Bắn tỉa của lực lượng quân sự và cảnh sát: Ai hơn ai?
Xạ thủ bắn tỉa quân đội thường biết trước thời gian và địa điểm mà nạn nhân sẽ xuất hiện,trong khi đó, lực lượng cảnh sát bắn tỉa lại bị động hơn rất nhiều.
Bắn tỉa quân sự và cảnh sát: Ai hơn ai?
Những tay súng độ chính xác cao chuyên nghiệp chia bắn tỉa thành hai loại: bắn tỉa thể thao và bắn tỉa thực tế. Với bắn tỉa thể thao thì mọi việc rất đơn giản: các xạ thủ chỉ cần cố gắng bắn trúng bia càng nhiều càng tốt để đạt kết quả cao nhất, giành các giải thưởng, huy chương và danh hiệu.
Trong khi đó bắn tỉa thực tế lại hoàn toàn khác. Đây là ngành đặc thù của các tổ chức quân sự và an ninh vì mục đích của nó là tiêu diệt sinh lực đối phương, phá hủy các công trình, khí tài như phương tiện vận chuyển, xe bọc thép hạng nhẹ, hầm trú…
Và bắn tỉa thực tế độ chính xác cao lại được phân chia thành bắn tỉa cảnh sát và bắn tỉa quân đội. Vậy hai tiểu nhánh này có điểm gì giống và khác nhau?
Những xạ thủ bắn tỉa cảnh sát thường tác chiến trong khu vực đô thị với khoảng cách tới đối tượng mang đặc thù riêng của địa hình thành phố, trung bình từ 50 đến 300 m.
Đối với bắn tỉa cảnh sát thì độ chính xác của phát bắn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Lấy ví dụ, có những tình huống khi cảnh sát phải triệt hạ những tên tội phạm đang lấy con tin làm lá chắn sống.
Cảnh sát Denver (Mỹ) bắn tỉa hạ gục tên tội phạm để giải cứu con tin
Trong tình huống này, chỉ cần viên đạn đi chệch dù chỉ một vài cm cũng có thể là sai lầm chết người. Ngoài ra, cảnh sát bắn tỉa phải luôn cố gắng hạ gục tội phạm ngay từ phát đạn đầu tiên, có nghĩa là viên đạn phải găm chính xác tuyệt đối vào những bộ phận quan trọng trên cơ thể mục tiêu.
Cảnh sát bắn tỉa hầu như không bao giờ có cơ hội bắn điều chỉnh – tức là bắn một vài phát súng để thử thông số. Họ luôn phải hành động một cách chắc chắn và ngay lập tức.
Video đang HOT
Bắn tỉa quân đội có nhiều khía cạnh khác với bắn tỉa cảnh sát. Trước hết, chúng ta đang nói về khoảng cách: xạ thủ bắn tỉa quân đội thường phải thực hiện phát bắn từ khoảng cách 500-1500 m ở địa hình rừng núi. Nhiệm vụ chính của xạ thủ bắn tỉa quân đội thường không phải là tiêu diệt kẻ thù.
Làm cho kẻ địch bị thương sẽ khiến chúng chịu nhiều thiệt hại hơn: kẻ bị trúng đạn cần phải được đưa ra khỏi chiến trường, và đồng đội của người này sẽ tới đưa anh ta đi, đồng nghĩa với việc tự kéo nhau đến trước họng súng của tay bắn tỉa.
Vì vậy xạ thủ bắn tỉa quân đội không nhất thiết phải bắn trúng các bộ phận quan trọng trên cơ thể đối phương mà chỉ cần ngắm chân, bụng hoặc lưng là những mục tiêu lớn, dễ trúng.
Nếu phát súng đầu chưa trúng thì xạ thủ quân đội có thể bắn tiếp một vài phát đạn nữa vào mục tiêu – vốn đã bị mất lợi thế ẩn nấp tại các địa hình trống trải.
Những phát bắn “thử” này là cần thiết để hiệu chỉnh được đường ngắm chuẩn vì trên chiến trường, xạ thủ ở rất xa kẻ thù, và kẻ địch khó phát hiện ra nơi xạ thủ bắn tỉa thực hiện phát súng.
Và trong một số trường hợp thậm chí mục tiêu còn không nghe thấy được gì bởi tốc độ đạn bay nhanh gấp 2-3 lần tốc độ âm thanh, và tiếng nổ đến sau khi đạn đã găm vào mục tiêu. Quả thật như “sét đánh không kịp bưng tai”.
Xạ thủ bắn tỉa quân đội thường biết trước thời gian và địa điểm mà nạn nhân sẽ xuất hiện, và do đó có thời gian chuẩn bị từ trước. Anh ta có thể ngụy trang nơi trú ẩn của mình bằng những vật liệu sẵn có tự nhiên, lợi dụng đặc điểm địa hình và thảm thực vật trên mặt đất.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát bắn tỉa thường gặp hạn chế trong việc lựa chọn phương tiện ngụy trang. Họ phải sử dụng sự khác biệt giữa những vật thể chiếu sáng, phát sáng để tạo lợi thế.
Một sự thật là xạ thủ bắn tỉa tác chiến trong thành phố không bao giờ đặt súng thò ra ngay từ cửa sổ mà luôn cố gắng làm nhiệm vụ từ không gian sâu phía trong nhà để tận dụng bóng râm.
Theo Soha News
'Quý cô tử thần' - nữ xạ thủ bắn tỉa khiến phát xít khiếp sợ
Từng bị từ chối cho nhập ngũ vì là nữ, lính bắn tỉa Lyudmila Pavlichenko đã chứng minh khả năng vượt trội của mình khi tiêu diệt hơn 300 tên địch.
Lyudmila Pavlichenko. Ảnh: Screengrab
Trong Thế chiến II, cái tên Lyudmila Pavlichenko trở thành nỗi khiếp đảm của phát xít Đức, khi tiêu diệt 309 tên địch, trong đó có 36 tay bắn tỉa Đức. Ít ai biết rằng bà từng chỉ là một nữ sinh ngành sử học.
Sinh năm 1916 tại Bila Tserkva, trung Ukraine, Lyudmila Pavlichenko theo học ngành lịch sử tại đại học Kiev .Pavlichenko được miêu tả là một người có cá tính độc lập, mạnh mẽ, nghịch ngợm. Khi còn đi học, Pavlichenko là một "học sinh ngang bướng", theo viện Smithsonian, có trụ sở tại Mỹ. Năm 14 tuổi, gia đình bà chuyển về sống tại Kiev và bà làm việc trong một xưởng sản xuất đạn dược cho quân đội.
Giống như nhiều thanh niên Liên Xô cùng thời, Pavlichenko tham gia Hội tình nguyện viên hợp tác với quân đội, hàng không, và hạm đội (DOSAAF), một tổ chức thể thao bán quân sự, đào tạo cho thanh niên kỹ năng sử dụng vũ khí và các nghi thức quân đội.
"Khi một cậu bé hàng xóm khoe khoang về thành tích của mình tại trường bắn, tôi đã quyết định phải cho thấy một cô gái cũng có thể làm việc đó. Do vậy tôi tập luyện rất nhiều", Pavlichenko nói.
Ngày 22/6/1941, quân Đức ồ ạt tiến vào Liên Xô. Pavlichenko lập tức nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, dù ban đầu bị quân đội từ chối với lý do là nữ.
"Cô ấy trông như một người mẫu, với móng tay được cắt tỉa gọn gàng, quần áo và tóc hợp thời trang. Pavlichenko nói với sĩ quan tuyển quân rằng cô muốn cầm súng trường chiến đấu. Người đó cười phá lên và hỏi cô ấy biết gì về súng trường", trang Soviet-Awards.com viết về nỗ lực gia nhập quân đội của Pavlichenko.
Ngay cả sau khi Pavlichenko trưng ra giấy chứng nhận lính bắn tỉa và một huy hiệu xạ thủ xuất sắc từ DOSAAF, quan chức này vẫn đề nghị bà làm công việc y tá. "Họ không nhận phụ nữ vào quân đội, do đó tôi phải vận dụng mọi mánh lới để được chấp nhận", bà Pavlichenko lý giải.
Cuối cùng, Hồng quân cũng cho bà một cơ hội khi đưa cho bà một khẩu súng trường và chỉ cho bà hai người Romania làm việc cho người Đức. Không chút khó khăn, bà bắn hạ cả hai tên lính và được chấp nhận vào Sư đoàn súng trường Chapayev số 25.
Sau đó, Pavlichenko được ra tiền tuyến tại Hy Lạp và Moldova. Trong thời gian rất ngắn, bà trở thành lính bắn tỉa danh tiếng trên chiến trường, tiêu diệt 187 tên phát xít Đức trong 75 ngày tham chiến đầu tiên.
Lính bắn tỉa trên những mặt trận này chiến đấu ngay trong lòng địch, cách xa các đồng đội khác. Đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm và đòi hỏi sự cẩn trọng, phải ngồi bất động hàng giờ liền để tránh bị lính bắn tỉa đối phương phát hiện. Sau khi nổi tiếng tại Odessa và Moldova, Pavlichenko được điều động về Crimea để chiến đấu bảo vệ thành phố cảng Sevastopol.
Danh tiếng cũng khiến bà được giao những nhiệm vụ nguy hiểm hơn, mà khó khăn nhất là phải đối mặt trực diện với lính bắn tỉa đối phương. Theo viện Smithsonian, bà đã đọ sức và bắn hạ 36 lính bắn tỉa đối thủ, một vài trong số đó là những tay súng nổi tiếng.
"Đó là một trong những trải nghiệm căng thẳng nhất trong đời tôi", bà Pavlichenko nói.
Trong 8 tháng chiến đấu tại Stevastopol, bà được Hồng quân tuyên dương và thăng quân hàm. Dù một vài lần bị thương, bà chỉ chịu dừng chiến đấu sau khi bị mảnh bom găm vào mặt, do phát xít ném bom vị trí của bà.
Pavlichenko trở thành gương mặt nổi tiếng trong cuộc chiến, và thường xuất hiện trong các chương trình tuyên truyền trong nước của Hồng quân. Bà trở thành cơn ác mộng với mọi lính Đức trên mặt trận phía đông và được các nhà báo đặt biệt danh là "quý cô tử thần". Quân Đức thậm chí còn dùng loa phóng thanh để gọi Pavlichenko, dụ dỗ và hứa hẹn sẽ cho bà lợi lộc nếu bà chấp nhận đào ngũ sang đầu quân cho Đức.
Sau khi ngừng tham chiến, Pavlichenko trở thành huấn luyện viên bắn tỉa và được mời tới thăm Nhà Trắng. Bà gặp gỡ Tổng thống Franklin Roosevelt cùng đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, trở thành công dân Liên Xô đầu tiên được một tổng thống Mỹ tiếp.
Pavlichenko được mời đến Nhà Trắng. Ảnh: Library of Congress
Tuy nhiên, Pavlichenko đã tức giận khi truyền thông Mỹ đặt ra những câu hỏi mang thành kiến giới tính với bà. Bề ngoài và phong cách ăn mặc của bà cũng bị truyền thông nước này chỉ trích.
Khi được hỏi bà có trang điểm hay không khi ra trận, Pavlichenko đáp lại: "Không hề có quy định nào cấm điều đó, nhưng ai mà có thời gian nghĩ tới cái mũi bóng bẩy của mình khi chiến tranh còn đang diễn ra?"
"Tôi mặc quân phục với niềm vinh dự. Nó có Huân chương Lenin, nó từng thấm đẫm máu trên chiến trường. Quá rõ ràng rằng, điều quan trọng với phụ nữ Mỹ chỉ là liệu họ có mặc đồ lót bằng lụa bên dưới bộ quân phục hay không, có vẻ họ vẫn chưa hiểu quân phục đại diện cho điều gì", Pavlichenko trả lời tạp chí Time trong cuộc phỏng vấn năm 1942.
Pavlichenko là một trong số khoảng 2.000 nữ lính bắn tỉa trong Hồng quân chiến đấu trong Thế chiến II, và là một trong số 500 người sống sót sau cuộc chiến.
Theo Business Insider, thành tích tiêu diệt 309 tên địch có lẽ đã đủ để bà lọt vào top 5 xạ thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng số lượng địch thực tế bà đã hạ còn có thể cao hơn thế, bởi 309 chỉ là số địch bà tiêu diệt được xác nhận bởi một bên thứ ba.
Sau chiến tranh, Pavlichenko trở lại đại học Kiev và hoàn tất chương trình thạc sĩ, trước khi về làm việc tại tổng hành dinh hải quân Liên Xô. Bà qua đời ngày 10/10/1974 ở tuổi 58 và được an táng tại Moscow.
Tháng 4 năm nay, câu chuyện của bà đã trở thành cảm hứng cho một bộ phim được gọi là "Battle for Sevastopol" (Trận chiến Sevastopol) tại Nga, và "Indestructible" (tạm dịch Bất khả chiến bại) tại Ukraine.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Nhà bình luận chính trị nổi tiếng Campuchia bị bắn chết Ông Kem Ley, một nhà bình luận chính trị nối tiếng ở Campuchia chuyên chỉ trích mạnh mẽ chính quyền, đã bị bắn chết ngày 10.7 trong một cửa hàng ở thủ đô Phnom Penh. Theo cảnh sát, ông Kem Ley, 46 tuổi bị trúng đạn, tử vong lúc đang uống cà phê trong một cửa hàng nhỏ, bên cạnh một trạm xăng,...