Bạn già trầm tư bên linh cữu nhạc sĩ Phạm Duy
Trong con hẻm nhỏ đường Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM, không khí hai ngày nay trầm lắng hơn bởi sự ra đi của người nhạc sĩ nổi tiếng.
Ngày 27/1, tin nhạc sĩ Phạm Duy ra đi làm rúng động giới mộ điệu nhạc Việt. Người nghệ sĩ với những bản tình ca đẹp tạ thế ở tuổi 93. Trên bàn thờ, bức ảnh của ông ghi dấu nụ cười thân quen và mái tóc bạc phơ.
Từ chiều 28 đến sáng 29, rất nhiều bạn già đã đến viếng ông. Những mái đầu bạc cúi chào người bạn già ra đi mãi mãi.
Có người nặng trĩu ưu tư nhìn bạn lần cuối qua nắp quan tài.
Một vài người bạn chụp bức ảnh trước bàn thờ lần cuối.
Video đang HOT
Những thế hệ khán giả trẻ hôm nay cũng đến viếng ông.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn và đạo diễn Phạm Hoàng Nam trước linh cữu.
Vòng hoa của các nghệ sĩ khắp nơi gửi đến viếng ông.
Nhiều bạn bè xúc động chia sẻ dòng tưởng niệm qua sổ tang.
Một người lái xe ôm tranh thủ công việc đến viếng nhạc sĩ, trên tay vẫn ôm chiếc mũ bảo hiểm. Ông cho biết vì ái mộ, nên khi hay tin, ông bàng hoàng và nhất quyết phải đến tiễn đưa Phạm Duy.
Xung quanh tường nhà, hình ảnh của cố nhạc sĩ tràn ngập, xen lẫn là vòng hoa và những lời tiếc thương của bạn bè, anh chị em nghệ sĩ, người thân.
Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Nhật Anh
Theo VNE
'Ca sĩ còn hát nhạc của tôi nghĩa là tôi còn sống'
"Tôi đã nói về cái chết từ khi 40 tuổi. Tôi coi mục đích tối hậu của con người là cái chết. Tôi không có gì là hãi hùng và buồn phiền cả... Ca sĩ còn hát nhạc của tôi là tôi còn sống".
Nhạc sĩ Phạm Duy, người vừa đi về miền miên viễn, từng chia sẻ như vậy với VietNamNet nhân dịp chương trình "Điều còn mãi 2012" của báo trình diễn nhạc phẩm "Tình ca" của ông vào đúng ngày Quốc khánh.
Nhạc sĩ Phạm Duy (5/10/1921 - 27/1/2013) Ảnh: Minh Thăng
Vào thời điểm ấy, sức khỏe ông đã xuống rất nhanh, khiến ông phải ngồi xe lăn, ăn uống khó khăn. Ông gần như thức trắng đêm và chỉ ngủ được vài tiếng vào ban ngày. Ngày bình thường của ông trôi qua trong căn nhà im vắng ở lưng chừng một con hẻm đường Lê Đại Hành. Căn nhà ấy thường chỉ đông vui vào cuối tuần khi con cháu, dâu rể về thăm hỏi, ăn uống.
Ấy vậy mà, khi thần sắc đã trở nên mệt mỏi vì tuổi già, ông vẫn miệt mài sáng tác, và khoe với người viết ông vừa hoàn thành 10 ca khúc phổ thơ của thi sĩ Bích Khê. "Nếu được theo đúng thuyết nhà Phật, người ta ăn ở đức độ thì sẽ được tái sinh. Và nếu có sự tái sinh thì tôi sẽ không thích tái sinh nữa đâu. Bởi vì mệt quá rồi. Các nhạc sĩ ở đây sướng lắm, không ai mệt như tôi cả, không ai đi nhiều, hát nhiều và sáng tác nhiều như tôi cả. Khổ tâm lắm", ông nói với phóng viên VietNamNet.
Thưa ông, vậy hẳn là ông đã viết di chúc. Cháu xin mạn phép được tò mò, điều gì làm ông tâm tư nhất trong bản di chúc ạ?
Sự thực thì càng nhiều con bao nhiêu, người ta càng lo bấy nhiêu. Sự nghiệp của tôi để lại cũng nhiều. Tôi không chia cho ai cả. Tôi giao cho người con thứ hai của tôi, là đứa có hiếu nhất. Nó có bổn phận là chia cho các anh em. Như vậy thì đỡ rắc rối.
Vậy còn đám tang, ông có tâm nguyện gì về đám tang của mình?
Tôi sợ nhất là vấn đề đó. Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm. Tôi muốn đốt cùng với xác mẹ. Cùng lắm đưa đi một cái chùa nào đó, (trong) một hai bình tro gì đó. Kinh nghiệm như nhà lưu niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đến thì thấy vắng tanh như chùa bà đanh. Ca sĩ còn hát nhạc của tôi, nghĩa là tôi còn sống.
Ở tuổi xưa nay hiếm thế này, ông có còn cảm thấy mình mắc nợ gì với cuộc đời không?
Nợ thì nhiều. Tôi tự thấy mình đã sống bừa bãi. Cách nay 10 năm thì tôi ổn định một tí. Còn trước kia tôi liều lắm, tôi làm những chuyện mà người ta không dám làm. Tôi lao vào những trò chơi làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình. Tôi hối hận lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi mong người ta đừng nghĩ nhiều về những hành động đó, mà nhìn vào những bản nhạc của tôi. Còn nói về người ngoan thì tôi không phải là người ngoan.
Cuộc đời đưa ông dường như luôn đứng trước những sự kiện phải chọn lựa giằng xé giữa hai thái cực, vậy có khi nào ông phải trả giá?
Trả giá ghê lắm chứ, nếu tôi đừng bỏ nước ra đi thì chắc tôi vẫn còn 3 căn nhà trị giá 3 triệu USD. Còn 8 đứa con như vậy, gọi là để lại một gia tài thực sự thì ít nhất cũng phải 3 cái nhà chứ. Đó là một cái nhỏ thôi đấy. Còn những cái khác nữa. Trường hợp yêu người này mà không yêu người nọ cũng là một vấn đề nữa. Rắc rối lắm (cười).
Và hôm nay, sau nhiều năm ở hải ngoại, ông đã trở về và đã an nghỉ trên đất mẹ, khép lại trăm năm nhỏ bé và bộn bề như lời ông đã viết trong "Hẹn em năm 2000". Ông nói ông không phải là người theo lý tưởng sống để mà đi. Thế nên, những năm xứ người là những năm ông đau đáu ngày về. "Tôi là người Việt Nam thì tôi phải sống chết với nước Việt Nam chứ. Khi qua hải ngoại được vài năm, tôi đã viết bài "Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà". Nhưng lúc đó tôi không thể về nhà được ngay, đợi đến ba mươi mấy năm thì mới về được. Cả một đời người rồi còn gì", ông nói.
Minh Chánh
Theo Vietnamnet
Nghệ sĩ Việt tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy Trên mạng xã hội, hàng loạt những lời nghẹn ngào về sự ra đi của cây đại thụ nhạc Việt. Ca sĩ Đức Tuấn - một người gắn liền với âm nhạc của Phạm Duy chia sẻ: " Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi..... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối". Anh cũng cầu mong: " Xin kính chúc...