Bắn rơi máy bay của Ukraine, Iran sẽ lãnh hậu quả thế nào?
Hậu quả sẽ là không hề nhỏ, khi Iran lên tiếng thừa nhận đã bắn hạ máy bay dân sự của Ukraine, khiến 176 người tử nạn, ngay cả khi Iran có thể không hề cố ý.
Những đòn trừng phạt từ phương Tây có thể tiếp tục giáng xuống, khi Iran thừa nhận đã bắn rơi máy bay của Ukraine (ảnh: SCMP)
Theo tờ CBS News, hôm nay, đài truyền hình nhà nước Iran đã trích dẫn tuyên bố của quân đội nước này, chính thức xác nhận việc Iran đã “vô tình” đã bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine Airlines, khiến 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Thông báo của quân đội Iran cho biết “lỗi của con người” dẫn tới vụ rơi máy bay Ukraine.
Tờ Sputnik đưa tin, hôm qua (10.1), bộ trưởng Ngoại giao từ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã tập trung tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tình hình ở Trung Đông, sau khi được bộ trưởng Ngoại giao của EU – ông Josep Borrell, triệu tập họp khẩn cấp.
Ngoại trưởng Hà Lan – ông Stef Blok cho biết các bước đi tiếp theo của Liên minh châu Âu, sau vụ bắn rơi máy bay, sẽ tùy thuộc vào phản ứng của Iran.
“Những điều sắp xảy ra sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Iran, không loại trừ các lệnh trừng phạt (với Iran)”, ông Stef Blok nói cho biết.
Nhiều khả năng Iran sẽ tiếp tục đối mặt với sự trừng phạt từ các nước châu Âu vì bắn rơi chiếc boeing 737, trong bối cảnh nước này vẫn đang phải chịu tác động từ lệnh trừng phạt về dầu mỏ do Mỹ áp đặt, và chịu thêm lệnh trừng phạt mới từ Mỹ sau vụ nã tên lửa căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.
Theo tờ AP, hôm nay, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào 8 quan chức cấp cao của Iran liên quan đến các hoạt động “gây bất ổn” tại khu vực Trung Đông, cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa hôm thứ ba vừa qua (7.11).
Bộ trưởng Mnuchin cho biết Tổng thống Trump sẽ ban hành lệnh trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào liên quan các đến lĩnh vực dệt may, xây dựng, sản xuất hoặc khai thác của Iran. Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng đối với các ngành thép và sắt.
“Do hậu quả của những hành động vừa qua, chúng tôi sẽ cắt giảm hàng tỷ đô la viện trợ cho chính quyền Iran”, ông Mnuchin nhấn mạnh.
Video đang HOT
Ngoài các lệnh trừng phạt mới, Iran cũng sẽ phải chịu các khoản bồi thường không hề nhỏ, cho những gia đình có người thân tử nạn.
Chính quyền Iran còn có thể đối mặt với sự phẫn nộ của người dân trong nước (ảnh: Expressandstar)
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả. Theo tờ SCMP, ngoài các lệnh trừng phạt, chính quyền Iran còn phải đối mặt với sự phẫn nộ của dân chúng.
Đừng quên rằng, sự tức giận của người dân Iran vẫn còn nguyên vẹn, sau những vụ trấn áp biểu tình của chính quyền diễn ra vào hồi năm ngoái, khi tình hình kinh tế Iran trở nên tồi tệ do các lệnh trừng phạt. Theo các báo cáo, hàng trăm người Iran đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, do đụng độ với cảnh sát.
“Vết thương lòng” của người dân Iran có thể tái phát một lần nữa, khi chính quyền Iran thừa nhận chịu toàn bộ trách nhiệm về cái chết của 176 hành khách trên chiếc Boeing 737, trong đó, chủ yếu là người Iran.
Những cuộc biểu tình chống đối có thể tiếp tục xảy ra kèm theo những đòn trừng phạt kinh tế giáng xuống, có thể khiến Iran tiếp tục rơi vào tình trạng tồi tệ như hồi năm ngoái.
Uy tín của Iran cũng sẽ giảm mạnh trên trường quốc tế, vì những hành động bưng bít thông tin và thiếu hợp tác trước đó. Hôm qua, ngày 10.1, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, một máy xúc cỡ lớn đang dọn sạch các mảnh vỡ từ vụ tai nạn, làm tăng lo ngại những bằng chứng quan trọng có thể đã bị Iran xóa.
Theo danviet.vn
Mỹ-Iran đều "thương tích đầy mình" sau màn đáp trả nảy lửa, chỉ Nga nổi lên là "người chiến thắng"?
Căng thẳng Mỹ-Iran xoay quanh vụ ám sát tướng Qasem Soleimani đã giúp Nga phần nào hưởng lợi ích trên nhiều khía cạnh, bất kể việc Tổng thống Putin có làm trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran hay không.
Phương Tây sẽ cần Nga để kiềm chế Iran.
Lợi ích
Căng thẳng Mỹ-Iran xoay quanh vụ ám sát tướng Qasem Soleimani đã giúp Nga phần nào được hưởng lợi ích trên nhiều khía cạnh.
Về mặt kinh tế, giá dầu tăng vọt đến từ nguy cơ xung đột đã giúp kho bạc nhà nước Nga có thêm nguồn tiền lớn. Về mặt địa chính trị, khi sự chú ý của Mỹ chuyển hướng sang Iran, sự tập trung sẽ giảm ở Ukraine, Baltic và Đông và Trung Âu, giúp Nga trở nên dễ thở hơn, tờ Eurasia Review nhận định.
Hơn nữa, một khi cuộc khủng hoảng xấu đi, trở thành cuộc xung đột công khai, Nga đang ở vị trí tốt nhất để đóng vai trò trung gian hòa giải. Thậm chí, về mặt chính trị, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Putin ở Trung Đông vẫn có thể gia tăng ngay cả khi Nga không đóng vai trò môi giới giảm leo thang.
Về cơ bản, Nga là cường quốc toàn cầu duy nhất có mối quan hệ tốt với Iran và các quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù mối quan hệ giữa Moscow với Mỹ và châu Âu không thực sự thân thiết nhưng giữa các bên cũng không có sự thù địch.
Phương Tây sẽ cần Nga để giảm căng thẳng với Iran. Cái giá cho phương Tây phải trả sẽ là giảm dần và cuối cùng loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Nga.
Nga có làm hòa giải viên?
Nga là quốc gia tốt nhất để đóng vai trò trung gian hòa giải lúc này, hoặc ít nhất là sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế phần nào đó hành động của Iran, chuyên gia Chris Cheang từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đánh giá.
Đầu tiên, không có quốc gia phương Tây nào có mối quan hệ tốt với Iran như Nga. Cả hai nước đã hợp tác cùng nhau ở Syria để hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Bashir Assad trong nỗ lực tiêu diệt khủng bố và chống lại phe đối lập.
Thứ hai, Iran là quốc gia phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Hai nước đã có với nhau hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-300 trong quá khứ. Tuy nhiên, Tổng thống Putin được cho là đã từ chối yêu cầu mua S-400 từ Iran.
Rõ ràng, Tổng thống Putin đã cân nhắc đến nguy cơ căng thẳng gia tăng ở khu vực Vịnh Ba Tư, nơi một số nhà lãnh đạo Ả Rập lo ngại về khả năng quân sự của Iran ngày càng vượt trội.
Căng thẳng Mỹ-Iran sẽ mang lại cho Nga lợi ích trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa Nga-Iran-Trung Quốc vào tháng 12/2019 ở Vịnh Oman và Ấn Độ Dương, đã phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng với Iran. Bản thân Tehran cũng nhận thức rằng họ không thể xa lánh cả Nga và Trung Quốc nếu muốn đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và áp lực khác.
Với những căng thẳng hiện tại với Mỹ, Tehran cần sự hỗ trợ của hai cường quốc thế giới này để kiềm chế mọi hành động quân sự từ đối thủ.
Thứ ba, kể từ khi can thiệp quân sự thành công vào Syria, uy tín và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông đã ngày càng trở nên vững chắc hơn. Nhưng mối liên hệ tốt với Iran đã không ngăn được việc Moscow mở rộng liên kết với Israel cũng như Saudi Arabia, cả hai đều lo ngại về Iran và cần Nga để đảm bảo sự hạn chế đối với Tehran.
Nhưng Nga có thua trong dài hạn?
Mặc dù Nga có thể hưởng lợi trong ngắn hạn từ cuộc xung đột Mỹ-Iran, nhưng về lâu dài, nước này không hề muốn có bất kỳ cuộc chiến tranh hay sự leo thang nào ở quá gần biên giới của mình.
Thứ nhất, phần biên giới xa xôi phía Nam - nơi phần lớn công dân Hồi giáo của Nga sinh sống - có khả năng trở nên bất ổn nếu Iran kêu gọi toàn bộ thế giới Hồi giáo ở Trung Đông và các nơi khác nổi dậy chống lại Mỹ.
Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra vì thái độ chống Mỹ ở Trung Đông vẫn còn âm ỉ trong nhiều năm qua. Đã hơn một thập kỷ kể từ khi các khu vực Hồi giáo phía Nam của Nga trở nên ổn định sau cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu, hơn bao giờ hết, Nga không muốn tình cảnh như vậy trở lại.
Thứ hai, giá dầu tăng quá nhanh và quá cao do hậu quả từ căng thẳng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn kinh tế hơn đối với EU hoặc thậm chí là cả Trung Quốc, Nhật Bản và các cường quốc khác mà Nga có liên kết kinh tế mạnh mẽ. Một EU hoặc Trung Quốc suy yếu cũng sẽ làm giảm quan hệ kinh tế với Nga.
Nhưng hơn tất cả, cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran sẽ mang đến cho Nga cơ hội cải thiện quan hệ với phương Tây và cuối cùng dẫn đến sự bình thường hóa với phương Tây nói chung. Đây là mục tiêu của Tổng thống Putin từ năm 2014. Ông dường như đang có thêm những bước tiến gần hơn để đạt được điều này, chuyên gia Chris Cheang kết luận.
Theo nguoiduatin.vn
Vụ tai nạn máy bay của Ukraine: Không có căn cứ để đổ lỗi cho Iran Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 10/1 cho rằng, không có căn cứ nào để đổ lỗi cho Iran về vụ tai nạn máy bay của Ukraine gần Tehran. Theo hãng tin TASS, ông Ryabkov kêu gọi các quan chức cấp cao thế giới kiềm chế các tuyên bố về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay cho đến khi có...