Bạn sẽ ứng xử thế nào khi nhìn thấy người bị nạn trên đường?
Mấy ngày trước, một bạn SV bị đâm nhầm trước cổng trường Nguyễn Trãi (HN ) và bị bỏ mặc cho đến chết đã gây phẫn nộ. Nhưng có một sự thật là phần lớn chúng ta cũng sẽ tỏ ra “vô can” khi nhìn thấy một sự việc tương tự.
Từ hai vụ học sinh bị đâm chém gần đây
* Chiều 24/10, Tuấn hẹn Duy và Chiến trước cổng trường PTTH Nguyễn Trãi, HN để cùng nhau đi sinh nhật. Bất thần, cả Tuấn và Duy bị mấy kẻ lạ mặt xông đến đâm vào người. Khi đó ở cổng trường, rất nhiều người có mặt – cả người lớn và các bạn học sinh. Nhưng không ai gọi cấp cứu hay có một hành động tương tự để giúp đỡ hai bạn.
Duy bị đâm nhiều nhát nên nằm bất tỉnh trong vũng máu. Tuấn chỉ còn đủ tỉnh táo để nhờ người gọi về cho bố và chờ bố đến giúp mình. Bảo vệ trường nhìn thấy cảnh đó chỉ thờ ơ đi ra chỗ khác. Không ít bạn trẻ có mặt ở đó thì đứng nhìn.
Video đang HOT
20 phút sau cuộc điện thoại, bố Tuấn đến nơi và hớt hải tìm cách đưa con mình đi bệnh viện. Mặc bố Tuấn van lơn, những người xung quanh đó không phản ứng gì. Mặc Duy nằm đó và bố Tuấn chỉ đủ sức dìu Tuấn đi bệnh viện trước, nhưng cũng không ai giúp sức đưa Duy vào bệnh viện.
Bố Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại câu chuyện hôm đó.
Duy đã không qua khỏi vì mất quá nhiều máu.
* Ngày 3/11 – ngõ Thái Hà. Một nhóm học sinh xảy ra xô xát. Một trong số đó bị chém đứt lìa cả bàn tay. Vài người bạn cuống lên tìm cách đưa bạn mình đi cấp cứu. Rất nhiều người xung quanh đó đứng nhìn, bình luận và một số bạn đi qua tình cờ chứng kiến thì mang điện thoại ra quay.
Một vụ xô xát giữa các bạn học sinh mà nạn nhân bị chém đứt lìa tay chiều hôm qua (Ảnh chụp từ clip)
Bây giờ, chỉ cần search keyword đơn giản là “đánh nhau” hoặc “đâm chém” hay “tai nạn”, bạn sẽ có vô khối kết quả những clip quay lại cảnh một vụ đánh nhau, hay nghiêm trọng và “rợn người” hơn là cảnh nạn nhân bị đâm chém hay bị tai nạn với những cụm từ gây shock.
Giới trẻ chọn cách ứng xử nào khi nhìn thấy người bị nạn?
Thông tin về những vụ việc kiểu này vốn đã luôn gây chú ý. Đằng này, lại còn có cả một clip với đầy đủ hình ảnh, âm thanh ngay ở hiện trường thì bảo sao không thu hút vô số những người hiếu kỳ, bảo làm sao lượng người xem và comments lại chẳng cao.
Dừng lại xem và quay clip để về post lên mạng là phản ứng của không ít bạn trẻ khi tình cờ chứng kiến một vụ tai nạn hay đâm chém, đánh nhau. Có khi, họ cũng chẳng buồn quan tâm đến số phận của nạn nhân có mặt trong clip của mình. Chỉ cần biết, về nhà có được một clip gây shock là đủ.
Phần lớn còn lại chọn cách “nhanh nhanh mà đi qua” khi nhìn thấy những sự việc như thế. Sợ vạ lây, sợ mất thời gian, sợ rắc rối với cơ quan điều tra, thậm chí là sợ “đen” hay quá nhiều những nỗi sợ mơ hồ khác đã khiến chúng ta thờ ơ đến độc ác trước cảnh một người khác bị hiểm nguy đến tính mạng và đang cần giúp đỡ.
Trong cơn kinh hoàng sau khi được cứu sống, Tuấn vẫn nhớ lại thái độ thờ ơ của người bảo vệ. Bố Tuấn thì vẫn không hết bàng hoàng và ngạc nhiên khi nhớ lại sự bàng quan của “rất nhiều đứa trẻ cùng lứa với Tuấn, với Duy” ở xung quanh đó. Sau rất nhiều lời cầu cứu, chỉ có một bạn duy nhất chạy ra giúp bố Tuấn đỡ bạn ấy đi vào viện. Còn Duy nằm đó trong vũng máu nhưng cũng chẳng khiến ai động lòng thương.
Bố của Tuấn day dứt “Giá như những người xung quanh đừng thờ ơ và đưa Duy với Tuấn đi cấp cứu ngay, thì biết đâu Duy đã được cứu sống”. Chúng ta khi đọc bài báo đó cũng nghĩ thế. Ai cũng nghĩ thế. Nhưng đến lúc một trong số chúng ta nhìn thấy một người bị nạn đang sờ sờ trước mắt mình, thì chúng ta sẽ ứng xử thế nào???