Bẩn như… bia hơi phố cổ Hà Nội
Bia thừa trong cốc được đổ dồn vào xô nhựa, gom lại kha khá thì cho vào sục ga, rồi lại cho vào bom ướp lạnh. Cốc của khách uống xong “không thèm” tráng, ruồi nhặng bâu đầy nhưng vẫn rót luôn cho khách mới. Cứ thế khách vào sau hồn nhiên xài bia bẩn, bia cặn …
Bẩn chưa từng có
Thực sự tôi đã choáng khi chứng kiến cảnh làm ăn mất vệ sinh và thiếu đạo đức kiểu này. Để làm rõ hơn vấn đề, tôi đã thâm nhập nhiều quán bia ở phố Tạ Hiện ở phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, và ở đâu cũng đầy rẫy sự thất vọng.
Bao nhiêu thực khách đã phải dùng lại bia thừa?.
Cả năm quán bia vỉa hè này luôn trong tình trạng đổ bia thừa vào ca bán lại cho khách. Rợn mình hơn khi tôi đến với quán bia tươi ở số nhà 21 ( Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm), bom bia để ngay dưới lòng đường, sát miệng cống và che mắt người uống bởi chiếc xe máy chặn ngang.
Để ý quan sát là cảnh tượng chủ quán dùng bia còn thừa của các tất cả các cốc đổ dồn vào một cốc, nhoằng đã có một ly bia thừa “đầy đặn”. Đương nhiên nó được “dành bán” cho người đến sau. Qua vài thủ thuật, nhất là ướp lạnh lại, người uống cứ “chắc mẩm” là bia mới bơm từ bom ra.
Video đang HOT
Bẩn hơn, khi khách đông, họ không thèm tráng cốc, sau những lần thu cốc về, có khách gọi thì cứ thế rót bia luôn.
Tôi thắc mắc việc tích bia thừa và không tráng cốc, chủ quán cau mặt chối: “Cốc của khách uống thì phải tráng hết chứ, còn phải kỳ cọ nữa là. Mấy cốc này là của khách đang uống dở gọi tiếp nên không cần tráng”.
Nhưng nếu ai để ý nhìn vào chậu nước tráng cốc đục ngầu thì chẳng ai còn hứng uống bia khi ly cốc được “tráng” bởi chậu nước bẩn ấy. Nhiều khách sau khi đi vệ sinh cũng “tiện thể” rửa luôn tay vào chậu tráng cốc.
Khi khách thắc mắc thì chủ quán sẽ ra sức “hùng biện”, đại khái là: “Bia chúng tôi ngày nào cũng bán còn thừa thì để đó trả lại cho công ty chứ làm gì có chuyện bán bia thừa cho khách. Vào mỗi buổi sớm công ty chở bia mới đến, thu lượm vỏ bom bia cùng bia thừa về”.
“Thượng đế” bất ngờ
Những cốc bia thừa thế này sẽ được gom vào ca hay những chiếc xô nhựa rồi “phù phép” mang ra cho thực khách uống như bia mới rót từ bom ra
Nhiều thực khách khi được hỏi đều tỏ ra bất ngờ. Anh Phương, một nhân viên công nghệ thông tin cho hay: “Tôi cũng không biết là đã uống bia cũ vì thực ra mỗi lần đến đó chỉ chú ý tán chuyện với bạn bè, nhìn khách đi đường là chính”. Sau khi được tôi chia sẻ những hình ảnh về bia thừa đổ lại, cốc không tráng, rót luôn cho khách, vị khách này tỏ ra khá ngạc nhiên và chốt lại một câu: “Hy vọng mình chưa gặp phải trường hợp này”.
Các “thượng đế” cứ thế hy vọng mình là người may mắn. Hy vọng mình chưa uống phải những cốc bia thừa đổ dồn, bia pha trộn hôm nay để ngày mai bán lại. Trong khi chủ quán không chừa một ai, đơn giản chỉ vì tiền.
Và câu chuyện an toàn thực phẩm cho bia hơi cũng như quản lý loại đồ uống này vô cùng lỏng lẻo. Người tiêu dùng cũng chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, chủ quán vì tiền và lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý nên mặc sức làm càn, đó là tất cả những nguyên nhân chính yếu để bia hơi bẩn tấn công sức khỏe cộng đồng.
Tôi đồ rằng không chỉ ở đây mà còn rất nhiều quán bia hơi ở Hà Nội có kiểu làm ăn thất đức này. Bia cặn, sục khí và ướp lạnh lại, thủ thuật này có khó khăn gì ở các cửa hàng bia hơi?.
Làm sao phân biệt bia mới, bia cũ?
Một chủ quán bán bia hơi tên Nghĩa cho biết: Để phân biệt bia cũ với bia mới rất dễ. Cần chú ý màu bia, nếu là bia tươi có màu vàng đậm, nhiều bọt hơn, rót bia bọt trào ra nhiều hơn. Bia mới thì sau mười phút rót ra chưa chắc bọt đã tan hết, còn bia cũ chỉ cần để sau khoảng một phút bọt tan gần hết.
Bia mới uống sẽ đậm hơn, độ mạnh hơn, cảm giác sốc hơn khi uống vào, không đắng. Chỉ cần uống ngụm bia đầu tiên thấy đắng miệng thì chắc chắn đó là bia cũ, bia thiu.
Bia hơi để lâu màu bia sẽ nhạt dần từ vàng tươi ban đầu sang vàng nhạt. Tinh ý hơn, nếu nhìn theo hướng thẳng đứng bia màu vàng nhạt, nhìn ngang cốc bia hơi đỏ nhạt. Nếu để đến ngày thứ tư hầu như bia không còn vị màu gì, uống như nước lã.
Có lẽ chỉ có cách học chút kinh nghiệm nho nhỏ này thì may ra những người thích bia hơi mới tự “cứu mình” khỏi những cốc bia bẩn. Tất nhiên đây chỉ là giải pháp “ngọn” từ người tiêu dùng, còn gốc vấn đề tùy vào cách xử lý của cơ quan quản lý về An toàn thực phẩm…
Theo Dantri
Cẩn thận phô mai que vỉa hè
Từ khoảng 6g tối đến đêm là khoảng thời gian "lý tưởng" để nhiều bạn trẻ kéo nhau đến các quán phô mai que, "ngồi vỉa hè, chém gió". Họ thường đi theo nhóm, tự chọn chỗ ngồi sao cho vừa đủ.
Vài tháng trở lại đây, giới tuổi teen rộ lên "phong trào" ngồi "chém gió", ăn phô mai que vỉa hè thay vì uống trà chanh như trước. Trên các phố cổ, phố đi bộ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Tạ Hiện... đâu đâu cũng thấy cửa hàng bán phô mai que và lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là học sinh và sinh viên.
Nói là cửa hàng, thực ra chỉ cần vài cái ghế nhựa bày trên vỉa hè, một chiếc xe đẩy, bên trên có bếp gas du lịch, một chảo mỡ và hộp nhựa đựng phô mai cùng dăm ba cái đĩa nhựa là đã đủ thu hút đám thực khách dễ tính, chỉ chú trọng đến "yếu tố" mới và lạ mà không cần quan tâm đến vấn đề ATVSTP.
Phô mai que. Ảnh TL
Từ khoảng 6g tối đến đêm là khoảng thời gian "lý tưởng" để nhiều bạn trẻ kéo nhau đến các quán phô mai que, "ngồi vỉa hè, chém gió". Họ thường đi theo nhóm, tự chọn chỗ ngồi sao cho vừa đủ. Dường như quá quen với không gian chật chội nên họ không hề kêu ca, phàn nàn, thậm chí còn tỏ ra thích thú với việc phải thu chân bó gối.
Thực ra, phô mai que đã xuất hiện từ lâu, trong chuỗi cửa hàng của Lotteria, một thương hiệu nổi tiếng bán đồ ăn nhanh của Hàn Quốc. Phô mai que "xịn" (cheese stick) được chế biến từ phô mai Mozzarella của Ý, cắt thành hình que dài 4 cm, nhúng vào bột mỳ, lăn qua bột chiên xù rồi rán. Món này được giới tuổi teen "hâm mộ" ngay khi "trình làng", nhưng vì giá cả hơi cao (khoảng 15.000đồng/chiếc), nên khi phô mai que vỉa hè xuất hiện với giá chỉ 6.000 đồng/chiếc thì ngay lập tức được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Trần Hoài Anh, sinh viên năm thứ 2, ĐH Thương mại cho biết: "Em mê món này từ lâu nhưng thỉnh thoảng mới dám ăn vì hơi đắt. Gần đây em thấy bán nhiều ngoài đường, giá chỉ bằng 1/3 nên chúng em rất thích, hễ có dịp là lại đãi nhau bằng phô mai que".
Trịnh Hải Long, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Bách khoa (Hà Nội) cũng là một "fan" của phô mai que, tâm sự: "Em không thích ăn quà vặt, nhưng mấy lần đi uống trà chanh, các bạn toàn gọi thêm món này, em tò mò ăn thử, rồi nghiện lúc nào không biết". Các thực khách cũng thú nhận, họ chẳng mấy quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của phô mai que, chỉ biết có phong trào là theo nhau hưởng ứng.
Một chủ hàng trên phố Tạ Hiện cho biết, trước đây chị bán bánh mì, nhưng thấy mấy cửa hàng bán phô mai que trên phố đông khách quá nên chị cũng bán theo. "Đúng là bán đồ mà bọn trẻ đang thích dễ thật. Chúng không thắc mắc về chất lượng, nguồn gốc, đến hàng là gọi ào ào". Chị vui vẻ khoe: "Bây giờ nhiều người bán hàng này lắm, vốn liếng ít, nhưng lãi thì kha khá. Ngày ít khách cũng bán được 600-700 que, đông khách thì đến cả nghìn que".
Chị chủ hàng này cũng vô tư kể: "Phô mai mua buôn trên chợ Đồng Xuân, giá 70.000 đồng/kg. Một kg cắt ra được 35 đến 40 que. Dầu rán thì mua loại rẻ tiền đã là xịn rồi, nhiều người còn mua dầu thải ra của các hàng cơm, quán nhậu rồi về lọc lại để dùng". Hỏi xuất xứ của phô mai thì chị bảo: "Đều của Trung Quốc hết, vì phomai Trung Quốc rẻ, nếu mua của Ý, hay của Hà Lan thì hết lãi".
Đến chợ Đồng Xuân, không khó khăn gì để tìm một hàng bán phô mai. Mặt hàng này được bảo quản trong tủ đá, người bán xả ra từng tảng to nhỏ khác nhau, trung bình một tảng bằng hai viên gạch. Trong vai người mua về để bán lẻ, PV được đưa cho xem một tảng phô mai khoảng hơn 1kg, bao bì bên ngoài chỉ là một lượt ni lon trắng. Hỏi hạn sử dụng và xuất xứ, nguồn gốc thì người bán hàng nói: "Hàng này từ Trung Quốc nhưng chị lấy hàng tốt nên em để vô tư, vài năm cũng được (?!). Nếu mua nhiều sẽ được giảm giá". Qua quan sát, màu sắc của phô mai không đồng nhất.
Có tảng màu vàng nhạt, có tảng vàng sẫm. Đặc biệt, một vài tảng có lốm đốm đen. Chị bán hàng bao biện: "Có gì đâu, để chị gọt đi và thay túi ni lon là lại "long lanh" ngay ấy mà".
Rõ ràng, món phô mai que bán trên vỉa hè là loại hàng không bảo đảm ATVSTP. Đưa phản ánh này đến Cục ATVSTP, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATVSTP cho hay, Cục chưa biết đến mặt hàng này và bản thân ông cũng chưa thấy, chưa biết phô mai que là gì. Như vậy, có thể nói, các cơ quan chức năng chưa "sờ" tới mặt hàng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ là "hàng bẩn" này. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người tiêu dùng yên tâm.
Theo plxh
Khám phá những món ăn ngon, độc đáo phố Tạ Hiện Quán nằm ở phố Tạ Hiện và phục vụ nhiều món ăn ngon, bổ, rẻ như cuốn tôm thịt, bánh xèo, bún riêu cua... Quán "Ẩm thực phố cổ" số 20 Tạ Hiện nằm lọt thỏm trong một góc nhỏ của khu phố cổ khá nổi tiếng về các món ăn vặt. Mặc cho thời tiết Hà Nội nắng nóng, quán vẫn rất...