng để nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường. Ông Đại đồng ý và đưa tiền hai lần, lần đầu 15 triệu đồng, lần sau 5 triệu đồng.
Tại tòa, ông Đại kể: “Chạy vạy khắp nơi nhưng không đủ 20 triệu đồng, tôi xin ủng hộ 15 triệu đồng thôi nhưng ông Hữu nhất định không cho đón cháu Nhất Anh. Tôi phải vay mượn tiếp 5 triệu đồng để đưa thì hôm sau được đón cháu về”. Tương tự, gia đình anh Trần Văn Đôn (ngụ huyện Bảo Lâm) đến trường xin nhận bé Tô Đức Anh làm con nuôi và cũng bị ông Hữu ra giá 20 triệu đồng.
Tiếp đó, từ ngày 27-10-2007, Nguyễn Văn Mạnh lên nắm quyền hiệu trưởng theo chỉ đạo miệng của ông Tô Tuấn Anh. Lúc này, gia đình anh K’ Brội (ngụ huyện Bảo Lâm) đến trường xin nhận bé Trần Văn Đông làm con nuôi. Mạnh bảo chờ ông Hữu và ông Tô Tuấn Anh về giải quyết. Ông Hữu về, yêu cầu anh K’ Brội “ủng hộ” trường 25 triệu đồng để chăm sóc các cháu khác.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Hữu 8 năm tù giam (tính từ ngày 17-9-2009), đồng thời buộc sung công quỹ số tiền hơn 31 triệu đồng nhận từ việc “bán trẻ”; bị cáo Nguyễn Văn Mạnh 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm (tính từ ngày tạm giam 16-7-2009).
Không đủ tiền, anh K’ Brội xin đóng 20 triệu đồng, ông Hữu đồng ý. Cả ba lần nhận tiền đều không có biên nhận, không ghi vào sổ sách… Tại tòa, bị cáo Hữu luôn miệng nói: “Mỗi lần cho con nuôi bị cáo đều xin ý kiến của ông Tô Tuấn Anh, bị cáo nghĩ đó là cách giúp đỡ xây dựng hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn”. Chủ tọa cắt lời: “Giúp mà ngã giá thì có ý nghĩa gì, người nghèo chạy tiền rất cực khổ… Chưa kể, toàn bộ số tiền nhận được qua ba lần “bán trẻ” là 60 triệu đồng, chỉ chi hơn 26 triệu đồng xây nhà vệ sinh cho các cháu, còn lại các bị cáo chi dùng cá nhân, như vậy là sai quy định”.
Video đang HOT
Tô Tuấn Anh chối phăng
Ở phần xét hỏi, hai bị cáo Hữu và Mạnh đều thừa nhận cả ba lần cho con nuôi và vòi tiền đều do chỉ đạo (qua điện thoại) của ông Tô Tuấn Anh. Ngoài khoản chi xây nhà vệ sinh, ông Hữu và ông Tô Tuấn Anh dùng số tiền còn dư để đi… du lịch Thái Lan. Bị cáo Hữu khai thêm: “Đến lần nhận tiền thứ ba, ông Tô Tuấn Anh gọi điện thoại bảo gửi tiền theo xe đò xuống TPHCM cho ông. Gửi xong, bị cáo gọi điện thoại hỏi ông Anh đã nhận được tiền chưa, ông nói đã nhận được”.
Tuy nhiên, trước tòa, ông Tô Tuấn Anh chối phăng mọi lời khai của bị cáo Hữu.
Chủ tọa hỏi ông Tô Tuấn Anh: “Từ năm 2002, ông là người đứng ra đỡ đầu cho trẻ cơ nhỡ nhưng sao không nắm gì cả?”. Tô Tuấn Anh trả lời: “Tôi có dặn người quản lý trường rằng nếu có ai xin thì cứ cho theo quy định pháp luật”. Chủ tọa vặn: “Trong quy chế có quy định cho hay không?”. “Dạ không” – Tô Tuấn Anh đáp. Chủ tọa: “Mỗi khi cho trẻ, các bị cáo đều làm theo chỉ đạo của ông: Cho trẻ nhưng phải lấy tiền?”. Ông Tô Tuấn Anh: “Dạ không”.
Do không chứng minh được vai trò chủ mưu cũng như hưởng lợi bất chính từ việc “bán trẻ” của ông Tô Tuấn Anh, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ hai hành vi này.
Theo Người lao động
Khi cái ác ngự trị cả tình yêu
Những người thân của nạn nhân thì đau khổ nhưng cô giáo Thuận kia vẫn dửng dưng...
Một cô giáo sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội, đã từng hàm ơn vợ chồng cô bạn gái thân thiết từ tấm bé vì đã giới thiệu cho một người chồng tốt, người chồng tốt đó chính là em trai của chồng cô bạn. Vậy mà sau khi lấy chồng, những mâu thuẫn đã khiến cô giáo đó nhẫn tâm "tổ chức" người đổ xăng vào nhà riêng của anh ruột chồng thiêu chết 3 người trong tổ ấm của họ.
Đó là tội ác không thể dung thứ của Nguyễn Thị Thuận, bị cáo vừa bị Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô đưa ra xét xử tại Hà Nội vào ngày 4 - 8 - 2010.
Đổ xăng thiêu chết gia đình chị dâu và là bạn gái thân yêu đang mang bầu
Nguyễn Thị Thuận và chị Bùi Thị Thu Hà (sinh năm 1975) là bạn thân cùng quê ở Yên Bái, học cùng cấp ba và đại học, ra trường cùng đi dạy học tại Hà Nội. Chị Hà kết hôn với anh Nguyễn Chí Hưng, công tác tại Cục Bản đồ, Bộ Quốc Phòng. Năm 1999 vợ chồng chị Hà cùng Thuận mua hai mảnh đất liền nhau tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Do mối tình cảm bạn thân giữa Thuận và chị Hà, nên vợ chồng chị Hà đã mai mối em trai anh Hưng là anh Nguyễn Trí Tuấn, trú tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho Thuận. Tháng 1/2001 Thuận kết hôn với anh Tuấn và sau đó đã sinh 1 con trai. Vợ chồng Thuận chưa có tiền xây nhà, nên thuê một căn nhà cấp 4 tại xóm Chợ để ở, còn gia đình anh Hưng xây nhà trước ở tại mảnh đất trên.
Một thời gian sau, do mâu thuẫn vợ chồng, nên anh Tuấn và chị Thuận ly thân. Anh Tuấn cho biết lấy Thuận vì tình yêu, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ không có mâu thuẫn gì lớn. Mấu chốt của việc ly thân chính là vào khoảng cuối năm 2007, do Thuận có những lời nói hỗn, khi chồng góp ý, không những không tiếp thu, Thuận còn dùng cả dây điện quất vào mặt chồng và đứa con trai 5 tuổi của họ. Biết Thuận ương bướng, khó thay đổi, sống với 10 hàng xóm thì cãi nhau với 9 người, nên anh Tuấn quyết định ly thân để Thuận có thời gian nhìn nhận và sửa đổi. Cũng thời gian này, anh Tuấn mở công ty tại nhà anh Hưng nên thường xuyên ở lại đây.
Thời gian sau đó, Thuận cho xây dựng nhà ở mảnh đất liền kề với nhà anh Hưng, nên mỗi khi ra thăm nom công trình, nhìn thấy chồng lại cay cú. Khi thấy anh Hưng khuyên Thuận nên xin lỗi anh Tuấn để vợ chồng về đoàn tụ thì Thuận lại bực lây sang người anh chồng vì cho rằng anh Hưng bênh em trai. Từ đó, Thuận nảy sinh ý định đốt nhà anh Hưng để cho hả cơn bực tức.
Thuận liền bàn với Bùi Tiến Hà, một người quen của gia đình ở Yên Bái xuống trông nom công trình xây dựng về ý định nhờ Hà đổ xăng đốt nhà anh Hưng, rồi sai Hà đi mua xăng. Khi Hoàng Hải Tiệp, một thanh niên quen biết Thuận cùng quê Yên Bái đến chơi, Thuận cũng nhờ tham gia vụ đốt nhà với lời hứa cho chiếc điện thoại di động và cho ở nhờ, không lấy tiền nhà. Khoảng 2h sáng 25/1/2008, ba thủ phạm đã dùng ống nhôm xuyên qua cửa sổ đổ xăng vào nhà anh Hưng rồi gây ra vụ cháy, làm anh Hưng chết cháy tại chỗ. Còn chị Hà, đang mang thai tháng thứ 4 và con gái của vợ chồng anh Hưng là cháu Nguyễn Thảo Hiền, 8 tuổi, bị bỏng nặng, tuy được đưa đi cấp cứu tại Viện bỏng quốc gia, nhưng do bị bỏng nặng nên một tuần sau cũng qua đời.
Khi vụ án xảy ra, 3 con người mà thành ra 4 mạng người bị sát hại, không rõ nguyên nhân tai họa từ đâu tới, đại gia đình anh Tuấn đau đớn, quỵ ngã trước đại tang bất ngờ, chỉ có Thuận là dửng dưng, điềm nhiên có mặt trong đám tang với thái độ khá lạnh lùng, dửng dưng.
Bất ngờ, gần một năm sau, thủ phạm vụ án bị phát hiện, không phải ai khác, mà chính là Thuận. Nỗi đau gia đình nạn nhân như một lần nữa nhân lên, không ai ngờ một cô giáo tiểu học như Thuận hàng ngày đứng trước các em học sinh bé bỏng dạy các cháu nhân cách làm người lại trở thành một kẻ sát nhân tàn độc như vậy.
Trải qua gần 2 năm điều tra, vụ án được Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô đưa ra xét xử vào ngày 3 - 8 - 2010. Tại phiên xử, ai cũng rơi nước mắt khi thấy cảnh bà mẹ của anh Hưng (cũng chính là mẹ chồng của Thuận) và bà mẹ chị Hà ôm di ảnh của các con và của cháu trong nỗi đau đớn câm lặng. Vậy mà Thuận vẫn quanh co khai báo, kêu oan, không thừa nhận hành vi tàn độc do mình gây nên. Không chỉ có thái độ thiếu thành khẩn, mà "bỉ ổi" hơn nữa là Thuận thi thoảng lại nhếch mép cười với hai đồng phạm cùng đứng trong vành móng ngựa của Thuận làm những người dự phiên tòa thấy căm phẫn. Theo luận tội của Viện kiểm sát, hành vị giết người dã man của Thuận đều bị định khung bởi các tình tiết tăng nặng, như giết nhiều người, giết cả trẻ em và phụ nữ mang bầu ... Với thị, không được xem xét tình tiết giảm nhẹ nào vì không thể hiện sự ăn năn hối cải, không hổ thẹn lương tâm với những người vô tội đã khuất và với ngay chính con đẻ còn thơ bé của thị..., vì vậy, cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án mức tử hình.
Tuy nhiên, sau quá trình xét xử, cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX cũng nhận định tương tự với đề nghị của cơ quan công tố, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà HĐXX đã điềm nhiên có một kết luận khác biệt, đó là: "Bị cáo Thuận chưa mất hết tính người..."(?!). Vì lí do này, Tòa chỉ tuyên phạt Thuận với mức án chung thân. Còn Hà bị tuyên phạt 20 năm tù giam, Tiệp 18 năm tù cho cả hai tội giết người và hủy hoại tài sản công dân.
Phiên xử vừa kết thúc, hai người mẹ già ôm di ảnh cháu và con khóc òa, tức tưởi. Tiếng khóc xé lòng, tuyệt vọng ... Có lẽ những người nằm dưới suối vàng như chết đi một lần nữa khi kẻ gây ra tội tày trời lại được nương nhẹ bằng bản án chung thân.
Vì sao bị cáo chủ mưu không có sự ăn năn?
"Có lẽ sự thiếu hối lỗi của Thuận bắt nguồn từ nền tảng gia đình mà trong đó sự cư xử thiếu văn hóa, thiếu tình người của họ là thể hiện rõ nhất", bác Hà Tiến Phát, 71 tuổi, bác ruột của nạn nhân Bùi Thị Thu Hà, đại diện cho phía gia đình nạn nhân, nhận xét. Bác Phát cho biết, hiện gia đình chị Hà và gia đình Thuận vẫn sống gần nhau, vì ngày xưa chị Hà và Thuận vốn là bạn học phổ thông ở quê, cùng xuống Hà Nội học đại học, ra trường cùng đi dạy. Rồi hai người bạn thân ấy lần lượt lấy chồng là hai anh em trai trong một gia đình. Chị Hà lấy anh Hưng, rồi giới thiệu Thuận với anh Tuấn, em trai Hưng. Như vậy, ngoài tình bạn thân thiết từ thơ bé, Thuận còn là một đứa em dâu trong tình ruột thịt. Vậy nhưng, từ khi Thuận tà ác gây ra vụ án oan nghiệt chết đến 4 mạng người, gia đình Thuận chưa hề có một lời hỏi thăm, chứ chưa nói là tạ lỗi trước bố mẹ chị Hà để an ủi người láng giềng mất con mất cháu, thể hiện sự hối lỗi của những đấng sinh thành ra một kẻ ác độc theo lối sống văn hóa của người Á Đông là "con dại cái mang"...
Theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển, người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, hành vi của Thuận không còn đơn thuần là tội phạm, mà đó là tội ác. Và nó còn bị nhân lên nhiều lần sự căm phẫn của người trong gia đình nạn nhân lẫn dư luận xã hội bởi sự "nhâng nháo" của bị cáo này. Xuyên suốt phiên xử, những người dự Tòa đều chứng kiến sự lạnh lùng vô cảm của Thuận trước nỗi đau của người thân gia đình anh Hưng, không có lấy một cử chỉ hối lỗi, ăn năn với đại diện gia đình bị hại, thay vào đó là hành động lúc nhếch mép cười, khi quay sang nói chuyện với hai đồng phạm.
Nỗi đau của gia đình mất cháu con
Ngay sau khi phiên xử sơ thẩm kết thúc, đại diện gia đình bị hại cho biết sẽ viết đơn kháng án. Tuy nhiên, nhìn hai người mẹ, cũng là hai thông gia ôm di ảnh con vừa đi vừa khóc trong cái nắng quái xế chiều, mới thấy họ đã thêm một lần đau đớn. Đau đớn bởi các con và cháu bị sát hại, mà kẻ sát hại tàn độc đó cũng lại là con dâu trong gia đình, bây giờ nhâng nháo trước vành móng ngựa mà không tỏ một chút hối hận. Đau đớn nữa là chính bản án của HĐXX đã nương nhẹ cho bị cáo. Những người mẹ già của các nạn nhân lại thêm một lần đau là như vậy. Có lẽ họ lại phải chờ đến phiên xử phúc thẩm để mong vợi được phần nào nỗi đau và cũng là để cho những linh hồn chết oan được siêu thoát.
Trong những người của gia đình bị hại có anh Nguyễn Trí Tuấn, em trai của nạn nhân Nguyễn Trí Hưng, cũng chính là chồng của bị cáo Thuận, thẫn thờ, nhìn người mẹ khóc vật vã mà trong tình cảnh đó, không biết nói gì, đành lặng câm đứng nhìn. Anh không thể nào nói lời động viên, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau của đại gia đình anh, bởi vì trong trái tim anh cũng nhói lên nỗi đau và sự kinh hoàng vì kẻ thủ ác tàn bạo đó lại chính là người vợ mà anh từng nhiều năm yêu thương, chung sống. Đau đớn thay, kẻ ác đó lại còn là mẹ của con trai anh, người đã từng may mắn được làm mẹ nhẽ ra phải có trái tim nhân hậu, phải biết yêu thương thì mới dạy dỗ được con nên người. Vậy mà Thuận lại tàn độc như loài rắn độc, từ một cô giáo, một người mẹ trẻ, đã tự biến thành một kẻ ác thú khi sát hại những người từng là người thân yêu của mình, bởi trong trái tim của thị đã bị cái ác ngự trị. Phải, trong con người thị cái ác đã ngự trị cả tình yêu.
Khi thấy chúng tôi hỏi chuyện, anh Tuấn buồn bã, dè dặt kể: "Hồi cả gia đình anh Hưng mất, tôi sợ mẹ một mình ở quê buồn, nên tôi đã đưa con trai của tôi và Thuận về với bà cho bà khuây khỏa. Tôi nói lúc nào Thuận nhớ con, anh sẽ đón lên Hà Nội. Nhưng cả 6 tháng trời Thuận chẳng buồn hỏi hay về quê thăm con lấy một lần".
Dù độc ác, máu lạnh đến đâu nhưng đôi khi phần người vẫn hiện hữu trong mỗi con người, nhất là một người mẹ, khi con cái chính là điểm huyệt tình cảm dễ mủi lòng nhất. Nhưng với Thuận điều đó không tồn tại, chưa bao giờ người ta thấy Thuận có phút giây nào đó hối hận với việc làm tàn độc của mình, ngay cả khi đối diện với di ảnh cháu Thảo Hiền, người đàn bà sát nhân máu lạnh này vẫn ngẩng đầu cười nhếch mép như thách thức thiên thần nhỏ ấy. Rồi đây khi con trai Thuận lớn, hiểu hết mọi chuyện không biết cậu bé ấy sẽ phán xét thế nào về người mẹ của mình?
Vụ án này như lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những ai thiếu suy nghĩ trong xứ lý tình huống xảy ra ở cuộc sống thường nhật. Nếu như bị cáo Thuận có sự nhẫn nhịn, bình tĩnh suy xét thấu đáo trước những cơn tức bực nhỏ nhen, có lẽ chuyện đau lòng đã không xảy ra, để lại hậu quả, nỗi đau nặng nề cho cả ba gia đình. Còn với bị cáo Hà và Tiệp, hai đồng phạm giúp sức, cũng là trực tiếp gây nên cái chết của gia đình anh Hưng, chỉ vì tham một chiếc điện thoại, một lời hứa có lợi chút đỉnh cho bản thân, lại thiếu hiểu biết pháp luật, họ đã dã man cướp đi mạng sống của các nạn nhân, vì vậy mức án bị tòa tuyên phạt so với sự răn đe giáo dục, cảnh tỉnh cũng là quá nhẹ, cần tăng nặng để làm gương.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Đòi 40 triệu đồng tiền công gây án chết người Công an Từ Liêm, Hà Nội vừa tạm giữ Lê Quang Thạch - chủ mưu vụ sát hại hàng xóm do tức giận vì bị chắn lối đi - để điều tra tội giết người. Sáng 12/8, Thạch (26 tuổi, giám sát kỹ thuật của một công ty cơ điện lạnh tại Hà Nội) tới công an đầu thú. Anh khai liên quan...