Bán rượu bia sau 10h đêm: Cấm TP.HCM và HN trước?
“Bộ Y tế sẽ cấm bán rượu bia sau 10h đêm ở TP.HCM và Hà Nội trước, sau đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc”.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt.
Tại buổi họp báo chiều nay (23/7), bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm đang trong quá trình dự thảo. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa sẽ triển khai trước do nhu cầu bức thiết về lạm dụng rượu bia và an toàn giao thông.
“Bộ Y tế triển khai ở TP.HCM, Hà Nội trước, sau đó sẽ nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, cấm bán rượu bia từ 10h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nhưng sẽ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình cụ thể.
“Lộ trình cấm bán rượu bia sau 10h đêm sẽ do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tại một số tuyến phố, ví dụ như khu phố Tây, nơi khách du lịch đến nhiều, sẽ cho phép bán sau 10h đêm”, bà Trang nói.
Bia rượu về đêm đã trở thành “đặc sản” ở khu phố Tây, quận 1, TP.HCM.
Bà Trang đưa ra 2 phương án để ban soạn thảo lựa chọn. Cụ thể: Phương án thứ nhất là giao cho UBND các tỉnh, thành xem xét tình hình từng địa phương, có phương án phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia. Bộ Y tế không quy định về giờ được bán rượu bia mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác.
“Nếu lựa chọn phương án không làm gì, chỉ tuyên truyền, tác động sơ bộ sẽ không cao. Đây không phải là chế tài bắt buộc, phụ thuộc vào ý thức tự điều chỉnh của người dân. Như thế, vấn đề lạm dụng rượu bịa sẽ vẫn như hiện nay”, bà Trang bày tỏ.
Phương án thứ hai là cấm bán rượu bia sau 10h đêm.
Video đang HOT
Bà Trang cho biết, dự thảo cấm bán rượu bia sau 10h đêm đang trong quá trình soạn thảo. Bộ Y tế chưa ban hành hay trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội vào năm 2015. Nếu được đồng thuận, nghị định sẽ ban hành vào năm 2016.
Đại diện Bộ Y tế lý giải, dựa trên kinh nghiệm của quốc tế, Việt Nam nên đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, giảm sự tiếp cận của công chúng với rượu bia là một trong những biện pháp hiệu quả.
Hiện có 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN quy định thời gian cấm bán rượu bia. Đa số là từ 8h tối hôm trước đến 6h hoặc 8h sáng ngày hôm sau.
Khảo sát cho thấy, sau một thời gian, hầu hết người dân đều chấp hành quy định; tỷ lệ sử dụng rượu bia giảm xuống. Thái Lan quy định nghiêm ngặt hơn, chỉ bán rượu bia từ 5h chiều đến 9h tối, thời gian cấm bán dài hơn so với các nước khác trong khu vực.
Trước câu hỏi của phóng viên về lệnh cấm bán rượu bia sau 10h đêm sẽ là trở ngại với ngành du lịch, bà Trang khẳng định, thực tiễn quốc tế cho thấy, việc cấm bán rượu bia từ 10h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau không làm giảm lượng khách du lịch đến quốc gia đó.
Để thực hiện đề xuất cấm bán rượu sau 10h đêm, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tuyên truyền giáo dục, truyền thông là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nội dung tuyên truyền về pháp luật, trách nhiệm nghĩa vụ của người thực hiện, vận động người kinh doanh, người dân biết quy định; từ nhận thức đến thay đổi hành vi.
Theo Khampha
Cấm bán rượu bia sau 10h đêm: "Bộ Y tế soạn cho vui"
"Bộ Y tế soạn ra cho vui, đảm bảo tính logic chứ không phải vì giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an ninh trật tự", TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học nói.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh lệnh cấm bán rượu bia sau 10h đêm của Bộ Y tế.
Cấm bán rượu sau 10h đêm là bắt du khách... đi ngủ sớm
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bà không đồng tình với lệnh "cấm bán bia rượu sau 10h đêm" của Bộ Y tế.
Bà Khánh khẳng định, cấm bán rượu bia sau 10h đêm ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch của Việt Nam.
"Cấm uống rượu bia sau 10h đêm sẽ là trở ngại cho ngành du lịch", bà Khánh nói.
Bà Khánh lý giải, sản phẩm du lịch của Việt Nam vốn không phong phú, nay lại bị cấm khác nào khép lại những hoạt động về đêm. Hơn nữa, khách đi du lịch là có nhu cầu khám phá, nhu cầu tìm hiểu nền văn hóa, thành phố về đêm, các món ăn đêm. Nếu cấm bán rượu bia về đêm thì hàng quán sẽ phải đóng cửa hết.
"Bình thường sản phẩm du lịch của Việt Nam đã nghèo nàn, nay lại thêm lệnh cấm uống rượu là sự lãng phí thời gian ban đêm của du khách", bà Khánh chia sẻ.
Bà Khánh cũng cho biết: Trong khi ngành du lịch đang nghĩ ra nhiều cách để phát triển văn hóa nghệ thuật thì Bộ Y tế lại đề xuất cấm uống rượu sau 10h đêm. Đây là điều trở ngại cho ngành.
Đồng quan điểm với bà Khánh, TS. Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng nhận định, cấm bán hàng về đêm sẽ ảnh hưởng đến du lịch.
Theo ông Lợi, Bộ Y tế chỉ nên cấm uống rượu về đêm ở những nơi công cộng, còn nơi du lịch nên khoanh vùng.
"Nơi du lịch, nơi ăn chơi phải cho phép người ta uống rượu sau 10h đêm. Muốn phát triển du lịch, muốn người ta đến mà cấm bán rượu sau 10h đêm khác nào cấm 12h đêm không được ngủ", ông Lợi nói.
Các quán nhậu chủ yếu hoạt động về đêm. (Ảnh minh họa)
Cấm bán rượu sau 10h đêm không có tác dụng
TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, cho biết, đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm là không khả thi.
Theo TS. Bình, xét về mục đích, ông đánh giá cao đề xuất cấm uống rượu bia của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa nghiên cứu cụ thể, chưa điều tra tâm lý của người dân, dư luận xã hội.
Về góc độ xã hội học, ông Bình cho rằng, Bộ Y tế quá tham lam, quá ôm đồm khi ra dự thảo này.
"Bộ Y tế soạn ra cho vui, đảm bảo tính logic chứ không phải vì giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an ninh trật tự. Tôi cho rằng, Bộ Y tế quá tham lam, quá ôm đồm", TS. Bình nói.
TS Bình khẳng định, đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm không có tác dụng gì đối với người dân, người dân không thể thực hiện.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho biết, uống rượu bia về đêm là nếp sinh hoạt của người Việt nên khó thay đổi. Nếu cấm không cho hàng quán mở cửa, người dân có thể mua về nhà uống.
Theo ông Chất, những người làm luật của Bộ Y tế có thể đã tư duy theo hướng "không quản được thì cấm".
"Trên thực tế, người dân không uống chỗ nọ thì uống chỗ kia. Nếu không mở hàng quán, họ sẽ mua rượu về nhà để uống. Lúc đó ai là người quản", ông Chất bày tỏ.
Theo các chuyên gia, những thứ thuộc về thói quen xã hội như: nhậu về đêm, vui chơi về đêm nên thiên về vận động hơn là xử phạt. Nếu cơ quan chức năng cấm tiệt thì khó khả thi, thay vào đó nên thúc đẩy nhận thức xã hội, làm thế nào để mọi người thấy nhậu đêm là thói quen xấu, cần lên án.
Các chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế nên cấm người uống rượu bia khi đang làm việc, vì nó khiến năng suất lao động giảm, ảnh hưởng đến người khác, không tốt cho sức khỏe. Bộ Y tế cần quy định cấm uống rượu bia đúng đối tượng, đúng mục tiêu, sát thực với thực tiễn cuộc sống. Nên thăm dò ý kiến, giải thích, tạo sự đồng thuận cho nhân dân.
Theo Khampha
"Không có quyền cấm uống rượu bia sau 10h đêm" "Quy định cấm uống rượu bia sau 10h đêm của Bộ Y tế đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn". Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể...