Ban Tổ chức đề xuất mô hình bí thư kiêm chủ tịch đặc khu kinh tế
Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa đồng thuận với mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế.
Chiều 23.4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu).
Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức cho biết, Ban đề xuất hai phương án nhân sự lãnh đạo cho loại hình đơn vị này, gồm: Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND đặc khu, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
“Nếu Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu thì bố trí một phó bí thư là phó chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị”, ông Chính nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đồng tình với phương án trên. “Nếu bí thư không đồng thời là chủ tịch UBND thì vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả”, ông Đọc nhấn mạnh và đề nghị trong hai Phó bí thư đặc khu thì một người là Phó chủ tịch tổ chức an sinh xã hội, một người là chủ tịch HĐND kiêm phụ trách công tác tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Lê Thanh Quang cũng ủng hộ phương án Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND đặc khu. Theo ông Quang, khi lập đặc khu, cán bộ công chức tại ba đơn vị này chắc chắn phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn và dôi ra.
“Tỉnh tôi dôi ra gần 200 cán bộ cấp huyện, xã. Vì vậy, đề nghị Trung ương thống nhất chính sách chung cho cán bộ dôi dư ở 3 đặc khu, tránh tình trạng anh em tâm tư, chính quyền chỗ giàu, chỗ nghèo phiền phức”, ông Quang nói.
Video đang HOT
Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: P.V
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, tổ chức Đảng ở các đặc khu sẽ được thành lập tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền theo quy định của Luật đơn vi hành chính – kinh tế đặc biệt, khi đạo luật này được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, hướng đề xuất là thống nhất văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND đặc khu; kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và chính quyền đặc khu; thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, UBND đặc khu tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương…
“Mô hình nào tích cực hơn thì ta chọn, chọn cái tốt nhất trong những cái tốt”, ông Chính nói.
“Không khép kín” trong chọn cán bộ
Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, dự thảo Luật đặc khu quy định chính quyền địa phương có HĐND và UBND. HĐND đặc khu có từ 9-15 đại biểu, đa số là chuyên trách, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND. UBND đặc khu bao gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch, trong đó, chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Nội vụ sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh và trình Thủ tướng phê chuẩn…
Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị xem xét lại quy định chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Nội vụ giới thiệu mà nên giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh.
“Chủ tịch tỉnh là những người nắm chắc cơ sở, hiểu rõ cán bộ tại chỗ để trình HĐND bầu chủ tịch đặc khu. Các cơ quan trung ương trên cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng phê chuẩn thì đúng hơn. Quy trình này tương đương với chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh”, ông Đọc phân tích.
Bí thư Khánh Hòa Lê Thanh Quang cũng đề nghị Trưởng đặc khu phải do Thường vụ Tỉnh uỷ nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới trình Thủ tướng cho phép HĐND đặc khu bầu, sau đó Thủ tướng phê chuẩn.
Tuy nhiên, về vấn đề trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, “công tác cán bộ không khép kín, không nhất thiết là cán bộ trung ương về hay chỉ có cán bộ tại địa phương”.
Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào ngày 21/5.
Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress)
Bí thư Quảng Ninh khảo sát việc "6 sào lúa chỉ được 3 túi thóc cho gà ăn"
Sau khi Dân Việt có bài phản ánh "Quảng Ninh: Mất mùa, 6 sào thu được 3 túi thóc đắng, chỉ gà ăn được", ngày 9.11.2017, ông Nguyễn Văn Đọc- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có buổi đi thị sát thực tế để nắm tình hình như báo nêu.
Như Dân Việt đã phản ánh, vụ mùa năm nay, nhiều xã, phường tại TX.Quảng Yên bị thiệt hại, mất mùa lúa, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân. Theo ước tính sơ bộ, đến ngày 23.10, toàn thị xã có 345,6ha lúa bị ảnh hưởng.
6 sào, nhưng bà Năm ở phường Đông Mai chỉ thu hoạch được 3 túi bóng như thế này, cân lên được hơn yến thóc.
Theo ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng TX.Quảng Yên cho biết, đây vẫn chưa phải là con số chính xác và thiệt hại có thể cao hơn rất nhiều. Bởi lúc thống kê, lúa mới chỉ chín 70 - 80% thôi. Hiện nay, các xã đang tiến hành cho người dân kê khai thiệt hại cụ thể, con số thiệt hại chính xác phải chờ đến ngày 10.11 mới có.
Cũng theo ông Hùng, vụ mùa năm nay TX.Quảng Yên rất quan tâm đầu tư làm thủy lợi, hướng dẫn bà con nông dân cày xới,chọn giống, gieo mạ, chăm sóc lúa với hy vọng sẽ bội thu. Tuy nhiên, khi lúa vừa bén rễ lại gặp vào đợt mưa nhiều, sau đó là sâu bệnh hoành hành nên bị thất thu nặng.
Bí thư tỉnh Quảng Ninh trực tiếp xuống tận cánh đồng để nắm tình hình vụ mùa ở TX.Quảng Yên. (Ảnh Hùng Sơn)
Sau khi đi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu TX.Quảng Yên cần quan tâm rà soát để có phương án hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ mùa vừa qua. Cùng với đó, thị xã tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tập huấn hướng dẫn các địa phương, hộ dân trên địa bàn biện pháp canh tác, gieo trồng và bảo vệ thực vật trong sản xuất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác dự báo sâu bệnh, hướng dẫn khắc phục thiên tai, ngập úng, kịp thời thông tin, hướng dẫn hộ dân biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng.
Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu TX.Quảng Yên cần tập trung nghiên cứu đề xuất giống lúa mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, lãnh đạo TX.Quảng Yên cho biết vụ mùa vừa qua các địa phương của thị xã phải đối mặt với thời tiết cực đoan, kèm theo tình hình sâu bệnh, dẫn đến giảm một phần năng suất thu hoạch, trong đó giảm sản lượng chủ yếu ở trà lúa mùa trung. Hiện thị xã đã có các giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng trên, nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng.
Bí thư Nguyễn Văn Đọc yêu cầu TX.Quảng Yên lập danh sách hộ gia đình bị thiệt hại, trích nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định, tuyệt đối không được để người dân bị đói. (Ảnh Hùng Sơn)
Sau khi nghe báo cáo, đi kiểm tra thực tế trên cánh đồng bị thiệt hại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc nhận thấy, việc những diện tích lúa bị thiệt hại trên cùng một cánh đồng là có, có gia đình bị thiệt hại 30%, có gia đình bị 50%, cao nhất là 70%, chứ không hoàn toàn mất trắng. Ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu TX.Quảng Yên lập danh sách hộ gia đình bị thiệt hại, trích nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định, tuyệt đối không được để người dân bị đói.
Theo Danviet
Giá đất tại Vân Đồn đang thi nhau "nhảy múa" Ngay từ khi đặc khu kinh tế Vân Đồn vẫn còn nằm trên giấy thì tại đây đã xuất hiện một cơn "sốt" đất chưa từng thấy, giá cả biến động từng giờ, từng ngày. Điều đáng nói, sau một thời gian dường như trầm lắng vào cuối năm 2017 thì mới đây, tình trạng này lại tái diễn và có phần "nóng"...