Bản nghèo tự nguyện hiến đất xây trường
Bản Chằng là bản người dân tộc Dao, cách trung tâm xã Yên Cư, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) hơn 10km, đa số là người nghèo, điều kiện sống rất khó khăn.
Điểm trường Bản Chằng, xã Yên Cư được xây dựng khang trang. Ảnh: T.N.
Có rất nhiều lý do đã khiến Bản Chằng nghèo khó, như đường đến bản xa xôi, hẻo lánh và là đường mòn; nhiều người không biết chữ và không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Việt); đất rừng thì nhiều, nhưng đất để canh tác, sản xuất rất hạn chế, hoặc một mảnh đất bằng phẳng đủ rộng để có thể làm được nhà ở cũng ít.
Đất đai với người Bản Chằng quý hiếm là vậy, thế nhưng có những người lại tự nguyện đứng ra hiến đất để làm điểm trường học, hiến đất làm đường tới lớp để cho trẻ con trong bản có nơi học tập. Chính vì vậy mà hiện nay, Bản Chằng mới có trường lớp học sạch sẽ, khang trang và đủ tiêu chuẩn cho việc dạy và học.
Theo lời kể của dân bản, trước đây con em Bản Chằng đi học rất xa, đi bộ đường núi đèo hàng nửa buổi mới tới trường, vì vậy nhiều người không đi học và không biết chữ. Đến năm 2007, gia đình anh Lý Văn Liều đã hiến hơn 500m2 đất để xây dựng điểm trường Bản Chằng, các lớp học được làm tạm bằng tre, nứa, gỗ do người dân đóng góp.
Năm 2019, điểm trường Bản Chằng được Nhà nước và các tổ chức đầu tư xây dựng trường lớp mới, nhu cầu mở rộng hơn về diện tích. Một lần nữa, gia đình anh Liều lại tự nguyện hiến thêm hơn 100m2 đất nữa. Bởi thế giờ đây các em có được ngôi trường khang trang.
Nói chuyện với phóng viên bằng giọng nói lơ lớ chưa sõi tiếng phổ thông, thi thoảng pha vài từ tiếng Dao, anh Lý Văn Liều bộc bạch: Chỉ vì thấy các cháu đi học trường chính thì xa và vất vả quá, cho nên Nhà nước bảo làm trường thì mình cũng đỡ một phần cho các cháu. Khi bàn bạc với gia đình thì tất cả mọi người trong đều đồng ý là hiến được cái gì cho Nhà nước thì mình cứ hiến. Tiền không có thì mình hiến đất.
Anh Lý Văn Liều, người 2 lần hiến đất để xây điểm trường Bản Chằng. Ảnh: T.N.
Tuy nhiên việc đến lớp học ở điểm trường Bản Chằng thì cần có thời tiết thuận lợi để các cháu đi lại được. Bởi con đường mòn đến lớp phải đi qua con suối, nên những hôm trời mưa, nước suối dâng cao thì không đi qua được.
Được Trưởng bản vận động hiến đất làm cầu cho học sinh đi học, bà Lý Thị Nhị, là hộ nghèo ở bản, chồng mất sớm nên một mình tần tảo nuôi con, nhưng đã tự nguyện hiến ngay phần đất của gia đình để làm đường nối từ cầu vào đến cổng điểm trường Bản Chằng.
Video đang HOT
Bà Nhị chỉ nói được tiếng Dao và phải nhờ cán bộ thôn ở Bản Chằng phiên dịch, chúng tôi mới hiểu được những câu nói chân thật của người đồng bào vùng cao. Bà Nhị nói: Tất cả vì các em học sinh thì phải hy sinh, cứ cho không phải tiếc, chỉ mong các cháu học giỏi.
Bà Lý Thị Nhị, người phụ nữ góa chồng, rất nghèo, nhưng vẫn tự nguyện hiến đất làm cầu, đường. Ảnh: T.N.
Bản Chằng có 74 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất. Nhưng không vì thế mà công tác vận động người dân hiến đất làm đường, làm trường học gặp khó khăn.
Không chỉ có 2 hộ dân như gia đình anh Liều và bà Nhị, tất cả mọi người trong bản đều đồng lòng, sẵn sàng hiến đất và góp sức mình trong việc xây dựng NTM nói chung, để cuộc sống bớt khó khăn, vất vả và tốt đẹp hơn. Đó là những chia sẻ của trưởng Bản Chằng Hoàng Hữu Chu.
Các thầy, cô giáo cắm bản dạy học ở điểm trường Bản Chằng luôn cảm thấy ấm lòng, an tâm công tác, được người dân trong bản hết lòng giúp đỡ, sống dựa vào tình thương của bà con dân tộc Dao nơi đây. Ăn ở cùng dân bản, được bà con yêu thương, tôn trọng và bảo vệ, là những điều tốt đẹp vẫn được duy trì từ ngày có điểm trường ở bản vùng cao này.
Con đường tới lớp của con em Bản Chằng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: T.N.
Đến Bản Chằng hiện tại vẫn chỉ là con đường mòn xa xôi, ngày trời nắng có thể đi được xe máy khoảng gần 1 giờ đồng hồ, còn nếu trời mưa thì đi bộ mất hơn nửa buổi.
Nhưng với những người dân nghèo luôn sẵn sàng hy sinh tài sản của gia đình, hiến đất và góp công sức để làm trường học, làm đường, … thì họ luôn thấy một điều chắc chắn rằng, con đường tương lai của con em họ đang ngày càng gần hơn.
Theo nongnghiep.vn
Trưởng thôn 2 lần hiến đất xây trường
Bên cạnh kinh phí gần 400 triệu đồng được huy động từ các tổ chức xã hội, ông Hầu Mí Vương, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Mã Hoàng Phìn đã hiến toàn bộ đất xây trường với tổng diện tích 657m2, giúp trẻ trong độ tuổi mầm non được chăm nuôi, học tập trong điểm trường mới tiện nghi.
Từ đây cho thấy, khi giáo dục được sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, chắc chắn mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ.
Điểm trường Mã Hoàng Phìn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng.
Thách thức trên đỉnh Mã Hoàng Phìn
Mã Hoàng Phìn là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Minh Tân huyện Vị Xuyên - Hà Giang. Đường vào Minh Tân mấp mô sỏi đá, chỗ thì ổ gà, ổ trâu bùn đất lầy lội. Nếu không phải xe bán tải, gầm cao chắc chắn không thể đi hết con đường tới thôn Mã Hoàng Phìn.
Thiếu tá Ngụy Tôn Tùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (đơn vị trực tiếp phụ trách xã Minh Tân) dặn chúng tôi: Các chị làm việc phải khẩn trương và đúng giờ nếu không xác định ở lại thôn qua đêm bởi trời tối nhanh, đường khó đi, sương mù dày đặc. Có khi 10 giờ sáng mà tầm nhìn không quá 1m. Còn nếu gặp trời mưa sẽ ở lại thôn đến lúc tạnh mới trở lại được trung tâm xã bởi đường trơn trượt.
Hơn 2 giờ đồng hồ ngồi trên ô tô, người khi đổ dồn sang trái lúc lại nghiêng hết về phải, thậm chí cảm giác người như bị hất văng ra ngoài cửa ô tô... chúng tôi mới đến được Mã Hoàng Phìn. Ai cũng trong tình trạng say xe, nôn nao, mệt mỏi. Ấy vậy mà con đường này vô cùng quen thuộc với biết bao thế hệ GV đã từng lên với Mã Hoàng Phìn. Có lẽ đi mãi thành quen, không có đường mới đáng ngại chứ đường xấu vẫn còn may chán - nhiều thầy cô tâm niệm vậy.
Bí thư kiêm trưởng thôn Hầu Mí Vương cho chúng tôi biết: Toàn thôn có 38 hộ/172 khẩu. Bà con quanh năm làm ruộng nương, chăn nuôi lợn gà, dê nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 6,5 triệu đồng/năm. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, tình trạng sinh 3 con và kết hôn sớm vẫn diễn ra. Một số ít người dân còn mù chữ.
Cô giáo Lê Thúy Loan, người gắn bó với điểm trường MN Mã Hoàng Phìn nhiều năm nay chia sẻ: Cách đây 1 năm, HS bậc MN tại thôn Mã Hoàng Phìn phải học nhờ tại phòng 10m2 trụ sở thôn. Gọi là lớp học nhưng thực chất tường được quây bằng những tấm gỗ ván. GV tự tay vẽ tranh trang trí xung quanh lớp.
Bàn ghế HS khá thô mộc, đồ dùng giảng dạy thiếu thốn. Đặc biệt, do trụ sở thôn được dựng bằng gỗ nên tường không kín, những khe hở giữa 2 tấm ván hút gió vào mùa đông lạnh buốt. Lớp học tù mù tối bởi cửa sổ gần như không thể mở vào mùa lạnh.
Ban ngày trụ sở thôn 10m2 là nơi để chăm sóc, dạy học cho 22 HS đủ lứa tuổi. Buổi tối các cô tá túc qua ngày. Điểm trường không điện, không nước, không sóng điện thoại. Mọi hoạt động, sinh hoạt của GV, HS vô cùng vất vả.
Đầu tư cho tương lai
Điểm trường MN Mã Hoàng Phìn thuộc địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy quản lý. Quá trình nắm bắt địa bàn, thăm lớp của cán bộ chiến sĩ trạm biên phòng Minh Tân (thuộc đồn Thanh Thủy) đều thấy ái ngại với điều kiện học tập, giảng dạy của GV và HS. Vì vậy, các anh đã đề xuất với lãnh đạo đồn để tiến hành kết nối với các đơn vị, cá nhân... có tấm lòng từ thiện giúp xây lại điểm trường.
May mắn khi một đoàn từ thiện nhận lời giúp đỡ, ủng hộ kinh phí xây mới điểm trường MN Mã Hoàng Phìn. Tuy nhiên, đặt điểm trường ở đâu trong điều kiện địa hình đồi núi hiếm diện tích bằng phẳng là vấn đề vô cùng khó khăn với người làm công tác tổ chức.
Sau nhiều khảo sát địa bàn, đoàn từ thiện và chiến sĩ biên phòng "nhắm" được khoảnh đất đủ rộng trên đường vào thôn Mã Hoàng Phìn song lại thuộc quyền sở hữu của gia đình trưởng thôn Hầu Mí Vương.
Không để cơ hội trôi đi, có tiền mà không xây được điểm trường..., đoàn từ thiện và chiến sĩ biên phòng mạnh dạn đề cập việc xin đất của gia đình trưởng thôn để xây dựng điểm trường. Không mất quá nhiều thời gian tuyên truyền vận động, trưởng thôn Hầu Mí Vương quyết định cắt đất xây dựng điểm trường.
Lý do mà trưởng thôn Hầu Mí Vương đưa ra quyết định nhanh chóng khá đơn giản: "Thế hệ chúng tôi vất vả, gian khổ quá rồi, chẳng được học hành đầy đủ và trong điều kiện tử tế. Chính vì thế, việc học hành không phát triển. Sự hiểu biết cũng hạn hẹp. Không có kiến thức nên khó khăn từ việc chăn nuôi trồng trọt đến nuôi dạy con cái. Người dân quanh năm chỉ biết bám ruộng nương. Đặc biệt, kinh tế, văn hóa xã hội của thôn Mã Hoàng Phìn không phát triển...".
Với suy nghĩ ấy, 657m2 đất của gia đình đã được trưởng thôn Hầu Mí Vương hiến tặng cho theo 2 đợt. Đợt 1, sau 6 tháng khởi công, công trình 623m2 đã hoàn thành cơ bản và đưa vào sử dụng với đầy đủ tiện nghi gồm 1 phòng học 40m2, 2 phòng lưu trú cho giáo viên 30m2, 1 phòng ăn 20m2, sân chơi 280 m2 và khu vệ sinh. Tuy nhiên, để có thể mở rộng thêm khuôn viên và xây bờ kè điểm trường, một lần nữa gia đình ông Hầu Mí Vương lại tự nguyện tặng thêm 34m2 cho công trình.
Theo cô giáo Lê Thúy Loan, từ khi có điểm trường mới, người dân đưa trẻ đến lớp đều đặn hơn. Cơ sở vật chất khang trang đầy đủ giúp GV có thêm điều kiện chăm sóc, dạy bảo học sinh. Hiệu quả giáo dục chắc chắn tăng lên so với năm học trước khi còn học ở điểm trường cũ. Năm học tới, công tác vận động trẻ tới lớp đông đủ, đúng độ tuổi chắc chắn sẽ thuận lợi hơn...
Mặt khác, cũng theo cô Loan, công trình không chỉ đầy đủ chỗ học và vui chơi cho HS, mà còn có phòng lưu trú GV. Như vậy, GV sẽ yên tâm công tác, cống hiến hơn với nghề.
Tôi không nghĩ đến thiệt hơn trong việc hiến đất xây trường. Chỉ mong các cháu có chỗ học khang trang, thế hệ mầm non thôn Mã Hoàng Phìn không khổ như chúng tôi ngày xưa. Và đặc biệt, các cô giáo lên Mã Hoàng Phìn công tác yên tâm gắn bó... Được như vậy, sự đóng góp của tôi là cần thiết và xứng đáng. - ông Hầu Mí Vương
Đức Trí
Theo giaoducthoidai
Những thước đất sâu nặng nghĩa tình Giữa lúc giá đất thị trường tăng cao, không ít trường hợp khởi kiện ra tòa chỉ vì tranh nhau tấc đất đánh mất tình làng nghĩa xóm, anh em... thì hai gia đình nông dân ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên) tình nguyện hiến tặng gần 25.000m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng...