Bản người Dao đẹp như miền cổ tích ở tỉnh Lai Châu, khách du lịch mê ngay với chuyến đi lần đầu
Nằm ở độ cao hơn 1400m, bản Sì Thâu Chải được biết đến là một trong những điểm đến lí thú, hấp dẫn du khách gần xa của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Đến Sì Thâu Chải, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non hùng vĩ, vẻ đẹp nguyên sơ, mà còn được tận hưởng bầu không khí trong lành mát mẻ, không gian yên tĩnh của bản làng nơi đây.
Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nằm ở lưng chừng dãy núi Pu Ta Leng, cách thị trấn Tam Đường 6km.
Phong cảnh đẹp, bản sắc hay, nhưng cái nhà phải sạch
Từ thị trấn Tam Đường, men theo con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn quanh các sườn đồi như một dải lụa, chúng tôi đến bản Sì Thầu Chải vào một ngày trời nắng đẹp.
Ngay trước cổng bản Sìn Thâu Chải, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông đang cặm cụi làm việc bên bức tường đất. Hỏi ra mới biết, bức tường đất này được dựng lên làm nơi gắn bản đồ, hình ảnh, tạo ấn tượng đầu tiên cho du khách khi đặt chân đến bản.
Bản người Dao Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bắt đầu làm du lịch từ năm 2017. (Ảnh: Thanh Ngân)
Cổng bản được dựng lên bởi 2 cột đá theo dáng vẻ của cây cối , mái lợp lá cọ, nhìn khá bắt mắt. Tấm biển với dòng chữ: “ Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải” được treo ngay ngắn dưới mái cổng.
Các tuyến đường trong bản đều là đường đá. Dọc 2 bên đường nội bản là hàng rào đá cổ kính, được xếp ngay ngắn, mang lại cảm giác gần gũi, thân quen.
Sì Thâu Chải như hòa quyện với thiên nhiên, yên bình, tĩnh lặng và nên thơ. Đó là những cánh rừng tươi tốt bao quanh bản, những ngôi nhà gỗ xen lẫn với những ngôi nhà trình tường độc đáo, mang lại nét riêng cho bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải.
Bản Sì Thâu Chải có 62 hộ, với 300 nhân khẩu dân tộc Dao sinh sống. Đời sống người dân trong bản trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng chủ lực là: Lúa, ngô, sắn.
Sì Thâu Chải được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Trước định hướng của huyện Tam Đường và xã Hồ Thầu, năm 2015, Sì Thâu Chải bắt tay vào xây dựng bản văn hóa du lịch.
Video đang HOT
Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, anh Lù A Nghi, trưởng bản Sì Thâu Chải. (Ảnh: Thanh Ngân)
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Lù A Nghi – Trưởng bản Sì Thâu Chải cho biết: “Bắt tay vào xây dựng bản văn hóa du lịch, Ban Quản lý bản xác định cần phải làm từng bước một. Bước đầu, bản vận động bà con di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư. Vấn đề này gặp phải sự phản đối kịch liệt của một số hộ dân. Ban Quản lý bản phải đến từng nhà để vận động, thuyết phục.
Chúng tôi giải thích rằng, nuôi gia súc, gia cầm gần nơi ở sẽ gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và bà con lối xóm. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng vấn đề này cũng được giải quyết sau 2 năm thực hiện. Các hộ chăn nuôi đều làm lán trại trên nương để nuôi nhốt gia súc, gia cầm”.
Theo anh Nghi, khi ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân được hình thành, cũng là lúc bản Sì Thâu Chải chính thức bắt tay vào làm du lịch. Ban quản lý bản Sì Thâu Chải tiếp tục vận động bà con chỉnh trang nhà cửa, làm hàng rào đá, trồng cây xanh, tạo cảnh quan cho bản.
Nhà trình tường của người Dao ở bản Sì Thâu Chải. (Ảnh: Thanh Ngân)
Thời điểm này, các tuyến đường trong bản cũng đã được Nhà nước đầu tư lát đá. Có sự đầu tư của Nhà nước và sự đồng thuận, nhất trí của người dân, không gian sinh hoạt chung của bản dần hình thành, với các hạng mục như: Nhà, bãi để xe, chòi ngắm cảnh, bàn ghế đá, 12 con giáp bằng đá…
Bản Sì Thâu Chải cũng nhờ đó mà ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.
Người Dao ở nhà trình tường
Một trong những điểm nhấn, hấp dẫn du khách ở bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, đó là nhà trình tường. Đến đây, du khách có thể thoải mãi ngắm nhìn và tìm hiểu cách làm nhà trình tường của người Dao.
Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Sì Thâu Chải nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Nhà trình tường của người Dao có từ xa xưa, các bức tường được dựng lên với vật liệu chính là đất.
“Người Dao đầu bằng ở Sìn Thâu Chải làm nhà trình tường với 3 bức tường đất, phía trước nhà là thưng gỗ. Để làm một căn nhà trình tường rộng, đẹp phải mất cả tháng trời. Các bức tường của nhà trình tường khá dày, dao động từ 40 – 45cm, được làm khá công phu và tỉ mỉ. Nhà trình tường có ưu điểm là mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông” – anh Nghi chia sẻ.
Đường đi, lối lại ở bản Sì Thâu Chải luôn sạch sẽ bởi có sự tham gia dọn dẹp thường xuyên của người dân trong bản. (Ảnh: Thanh Ngân)
Đến với Sì Thâu Chải, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, không gian yên tĩnh, mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, như: Nhà trình tường, lễ hội Tủ cải, lễ hội Nhảy lửa.
Chưa hết, đến Sì Thầu Chải, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Dao như: Gà đồi, thịt lợn treo…Không chỉ có cảnh sắc đẹp, không gian yên tĩnh, bản người Dao Sì Thâu Chải cũng rất mến khách.
Đến đây, du khách có cảm giác như được về nhà bởi sự đón tiếp ân cần, niềm nở của bà con dân tộc Dao trong bản.
Tuy mới bắt tay vào làm du lịch, nhưng bản Sì Thâu Chải ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Hà Giang: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là người dân tộc Dao hiến 3.500 m2 đất để làm điều bất ngờ này
Hiến 3.500 m2 đất để xây trường học, mở đường, cùng với việc được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn 16 năm - ông Đặng Văn Đạt, dân tộc Dao, thôn Nà Nghè, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang) là một tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Hiến 3.500m2 đất để xây trường học, mở đường nông thôn mới
Thôn Nà Nghè với đa phần là đồng bào dân tộc Dao, đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Bao đời nay họ vẫn tựa núi, bám rừng để sinh sống.
Ông Đạt bảo với phóng viên Báo Dân Việt rằng: "Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của bà con ở Nà Nghè bước đầu đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên".
Là người uy tín trong thôn, 16 năm nay ông Đạt luôn được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Chủ tịch UBND xã Yên Cường Nguyễn Hữu Cường chia sẻ: "Ông Đạt là người hiểu dân, việc gì có lợi cho dân thì ông quyết làm bằng được. Không chỉ là người đi đầu trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới, gia đình ông còn là hộ làm kinh tế giỏi của thôn".
Ông Đặng Văn Đạt (thứ 2 bên phải) thôn Nà Nghè, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang) là một tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021. Ảnh: Văn Quân
Trò chuyện với tôi, ông Đạt nhớ lại, năm 2019 gia đình ông đã hiến hơn 3.000m2 đất để xây dựng điểm trường của thôn. Hiện nay, điểm trường đã được xây dựng mới, khang trang. Cũng năm đó, ông hiến trên 500m2 đất để mở tuyến đường liên thôn.
Ông Đạt chia sẻ: "Hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn là làm cho đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; do đó, muốn thôn ngày một phát triển thì mình cũng như mọi người nên hưởng ứng; làm đường để mình đi hằng ngày, trường, lớp học còn phục vụ lâu dài cho con cháu tiếp tục được hưởng lợi; lợi cho gia đình, lợi cho cộng đồng thôn xóm".
Xuất phát từ ý nghĩ đó, ông đã chủ động gặp, nói chuyện với gia đình ông Đặng Văn Kẻng cùng thôn, đổi đất để mở tuyến đường từ xã Đường Hồng sang thôn Nà Nghè, xã Yên Cường.
Ông Đạt cho biết, ở Nà Nghè, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Dao. Cuộc sống của người dân còn nghèo nên việc vận động hiến đất, góp công, góp của làm đường lúc đầu là rất khó khăn. Chính bởi vậy, bản thân ông là Trưởng thôn phải là người đi đầu, làm cho dân thấy được cái lợi lâu dài từ việc hiến đất để xây trường học, mở đường.
Với "thâm niên" 16 năm làm Trưởng thôn, ông Đạt luôn được người dân trong thôn yêu mến và tín nhiệm.
Sinh ra và lớn lên ở Nà Nghè, ông am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của dân tộc Dao cũng như cuộc sống, tính cách của từng gia đình, từng người dân trong thôn. Chính vì vậy, ông luôn là người đứng ra giải quyết, hòa giải các vấn đề phát sinh trong thôn một cách hiệu quả; vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Từ khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai về xã, về thôn, ông Đạt đã có những nhận thức tích cực về tầm quan trọng của việc xây dựng NTM.
Ông chia sẻ: "Trước đây, đời sống bà con trong xã, trong thôn còn nghèo khổ lắm. Đường đi trong xã, trong thôn chủ yếu là đường đất, đá; đi lại rất khó khăn. Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, bà con được Nhà nước hỗ trợ xi măng, một phần kinh phí để làm đường bê tông nông thôn, đáp ứng mong muốn của bà con bao lâu nay, nên tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn hiểu rõ từ đó nhiệt tình ủng hộ, đóng góp công sức, hiến đất để làm đường giao thông".
Thu nhập hơn 200 triệu đồng từ nuôi trâu, thả cá
Bên cạnh việc tận tình, hết mình vì công việc và các phong trào của thôn, ông Đạt còn là tấm gương sáng trong sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi vỗ béo đàn trâu trên 10 con. Ngoài ra, ông đào ao thả cá và trong chuồng luôn duy trì đàn lợn từ 30 con trở lên.
Với mong muốn giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, gia đình ông Đạt đã phát triển mô hình kinh tể trang trại VAC: vườn - ao - chuồng. Ban đầu, do ít vốn, thiếu kinh nghiệm, ông chỉ nuôi gần 3-5 con trâu.
Vừa làm, ông vừa tìm hiểu thêm thông tin từ cán bộ nông nghiệp, thú y xã, qua sách báo, ti vi và các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tại địa phương để có thêm kiến thức về cách chăm sóc, phòng, trị bệnh cho đàn trâu.
Với mô hình phát triển kinh tế, mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Đạt có thu nhập 200 triệu đồng.
Với vai trò Trưởng thôn, ông Đạt thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình, phản ánh ý kiến, kiến nghị của người dân đến chính quyền địa phương; đồng thời động viên người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phương thức làm ăn, cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... cho bà con trong thôn.
Lai Châu: Độc đáo hàng rào đá ở bản người Giáy San Thàng Với đôi bàn tay khéo léo, người dân bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã dựng lên những hàng rào đá mộc mạc, đơn sơ mà độc đáo, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa. Bản San Thàng nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 3 km. Bất kỳ ai...