Bán độ, đừng để ‘nhờn thuốc’
Bán độ đang trở thành nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam đến mức cứ thua là bị nghi ‘có mùi’.
2014 là năm ám ảnh về nạn bán độ với bóng đá Việt Nam. Cơ quan công an vào cuộc điều tra, bắt giữ hàng chục cầu thủ của CLB Ninh Bình và Đồng Nai vì liên quan đến dàn xếp tỷ số. Trong số đó, có một số tuyển thủ, nhiều người được đánh giá là rất có tương lai.
Người hâm mộ muốn nhìn nhận thất bại của đội tuyển Việt Nam từ nguyên nhân chuyên môn thuần túy. Ảnh: TTVH.
Có lẽ vì vậy, ngay sau thất bại 2-4 của tuyển Việt Nam trước Malaysia ở Mỹ Đình, dư luận lập tức đặt dấu hỏi nghi ngờ. Tất nhiên, chuyện bán độ ở bóng đá Việt Nam nhiều lần dừng lại ở mức độ “nghi án” chứ không hề có bằng chứng. Nhiều người cho rằng, sau hai vụ bán độ ở Ninh Bình và Đồng Nai, có cho thêm tiền, cầu thủ Việt Nam cũng không dám “bán linh hồn cho quỷ”. Nhưng vụ cầu thủ Đồng Nai bị “khui” khi vụ Ninh Bình vẫn còn nóng hổi. Các cầu thủ đã có bài học nhãn tiền nhưng họ vẫn không sợ bị pháp luật trừng trị.
Từ hai vụ việc diễn ra quá gần nhau này, có người nói rằng, phải chăng bán độ đã ăn vào máu một bộ phận không nhỏ giới cầu thủ và họ sẵn sàng “nhúng chàm”, chấp nhận đánh đổi sự nghiệp. Bài học nhãn tiền từ vụ bán độ động trời ở SEA Games 23 nhưng bóng đá Việt Nam vẫn phải chứng kiến hàng loạt cầu thủ tiếp tục tra tay vào còng. Phải chăng các hình phạt cho tội bán độ chưa đủ sức răn đe, khiến cầu thủ bán độ “lờn thuốc”.
Năm 1994, Chính phủ Malaysia thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ tham gia vào các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước sau khi nhận được đề nghị của Ủy ban Olympic và LĐBĐ nước này. Quá trình điều tra bắt đầu sau khi LĐBĐ Malaysia (FAM) nhận được các báo cáo về một số trận có dấu hiệu bị dàn xếp tỷ số và hiện tượng giàu lên một cách bất thường của nhiều cầu thủ, trong đó có 6 tuyển thủ.
Sau thời gian dài điều tra, tìm được đầy đủ bằng chứng, Chính phủ Malaysia quyết định hành động, dù thời điểm ấy đội tuyển Malaysia rất cần cầu thủ để chuẩn bị cho SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan). 84 cầu thủ vi phạm bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn, sau khi rời khỏi trại tập trung, họ không được quyền mua nhà, mua xe. Nhờ sự mạnh tay cách đây 10 năm mà bóng đá Malaysia sau đó đã phát triển bền vững, hùng mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
4 năm trước, Singapore treo giò vĩnh viễn hai cầu thủ người nước ngoài tham gia dàn xếp tỷ số trận đấu ở giải vô địch chuyên nghiệp và đề nghị LĐBĐ châu Á cấm hai cầu thủ này hành nghề trên toàn châu lục. Tiếp đó, Singapore tiến hành điều tra, phanh phui một đường dây dàn xếp tỷ số các trận đấu ở S-League có dính líu đến nhiều cầu thủ, trong đó có Indra, cầu thủ xuất sắc tại Tiger Cup 2002. Gần đây nhất, LĐBĐ Singapore cũng đã kỷ luật, kiểm điểm một vài quan chức của các CLB ở S-League sau khi xảy ra những trận đấu có tính quyết định đến chức vô địch, nhưng kết thúc với tỷ số khó hiểu (6-0, 5-1).
Video đang HOT
Dùng thuốc không đúng liều, người bệnh sẽ bị nhờn thuốc. Khi đó, bệnh sẽ khó chữa hơn. Chống tiêu cực trong bóng đá cũng vậy.
Theo Thể Thao & Văn Hóa
Bầu Đức: 'Tôi tin không ai nghi ngờ U19'
Phó chủ tịch VFF khẳng định U19 là đội bóng được nuôi dạy tử tế và sẽ không bị đặt nghi vấn tiêu cực.
- Ông nghĩ sao về ý kiến để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... lên làm nòng cốt của U23 Việt Nam đá SEA Games 28, thưa ông?
- Việc để các cầu thủ U19 HAGL tham dự SEA Games 28 hay không là quyền của VFF chứ bản thân tôi không thể quyết định được. Nếu VFF thấy cần thiết và triệu tập các em lên đội tuyển, tôi không thể từ chối vì đó là nhiệm vụ quốc gia.
- Nhưng lộ trình phát triển của U19 là đến năm 2017 mới đá SEA Games. Vậy việc để họ gia nhập U23 Việt Nam lúc này do áp lực thành tích, ông nghĩ sao?
- Tôi không chịu áp lực gì hết, đơn thuần tôi nghĩ đó là nghĩa vụ quốc gia và mình phải có trách nhiệm tuân thủ. U19 đá được V-League thì lên U23 cũng đá được thôi chứ chẳng có vấn đề gì cả.
Nếu tỉnh táo nghiên cứu kỹ, tôi cho rằng, việc để nguyên bộ khung U19 Học viện của tôi là hợp lý. Các em từng ăn, ở, từng tập luyện thi đấu nhiều năm với nhau, nếu tham dự SEA Games 28, tôi tin các em sẽ đá tốt. Còn nếu chỉ lấy một vài người, nay đá mai không thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì.
Đương nhiên, lấy nguyên bộ khung chính của U19 HAGL nhưng cần phải bổ sung thêm một vài vị trí có kinh nghiệm nữa. Làm được như thế, tôi tự tin U23 Việt Nam sẽ đá tốt và có thành tích ngay ở SEA Game 28 luôn chứ không cần phải đợi đến năm 2017 đâu.
- Sau thất bại của tuyển Việt Nam, người hâm mộ nghi ngờ, lãnh đạo VFF cũng nghi ngờ các tuyển thủ ... Vậy ông tiên liệu thế nào về hậu quả nếu lứa U19 lên đội U23 đá thua và cũng có thể bị quy kết?
- Chẳng ai nghi ngờ các em U19 cả. Thực tế ở các giải, U19 đá thua tưng bừng, thua nhiều trận nhưng người hâm mộ vẫn đón nhận một cách nồng nhiệt. Người hâm mộ hiểu rằng đây là đội bóng được nuôi dạy tử tế, từ việc học văn hóa đến chuyên môn nên sẽ không bao giờ làm những việc trái với lương tâm, trái với pháp luật.
Giải giao hữu ở TP HCM, đội U19 thua cả ba trận, thua AS Roma, Nhật Bản, Tottenham, song khán giả luôn đến sân chật kín, cổ vũ rất nhiệt tình, rất chuyên nghiệp. Đến giải ở Brunei, ở Myanmar hay ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, các em U19 đá có thắng, có thua, nhưng tình cảm, niềm hy vọng của người hâm mộ dành cho đội đến hôm nay vẫn đong đầy.
Nói thật, trước kia cầu thủ Việt Nam có nhiều điều tai tiếng, dư luận có quyền nghi ngờ, nhưng riêng với U19, bản thân tôi tin tưởng sẽ không có xảy chuyện đó đâu. Nếu đưa bộ khung U19 làm nòng cốt lên, kết hợp với một vài VĐV có đạo đức, có tài năng xuất sắc ở một số CLB khác, dù đá thua người hâm mộ vẫn sẽ đến sân ủng hộ hết mình. Vấn đề là các cầu thủ CLB khác phải thực sự có tư cách, đạo đức.
- Tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 thay máu lực lượng khá mạnh với rất nhiều gương mặt trẻ xuất hiện. Theo ông, tiêu chí lựa chọn tuyển thủ thời gian tới nên như thế nào?
- Tiêu chí lựa chọn tuyển thủ, theo tôi vấn đề đạo đức cần đặt lên hàng đầu. Học viện HAGL Arsenal JMG của tôi khi thành lập ra, tiêu chí đầu tiên cũng là đạo đức và học vấn chứ không phải là bóng đá, nên cầu thủ của tôi mới có nếp sống như bây giờ, chứ không đơn giản đâu.
Người ta suy nghĩ thế nào tôi không quan tâm, riêng quan điểm của cá nhân tôi, hai yếu tố quan trọng nhất vẫn là văn hóa và đạo đức. Muốn kéo khán giả đến sân, cầu thủ phải có văn hóa và đạo đức trước đã, còn chuyên môn tính sau. Văn hóa và đạo đức phải làm từ lúc bé, lúc mới vào Học viện chứ đến 19-20 tuổi mới làm thì không được nữa rồi.
- Malaysia từng "đày" hơn 70 cầu thủ, quan chức, HLV... ra đảo, tước bỏ mọi phúc lợi xã hội, cách ly khỏi bóng đá. Theo ông, lúc nào chúng ta mạnh tay với cầu thủ dính tiêu cực?
- Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, một cách làm riêng... nên chúng ta không nhất thiết phải làm theo Malaysia. Còn nếu điều tra ra cầu thủ dính tiêu cực thì đương nhiên là phải mạnh tay, loại bỏ vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống bóng đá.
Trước kia chúng ta vẫn còn xử lý vị tha, vẫn có trường hợp dính chàm nhưng được tha bổng quay lại bóng đá, thậm chí được gọi trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia... Tôi đảm bảo câu chuyện đó đã là của nhiệm kỳ trước, bây giờ thì khác. Chủ trương của VFF là làm triệt để, cầu thủ nào dính vào tiêu cực đừng hòng có cửa trở lại với bóng đá.
- 14 năm lên chuyên, V-League dường như vẫn dậm chân tại chỗ, làm mất niềm tin với người hâm mộ... Ông nghĩ sao về mùa bóng 2015?
- Có là thánh tôi cũng không lạc quan được. Tất nhiên mình là người trong cuộc mình phải nỗ lực để làm tất cả những gì mình có thể để đóng góp cho giải đấu. Còn cá nhân tôi nghĩ, làm cho giải đấu lành mạnh và chất lượng ngay thì rất khó.
Tôi nghĩ, để giải đấu tốt lên cần phải có thời gian, phải có phương pháp làm. Nếu muốn tồn tại với bóng đá lâu dài, không riêng gì HAGL mà tất cả CLB trên thế giới đều tuân thủ theo một điều đó là lấy bóng đá nuôi bóng đá, còn không thì là tạm bợ hết và có thể giải tán bất kỳ lúc nào.
Năm nay tôi tự tin, đội bóng HAGL của tôi làm ăn có lãi, vì tôi xây dựng toàn bộ lực lượng do mình đào tạo ra, không tốn tiền chuyển nhượng, không trả lương cao, cơ chế thưởng phạt vừa phải... Để giải đấu V-League thật sự tốt, các đội bóng phải chú tâm đào tạo trẻ, đào tạo tới nơi tới chốn, đó là con đường duy nhất giúp bóng đá có lãi. Muốn làm điều đó phải có thời gian và sự kiên trì. Một lứa cầu thủ ra đời muốn đá tốt ít nhất phải chờ 8-10 năm mới đánh giá được. Đây là một câu chuyện khó, nhưng ở Việt Nam vẫn có SLNA làm tốt, Đồng Tháp làm tốt song vấn đề của họ là kinh phí hạn hẹp.
Năm nay, nhiều đội sử dụng đội hình trẻ đá V-League, như HAGL, Đồng Tháp, Khánh Hòa, SLNA, tôi hy vọng tương lai, khi các đội bóng khác cũng làm như thế thì giải đấu của ta, đội tuyển của ta mới mạnh được. Còn cứ làm ăn chụp giật, tranh mua tranh bán, thăng một hai mùa, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, không giải quyết được vấn đề gì.
Bóng đá Việt Nam muốn phát triển, hãy đào tạo trẻ, dứt khoát phải làm chuyện đó, mà đào tạo ở đây phải đưa tiêu chí đạo đức và văn hóa lên hàng đầu như HA.GL đang làm. Đào tạo thuần chuyên môn, không quan tâm đến vấn đề văn hóa, đạo đức thì trước sau gì cũng sẽ hỏng.
Theo Thể Thao & Văn Hóa
Những tuyên bố 'hét ra lửa' của ông Lê Hùng Dũng Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có nhiều phát ngôn khá thẳng thắn, đôi khi gây sốc. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố sẽ mời cơ quan điều tra trận thua Malaysia ở Mỹ Đình. Ảnh:Kỳ Lân. Ông Kiên chỉ to mồm Năm 2012, ông Hùng Dũng cho rằng việc bầu Kiên tuyên bố có ảnh hưởng ở Eximbank chỉ là...