Bạn gái bị trêu chọc, nhóm đối tượng mang dao kiếm đi tìm đối thủ
Ngày 21/8, Công an huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, cho biết, đơn vị đã bắt giữ 19 đối tượng để điều tra về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Các đối tượng tại cơ quan Công an.
Trước đó, tối 7/8, Công an huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện, bắt giữ 19 đối tượng thanh, thiếu niên có hành vi tụ tập, mang hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Theo điều tra, vụ việc bắt đầu từ mâu thuẫn giữa Nguyễn Danh Tiền (SN 2008, trú tại Quảng Tái, Trung Tú, Ứng Hòa) và Lê Tiến Công, trú ở huyện Ứng Hòa.
Tối 6/8, Tiền rủ nhóm bạn gồm: Hoàng Quốc Việt, Chu Duy Phương, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Danh Tú, Nguyễn Thành Đạt và Nguyễn Thế Cường đi uống nước tại quán “Trà chanh chém gió” ở Chẩn Kỳ, Trung Tú, Ứng Hòa. Tại đây, Tiền kể với nhóm về việc người yêu của mình bị Lê Tiến Công trêu chọc và hẹn tối ngày 7/8 gặp “giải quyết”.
Sau khi bàn bạc, nhóm của Tiền đã tập hợp vào khoảng 20h tối ngày 7/8, điều khiển xe máy mang theo dao kiếm và tuýp sắt gắn dao di chuyển địa bàn huyện Ứng Hòa. Trong quá trình di chuyển, nhóm này liên tục phóng nhanh, lạng lách, đánh võng và hò hét, gây mất trật tự công cộng.
Video đang HOT
Nắm được thông tin nhóm của Lê Tiến Công đang có mặt tại quán trà sữa “Yến Trâm” ở Mỹ Cầu, Đồng Tân, Tiền và nhóm bạn đã phi xe đến, đứng chửi bới, thách thức, gây gổ với nhóm của Lê Tiến Công. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng đã bị tổ tuần tra của Công an huyện Ứng Hòa phát hiện. Thấy lực lượng Công an, các đối tượng hò nhau bỏ chạy. Lập tức, các tổ công tác của Công an huyện Ứng Hòa đã nhanh chóng khép kín địa bàn, vây bắt 19 đối tượng đều ở độ tuổi 16 – 17 tuổi, trú ở nhiều xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ứng Hòa đang tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa trong bối cảnh người chưa thành niên phạm tội gia tăng
Trong những năm gần đây, tình hình người chưa thành viên phạm tội ngày càng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp.
Nếu như trước đây, hiện tượng tội phạm "tuổi teen" được phát hiện thường đi kèm với các "anh chị" trong các "băng, ổ nhóm", phạm tội do bị rủ rê, lôi kéo, do tâm lý bồng bột, thích thể hiện bản thân...; thì hiện nay có không ít trẻ vị thành niên tụ tập thành từng nhóm để gây gổ đánh nhau, đua xe trên đường, cướp tài sản, chủ động vi phạm pháp luật mà không hề có sự lôi kéo, hướng dẫn nào.
Ngày 13/6/2024, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về vụ TNGT xảy ra 1h45 cùng ngày, tại khu vực đường tròn trung tâm, thuộc tổ 18 phường Hoàng Văn Thụ, do một nam thanh niên điều khiển xe với tốc độ cao đâm vào dải phân cách cứng giữa đường rồi bị thương. Nam thanh niên ngồi sau đã lấy xe máy rời khỏi hiện trường...
Từ tin báo, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra. Qua công tác nắm tình hình trên tuyến, địa bàn và nguồn thông tin trên mạng xã hội, được biết trước thời điểm xảy ra vụ TNGT (khoảng 23h ngày 12/6 đến 2h ngày 13/6) trên một số tuyến đường trung tâm TP Thái Nguyên như: Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn, Lương Ngọc Quyến... có một nhóm thanh niên phóng xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trên đường gây mất ANTT. Khoảng 10 xe máy đều có điểm chung là không có gương chiếu hậu, một số xe không có hoặc che biển số, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSGT Công an TP Thái Nguyên đã nhanh chóng xác minh, làm rõ 12 thanh niên liên quan đến vụ việc gây mất ANTT, trong đó có 2 thanh niên trong vụ TNGT. Ngày 25/7, Công an TP Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố 11 bị can về tội gây rối trật tự công cộng, trong đó có 8 đối tượng là học sinh, sinh viên.
Cũng trong tháng 6/2024, trong quá trình tuần tra bảo đảm ANTT trên địa bàn xã Phụng Thượng, Tổ công tác Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) phát hiện một nhóm thanh niên đi xe máy mang theo hung khí di chuyển theo hướng Hà Nội - Sơn Tây, chạy xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, gây mất ANTT.
Khi phát hiện lực lượng Công an, các đối tượng tăng ga bỏ chạy. Tổ công tác Công an huyện Phúc Thọ phối hợp Công an xã Phụng Thượng và Công an các xã, thị trấn trên địa bàn, tổ chức điều tra, qua đó làm rõ 2 nhóm tham gia tụ tập đánh nhau. Nhóm thứ nhất do V.D.Đ (SN 2008), trú tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cầm đầu, gồm 37 đối tượng. Nhóm thứ hai do C.V.T (SN 2006), trú tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cầm đầu, gồm 12 đối tượng.
Công an huyện Phúc Thọ xác định, do mâu thuẫn cá nhân nên V.D.Đ và C.V.T đã rủ thêm các thanh niên khác để tham gia đánh nhau. Các đối tượng mang theo nhiều hung khí như dao, tuýp sắt, dao phóng lợn, gậy gỗ, gạch đá, vỏ chai bia... Ngày 12/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phúc Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 42 đối tượng về tội "Gây rối trật tự công cộng"; đồng thời đề nghị UBND cấp xã ra Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 7 đối tượng ở độ tuổi dưới 16 tuổi.
Gần đây, trưa 30/7, Công an phường Hiến Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị cướp xe máy Wave Alpha vào khoảng 23h ngày 28/7. Qua tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh vụ việc, ngày 1/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hưng Yên làm rõ một nhóm gồm 8 đối tượng điều khiển xe máy, mặc đồ đen, đeo khẩu trang, sử dụng dao, gạch, gậy và vỏ chai bia chặn đánh, cướp xe của người đi đường.
Trong số 8 đối tượng, có D.T.P và B.T.T đều sinh năm 2007, cùng trú thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, Hưng Yên; L.T.Đ và N.V.Đ, đều sinh năm 2008, cùng trú xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, Hưng Yên; Đ.V.A và V.T.T; N.T.T, đều sinh năm 2006, cùng trú tại xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Sau khi cướp được xe máy, nhóm đối tượng đã mang xe máy đi cầm cố, lấy tiền tiêu xài...
Nhóm đối tượng cướp tài sản ở TP Hưng Yên, hầu hết từ 16-18 tuổi.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV vừa qua, Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu, với mục đích hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội. Đồng thời, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên...
Dự thảo luật đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến một địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng) và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Qua thảo luận, một số đại biểu băn khoăn về việc mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Liên quan vấn đề này, Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, các quy định về xử lý người chưa thành niên phạm tội trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay đã được quy định tản mát ở nhiều đạo luật khác nhau, như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự...
Việc xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên đã thể hiện sự tiến bộ, nhân văn đối với đối tượng này, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ông đề nghị cần phải xem xét đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các chính sách được đưa ra phải bảo đảm sự cân bằng về mục đích, giữa việc xử lý người thực hiện hành vi phạm tội với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nạn nhân và những người có liên quan bị tác động bởi chính người có hành vi phạm tội. Trong đó có bị hại là người chưa thành niên, có bị hại là những chủ thể khác trong xã hội.
"Nếu không tính toán, rà soát kỹ, đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện thì có thể dẫn đến sự dễ dãi như một số đại biểu Quốc hội đã nêu. Và nếu dẫn đến điều đó thì sự phòng ngừa và răn đe mà chúng ta hướng đến sẽ không phát huy được. Luật này về mặt chính sách, phải làm sao vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, tạo cơ hội, mở đường cho người chưa thành niên phạm tội có cơ hội sớm hơn, cơ hội nhiều hơn để trở về với cộng đồng, với xã hội, bị áp dụng các biện pháp ít nghiêm khắc hơn. Nhưng vẫn phải bảo đảm một yêu cầu rất quan trọng là răn đe và phòng ngừa tội phạm, trong bối cảnh mà tội phạm do người chưa thành niên thực hiện vừa qua có xu hướng gia tăng" - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, luật cần đưa ra các biện pháp, cách thức ứng xử với chính sách khoan hồng, tạo cho người chưa thành niên phạm tội cơ hội tốt nhất, song bên cạnh đó bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, không để dẫn đến cơ chế mà người khác có thể lợi dụng, làm cho tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội phức tạp hơn.
Khởi tố 42 đối tượng mang nhiều hung khí nguy hiểm đánh nhau ở Hà Nội Công an xác định, do mâu thuẫn cá nhân nên V.D.Đ. và C.V.T. đã rủ thêm các thanh niên khác để tham gia đánh nhau. Các đối tượng mang theo nhiều hung khí như dao, tuýp sắt, phóng lợn, gậy gỗ, gạch đá, vỏ chai bia... Ngày 20/7, Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố...