Bạn em lấy chồng
Nó là đứa ngày xưa thường mang quần rách vì hay leo trèo nghịch ngợm, thường đóng vai con gái trong khi em lãnh vai mẹ mỗi lúc chúng em chơi đồ hàng. Cũng chẳng có gì nếu mẹ em không bắt đầu thở dài thườn thượt: “Xem đó, con Ty cũng lấy chồng rồi, đi đâu ai hỏi mẹ đến ngượng mặt vì mày vẫn còn “ở lỳ” mãi trong nhà”.
Mỗi lúc như vầy, em lại muốn tìm ra chỗ ẩn nấp của anh, để dấm dúi véo vài cái rõ đau, sao chẳng đến mà thanh minh với mẹ. Rồi lại lẩn thẩn, chẳng biết, anh có bị giật mình hay không, khi mỗi ngày trôi qua, mẹ lại nhắc đến anh – chồng em – nhiều hơn trước.
Hôm rồi, cậu bạn đồng nghiệp khen em hết lời, bỗng dưng tâm hồn em như được tưới mát sau nhiều ngày cằn cỗi, cảm giác thấy mình còn tươi đẹp, còn lắm hay ho chứ không hẳn là bị nửa thế giới bỏ quên như hằng tưởng. Những lời khen ấy, em biết là thực lòng, là giản đơn nên em cảm thấy thấm thía biết chừng nào, muốn cảm ơn vì cậu ấy vừa nhẹ nhàng thức tỉnh một cõi lòng đã ngủ yên trong em.
Cậu ấy bảo, rồi người đàn ông của em – là anh đó, sẽ đến trong một ngày gần nhất. Ừ, thì hẳn nhiên là thế, nhưng bao giờ anh nhỉ? Nói không hồi hộp, không sốt ruột là giả dối. Bởi em cũng không mấy mặn mà, đợi chờ cái ngày phải xa bố mẹ, xa mấy đứa em, chỉ là muốn biết trước để chuẩn bị tâm thế mà thôi.
Nhỏ Na rủ em đi shopping để mua đồ cưới mừng nhỏ Ty, ba đứa em chơi với nhau từ nhỏ. Na sắm sửa biết bao là quần áo, mỹ phẩm. Em lững thững đi theo, thấy dửng dưng chi lạ. Cũng lâu lắm rồi, em chẳng đầu tư vào thỏi son, cũng chưa hề có một cái mascara của riêng mình. Na thường nói, là con gái chẳng chăm lo cho nhan sắc, tuổi xuân thì làm gì, phải yêu lấy mình chứ. Hình như vì cái lý ấy mà bạn em càng ngày càng xinh xắn ra, xinh hơn ngày xưa rất nhiều.
Em hơi lạ, như em, em yêu mình chính là đôi lúc tự cho mình ngủ nướng vào mỗi sáng. Tự cho mình uống ly café thật đen, thật đậm, mặc cho mụn nổi hay sạm da. Thích ăn món gì thì thản nhiên ăn mà chẳng cần bận tâm đến con số trên bàn cân sẽ tăng đột biến. Thi thoảng trốn mình trong nhà sách, ngồi đọc đủ thứ trên đời rồi vác về vài ba quyển ưa thích, có khi đọc đến thâu đêm nếu cuốn sách đó làm em mê đắm. Tủ áo quần chẳng cần đầu tư gì nhiều, bộ trang điểm cũng không nhất thiết phải có, chỉ khi nào đi dự tiệc lớn, em ra quán cho họ bôi trét vài thứ trên mặt, vậy là xong.
Đám cưới ở quê vui hơn đám cưới ở phố nhiều. Đêm trước khi cưới, mỗi nhà tổ chức bữa tiệc xôm tụ để bạn bè, người thân tụ họp, để cô dâu chú rể vui chơi tự do trong buổi độc thân cuối cùng.
Tiếng nhạc xập xình, không khí sôi động, ai nấy cười vui, chúc tụng hoan ca. Nhỏ Ty mặt đỏ bừng, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc. Nó cười e thẹn, nép mình bên chú rể, xém chút nữa, em không nhận ra con bạn tinh nghịch thuở thiếu thời.
Sáng ngày nhà trai tới rước dâu, mẹ Ty chạy đi trốn. Em lãnh nhiệm vụ xách valy áo quần cho nó, thấy dáng nó tất tưởi chạy đi tìm mẹ, vừa chạy vừa gọi, nước mắt nước mũi lưng tròng mà thổn thức theo. Đúng là dở hơi, nhưng may sao em kịp ghìm lại để không phải thốt ra một câu ngớ ngởn rằng ” hay… mày đừng lấy chồng nữa.”
Chưa hết, lúc đang dự tiệc ở nhà trai, nó chạy ra, ôm chầm lấy thằng em mà khóc. Thằng em thấy chị khóc cũng không cầm được nước mắt, tự dưng mấy đứa em lại rưng rưng theo, cảm giác lấy chồng khổ gì đâu.
Làm lễ tại nhà trai xong, đến lượt nó tiễn tụi em về. Nó khóc cứ như phải năm, mười năm sau mới gặp lại. Nó thảm thiết gọi ba, gọi mẹ cứ như sẽ đi đâu xa lắm, lấy chồng xa lắm, trong khi chỉ cách mười cây số và chiều ấy nó đã lon ton ở trên nhà.
Video đang HOT
Dì em bảo, đó là duyên con gái, khi đi lấy chồng phải khóc, phải rơi nước mắt để người ta không trách mình cạn tình. Em thì lại nghĩ, giả dụ hôm làm đám cưới, em sẽ cười nhiều lắm, cười cho mẹ xem, em hạnh phúc với chọn lựa của mình, cười để mẹ yên tâm.
Bây giờ, trong thời gian còn đang thong thả độc thân, mẹ vẫn dạy em những công, dung, ngôn, hạnh để sau này làm dâu. Ba dạy cách sống, cách cư xử tử tế trong đạo lý làm người. Em chăm để ý, nhặt nhạnh nơi này nơi kia một tí kinh nghiệm của các chị, các cô để khỏi bỡ ngỡ khi về chung sống trong nhà người ta. Cứ chuẩn bị hành trang đầy đủ, nhỡ đâu anh đến bất ngờ, bởi tình yêu đôi khi chẳng cần hẹn trước, anh nhỉ!
Theo VNE
Ông bố nghẹn ngào tìm công lý cho con trai chết oan tại nhà trẻ
Đưa con đi nhà trẻ mới một tuần thì con bị chấn thương sọ não tử vong. Hận nhà trường không chịu nhận lỗi bất cẩn, ông bố trẻ gian nan đi kêu oan đòi công lý cho con. Cuối cùng công lý đã đến với anh, nhưng tiếc thay, gia đình anh giờ đã tan nát.
Con chết, mẹ qua đời, vợ ly hôn
Anh Nguyễn Văn Việt (29 tuổi, ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) có vợ và con trai Nguyễn Hà Việt Anh, sinh tháng 8/2008.
Năm 24 tuổi, chàng trai lập gia đình. Ngày đứa con Việt Anh chào đời, cả nhà hết sức vui mừng, được cả nhà chăm sóc, cưng chiều hết mực.
Người đàn ông này đã mất 3 năm 7 tháng để làm rõ nguyên nhân cái chết oan khuất của con tại trường học
Khi cháu được 14 tháng tuổi, vợ chồng cùng đi làm, đành gửi vào Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc 4 cho rẻ vì giá chỉ có 25 ngàn đồng/ngày. Ai dè mới có một tuần...", anh nghẹn ngào chưa nói dứt câu.
Sáng 4/11/2009, người cha đưa con đến trường như bình thường. Hôm đó, như có linh tính, anh cứ thấy bần thần, không yên tâm làm việc.
Hơn 12h trưa, anh nhận được điện thoại từ chủ trường, bảo đến gấp. Biết chuyện liên quan tới con, anh sấp ngửa lao xe máy tới. Cô giáo cho biết bé Việt Anh bị té, nằm ở trạm y tế xã, anh hộc tốc chạy đến thì thấy con toàn thân đã tím tái, hai lỗ mũi chảy nước màu vàng. Lập tức anh chuyển con lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bác sĩ nói tim đứa bé đã bị ngưng đập, phải chích thuốc trợ tim tạm thời. Còn nước còn tát, anh chuyển con lên Bệnh viện Nhi Đồng Nai, chiều cùng ngày chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tại TP.HCM. Cháu Việt Anh bị nứt sọ, tụ máu bầm, hết sức nguy kịch.
Mười giờ đêm hôm ấy kíp trực quyết định mổ, nhưng sau khoảng hai giờ đồng hồ thì phải ngưng lại vì sức khỏe cháu quá yếu.
Cháu Việt Anh nằm trong phòng cấp cứu sáu ngày mà nhà trường không hề đến thăm. Người cha hỏi lý do con bị té, nhà trường tránh né, hoặc giải thích mơ hồ "tự nhiên thấy cháu bị như vậy".
Đêm 9/11, các bác sĩ cho anh vào thăm con lần cuối. Ông bố trẻ bùi ngùi kể lại: "Tôi vào thăm con mà ứa nước mắt vì thấy cháu nằm mê man không biết gì. Tôi nắm lấy tay con và nói: "Con cứ yên lòng ra đi, ba thề sẽ tìm cho ra nguyên nhân cái chết của con"".
Đến 2h30' đêm đó, thiên thần nhỏ, mục đích sống của cuộc đời anh ngưng hơi thở, vĩnh viễn ra đi.
Họa vô đơn chí, trong thời gian cháu nằm viện cấp cứu, thì bà nội cũng nhập viện vì cao huyết áp. Sợ bà xót cháu, gia đình cố giấu, chỉ nói cháu bị đau thường thôi. Khi cháu vừa qua đời, mẹ gọi cho anh: "Con đừng giấu, đêm qua mẹ mơ thấy cháu Việt Anh báo mộng, nói: "Con chết rồi bà nội ơi!"".
Anh nghe mà rụng rời tay chân, không hiểu tại sao để có thể lý giải vì lúc đó cháu vẫn chưa biết nói. Anh đành nói thật với mẹ và đưa xác con về quê chôn cất. Ngày đưa cháu đi chôn, mẹ anh vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh, nhưng phần vì đang bị bệnh, phần thương nhớ cháu, đêm đó bà đã tăng huyết áp dẫn đến đứt mạch máu não. Gia đình đưa vào viện, đúng sáu ngày thì bà cũng đi theo cháu.
Sau khi con chết, mẹ qua đời, vợ chồng anh quá đau buồn, chẳng ai nói với ai lời nào. Vợ anh lặng lẽ sang tỉnh Bình Dương mở quán chè, anh xuống Vũng Tàu làm thợ hồ.
Một năm sau, vợ gọi điện làm hòa kêu anh đến Bình Dương giúp bán chè. Nghĩ tình nghĩa vợ chồng, anh quay lại nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, rồi chia tay. Giờ vợ anh đã có chồng mới, còn anh vẫn thui thủi một mình.
Quyết đòi công lý cho con
Ngay khi bé Việt Anh qua đời, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai đã khám nghiệm tử thi, kết luận: Chấn thương sọ não gây nứt sọ, dập não thái dương phải và trái gây phù não nặng, thương tổn do vật tày tác động vào vùng đỉnh phải.
Ngày đưa tang cháu Việt Anh, phía chủ trường đi ô tô đến viếng ít tiền và nói sẽ hỗ trợ thỏa đáng, nhưng buộc anh phải nhận lỗi do bất cẩn để cháu té ở nhà và cam kết không khiếu nại.
Anh tức quá, tuyên bố thẳng thừng: "Dù nhà trường có hỗ trợ tiền tỉ mà chối bỏ trách nhiệm, thì tôi cũng không cần, vì tiền không thể mua lại mạng sống con tôi". Nói xong anh đuổi họ về.
"Nói thật, dù sao thì cháu cũng mất rồi, có làm ra lẽ cũng chẳng làm cháu sống lại. Giá như lúc đó nhà trường chỉ cần xin lỗi, nói cho tôi biết nguyên nhân cháu bị chấn thương để tôi yên lòng, tôi sẽ bỏ qua. Nhưng họ đã vô tâm vậy, thì tôi quyết làm", người cha kể lại.
Sau đám tang con, anh đến Công an TP. Biên Hòa làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Mãi chẳng thấy nơi này trả lời, anh lại đến hỏi thì mới hay hồ sơ đã chuyển đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt giam cô giáo về tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp".
Công an đã chứng minh được trưa hôm ấy cháu Việt Anh đi vệ sinh ra quần nên cô giáo bế đi tắm rửa, bất cẩn làm cháu té ngã xuống sàn nhà. Khi cô giáo bế cháu ra khỏi nhà vệ sinh, thấy cháu có triệu chứng co giật, tay chân cứng nên báo cho trường đưa đến trạm y tế xã.
Chuyện "hai năm rõ mười", không hiểu sao Viện kiểm sát lại từ chối phê chuẩn vì cho rằng "chưa đủ chứng cứ". Anh lại tiếp tục nhiều lần đến Viện kiểm sát khiếu nại. Đến tháng 5/2012, cơ quan này mới ra cáo trạng truy tố cô giáo, cho tại ngoại để chờ xét xử thì cô giáo lại... bỏ trốn.
Nhiều lần trong túi chỉ có vài chục ngàn, chỉ đủ tiền đổ xăng nhưng anh vẫn quyết định vượt hàng trăm km để đi kêu oan. Có lần nóng ruột chạy cho nhanh để kịp nộp đơn, anh vi phạm luật giao thông, bị Cảnh sát giao thông huyện Trảng Bom thổi lại, định phạt 700 ngàn đồng.
Biết mình sai nhưng trong túi không còn đồng nào, anh đành đưa đơn khiếu nại ra trình bày đại với CSGT. Ai dè CSGT thông cảm, chẳng những không phạt mà còn để anh đi ngay cho kịp nộp đơn, còn dặn là chạy xe cẩn thận kẻo bị phạt nữa.
"Anh cảnh sát ấy còn chỉ đường cho tôi đến trung tâm trợ giúp pháp lý để được tư vấn miễn phí. Nhờ những cử chỉ ấm lòng này, đã tiếp thêm cho tôi nghị lực trên đường đi đòi công lý", người cha rưng rưng.
Chừng như day dứt với lỗi lầm do mình gây ra, cô giáo ra đầu thú. Tòa xử cô giáo hai năm tù. Theo luật dân sự thì hiệu trưởng phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra, tổng cộng 101 triệu đồng. Bản án thấu tình đạt lý. Đầu tháng 6/2013, anh và vợ cũ được gọi lên nhận tiền bồi thường. Tính ra từ ngày con chết, anh phải mất 3 năm 7 tháng mới đòi được công lý.
Từ ngày ấy đến nay, nếu ai có dịp đi qua ngã ba Trị An vào buổi chiều, sẽ thấy có quán chè mang tên Việt Anh, chủ tiệm chính là anh Việt. "Tôi mở quán chè mang tên Việt Anh để lúc nào cũng tưởng nhớ đến con. Giờ này có lẽ cháu đã yên lòng, có lẽ cháu đã thành thiên thần. Nhưng suốt cuộc đời này, có lẽ chẳng bao giờ tôi nguôi ngoai nỗi nhớ con", người cha mắt đỏ hoe.
Theo Dantri
Nữ tài xế taxi bị cướp tài sản, đẩy khỏi xe Sau khi dùng dao khống chế "con mồi" lấy sạch tiền, điện thoại, bọn cướp còn liều lĩnh đẩy nữ tài xế văng khỏi xe, lái luôn chiếc taxi tẩu thoát. Một tài xế taxi từng là nạn nhân bị cướp chỉ lại vết dao của bọn cướp làm rách da phủ ghế của người lái Chiều 26/6, Công an huyện Củ Chi...