Bản quyền và chuyện kiếm tiền ở V.League
Bây giờ, chúng ta không còn lạ lẫm với việc một đơn vị độc quyền bản quyền hình ảnh một giải đấu nữa. Một luật chơi mới, một chân giá trị mới đã được thiết lập sau khá nhiều năm chúng ta hội nhập với ngành công nghiệp bóng đá.
Cách đây khoảng chục năm, việc một đơn vị nắm giữ độc quyền hình ảnh một giải đấu là một điều khó chấp nhận. Họ nhận rất nhiều chỉ trích, thậm chí bị coi như đứng lên trên quyền lợi của cộng đồng. Câu chuyện K độc quyền hình ảnh giải Ngoại hạng Anh đã tạo ra muôn vàn sóng gió với những màn tranh luận ngay gắt trên báo chí và bên ngoài cộng đồng.
Thế rồi, câu chuyện K hay bất cứ đài truyền hình nào nắm giữ bản quyền truyền hình một giải đấu cũng được chấp nhận tự nhiên như cơm ăn, nước uống. Ở cuộc chơi ấy, bạn không thể tự cho mình có quyền đặc cách. Không có tình cảm, không có ngoại lệ, chỉ có những bản hợp đồng với những điều khoản lạnh lùng cùng những con số biết nói.
Trở lại câu chuyện bản quyền của V.League. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta chưa thể thu bộn tiền từ bản quyền truyền hình? Xin thưa rằng, giá trị của món hàng dựa trên chất lượng và cách phân phối chúng đến cộng đồng. Rất ít người đặt câu hỏi: Các nhà đài đã thật sự có lãi khi phát sóng các trận đấu ở V.League hay chưa? Và cũng chẳng ai thống kê, một trận đấu ở sân chơi quốc nội có bao nhiêu nhãn hiệu mua sóng quảng cáo? Các doanh nghiệp luôn lấy lượng người xem của một chương trình làm căn cứ để quảng cáo sản phẩm. Và một khi nhà đài vẫn phải phát ca nhạc trong lúc nghỉ giữa hai hiệp vì không bán được quảng cáo thì khó có chuyện họ bỏ tiền mua bản quyền truyền hình V.League.
Bất cứ nhà tổ chức nào cũng khao khát kiếm được thật nhiều tiền từ bản quyền truyền hình. Nhưng, để kiếm được tiền thì món hàng đem bán phải thật sự chất lượng, thậm chí là món hàng cao cấp. Mà để có món hàng chất lượng thì hô quyết tâm thôi là chưa đủ. Chúng ta cần những CLB chuyên nghiệp với tư duy coi bóng đá là một ngành công nghiệp thực sự. Chúng ta cần sự chăm chút về hình ảnh, về điều kiện cơ sở vật chất và đặc biệt là xây dựng thành công mẫu hình bóng đá sạch để món hàng đem đi bán là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng.
Khắc Sơn
BLV Quang Huy: Bản quyền AFF Cup 2020 đắt vì CĐV Việt Nam yêu bóng đá
BLV Quang Huy nhấn mạnh các nhà đài cần có sự hợp tác để giải quyết tốt vấn đề bản quyền các giải đấu lớn của tuyển Việt Nam.
Vấn đề bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 đang gây sốt khi có thông tin cho rằng đơn vị sở hữu muốn bán bản quyền với mức giá 5 triệu USD. Theo BLV Quang Huy, chính tình yêu bóng đá của người Việt Nam là cái cớ để bản quyền được đẩy lên mức giá cao, dù đó là giải đấu chỉ ở tầm Đông Nam Á như AFF Cup.
Video đang HOT
"Bản quyền AFF Cup và một số giải có tuyển Việt Nam tăng giá có nguyên nhân rất lớn đến từ chính Việt Nam, bởi khán giả chúng ta rất yêu bóng đá, không thể không xem các giải lớn.
Có nhiều nước, các đài truyền hình tuyên bố luôn là 'không phát giải này' vì không cân đối thu chi được, người ta coi đó là chuyện bình thường vì quen xem mất phí rồi. Với riêng Việt Nam thì sự thực là các nhà đài dù chuyển sang kinh tế thị trường, thì có lỗ vẫn phải làm", BLV Quang Huy khẳng định.
Các giải đấu có tuyển Việt Nam tham dự đều có sức hút lớn.
"Có thời gian CĐV không hứng xem tuyển Việt Nam ở các giải lớn, bởi khi ấy chúng ta thua nhiều, có những trận đấu theo kiểu một mất mười ngờ. Tuy nhiên, gần đây đội tuyển có thành tích tốt, chứng tỏ được hào khí dân tộc và làm chúng ta rất xúc động khi xem.
Do đó, nhu cầu xem càng lớn. Người ta nắm được chuyện này nên cứ đẩy giá lũy tiến từng năm thì không có gì đặc biệt cả. Điều đó nằm trong dự liệu của chúng ta rồi".
Theo BLV Quang Huy, để giải quyết vấn đề bản quyền, các nhà đài nên có sự hợp tác và có một đơn vị đủ tâm, đủ tầm đứng ra đóng vai trò "nhạc trưởng" điều tiết cuộc chơi.
"Các đài cần có sự đoàn kết. Chúng ta vẫn thiếu 'nhạc trưởng' để làm tốt điều này. Với tư cách người làm ở đài truyền hình lớn thì tôi cũng mong các giải tới, chúng ta có sự vào cuộc của nhiều đơn vị để chung sức mang lại bản quyền một cách tốt nhất.
Một đài làm, nhiều đài tiếp sóng cũng được, nên tối ưu hóa nguồn lực, chứ không "nướng" hết tiền vốn liếng của mình vào bản quyền. Có nhiều đài mệt mỏi khi phải bung hết sức mua bản quyền. Tôi cũng có sự chia sẻ và mong muốn có sự điều tiết", BLV Quang Huy nhấn mạnh.
CĐV Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt.
BLV Quang Tùng cho rằng mức giá 5 triệu USD chưa chắc đã đắt, bởi đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào cách khai thác từ thị trường và những giá trị chúng ta thu lại khi sở hữu bản quyền.
"Chúng ta có thể hiểu vấn đề giá cả phụ thuộc vào thị trường. Khi nhu cầu lớn, cơn khát ở mức độ cao thì giá sẽ phải tương đương. Những người kinh doanh phải có sự nhạy cảm, đưa ra dự định mức giá trên yếu tố nhu cầu của thị trường.
Rất khó để nói mức giá 5 triệu USD có đắt hay không. Chẳng qua chúng ta nhìn thấy mức giá đó vượt trội so với lần trước nên có cảm giác đắt. Mua bản quyền đó về thì thu được gì? Chúng ta có thị trường 100 triệu dân và vài triệu Việt kiều ở nước ngoài có thể quan tâm đến sự kiện đó.
Bóng đá Việt Nam lúc này là hiện tượng, nên khó để nói 5 triệu USD là đắt hay rẻ, có chăng là vượt trội lần trước nên có cảm giác đắt.
5 triệu USD thu về để dành cho quỹ của LĐBĐ Đông Nam Á mà LĐBĐ Việt Nam là một thành viên trong đó. Số tiền bản quyền truyền hình sẽ góp phần cho sự phát triển của LĐBĐ khu vực cũng như LĐBĐ thành viên. Số tiền có cần thiết, phù hợp không, chúng ta sẽ có câu trả lời", BLV Quang Tùng chia sẻ, đồng thời cho rằng các nhà đài cần có chiến lược mua bản quyền các giải theo gói, có thể mua nhiều năm, thay vì mua từng năm lẻ.
Tiền bản quyền được tái đầu tư trở lại bóng đá?
"Nói về khả năng ứng phó của nhà đài, đơn vị truyền thông khi mua bản quyền thì chúng ta thường phản ứng hơi bị động, ở thế yếu so với nhà cung cấp bản quyền, hay có phần bị 'dắt mũi' trong cuộc chơi.
Khi những người tham gia cuộc chơi ngày càng chuyên nghiệp hơn, có thể tính tới chiến lược hay giải pháp như đoàn kết giữa các nhà đài, nhưng đó chưa chắc đã là câu chuyện dài hơi, bởi đây là bản quyền cho một sự kiện.
Các nhà kinh doanh bản quyền chuyên nghiệp đang khuyên là liệu có nên mua gom một gói rộng hơn, có chiều sâu hơn, đòi hỏi chiến lược kinh doanh, nguồn lực tài chính để chiến đấu chặng đường đủ dài, có thể là 6 năm, 8 năm, 10 năm hay nhiều hơn nữa.
Không chỉ AFF Cup mà còn là tổng thể nhiều giải chung. Các sự kiện theo chu kỳ thì liệu nên mua gói rộng hơn, như mua liền 3 kỳ Olympic phát sóng trong 12 năm.
Tiền có thể lạm phát nhưng giá không thể tăng vì mua rồi. Chuyện đó đòi hỏi năng lực tài chính mạnh, có chiến lược khai thác, kinh doanh. 5 triệu USD không đắt nếu đó là giải đấu trăm triệu người mong muốn, chưa kể những thứ có thể gia tăng từ sự kiện này", BLV Quang Tùng phân tích.
Chia sẻ về vấn đề mua bản quyền theo gói, BLV Quang Huy lại cho rằng đôi khi không phải muốn là được, bởi ở những thị trường tiềm năng, tăng trưởng nhanh như Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đôi khi đơn vị bán bản quyền lại muốn bán rời từng giải để tăng giá.
"Đơn vị bán bản quyền rất 'ma lanh', họ biết thị trường Việt Nam yêu thể thao, có những giải đấu họ chỉ bán từng mùa một, mua nhiều họ cũng không bán. Có những khu vực họ bán được vài kỳ là tốt rồi, thu được một mớ bởi đây không phải khu vực tiềm năng, nhưng với Việt Nam là có kiểu bị chặt lẻ, không bán liền vài kỳ.
Do đó, chúng ta rất cần có sự điều tiết của 'nhạc trưởng'. Đôi khi cơ quan nhà nước định hướng thôi, còn chúng ta vẫn cần một đơn vị đủ tâm, tầm, lực để đảm nhiệm cuộc chơi, giống như Việt Nam thời gian gần đây làm rất tốt xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực khác", BLV Quang Huy kết luận.
HỒNG NAM
Bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020 tăng cao: Có nên mua bằng mọi giá? Với mức chào bán lên đến 5 triệu USD cho bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020, nhiều đơn vị nhà đài Việt Nam đang ở thế lưỡng lự và dư luận cũng cảm thấy bất bình vì mức giá quá cao so với trước. ĐT Việt Nam đang nhận được rất nhiều quan tâm không chỉ với bóng đá khu vực...