Băn khoăn về cáp treo trên đỉnh Bạch Mã
Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường
Ngày 13.10, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã ở huyện Phú Lộc. Diện tích đề xuất quy hoạch 400 ha, trong đó có 300 ha nằm ở đỉnh Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đã có ý kiến băn khoăn về đề án thiết kế của đơn vị tư vấn quy hoạch.
Kết nối bằng 2 tuyến cáp treo
Theo ý tưởng quy hoạch của đơn vị tư vấn – Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG – Mỹ), phân khu du lịch sinh thái Bạch Mã chia làm 2 khu. Khu A gần 100 ha ở khu vực Khe Su, dưới chân núi Bạch Mã, là trạm đón khách du lịch, nhà ga cáp treo, dịch vụ trong nhà, công trình phụ trợ… Khu B 300 ha trên đỉnh Bạch Mã được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái: làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng tâm linh, khu du lịch sinh thái thung lũng thác nước với điểm nhấn là thác Đỗ Quyên và phân khu cảnh quan tự nhiên. Tại đây sẽ xây dựng hàng loạt villa, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng… với chiều cao từ 2 tầng trở xuống.
Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án sẽ xây dựng 2 tuyến cáp treo, trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B dài hơn 4 km với 83 cabin; tuyến số 2 là từ đây xuống khu vực Ngũ Hồ với chiều dài 1,6 km.
Đại diện Tập đoàn POMA (Pháp) – đơn vị tư vấn cáp treo, khẳng định khu du lịch sử dụng phương tiện này có lợi thế hấp dẫn du khách khi được ngắm cảnh trên cao, an toàn, không tác động đến môi trường về tiếng ồn, ô nhiễm khí thải. “Diện tích mỗi cột của tuyến cáp treo chỉ từ 20-30 m2 nên hạn chế diện tích đất. Mặt khác, trong quá trình thi công, chúng tôi tránh làm tổn hại đến thảm thực vật. Khi đưa vào sử dụng sẽ có các biển cảnh báo để các loại động vật tránh né” – đại diện POMA khẳng định.
Cáp treo có phù hợp?
Video đang HOT
Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng Bạch Mã vừa là rừng nhưng gần biển, giao thông thuận lợi, đề án phải nghiên cứu kỹ vì sao người Pháp cách đây gần 100 năm đã xây dựng 139 biệt thự ở đỉnh Bạch Mã. Bên cạnh đó cần tính toán sự kết nối giữa Bạch Mã với Lăng Cô, Hội An, Phong Nha – Kẻ Bàng và TP.Huế. Đồng thời, xác định rõ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế địa phương.
Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng dự án cần phải đưa ra tiêu chí sử dụng đất với tỉ lệ thấp nhất. “Nên giảm quy mô dịch vụ lưu trú, thương mại trên đỉnh núi, thay vào đó tập trung ở trạm cơ sở, vùng đệm để phân tán các hoạt động. Cần trao đổi thêm về tuyến cáp treo số 2, theo tôi không nên làm cáp treo mà sẽ thay bằng các loại hình khác” – bà Ngân nhấn mạnh.
TS Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQG Bạch Mã, nói rằng khu vực đỉnh Bạch Mã có lượng mưa hằng năm rất lớn, độ ẩm cao, nhiều sấm sét. Bên cạnh đó, công trình Hải Vọng Đài là nơi ngắm cảnh có thể tu bổ để phục vụ du khách nên cần xem lại việc có nên xây dựng nhà tổ chim ở khu vực đỉnh núi? Đối với cầu Pha Lê ở thác Đỗ Quyên cũng cần tính toán kỹ vì xây dựng sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tầm nhìn.
Về tuyến cáp treo số 2, theo ông Linh thì khu vực này thường có 3 đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nên cân nhắc thận trọng. “Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường. Du khách đến đây có thể ngắm được đàn voọc hay các loài chim muông khác. Bạch Mã nổi tiếng vườn chim, nếu làm không cẩn thận thì sẽ mất. Đối với khu vực tâm linh cũng nên thận trọng, tránh như các khu du lịch khác, nên phát triển vườn thiền thì hay hơn” – ông Linh nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận xét rằng ý tưởng quy hoạch khá hiện đại nhưng có phần xem nhẹ khu A, chỉ tập trung ở khu B trong khi ở đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Nếu phát triển ở khu A sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt vì ngoài phạm vi VQG Bạch Mã. Đối với khu B trên đỉnh Bạch Mã, theo ông Hoa, với ý tưởng thiết kế như vậy sẽ tạo ra sức chứa quá tải cho VQG cũng như môi trường.
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Bộ Xây dựng đề nghị Thừa Thiên Huế làm rõ quy mô cáp treo ở Bạch Mã
Tỉnh Thừa Thiên Huế được đề nghị nên lấy ý kiến các bên liên quan về dự án cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã .
Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý lần hai đối với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh, nghỉ dưỡng Bạch Mã tại vườn Quốc gia Bạch Mã của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về đề xuất xây dựng hệ thống cáp treo gồm ba tuyến ở khu du lịch này, Bộ yêu cầu địa phương làm rõ hướng tuyến, quy mô và giải pháp xây dựng; bổ sung đánh giá tác động môi trường.
Theo Bộ Xây dựng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần lấy ý kiến các bộ ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch..), chỉ đạo các các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, hội nghề nghiệp và cộng đồng về tác động của việc hình thành hệ thống cáp treo đối với cảnh quan, môi trường, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học... nhằm tạo sự đồng thuận trước khi xem xét quyết định.
Vườn Quốc gia Bạch Mã nhìn từ trên Vọng Hải Đài. Ảnh: Võ Thạnh.
Bộ xây dựng cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế làm rõ ranh giới lập quy hoạch và ranh giới của phân khu hành chính - dịch vụ Vườn quốc gia Bạch Mã.
Ngoài ra, theo Bộ này, việc xác định quy mô dự báo 500.000 khách mỗi năm theo đồ án quy hoạch là chưa có cơ sở; định hướng kiến trúc chưa rõ và kiến trúc không phù hợp sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ hướng tuyến, quy mô và giải pháp xây dựng cáp treo. Ảnh: Võ Thạnh.
Trước đó, ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này đã trình lên Bộ Xây dựng đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, trong đó có hạng mục cáp treo.
"Sau khi xem xét đồ án vào tháng 4/2017, Bộ Nông nghiệp và Bộ Xây dựng đã ban hành công văn góp ý. Đến tháng 6, Thừa Thiên Huế có văn bản điều chỉnh nội dung của đồ án và đang chờ đợi phản hồi của Bộ Xây dựng", ông Trung nói.
Theo đồ án nêu trên, điểm đầu của cáp treo là khu vực Cầu Hai và điểm kết thúc là tại biệt thự thuộc khách sạn Morin. Dự kiến hệ thống cáp treo sẽ có 3 điểm dừng, trong đó có điểm dừng tại thác Đỗ Quyên.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tuyến cáp treo không can thiệp vào diện tích rừng tự nhiên. "Nói chung là khu du lịch sẽ mang đẳng cấp quốc tế, tôn trọng thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển của Bạch Mã", ông Trung nhấn mạnh.
Đồ án được khởi động từ năm 2014, với việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý chủ trương xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng rộng 300 ha tại vườn Quốc gia Bạch Mã, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng của nhà đầu tư là một công ty cổ phần.
Đến năm 2016, nhà đầu tư trình bày với tỉnh Thừa Thiên Huế là Khu du lịch sẽ được chia làm 6 phân khu chính, gồm Làng trung tâm, Làng di sản, Làng đỉnh Núi, Làng dịch vụ, Khu tâm linh và thung lũng thác nước. Để kết nối các phân khu, dự án sẽ xây dựng hệ thống cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Võ Thạnh
Theo VNE
Cầu cao tốc Italy hư hỏng nặng trước khi bị sập Cây cầu 50 tuổi gặp vấn đề ăn mòn nghiêm trọng, xuất hiện các đoạn dây cáp treo lủng lẳng nhưng không được xử lý và bảo trì thường xuyên. Đoạn đường cao tốc hơn 200 m xuống cấp trông thấy trước khi vụ tai nạn sập cầu xảy ra hôm 14/8. Ảnh: Twitter. Vụ tai nạn sập cầu cao tốc Ponte Morandi...