Bản quyền truyền hình V.League: Bao giờ ‘gà đẻ trứng vàng’?
Bản quyền truyền hình được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều giải bóng đá trên thế giới. Và V.League cần làm gì để biến giấc mơ ấy thành hiện thực?
Có một thực tế rằng khi những người có trách nhiệm với V.League đưa ra bất cứ một sáng kiến hay đề xuất nào, thì ngay lập tức nhiều đội bóng sẽ lại… kể lể những khó khăn nội tại của đội nhà như một minh chứng cho việc khó lòng thay đổi theo sáng kiến đó. Đó là một trong những lực cản khiến V.League không có nhiều đột phá trong thời gian dài vừa qua. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây không lâu, ông Brian Wright – đại diện La Liga tại Việt Nam khẳng định, bản quyền truyền hình – chứ không phải bán vé, bán đồ lưu niệm, áo đấu – mới là “gà đẻ trứng vàng” của các giải bóng đá. Nhưng theo ông Brian Wright, V.League chắc chắn phải thay đổi rất nhiều nếu muốn có nhiều tiền từ bản quyền truyền hình.
Đầu tiên là sân bãi. Phải thấy rằng, chất lượng sân đấu của đa phần các đội bóng ở V.League khá tệ. Có một sự thật buồn là một số ngoại binh được đào tạo bài bản đến từ Anh, Hà Lan… sang Việt Nam thử việc nhưng sau khi dạo bước thử trên sân thi đấu lồi lõm ấy, họ đã phải từ chối để về nước bởi sợ chấn thương. Ở V.League, chỉ có 1 số sân như Thống Nhất, Hàng Đẫy, Pleiku là tương đối đảm bảo chất lượng. Còn lại, đa phần đều không đảm bảo đủ để tổ chức bóng đá chuyên nghiệp. Chất lượng mặt sân cỏ kém thì hẳn nhiên, chất lượng chuyên môn cũng đi xuống theo. Rất khó cho các cầu thủ có thể phô diễn kỹ thuật trên mặt sân cỏ lồi lõm, xấu nên không thể đòi hỏi chuyên môn cao.
Quang Hải tặng bóng cho NHM trước giờ khai cuộc một trận đấu V.League
Chất lượng ngoại binh là yếu tố khác tạo sức hút cho V.League. Có thể thấy, các CLB không chi mạnh để tậu lực lượng ngoại binh có tiếng và có trình độ. Thay vào đó, họ chỉ thử ngoại binh thuộc dạng “vô danh” để trông chờ vào vận may. Đó là lý do mà chất lượng của lực lượng lính đánh thuê này đang ngày càng đi xuống. Đa phần những gương mặt nổi đình nổi đám ở V.League hiện tại cũng đã “xưa cũ”, còn tân binh lại thi đấu vật vờ khiến cho khán giả cảm thấy ngao ngán. Hải Phòng từng trở thành “mãnh lực” đối với khán giả và truyền thông khi tậu Denilson. Khoan nói đến tính hiệu quả về chuyên môn nhưng rõ ràng, hình ảnh của CLB, V.League được chú ý, có sức hút nhiều hơn khi danh thủ người Brazil xuất hiện. Hẳn nhiên, muốn có được nhiều tiền (từ bản quyền truyền hình) thì phải chịu chi tiền, tương tự cách đội bóng đất Cảng từng thử nghiệm.
Bạo lực sân cỏ là vấn đề khác mà V.League cần phải chú ý. Rõ ràng, không có mùa giải nào lại không xảy ra những hành vi phi thể thao. Nhưng để giải quyết gốc rễ vấn đề này, sự uốn nắn từ CLB có ý nghĩa quyết định chứ không chỉ hẳn những chiếc thẻ đỏ của trọng tài hay án phạt nguội của Ban kỷ luật khi sự cố đã xảy ra. Một vấn đề nữa là cần triệt tiêu hoàn toàn những trận cầu điều tiếng theo kiểu “chị ngã em nâng” trong những mối quan hệ zíc zắc ngoài sân cỏ. Nói cách khác, phải xây dựng được một sân chơi sạch, bằng những trận cầu sòng phẳng để tạo được niềm tin lớn từ bóng đá sạch.
Khi chất lượng chuyên môn thấp, tức sản phẩm không có chất lượng tốt, hình ảnh không đẹp thì hẳn nhiên, các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh bản quyền không mặn mà để lao vào cuộc đua đấu giá bản quyền truyền hình như cách thức họ nhập cuộc ở các sân có sức hút như AFF Suzuki Cup, vòng loại World Cup, ngoại hạng Anh… Bởi bất cứ đài truyền hình hay công ty truyền thông nào thì một trong những yếu tố mà họ cần cân nhắc để mua bản quyền truyền hình là lợi nhuận. Khi giải đấu không phải là một sản phẩm “bắt mắt” thì khó có sức hút đối với việc quảng cáo. Kinh doanh mà không có lợi nhuận thì các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình không mặn mà lắm đối với bản quyền V.League cũng là điều dễ hiểu.
V.League phải thay đổi nhiều nhưng nếu không thay đổi được vấn đề cốt lõi trên thì câu hỏi bao giờ V.League thành “gà đẻ trứng vàng?” khó xác định được thời gian cụ thể.
Video đang HOT
Hồng Quảng
BLV Quang Huy: Bản quyền AFF Cup 2020 đắt vì CĐV Việt Nam yêu bóng đá
BLV Quang Huy nhấn mạnh các nhà đài cần có sự hợp tác để giải quyết tốt vấn đề bản quyền các giải đấu lớn của tuyển Việt Nam.
Vấn đề bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 đang gây sốt khi có thông tin cho rằng đơn vị sở hữu muốn bán bản quyền với mức giá 5 triệu USD. Theo BLV Quang Huy, chính tình yêu bóng đá của người Việt Nam là cái cớ để bản quyền được đẩy lên mức giá cao, dù đó là giải đấu chỉ ở tầm Đông Nam Á như AFF Cup.
"Bản quyền AFF Cup và một số giải có tuyển Việt Nam tăng giá có nguyên nhân rất lớn đến từ chính Việt Nam, bởi khán giả chúng ta rất yêu bóng đá, không thể không xem các giải lớn.
Có nhiều nước, các đài truyền hình tuyên bố luôn là 'không phát giải này' vì không cân đối thu chi được, người ta coi đó là chuyện bình thường vì quen xem mất phí rồi. Với riêng Việt Nam thì sự thực là các nhà đài dù chuyển sang kinh tế thị trường, thì có lỗ vẫn phải làm", BLV Quang Huy khẳng định.
Các giải đấu có tuyển Việt Nam tham dự đều có sức hút lớn.
"Có thời gian CĐV không hứng xem tuyển Việt Nam ở các giải lớn, bởi khi ấy chúng ta thua nhiều, có những trận đấu theo kiểu một mất mười ngờ. Tuy nhiên, gần đây đội tuyển có thành tích tốt, chứng tỏ được hào khí dân tộc và làm chúng ta rất xúc động khi xem.
Do đó, nhu cầu xem càng lớn. Người ta nắm được chuyện này nên cứ đẩy giá lũy tiến từng năm thì không có gì đặc biệt cả. Điều đó nằm trong dự liệu của chúng ta rồi".
Theo BLV Quang Huy, để giải quyết vấn đề bản quyền, các nhà đài nên có sự hợp tác và có một đơn vị đủ tâm, đủ tầm đứng ra đóng vai trò "nhạc trưởng" điều tiết cuộc chơi.
"Các đài cần có sự đoàn kết. Chúng ta vẫn thiếu 'nhạc trưởng' để làm tốt điều này. Với tư cách người làm ở đài truyền hình lớn thì tôi cũng mong các giải tới, chúng ta có sự vào cuộc của nhiều đơn vị để chung sức mang lại bản quyền một cách tốt nhất.
Một đài làm, nhiều đài tiếp sóng cũng được, nên tối ưu hóa nguồn lực, chứ không "nướng" hết tiền vốn liếng của mình vào bản quyền. Có nhiều đài mệt mỏi khi phải bung hết sức mua bản quyền. Tôi cũng có sự chia sẻ và mong muốn có sự điều tiết", BLV Quang Huy nhấn mạnh.
CĐV Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt.
BLV Quang Tùng cho rằng mức giá 5 triệu USD chưa chắc đã đắt, bởi đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào cách khai thác từ thị trường và những giá trị chúng ta thu lại khi sở hữu bản quyền.
"Chúng ta có thể hiểu vấn đề giá cả phụ thuộc vào thị trường. Khi nhu cầu lớn, cơn khát ở mức độ cao thì giá sẽ phải tương đương. Những người kinh doanh phải có sự nhạy cảm, đưa ra dự định mức giá trên yếu tố nhu cầu của thị trường.
Rất khó để nói mức giá 5 triệu USD có đắt hay không. Chẳng qua chúng ta nhìn thấy mức giá đó vượt trội so với lần trước nên có cảm giác đắt. Mua bản quyền đó về thì thu được gì? Chúng ta có thị trường 100 triệu dân và vài triệu Việt kiều ở nước ngoài có thể quan tâm đến sự kiện đó.
Bóng đá Việt Nam lúc này là hiện tượng, nên khó để nói 5 triệu USD là đắt hay rẻ, có chăng là vượt trội lần trước nên có cảm giác đắt.
5 triệu USD thu về để dành cho quỹ của LĐBĐ Đông Nam Á mà LĐBĐ Việt Nam là một thành viên trong đó. Số tiền bản quyền truyền hình sẽ góp phần cho sự phát triển của LĐBĐ khu vực cũng như LĐBĐ thành viên. Số tiền có cần thiết, phù hợp không, chúng ta sẽ có câu trả lời", BLV Quang Tùng chia sẻ, đồng thời cho rằng các nhà đài cần có chiến lược mua bản quyền các giải theo gói, có thể mua nhiều năm, thay vì mua từng năm lẻ.
Tiền bản quyền được tái đầu tư trở lại bóng đá?
"Nói về khả năng ứng phó của nhà đài, đơn vị truyền thông khi mua bản quyền thì chúng ta thường phản ứng hơi bị động, ở thế yếu so với nhà cung cấp bản quyền, hay có phần bị 'dắt mũi' trong cuộc chơi.
Khi những người tham gia cuộc chơi ngày càng chuyên nghiệp hơn, có thể tính tới chiến lược hay giải pháp như đoàn kết giữa các nhà đài, nhưng đó chưa chắc đã là câu chuyện dài hơi, bởi đây là bản quyền cho một sự kiện.
Các nhà kinh doanh bản quyền chuyên nghiệp đang khuyên là liệu có nên mua gom một gói rộng hơn, có chiều sâu hơn, đòi hỏi chiến lược kinh doanh, nguồn lực tài chính để chiến đấu chặng đường đủ dài, có thể là 6 năm, 8 năm, 10 năm hay nhiều hơn nữa.
Không chỉ AFF Cup mà còn là tổng thể nhiều giải chung. Các sự kiện theo chu kỳ thì liệu nên mua gói rộng hơn, như mua liền 3 kỳ Olympic phát sóng trong 12 năm.
Tiền có thể lạm phát nhưng giá không thể tăng vì mua rồi. Chuyện đó đòi hỏi năng lực tài chính mạnh, có chiến lược khai thác, kinh doanh. 5 triệu USD không đắt nếu đó là giải đấu trăm triệu người mong muốn, chưa kể những thứ có thể gia tăng từ sự kiện này", BLV Quang Tùng phân tích.
Chia sẻ về vấn đề mua bản quyền theo gói, BLV Quang Huy lại cho rằng đôi khi không phải muốn là được, bởi ở những thị trường tiềm năng, tăng trưởng nhanh như Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đôi khi đơn vị bán bản quyền lại muốn bán rời từng giải để tăng giá.
"Đơn vị bán bản quyền rất 'ma lanh', họ biết thị trường Việt Nam yêu thể thao, có những giải đấu họ chỉ bán từng mùa một, mua nhiều họ cũng không bán. Có những khu vực họ bán được vài kỳ là tốt rồi, thu được một mớ bởi đây không phải khu vực tiềm năng, nhưng với Việt Nam là có kiểu bị chặt lẻ, không bán liền vài kỳ.
Do đó, chúng ta rất cần có sự điều tiết của 'nhạc trưởng'. Đôi khi cơ quan nhà nước định hướng thôi, còn chúng ta vẫn cần một đơn vị đủ tâm, tầm, lực để đảm nhiệm cuộc chơi, giống như Việt Nam thời gian gần đây làm rất tốt xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực khác", BLV Quang Huy kết luận.
HỒNG NAM
Bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020 tăng cao: Có nên mua bằng mọi giá? Với mức chào bán lên đến 5 triệu USD cho bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020, nhiều đơn vị nhà đài Việt Nam đang ở thế lưỡng lự và dư luận cũng cảm thấy bất bình vì mức giá quá cao so với trước. ĐT Việt Nam đang nhận được rất nhiều quan tâm không chỉ với bóng đá khu vực...