Bán sức trên phim trường: Ăn bờ ngủ bụi
Có vô vàn cảnh tượng và chuyện bi hài, cười ra nước mắt về việc ăn uống, ngủ nghỉ ở phim trường của đoàn phim
So với trước đây, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của anh em đoàn phim nay được lo lắng chu đáo và tươm tất hơn. Dù vậy, với phim quay ở đô thị, diễn ra ban ngày, mọi người mới được thoải mái. Khi công việc nặng nhọc, áp lực, giờ giấc không cố định cộng với địa điểm quay xa xôi, chuyện cơm nước, ngủ nghỉ của thành viên trong đoàn phim thường lắm nỗi niềm.
Bát cơm chan nước mắt
Cả đoàn làm phim “Mặn hơn muối” vừa ăn vừa khóc. Số là hôm quay bối cảnh trong núi, gặp trời mưa, anh chủ nhiệm đi xe máy ra thị xã lấy cơm cho đoàn. Đường sá trơn trượt, anh bị té ngã chấn thương, cơm canh văng tung tóe.
“Khi hay tin anh chủ nhiệm gặp nạn, một số người chạy vào bệnh viện thăm hỏi, số khác đến lấy cơm về. Cơm canh lẫn lộn nhưng chúng tôi vẫn ăn ngon lành vì quá đói. Ai cũng vừa ăn vừa thút thít vì lo cho sức khỏe của anh ấy” – diễn viên Trần Lũy kể lại.
Diễn viên ngủ mê mệt sau cảnh quay trên phim trườngẢnh: Ngọc Lan
Lúc quay phim “Đường xuyên rừng”, cả đoàn phải ở trong rừng cả tháng, cơm nước đều nhờ người ở ngoài mang vào. Diễn viên Lương Thế Vinh cho biết mỗi khi có cơm mang tới là anh em vui mừng “như ngày xưa bộ đội được tiếp tế lương thực vậy”.
Diễn viên Nguyễn Hậu rùng mình nhớ lại khoảng thời gian khốn khó theo nghề của ông. Mỗi sáng, ông phải nhịn đói, dành tiền đổ xăng chạy từ TP HCM xuống các tỉnh miền Tây đóng phim. Đoàn phim không ăn uống theo giờ giấc cố định. Có bữa bụng đói meo mà nhiều người vẫn phải ráng diễn, chờ đến giờ cơm. Có diễn viên trẻ vừa diễn vừa nhăn nhó, đành khai thật với đạo diễn: “Em đói quá! Cho em 5 phút kiếm gì ăn rồi sẽ diễn tiếp!”.
“Có lần vừa quay xong, tôi lao lại lấy hộp cơm, ăn vội ăn vàng đến nỗi mắc nghẹn. Khi đó, tôi rơm rớm nước mắt vì thấy làm nghề này sao cực quá!” – diễn viên Nguyễn Hậu tâm sự.
Diễn viên Tuyết Thu nhớ lần quay “Blouse trắng”, chị cũng từng cầm bát cơm chan đầy nước mắt. “Hôm quay cảnh ở phòng mổ, đến giờ cơm nhưng đạo diễn bảo ráng cho xong. Mãi đến 21-22 giờ, chúng tôi mới được nghỉ. Ngồi trong phòng mổ vừa đói vừa mệt, nghe mùi thuốc nồng nặc còn cơm canh lạnh ngắt, tôi đã khóc nức nở” – Tuyết Thu kể.
Sau những giờ làm việc vất vả, hầu như mọi người trong đoàn phim đều ăn không nổi. Diễn viên Ngọc Lan phải húp cháo liên tục lúc quay “Mặn hơn muối”. Nghệ sĩ Hữu Thành cũng phải uống thuốc bồi bổ vì không thể ăn cơm. Phần vì mệt, phần vì ở sa mạc cát Ninh Thuận không có bóng mát, mỗi lần mở hộp cơm là cát bay vào. Vì quá đói nên diễn viên Lê Bê La đành ăn cơm trộn cát, lấy sức để diễn…
“Có lần vì quá mệt, tôi bỏ ăn, đến khi ra hiện trường thì tay chân run rẩy vì đói. Với những cảnh quay ban đêm, mọi người phải ăn vội vàng, khẩn trương, trốn ra những nơi không có ánh đèn. Lúc đó ăn cả côn trùng hay đưa cơm vào mũi là chuyện thường” – quay phim Trần Đăng Thái tiết lộ.
Video đang HOT
Đâu cũng là giường
Là diễn viên đắt sô nên thời gian trong ngày, Lương Thế Thành chủ yếu ở phim trường. Anh cũng nổi tiếng là người gặp đâu ngủ đấy, có thể ngủ ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào. “Khi vừa dứt cảnh quay là tôi lăn đùng ra ngủ, không còn biết trời đất là gì nữa. Lúc nằm trên sàn nhà, khi ở bờ sông, lúc chui trong xó tủ, khi núp ở bụi cây…” – Lương Thế Thành cho biết.
Diễn viên Thanh Tuấn kể lúc quay phim ở đảo, không tìm được chỗ mắc võng, anh phải nằm vật vạ ở những lều bạt tạm bợ. Diễn viên Quý Bình cho rằng có thời gian ngủ là may rồi, ở đâu không quan trọng. Làm diễn viên là phải chấp nhận chuyện thiếu ngủ hoặc ngủ bờ ngủ bụi, nơi đâu cũng là giường. Diễn viên ngủ ở phim trường có hàng chục tư thế khác nhau, người đứng, kẻ ngồi, người nằm, kẻ tựa gốc cây. Có người ngủ khi chờ cảnh quay hay vừa quay xong, ngủ gật khi đang hóa trang, đọc kịch bản…
Một cảnh quay đêm của một đoàn làm phim Ảnh: TRẦN ĐĂNG THÁI
Tình trạng thường gặp ở các đoàn phim hiện nay là chờ chực “ngôi sao”. Nhiều diễn viên phụ trang điểm xong, không thấy “ngôi sao” tới nên tranh thủ ngủ. Khi chủ nhiệm gọi dậy thì mặt mũi “tèm nhem”, họ phải trang điểm lại. Nhiều diễn viên sợ ngủ dậy gương mặt mệt mỏi, mất thần sắc nên không dám chợp mắt. Ai ngờ đến khi quay thì mắt mở không lên, có người đang diễn vẫn… ngủ như thường!
Giới diễn viên thường kể câu chuyện hài hước về một nữ diễn viên khi quay cảnh nằm trên giường bệnh, bất tỉnh. Vì không kiềm chế được cơn buồn ngủ kéo tới, cô đã thiếp luôn. Đến đoạn nhân vật tỉnh dậy, bạn diễn và đạo diễn “đơ mặt” vì thấy cô vẫn bất động. Thấy vậy, đạo diễn hô cắt. Nữ diễn viên vẫn không tỉnh, đến khi bị đánh thức dậy, cô mới xin lỗi.
“Một lần, đoàn phim đang quay bỗng nghe… tiếng ngáy. Mọi người đi tìm thì thấy anh thiết kế trốn trong góc ngủ say sưa. Cả đoàn được một phen cười vỡ bụng” – quay phim Trần Đăng Thái nhớ lại.
Với các diễn viên nữ, chuyện ngủ còn khổ sở hơn nhiều. Ngọc Lan thường mang theo chiếc ghế riêng (nếu có điều kiện) để ngủ vì sợ ảnh hưởng đến mọi người, nhất là nam giới trong đoàn. Diễn viên Tuyết Thu bảo ban đầu chị cũng rất ngại, khi ngủ luôn tìm chỗ nào kín đáo. Dần dà, vì quá mệt, chị cũng ngả lưng ở bất cứ nơi đâu có thể.
“Có lần, cả đoàn phim chỉ có một phòng nhỏ, tôi quay xong quá mệt nên liều vào đó chợp mắt tạm. Khi tỉnh dậy thì tôi thấy đầu mình gác lên đùi anh này, tay gác lên ngực anh kia, chân gác lên tay anh nọ. Cũng may là anh em trong đoàn đều quen thân” – Tuyết Thu kể.
Khổ sở chuyện “trút bầu tâm sự”
Kỷ niệm vui và đáng nhớ nhất với Ngọc Lan khi quay phim “Mặn hơn muối” là nhà vệ sinh nằm ở dưới chân núi. Gần chỗ quay có ngôi chùa, đoàn làm phim được các thầy cho uống một loại nước nấu bằng lá, lợi tiểu. Vậy là ngày nào Ngọc Lan và anh em trong đoàn cũng leo xuống, leo lên ngọn núi cao 30 m mấy lượt.
Khi quay phim “Dấu chân du mục” ở Ninh Thuận, gặp nơi không có nhà dân, Lê Bê La và chị em trong đoàn phải nhờ mấy anh chở đi vài cây số, vào nhà dân để xin… “trút bầu tâm sự”.
Theo Minh Nga
Báo Người lao động
Mạng sống đang bị coi rẻ trên phim trường?
Sẽ còn những cái chết oan uổng như diễn viên Nguyễn Giàu trong phim "Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc" nếu mạng sống con người không được xem trọng trên phim trường như hiện nay
Tin anh Nguyễn Giàu diễn viên bị tai nạn đa chấn thương trên trường quay bộ phim "Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc" do Công ty Giải trí Ưng Hoàng Phúc và Công ty Ngộ Entertainment đầu tư sản xuất, đã qua đời lúc 11 giờ 40 phút ngày 10-8 khi mới 25 tuổi đã khiến nhiều đồng nghiệp, công chúng thương tiếc, xót xa lẫn bức xúc. Anh Giàu sẽ không phải chết oan uổng nếu mạng sống con người không bị coi rẻ trên phim trường như vậy.
Đóng vai quần chúng phải chịu
"Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc" là phim điện ảnh hành động - hài nên huy động một lực lượng diễn viên quần chúng rất đông. Theo lời kể của nhiều người có mặt tại đoàn phim, hôm xảy ra tai nạn của anh Giàu (24-7), đoàn phim triệu tập khoảng 50 diễn viên quần chúng và cascadeur (người đóng thế) tham gia. Hầu hết họ đều không được ký hợp đồng lao động và mua bảo hiểm. Anh Giàu cũng nằm trong số đó.
Một cảnh quay hành động có sự hỗ trợ của nhiều diễn viên quần chúng trong phim "Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc". (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Không chỉ anh Giàu mà đa số diễn viên quần chúng hiện nay đều xuất thân từ sinh viên, người chưa có việc làm hay gia đình nghèo khó. Họ đến với phim vì muốn kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, ai cũng mang tâm trạng "đi đóng phim được là mừng rồi". Anh Văn Thành, một diễn viên quần chúng chia sẻ: "Tôi đi đóng vai quần chúng đã 3 năm nay nhưng chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện hợp đồng hay bảo hiểm". Một người phụ trách gọi diễn viên quần chúng cũng xác nhận: "Lâu nay, tôi ít thấy diễn viên quần chúng lên tiếng hỏi về hợp đồng hay bảo hiểm. Vì họ đóng vài ba cảnh quay đơn giản, không nặng nhọc và nguy hiểm nên chỉ mong kiếm được vài ba trăm ngàn là xong!".
Song, nói như anh Quang Bình, một diễn viên quần chúng khác: "Nói không quan tâm cũng không chính xác, đúng hơn là chúng tôi không có quyền đòi hỏi. Ban đầu vào nghề, tôi cũng sợ tai nạn vì đôi khi cũng phải đóng những cảnh nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro như đánh chém nhau hay nhảy từ trên cao xuống. Nhưng khi hỏi hợp đồng hay bảo hiểm thì mọi người đều lắc đầu bảo: Đừng có mơ! Đóng vai quần chúng phải chấp nhận thiệt thòi thôi". Diễn viên Thân Thúy Hà cũng cho rằng các diễn viên có đòi quyền lợi nhưng không được nên họ nản, không còn quan tâm. Rất nhiều diễn viên quần chúng vì yêu nghề, kiếm tiền mà chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân, chấp nhận làm nghề với tâm trạng "may nhờ rủi chịu".
Đổ hết cho nghèo
Chuyện tai nạn nói riêng và an toàn cho diễn viên trên trường quay nói chung được cảnh báo từ hàng chục năm nay. Báo Người Lao Động từng có loạt bài "Tai nạn trường quay: Không ai bảo hiểm" từ năm 2005 cũng đã đề cập thực trạng này. Song từ đó đến nay, những tồn tại đã đề cập vẫn không cải thiện. Trường hợp của anh Nguyễn Giàu mới đây lại một lần nữa cho thấy nguy hiểm luôn chực chờ các diễn viên khi họ làm việc trên trường quay.
Một diễn viên cho biết: "Với những diễn viên có ký hợp đồng thì đều được mua bảo hiểm. Còn những diễn viên không ký hợp đồng thì đương nhiên là không được mua bảo hiểm". Diễn viên Thân Thúy Hà nêu thực tế: "Không chỉ có diễn viên quần chúng không được mua bảo hiểm mà hiện nay, phần lớn diễn viên phụ cũng không được mua bảo hiểm".
Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, việc mua bảo hiểm cho diễn viên lâu nay bị các nhà sản xuất phớt lờ. Rất nhiều nhà sản xuất lấy cớ do nghèo để giải thích cho việc không thể mua bảo hiểm cho diễn viên. "Trong thời buổi làm phim kinh phí thấp, phải chi đủ thứ nên đoàn phim phải ưu tiên những khoản chi cần thiết hơn. Bảo hiểm cũng quan trọng nhưng thù lao diễn viên còn quan trọng hơn nên tiết giảm được chừng nào hay chừng ấy" - đại diện một nhà sản xuất phim truyền hình thú nhận. Trong khi việc bảo hiểm cho đoàn làm phim chưa được quy định trong Luật Điện ảnh càng khiến cho các nhà sản xuất làm lơ.
Vấn đề bảo đảm an toàn tại trường quay cũng bị các nhà sản xuất, đoàn phim viện lý do vì "nghèo". Môi trường làm việc của diễn viên chưa bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cũng vì đoàn phim không trang bị bảo hộ lao động. Chẳng hạn như địa điểm quay của đoàn phim "Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc" ngay trên lầu 1, nơi công trình xây dựng đang dang dở, có nhiều lỗ trống. Ai cũng biết chỉ cần sơ suất là diễn viên có nguy cơ thương vong.
Rõ ràng đoàn phim hoàn toàn lơ là đến chuyện bảo đảm điều kiện an toàn, bảo hộ, bảo hiểm phim trường. Cứ có sự cố thì giải quyết theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Trong khi tai nạn xảy ra, không những diễn viên bị tổn hại sức khỏe, tính mạng, gia đình của họ bị ảnh hưởng mà đoàn làm phim cũng tốn kém chi phí lo liệu, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn. Hơn nữa, việc quay bị gián đoạn, uy tín của đoàn làm phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kathy Uyên, diễn viên người Mỹ gốc Việt, cho biết khi đóng phim ở Mỹ, toàn bộ việc bảo hiểm cũng như mọi quyền lợi khác của cô đều do Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG) bảo vệ. "Tai nạn đau lòng cứ lần lượt xảy ra nhưng ai là người bảo vệ, giám sát an toàn trên phim trường là một câu hỏi lớn không có lời giải đáp" - đạo diễn Đinh Thái Thụy băn khoăn.
Mảng trống trong quản lý
Theo các nhà chuyên môn, pháp luật lao động quy định khi có quan hệ lao động, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). HĐLĐ là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Trường hợp NLĐ là diễn viên được thuê đóng phim, được trả tiền công (cát-sê) là có đủ yếu tố để xác định giữa hai bên đã phát sinh quan hệ lao động. Vì vậy, phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, trong đó có việc giao kết HĐLĐ và thực hiện chính sách về bảo hiểm.
Như vậy, tùy từng trường hợp thuê mướn lao động cho các công việc trong quá trình sản xuất phim, NSDLĐ có thể giao kết HĐLĐ với NLĐ theo từng loại khác nhau. Nhưng dù giao kết HĐLĐ loại nào thì khi xảy ra tai nạn lao động với diễn viên, NSDLĐ cũng phải thanh toán toàn bộ chi phí từ khi sơ, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định thương tật cho họ, sau đó, phải đưa NLĐ đi giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động để giải quyết việc bồi thường và chế độ trợ cấp tai nạn lao động.
Pháp luật lao động cũng quy định NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ và NLĐ có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ nguy cơ tai nạn lao động xảy ra, đe dọa tính mạng, sức khỏe của mình.
Từ lâu nay, theo các nhà quản lý chuyên môn, đây là một mảng trống trong việc quản lý, thực hiện các chế độ lao động cho đối tượng NLĐ là diễn viên trong quan hệ lao động hiện nay. Phần lớn các diễn viên không được giao kết HĐLĐ và không được bảo hiểm tai nạn, nhất là diễn viên phụ, diễn viên quần chúng.
Thực tế, có những tai nạn hoàn toàn không thuộc nguyên nhân chủ quan của con người. Có một vài hãng phim mỗi khi thành lập đoàn phim, bất kể có pha nguy hiểm hay không đều mua bảo hiểm cho toàn đoàn theo quy định của nhà nước, cả bảo hiểm bệnh tật lẫn bảo hiểm tai nạn. Nhưng phần lớn các hãng phim hiện nay lấy lý do kinh phí làm phim eo hẹp nên chỉ những phim dự kiến có những cảnh nguy hiểm nhà sản xuất mới mua bảo hiểm tai nạn cho đoàn phim, kể cả máy móc trang thiết bị. Một số hãng cho biết chỉ mua bảo hiểm nếu diễn viên yêu cầu còn không thì thôi. Nếu chẳng may có xảy ra tai nạn trong quá trình quay phim, nhà sản xuất có trách nhiệm chăm lo việc điều trị cho diễn viên là được.
Có phim để đóng, có tiền thù lao là đã mừng rồi nên diễn viên ít ai ý thức, quan tâm đến việc có hay không có bảo hiểm tai nạn trên trường quay. Vì muốn có phim để đóng, nhiều diễn viên chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân. Khi tai nạn xảy ra, nhà sản xuất nói lời xin lỗi, thăm hỏi, động viên và chịu toàn bộ viện phí xem như là hết trách nhiệm. Còn tính mạng của diễn viên, cuộc sống người thân của họ sẽ ra sao khi có trường hợp tai nạn tử vong hoặc mang thương tật nặng đến suốt đời thì gần như bỏ mặc!
Bảo vệ tính mạng diễn viên trên phim trường đang cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước và sự lên tiếng mạnh mẽ của các hội điện ảnh trong việc bảo vệ lợi ích người làm nghề.
Ân Thông
Theo Hạ Nguyên
Người lao động
Kỳ án mùa nước lụt và phiên tòa hy hữu tại Điện Bàn, Quảng Nam Thôn Ngọc Tứ (xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đón chúng tôi vào ngày cuối tháng 3 với cơn mưa phùn nhè nhẹ, trải mượt dài trên những cánh đồng lúa trù phú, tít tắp ra tận đến sát quốc lộ 1A. Dọc đường về thôn, chúng tôi còn được ông Trịnh Cát, cán bộ Tư pháp xã dí dỏm...