Ban hành Thể lệ và chuẩn bị phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”
Ban Tổ chức Cuộc thi “ Pháp luật học đường” vừa ban hành thể lệ cuộc thi và có văn bản gửi một số bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phát động tổ chức Cuộc thi.
Nhằm đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, tăng cường ý thức tự tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật với tên gọi “Pháp luật học đường”. Ngày 24/10/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi Ban hành Thể lệ số 4182/TL-BTC
Cuộc thi sẽ được phát động, tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, chia thành 03 vòng: (i) Vòng loại: Tổ chức trong vòng 06 tuần, từ ngày 11/11/2019 đến hết ngày 22/12/2019; (ii) Vòng bán kết: Tổ chức từ ngày 10/02/2020 đến ngày 23/02/2020; (iii) Vòng chung kết: Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2020 và thi tập trung tại Thủ đô Hà Nội.
Đối tượng dự thi là học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên (bảng A) và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bảng B).
Nội dung thi gắn với kiến thức môn học giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.
Thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi và làm bài thi tại địa chỉ website: http://timhieuphapluat.vn hoặc thông qua ứng dụng (app) của Cuộc thi và phải bảo đảm các yêu cầu về đăng ký dự thi quy định trong Thể lệ.
Hằng tuần, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho 10 thí sinh của mỗi bảng có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất, mỗi giải thưởng trị giá 300.000 đồng. Các thí sinh đạt giải được Tập đoàn Giáo dục Egroup tặng Thẻ học online.
Video đang HOT
Vòng bán kết: Ban Tổ chức sẽ trao giải cho 30 thí sinh của mỗi bảng có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất, mỗi giải thưởng trị giá 1.000.000 đồng và được Tập đoàn Giáo dục Egroup tặng quà trị giá 1.000.000 đồng.
Vòng chung kết, Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải và tập thể tích cực tham gia hưởng ứng, triển khai Cuộc thi.
Các thí sinh đạt giải được Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận kèm hiện vật (nếu có) và mức giải thưởng như sau: 01 giải Nhất: 6.000.000 đông/giải; 01 giải Nhì: 3.000.000 đông/giải; 02 giải Ba: 2.000.000 đông/giải; 06 giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải; Một số giải phụ: 500.000 đồng/giải.
Các thí sinh đạt giải Nhất, giải Nhì vòng chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội theo Đề án tuyển sinh của Trường. Thí sinh đạt giải Nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
Về giải tập thể: Ban Tổ chức Cuộc thi trao 05 giải cho 05 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng, triển khai Cuộc thi; mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng kèm theo Giấy chứng nhận.
Ban Tổ chức trao 10 giải cho 10 nhà trường có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia dự thi đông đảo, chất lượng bài dự thi tốt; mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng kèm theo Giấy chứng nhận.
Để Cuộc thi được tổ chức thành công, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019, Ban Tổ chức Cuộc thi trân trọng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp tỉnh tích cực triển khai, hưởng ứng Cuộc thi.
Đề nghị bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, chỉ đạo, tổ chức phổ biến sâu rộng Thể lệ Cuộc thi và vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên, học viên thuộc phạm vi quản lý tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi.
Thứ hai, chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác truyền thông về Cuộc thi trên các báo, Cổng/Trang Thông tin điện tử hoặc hình thức phù hợp khác; đăng tải đường link của Cuộc thi trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ quan, tổ chức trong ngành (Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp tỉnh), các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chủ động cập nhật tin, bài truyền thông về Cuộc thi và gửi về Ban Tổ chức (email: thaobp@moj.gov.vn) để theo dõi, đăng tải trên website: http://timhieuphapluat.vn.
Thứ ba, để khuyến khích, động viên các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên, học viên tham gia Cuộc thi, ngoài các giải thưởng của Ban Tổ chức Cuộc thi, căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức khen thưởng cá nhân đạt giải tại các vòng thi và các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực hưởng ứng, triển khai Cuộc thi.
Thứ tư, chỉ đạo việc phối hợp với Ban Tổ chức Cuộc thi thực hiện rà soát danh sách, thông tin của thí sinh tham gia dự thi đảm bảo không vi phạm Thể lệ Cuộc thi và xác minh thông tin thí sinh đạt giải tại các vòng thi (nếu có)./.
Theo baophapluat
Còn nhiều 'vùng trũng' về phổ biến giáo dục pháp luật
"Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu đúng, tôn trọng và thực hiện nghiêm luật pháp".
Đây là ý kiến của ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) trong Tọa đàm thông tin truyền thông Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019 và Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 8/10.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì buổi tọa đàm.
Theo ông Lê Vệ Quốc, mục đích của buổi tọa đàm mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông tuyên truyền pháp luật nhằm khẳng định cụ thể, toàn diện hơn nữa vai trò của phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Cung cấp chính xác đầy đủ, kịp thời tới người dân hiểu được chính sách pháp luật cũng như góp tiếng nói để Nhà nước nắm được những nhu cầu của nhân dân để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật.
Việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL. Thiết chế Hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện. Xác định nội dung trọng tâm PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Trong những năm qua, nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL và đòi hỏi phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Mặc dù vậy, ông Lê Vệ Quốc cũng cho rằng: Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân hiểu đúng pháp luật thì khi pháp luật được ban hành, được tuyên truyền đầy đủ, người dân sẽ thực hiện đúng pháp luật, không thụ động. Từ đó công tác PBGDPL sẽ đầy đủ hơn, toàn diện hơn và đi vào cuộc sống tốt hơn. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến thảo luận đều đồng quan điểm: Không riêng ở vùng sâu, vùng xa là "vùng trũng về pháp luật" mà ngay cả ở các thành phố lớn, cá biệt là cả người nước ngoài cũng chưa hiểu hết các quy định của luật pháp, chưa tuân thủ và hiểu hết về các quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.
Thời gian tới, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là trách nhiệm được giao trong các văn bản liên quan đến triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Tiếp tục có giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL...
Năm 2019 là năm thứ 6 Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai phát động trên toàn quốc, cao điểm là từ ngày 10/10 đến ngày 10/11/2019. Cùng với việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn giáo dục Egroup phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc "Pháp luật học đường". Dự kiến Cuộc thi sẽ được tổ chức từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 và chia làm 3 vòng thi: Vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết trên website http://timhieuphapluat.vn.
Theo Viết Tôn/Báo Tin tức
Thi "Pháp luật học đường" dành cho học sinh, sinh viên Là tên gọi của Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến toàn quốc do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTB Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức. Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 8/10 tại buổi...