Băn khoăn về cách chọn bộ trưởng trả lời chất vấn
Theo quan điểm của ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tốt nhất là căn cứ vào thực tế đời sống xã hội hiện đang “ nóng” vấn đề gì thì chọn trưởng ngành, bộ trưởng lĩnh vực ấy trả lời chất vấn
Tại phiên chất vấn của kỳ họp này có nhiều vị “tư lệnh” lĩnh vực không “nóng bỏng”, còn những vấn đề bức xúc như y tế, oan sai do tố tụng, trách nhiệm trong mặt trái của thủy điện… lại không phải đăng đàn. Ông thấy thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Cương
Tôi cho rằng cách chọn bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng như nhiều kỳ họp trước là chưa hợp lý. Bởi có nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có ý tưởng, nguyện vọng muốn chất vấn những vấn đề được xã hội, người dân quan tâm nhưng họ không ghi vào phiếu đăng ký gửi Đoàn Thư ký kỳ họp mà chờ hôm đó mới bấm nút hỏi. Vì thế, không nên chỉ căn cứ vào việc ĐB gửi phiếu đăng ký để quyết người ra trả lời chất vấn.
Vậy theo ông, việc chọn bộ trưởng, trưởng ngành ra trả lời chất vấn thì cần căn cứ vào yếu tố nào?
- Tốt nhất là căn cứ vào tình hình thực tế của đời sống xã hội hiện nay đang bức xúc, “nóng” vấn đề gì thì từ đó chọn các vị trưởng ngành, bộ trưởng ra giải trình và trả lời chất vấn. Sau đó, các ĐB căn cứ vào danh sách này để chọn ra người trả lời chất vấn.
Tôi chia sẻ với những vị “tư lệnh” chỉ huy những vấn đề “nóng” sẽ phải đăng đàn nhiều nhưng đó là việc cần thiết, còn nếu theo cách luân phiên cho ai cũng phải đăng đàn là không nên. Cụ thể, lần này chỉ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là trả lời chất vấn lại, còn 3 vị nữa thì là lần đầu. Nói thực, không phải lĩnh vực đó đã làm tốt nhưng các vấn đề do những vị bộ trưởng này phụ trách không nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội, không quá bức xúc; sự tác động đối với số đông, đại bộ phận dân chúng không quá lớn. Thậm chí nhiều vấn đề của các bộ “nhẹ” này không nhất thiết phải chất vấn tại hội trường mà có thể bằng hình thức khác như văn bản hay tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH.
Video đang HOT
Việc chất vấn tại hội trường sẽ như một sức ép?
- Về pháp lý, chất vấn ở hội trường hay bằng văn bản là như nhau nhưng đúng là chất vấn tại hội trường sẽ được nhiều người dân, ĐB theo dõi, đồng thời giám sát việc thực hiện.
Cá nhân ông muốn chất vấn bộ trưởng nào?
- Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Công Thương. Rất thông cảm với Bộ trưởng Bộ Y tế khi tôi muốn được trả lời chất vấn nhưng phải nói thẳng lĩnh vực này hiện quá “nóng”. Dù đã phân cấp quản lý nhưng hàng loạt những vụ việc về y đức, thiếu trách nhiệm, tiêu cực của cán bộ ngành y vừa qua là có trách nhiệm của người đứng đầu. Còn với Bộ trưởng Bộ Công Thương, tôi muốn hỏi về nạn buôn lậu đang từng ngày phá hỏng sản xuất trong nước. Ví dụ điển hình là thuốc lá lậu chiếm tới 85% lượng thuốc lá tiêu thụ trên cả nước. Đấy là chưa kể các mặt hàng khác.
Việc để thủy điện “nở rộ” rồi loại bỏ trên 400 dự án cho thấy sự buông lỏng và lãng phí quá lớn mà tại phiên thảo luận về quy hoạch thủy điện vừa qua, xem ra người đứng đầu ngành chưa nhận rõ trách nhiệm của ngành mình?
- Ngay tại diễn đàn QH, nhiều ĐB đã phản ứng trước câu trả lời rất “phản cảm” của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi nói rằng “đây là việc Chính phủ quyết”. Vậy ai tham mưu cho Chính phủ. Chính là Bộ Công Thương! Vì thế, không thể chối bỏ trách nhiệm.
4 vị bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Chánh án TAND Tối cao.
Theo Bảo Trân
Mang danh thủy điện để... phá rừng lấy gỗ
"Nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ nhằm mục đích lấn sang diện tích rừng để khai thác gỗ. Hậu quả tài nguyên bị tàn phá nặng nề, gây lũ lụt trong mùa mưa bão ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nhân dân vùng hạ du", đại biểu Huỳnh Minh Thiện nói.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về quy hoạch thủy điện, nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng thủy điện nhỏ là chạy theo cái lợi trước mắt, dẫn đến những thiệt hại lâu dài về kinh tế, thậm chí tính mạng nhân dân. Chính vì vậy đại biểu đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ.
Chặt cây sống, trồng cây chết
Trước hệ lụy xấu do thủy điện nhỏ gây ra, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, cần loại bỏ ngay khỏi quy hoạch 6 thủy điện bậc thang và hơn 400 thủy điện nhỏ. Ngoài ra, phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng "chặt cây sống, trồng cây chết" dẫn đến hậu quả rừng ngày càng mất đi. Theo đại biểu Vở, thủy điện có thể thay thế bằng điện mặt trời, điện hạt nhân... nhưng những cánh rừng đặc dụng thì không thể thay thế.
Sau khi thủy điên Ia Krêl 2 bị vỡ cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi 13 dự án thủy điện (ảnh Thiên Thư)
Đồng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng, việc quy hoạch và khai thác thủy điện còn nhiều bất cập gây bức xúc lớn cho nhân dân vùng hạ du. Mặt khác nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ đã lách luật lấy sang diện tích rừng lân cận để khai thác gỗ. Hậu quả tài nguyên bị tàn phá nặng nề ảnh hưởng đến môi trường, về mùa mưa bão gây lũ lụt gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.
Đại biểu Lê Kiều Vân phản ánh tình trạng sau khi dự án thủy điện được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch. "Tôi và nhiều đại biểu lo lắng tình trạng cứ vào mùa mưa bão thủy điện lại xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân. Vấn đề này phải làm rõ cho người dân yên tâm", đại biểu Vân nói.
Theo đại biểu Vân, việc loại bỏ các dự án vừa và nhỏ vì hiệu quả thấp và lỗi rõ ràng là do quy hoạch. Do vậy, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan vấn đề này.
"Một thập kỷ nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện dẫn đến chất lượng không đảm bảo ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng hạ du. Với những hậu quả của thủy điện về vật chất, con người, tôi đề nghị không giao cho địa phương quy hoạch thủy điện và loại bỏ vĩnh viễn thủy điện nhỏ", đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cương quyết.
Hơn 400 thủy điện bị loại bỏ - thiệt hại không đáng kể
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch có đến 65% dự án do địa phương phê duyệt, còn trung ương chỉ có 35%.
Trước các câu hỏi tại sao sau khi Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ và Bộ Công thương mới rà soát và chỉ trong thời gian ngắn có thể đưa ra hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch? Bộ trưởng Hoàng đáp lời, Bộ luôn phải rà soát chứ không phải Quốc hội ra Nghị quyết mới làm. Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội là điều kiện tốt để phối hợp với địa phương đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn công tác rà soát.
Cụ thể từ năm 2005 - 2009, Bộ Công nghiệp trước đây đã phối hợp với các địa phương loại 10 dự án khỏi quy hoạch. Từ cuối 2009 đầu 2010, tiếp tục loại 37 dự án và đến năm 2013 đã rà soát, loại bỏ thêm 150 dự án.
Trong hàng trăm dự án thủy điện bị loại bỏ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định có dự án có tính khả thi về kinh tế, nhưng vì môi trường không đảm bảo nên cũng được coi là dự án không khả thi. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính nên mới dẫn đến tình trạng đình trệ. Theo ông Hoàng, ngay cả thủy điện đang vận hành hiện nay cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến dự án chưa triển khai.
Về tổn thất với các dự án bị loại, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp không đáng kể gì vì mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay về sau toàn bộ các dự án thủy điện lớn, nhỏ trước khi khởi công đều phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Quang Phong
Theo Dantri
Thủ tướng đồng ý mới được làm thủy điện Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội "Quy hoạch thủy điện" chiều qua 13.11. Thủy điện xả lũ - Ảnh: Diệp Đức Minh Bộ trưởng cho biết, từ 2006 trở lại đây, theo phân cấp tất cả các thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt quy...