Bán nhà Hà Nội, vợ chồng trẻ lên Tây Nguyên làm homestay
Mong muốn thay đổi mô hình kinh doanh và sẵn đam mê xê dịch, đầu năm 2020, vợ chồng anh Hùng đóng 3 cửa hàng, lên Măng Đen (Kon Tum) lập nghiệp.
Trong những ngày Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước, hoạt động ở Nắng Homestay của vợ chồng anh Hùng chị Thu cũng gần như ngưng trệ. Tuy nhiên, cả gia đình 4 người lại được sống trong ngôi nhà có sân vườn rộng lớn giữa rừng thông, hàng ngày cùng nhau nấu ăn, làm vườn. Khí hậu ở thị trấn mát mẻ, không khí trong lành, đặc biệt mật độ dân cư thưa, tách biệt với thành phố nên an toàn trong dịch bệnh. Về cuộc sống hiện tại, anh Hùng chia sẻ rằng rất thoải mái và chưa khi nào hối hận vì “bỏ phố về rừng”.
Vợ chồng anh Hùng chơi đàn, đọc sách trước homestay.
Anh Hùng, thuộc thế hệ 8x, là người Quảng Ninh, đến Hà Nội học đại học và làm việc được 16 năm, tính đến khi chuyển vào Kon Tum. Anh cho biết, quyết định và kế hoạch chuyển nhà của anh chị bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ tình cờ với một người bạn đã lập nghiệp ở Măng Đen từ năm 2017. Người bạn chia sẻ cho anh về thị trấn nằm ở độ cao hơn 1.200 m, được quy hoạch là khu du lịch sinh thái quốc gia, khí hậu mát mẻ quanh năm và mật độ che phủ rừng rất lớn; đặc biệt có nhiều rừng thông nên được ví là Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên.
Đây cũng là lúc vợ chồng anh nhận ra cần có hướng đi mới, khi công việc kinh doanh thời trang 10 năm cũng không còn tốt như trước. Lần đầu tiên đặt chân đến Măng Đen tháng 10/2019, anh chị nhanh chóng bị vùng đất cao nguyên “chinh phục” vì vẻ đẹp và theo lời anh, rất giàu tiềm năng. Sẵn là người ưa dịch chuyển, thích du lịch phượt, khám phá thiên nhiên, anh chị quyết định chuyển đến vùng đất mới cách Hà Nội hơn 1.000 km.
Đặt cọc mảnh đất hơn 500 m2 ở gần khu vực quảng trường Măng Đen, anh chị trở về Hà Nội bán ngôi nhà mặt đất có được sau nhiều năm kinh doanh, dồn tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để làm vốn. Anh Hùng cho biết, hoàn toàn không có kinh nghiệm làm homestay, anh vẫn lựa chọn mô hình này vì có thể phát triển ở Măng Đen và phù hợp với khả năng kinh tế hạn hẹp.
Tổng diện tích xây dựng là 179 m2, còn lại là cảnh quan, sân vườn. Tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nội thất nên toàn bộ ý tưởng, triển khai, bản vẽ, xin phép xây dựng, giám sát thi công là do anh Hùng thiết kế và đảm nhiệm. Các phòng được xây dựng biệt lập, diện tích nhỏ và xen kẽ dưới tán thông. Về thiết kế, các phòng không giống nhau để tránh gây nhàm chán.
Anh cho biết cố gắng giữ lại được gần như toàn bộ số cây thông trong khuôn viên đất, để khách và gia đình tận hưởng được sự yên bình giữa cánh rừng tự nhiên. Homestay ưu tiên sự riêng biệt, ấm cúng, hướng khách hàng ra các hoạt động ở không gian bên ngoài như chụp ảnh, thư giãn, uống cà phê giữa cây, hoa.
Video đang HOT
Trong quá trình xây dựng, vợ chồng anh gặp khó vì mọi vật liệu xây dựng ở đây đều thiếu thốn, phải chuyển lên từ TP Kon Tum, Hà Nội hay TP HCM. Khó khăn thứ hai là thời tiết, ở đây mưa nhiều và độ ẩm rất cao, khiến việc xây dựng cũng như sinh hoạt bị ảnh hưởng. Độ ẩm quá cao còn làm các thiết bị điện tử dễ hỏng hóc, tốn kém chi phí sửa chữa, thay mới.
Sau 6 tháng thi công, homestay đi vào hoạt động và đây cũng là ngôi nhà mới của vợ chồng anh Hùng cùng 2 con. Anh Hùng cũng thuyết phục được bố mẹ về đây ở để gần con cháu dù trước đó bố anh kịch liệt phản đối đến mức cắt liên lạc thời gian dài.
Hai con của anh hiện học tiểu học ở trường trong thị trấn, gần nhà. Trước đây vốn hay được bố cho đi phượt cùng nên cả hai dễ thích nghi với môi trường mới. Anh cho biết dù thị trấn mới phát triển nhưng đầy đủ những tiện nghi cần thiết. Trạm y tế huyện thì ở gần nhưng bệnh viện tỉnh cách hơn 50 km. Năm ngoái khi bố anh ốm, việc thăm khám khó khăn vì phải đi xuống bệnh viện tỉnh thường xuyên, sau bệnh trở nặng phải ra Hà Nội để chữa trị.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh mà việc kinh doanh homestay cũng rất ảnh hưởng, lượng khách chỉ đến đông vào giữa các đợt dịch, vì vậy khoản nợ hiện còn lại khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên anh Hùng cho biết chưa khi nào hối hận với quyết định của mình, vì từ ban đầu anh xác định sẽ an cư lạc nghiệp ở đây, cuộc sống duy trì ở mức ổn định. Có lo lắng nhưng so với ở thành phố, mặt bằng kinh doanh phải đi thuê, áp lực chi phí lớn, thì kinh doanh trong ngôi nhà của mình, với anh chị, vẫn thoải mái hơn.
Hai con của anh Hùng, chị Thu được sống giữa thiên nhiên.
Anh Hùng thổ lộ, việc bỏ phố về rừng của anh hoàn toàn có thể gọi ngắn trong 2 từ “thời tới”, chứ không hề đi theo trào lưu. “Con đường này chưa khi nào là màu hồng, nên cần nhất sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm và càng phải chăm chỉ chịu khó vì khởi nghiệp là khó khăn. Người trẻ khởi nghiệp thì càng phải lường trước các vấn đề mà mình có thể gặp phải, thậm chí sẵn sàng đối phó với những điều không thể lường trước”, anh nói. Cuối cùng anh mới đề cập tới tiền, theo lời anh, tiền cũng rất quan trọng nhưng nếu thiếu những yếu tố kể trên thì khó thành công.
Bỏ việc lương cao ở Hà Nội, đôi vợ chồng trẻ lên núi làm homestay đẹp như mơ
Sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định với lương cao mà bao người mơ ước, đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội đã quyết định bỏ phố lên núi, mua đất, xây homestay để trải nghiệm không gian sống mới.
Chị Mai Anh trong một lần trả lời phỏng vấn.
Bỏ phố về rừng đã từng được ví như thú vui của những người có tiền hay của những người đã bước đến độ tuổi nghỉ hưu, muốn tận hưởng cuộc sống điền viên, tao nhã. Nhưng, giờ đây xu hướng này đang ngày trẻ hoá. Thực tế, càng ngày càng nhiều người trẻ sẵn sàng gia nhập vào làn sóng này. Ngay cả khi họ sở hữu một công việc thu nhập lương cao, một căn nhà giá trị giữa Hà Nội thì họ vẫn khao khát được sống khác, không xô bồ, bon chen với áp lực của thành thị.
Một chuyên gia từ lĩnh vực địa ốc đã từng nhận định rằng, bỏ phố về rừng là xu hướng tất yếu. Những người trẻ sẽ trở thành "nhân tố" chính trong làn sóng này bởi họ là nhóm dám nghĩ, dám làm, chấp nhận thử thách. Ngoài khát vọng chinh phục thử thách mới, tìm kiếm không gian sống trong lành với núi rừng, họ muốn tự do về tài chính bằng công việc kinh doanh từ chính quyết định mua đất rừng làm homestay, farmstay.
Câu chuyện của chị Mai Anh (9X, Hà Nội) là điển hình. Hai vợ chồng chị từng có công việc ổn định Hà Nội. Nhưng áp lực công việc khiến hai vợ chồng chị phải dành nhiều thời gian cho các chuyến du lịch để cân bằng lại cuộc sống.
"Năm 2008, chồng tôi đã có dịp lên Tà Xùa cùng với nhóm bạn. Chồng tôi kể, lúc đó, mây đẹp lắm, vì vùng đất này trước còn hoang sơ, chưa phát triển du lịch. 100% người dân ở khu vực này là người Mông, hoang sơ và yên bình. Sau này, tôi và chồng có dịp lên Tà Xùa và lần nào cũng mê mẩn với mây ở nơi đây. Thực sự, nơi đây đẹp quá nên không muốn về vì khí hậu trong lành" - chị Mai Anh kể.
Mơ ước có một ngôi nhà ở Tà Xùa, mỗi ngày đều có thể mở cánh cửa ra hít khí trời trong lành, ngắm mây trên đỉnh núi, chị Mai Anh cùng chồng đã quyết định xin nghỉ việc, dành tiền lên đây mua đất.
"Chúng tôi xác định "liều". Con của tôi lúc đó mới 14 tháng. Hai vợ chồng về bàn với bố mẹ. Thật may ông bà đồng ý, và hứa sẽ chăm bé để hai vợ chồng yên tâm đi khai hoang".
Sau sự đồng ý của bố mẹ, chị Mai Anh và chồng đã quyết định bỏ công việc ở Hà Nội lên Tà Xùa, để bắt đầu một cuộc sống mới. "Giá đất Tà Xùa năm 2019 đã bắt đầu tăng vì người dưới xuôi đã bắt đầu lên kinh doanh homestay. Hiện tại, giá đất Tà Xùa đã đắt ngang khu vực trung tâm Hà Nội".
Không gian homestay tại Tà Xùa.
Chia sẻ về quá trình bắt đầu xây dựng homestay, chị Mai Anh kể, thực tế không hề dễ dàng, nhất là đối với vợ chồng chị đang sống, làm việc tại thành phố nhiều năm.
"Những ngày đầu, nước còn phải đi xin. Do nguồn nước trong núi đã không ổn định. 2-3 giờ sáng, hai vợ chồng còn soi đèn vào rừng chỉnh nguồn nước. Nói thật, đến giờ tôi không dám nghĩ lại khoảng thời gian ban đầu đó. Chưa kể, mùa đông trên này lạnh cóng. Nước còn cảm giác như đóng băng. Đồ ăn phải mua cách nhà 12km. Thật sự nhiều lúc muốn bỏ về xuôi vì cảm thấy thiếu thốn".
Chi phí xây dựng homestay khá đắt đỏ, nhất là đối với nơi có vị trí và khí hậu đặc thù lạnh như trên Tà Xùa.
Cũng theo chị Mai Anh, chi phí xây dựng để hoàn thiện homestay cũng vượt qua rất nhiều so với dự tính của cả hai vợ chồng. Bởi nguyên vật liệu chủ yếu vận chuyển từ xuôi lên, chi phí nhân công đắt đỏ. Để đầu tư và mở rộng mô hình, vợ chồng chị cũng phải vay ngân hàng khá nhiều.
Sau 2 năm sống tại Tà Xùa, chị cho biết, đến hiện tại, cuộc sống của vợ chồng đã ổn định. "May mắn là homestay đắt khách vì nằm ngay vị trí biển thiên đường mây nên chúng tôi được bạn bè giới thiệu nhiều. Hơn nữa, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng xuất hiện, điện nước đã đầy đủ và ổn định, nhưng có duy nhất y tế vẫn còn nhiều khó khăn"- chị Mai Anh nói.
Không gian mộng mơ nhìn từ homestay.
Bỏ phố về rừng làm farmstay, homestay tiền tỷ của giới nhà giàu Hà Nội Bỏ phố về rừng làm farmstay đã trở thành một trào lưu, một xu hướng trong xã hội. Nhưng thực tế trào lưu đó không dành cho người đang chật vật mưu sinh định cư ở Hà Nội. Trào lưu đó chỉ dành cho những người có tiền tỷ, có ô tô và thu nhập lên tới trăm triệu đồng/1 tháng. Áp lực...