Bản đồ mới của TQ “gom” nguyên một bang của Ấn Độ
Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc ôm luôn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Tại Philippines ngày 28/6, hãng tin GMA News đưa tin người phát ngôn tổng thống Philippines Edwin Lacierda hoan nghênh Đại sứ Mỹ tại Philippines Richard Goldberg đã lên tiếng chỉ trích đường 10 đoạn trong bản đồ mới của Trung Quốc (TQ). Người phát ngôn nhận định TQ có thêm một đoạn nữa vào đường chín đoạn (đường lưỡi bò) thì cũng không tăng thêm tính pháp lý nào cho tuyên bố chủ quyền.
Cùng ngày, trang tin Rappler cho biết trong thư điện tử gửi đến trang tin này hôm 27/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Charles Jose khẳng định bản đồ mới của TQ không ảnh hưởng gì đến vụ Philippines kiện đường chín đoạn của TQ ra tòa án trọng tài quốc tế.
Trả lời trang tin Rappler, chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển (ĐH Philippines), nhận định bản đồ với đường 10 đoạn của TQ không có giá trị về mặt pháp lý.
Theo ông, bản đồ là công cụ của TQ, TQ được xem là quốc gia bành trướng và nhiều tham vọng không chỉ vì vẽ các bản đồ bao chiếm gần hết biển Đông mà vì những gì TQ đã làm trên biển Đông.
Khi được hỏi liệu đường 10 đoạn có phải thay thế đường 9 đoạn trước nay TQ vẫn tuyên bố hay không, chuyên gia Jay Batongbacal nhận định nếu đứng về phía công bố bản đồ (TQ) thì đúng như vậy. Tuy nhiên, xét về pháp lý thì bản đồ quốc tế đang xem xét là bản đồ đường chín đoạn TQ đã thông báo với LHQ năm 2009. Hiện thời TQ vẫn chưa chính thức thông báo đường 10 đoạn này với quốc tế.
TQ được xem là quốc gia bành trướng với những gì đang làm ở biển Đông. Trong ảnh: Tàu kéo TQ cố tình đâm tàu kiểm ngư Việt Nam hôm 23/6. Ảnh: AFP/CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Báo Washington Post (Mỹ) ngày 27/6 đã chỉ trích bản đồ mới của TQ đã đi quá mức ngạc nhiên của các nước láng giềng bởi bao chiếm luôn Đài Loan, hai quần đảo chính ở biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa và vẽ luôn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ là của TQ.
Báo nhận định tăng trưởng kinh tế đã khiến TQ ngày càng có hành động quyết đoán hơn; hành vi mở rộng hải quân của TQ không chỉ gây lo ngại cho các nước láng giềng, thách thức vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương mà còn khơi mào chạy đua vũ trang ở châu Á.
Video đang HOT
Báo khẳng định đây là nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố xung đột nguy hiểm, nổi bật là va chạm hàng hải thường xuyên gần đây giữa TQ với Việt Nam, Philippines và Nhật.
Cùng ngày, kênh truyền hình ABC News (Mỹ) nhận định TQ đã làm rối đường hướng ngoại giao trong khu vực khi công bố bản đồ mới với đường 10 đoạn.
GS Lee Yunglung ở Học viện Biển Đông thuộc ĐH Hạ Môn (TQ) cho rằng chính phủ trung ương TQ để cho nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam xuất bản bản đồ mới nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực và chỉ ra mặt điều chỉnh khi cần thiết để giảm nhẹ hậu quả có thể xảy ra.
Ông nhận định với diễn biến trên biển Đông, chính phủ TQ thừa biết nếu chính phủ trực tiếp xuất bản bản đồ thì có thể sẽ gây ra xung đột. Ông cho rằng TQ muốn thông qua bản đồ mới để nâng tầm vấn đề tranh chấp ở biển Đông lên ngang tầm với tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Trong khi đó báo Philstar (Philippines) cho biết ngày 27/6, trên mạng xã hội Facebook ở Philippines đã xuất hiện một bản đồ mang tính giả định mang tên “Bản đồ lãnh thổ Philippines mới” nhằm châm biếm TQ.
Phía trên bản đồ có dòng chữ “Vâng, Trung Quốc, chúng tôi cũng có thể vẽ bản đồ của chính mình!”. Bản đồ gom hết TQ, Mông Cổ, đặc khu Hong Kong vào Philippines. Biển Đông được sửa tên thành “đặc khu tài nguyên Tây Philippines”. Hong Kong bị đổi thành “đặc khu thương mại”. Thủ đô Bắc Kinh được gọi là “TP thủ đô” với cái tên mới là “Rizal”.
Theo Đăng Khoa ( Pháp luật TPHCM)
Học giả Philippines: Trung Quốc vi phạm các cam kết quốc tế
Ngày 25/6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã tổ chức tại Paris hội thảo "Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông."
Các học giả tham gia hội thảo đều phản đối "đường chín đoạn" vô căn cứ mà Trung Quốc tự đặt ra. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam )
Diễn giả chính của hội thảo là ông Rommel Banlaoi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Miriam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS).
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, gồm các giáo sư, học giả đến từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu tại Pháp, các nhà ngoại giao, và các nghiên cứu viên đến từ Học viện Quốc phòng Pháp.
Theo giáo sư Rommel Banlaoi, Trung Quốc là một con rồng đã thức dậy và vươn lên mạnh mẽ. Thoạt đầu, rất nhiều người mong đợi rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế nhưng, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã dần xuất hiện.
Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông.
Để minh họa cho các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, giáo sư Rommel Banlaoi đã trích dẫn việc Trung Quốc điều tàu đến gây rối các hoạt động của tàu tiếp tế Phillippines tại các khu vực do Phillippines quản lý (Bãi Cỏ Mây), và đặc biệt là ngày 2/5, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả đều phục vụ mục đích là cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ Đường chín đoạn," ông này nói.
Ông Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.
Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông.
Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
Ông cũng cho rằng, những sự kiện giao lưu thể thao như giao lưu ngày 7/6 tại quần đảo Trường Sa giữa hải quân Philippines và hải quân Việt Nam là một hoạt động hữu nghị, giúp tăng cường hiểu biết giữa các nước trong khu vực, tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hoạt động này.
Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), ông cho rằng mặc dù EU đã ra tuyên bố về tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tuyên bố đó nhưng chưa tương xứng với sức mạnh của tổ chức này. Cần phải có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn, bởi vì EU cũng có lợi ích tại khu vực này, không thể vì lợi ích song phương với Trung Quốc mà bỏ qua lợi ích của cả khu vực.
Nếu toàn bộ khu vực Đông Nam Á có ổn định thì EU mới có thể tăng cường hợp tác mọi mặt với khu vực đó. Nếu không, Trung Quốc sẽ đạt được mục đích là tiếp tục tạo ra "sự đã rồi" để tiến hành việc chiếm trọn Biển Đông.
Giáo sư Rommel Banlaoi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực, cần phải tiến hành các đối thoại. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.
Các học giả tham gia hội thảo đều phản đối "đường chín đoạn" vô căn cứ mà Trung Quốc tự đặt ra. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam )
Bên lề hội thảo, bà Marie-Sybille de Vienne, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) có trụ sở tại Paris, Giám đốc Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á, đã bày tỏ lo ngại khi nhận thấy Trung Quốc sẵn sàng làm mọi cách để thể hiện rằng họ đã trở thành một cường quốc, có thể làm gì tùy thích trong khi các nước Đông Nam Á không có đủ phương tiện để ứng phó.
Bà Marie-Sybille de Vienne đánh giá không dễ nhìn thấy lối thoát cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay khi nó diễn ra cùng với sự tăng cường đều đặn lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc, xét cả ở khía cạnh quân sự lẫn kinh tế. Có cảm giác rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh to lớn của mình bắt đầu từ việc áp đặt trên thực địa khu vực trước khi triển khai các tham vọng ra quy mô toàn cầu.
Bà cũng cho rằng, Trung Quốc cũng như tất cả các nước trong khu vực phải thể hiện tinh thần trách nhiệm nhằm giảm bớt căng thẳng, phá bỏ bức tường của sự mất lòng tin, hướng đến việc giải quyết một cách hoà bình những tranh chấp về chủ quyền hiện có.
Theo Bích Hà
VietnamPlus/TTXVN
Tình hình Biển Đông ngày 28/6 Ngày 28/6, máy bay của Trung Quốc bay lượn nhiều vòng quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Tàu Trung Quốc dàn hàng ngang thành từng nhóm 7-10 tàu để tăng tốc, áp sát và ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Đại diện Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hôm nay, 28/6,...