Bản đồ ẩm thực: Hấp dẫn hến 3 món chuẩn vị đất Quảng Trị
Từ lâu, hến đã là nguyên liệu quen thuộc, dân dã với người dân Quảng Trị. Từ hến, người dân nơi đây có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất vẫn là hến chế biến thành 3 món: bún hến khô, bún hến nước và hến xúc bánh đa.
Để thu hoạch hến, người cào hến phải dậy từ rất sớm. Sau khi có được hến, họ đem ngâm và rửa cho sạch bùn, cát. Sau đó, đem hến đi luộc, đến khi nào thấy vỏ hến tự bung là hến đã chín. Lúc ấy, chỉ việc tách vỏ và lấy phần thịt đem chế biến món ăn.
Nói là thế chứ khâu sơ chế hến thật lắm công phu. Bởi người thợ làm không kỹ thì dễ bị lẫn cát, các chất bẩn còn sót lại cũng phần nào làm món ăn không bảo đảm chất lượng, độ ngon giảm hẳn theo. Thịt hến đạt chuẩn thông thường phải bảo đảm hai yếu tố nước sau luộc trong và không có cát.
Có cái hay mà tôi được chủ các hàng quán bán món hến ở Quảng Trị chia sẻ là hến càng nhỏ thì cho chất lượng món ăn càng ngon và lạ miệng. Về thịt hến, sau khi sơ chế sạch thì đem xào cùng dầu ăn, hành tây và tỏi. Gia vị có chút gia giảm tùy vào từng nơi bán cũng như khẩu vị thực khách nếu có yêu cầu.
Thịt hến sau sơ chế được đem xào với gia vị cho thêm đậm đà.
Video đang HOT
Quay lại 3 món ăn từ hến thì bún hến khô là món ăn cần nhắc đến đầu tiên. Vì ngoài những nguyên liệu đi kèm như bún, đậu phộng và rau thơm, thực khách sẽ ăn kèm cùng xì dầu hoặc tương ớt. Sợi bún dai dai trộn đều cùng đậu phộng rang thơm phức, hòa quyện với vị hến đậm đà khiến món ăn thêm phần hấp dẫn.
Trái ngược với bún hến khô, bún hến nước lại là lựa chọn cho những ai yêu thích hương vị thanh thanh và ngọt dịu. Nước dùng được nấu từ hến phù hợp để thưởng thức trong những ngày nóng bức. Chỉ đơn giản là bún, thêm chút hến và rau thơm cắt mịn, nhúng trong nước dùng ngọt thanh cũng đủ để khiến bao người nhớ nhung đến thổn thức.
Sau cùng là đến món hến xúc bánh đa thân quen. Thật sự tìm hiểu về văn hóa ẩm thực vùng miền thì được hay hến xúc bánh đa có ở nhiều nơi, phổ biến là các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, trong chuyến du lịch đến TPHCM cách đây hai năm, tôi vẫn thấy nhiều nơi bán món này.
Với hến xúc bánh đa, thực khách sẽ được thỏa mãn thị giác với hàng trăm mẩu thịt hến rải đều khắp đĩa (món này thường được phục vụ trong đĩa), hay có đôi khi nằm hẳn trong lòng một mẩu bánh đa. Người dân Quảng Trị khi dùng món này thông thường phải có thêm rau thơm, đậu phộng để lấy thêm vị thanh mát từ rau cũng như chút béo bùi từ đậu phộng. Kể thêm về bánh đa thì so với nơi khác, bánh đa Quảng Trị thường dày, to, tròn và đặc biệt là nhiều lớp mè phủ lên bánh.
Quay về câu chuyện bún hến ở trên, trong khi bún hến Huế thường có bắp chuối ăn kèm và cay nhiều thì bún hến Quảng Trị cho vị thanh ngọt, ít cay và không dùng kèm bắp chuối.
Nếu có dịp ghé thăm Quảng Trị, đặc biệt là làng Mai Xá, huyện Gio Linh, du khách không khó để tìm thấy những hàng quán bán bún hến và hến xúc bánh đa. Đây cũng là vùng đất đầu tiên làm nên tên tuổi của những món ăn được chế biến từ hến địa phương.
Quả thật, chỉ từ một món ăn chơi, dần dần, hến xúc bánh đa trở thành món ăn không thể thiếu trên mâm cơm gia đình Quảng Trị. Hay như bún hến được xem như món ăn chính, có thể dùng vào bất kỳ buổi nào trong ngày cũng đều hợp vị.
Bản đồ ẩm thực: Dân dã cơm chiên muối ớt xanh Phú Yên
Tôi tới thăm Phú Yên vào những ngày đầu của năm mới - 2022. Dù chuyến đi khá ngắn và kết hợp với một số công việc khác, tôi vẫn tranh thủ thưởng thức được kha khá đặc sản của nơi này như bánh canh hẹ, cá ngừ đại dương, bò một nắng, gỏi cá dẫu... Tuy nhiên, ấn tượng nhất phải kể tới cơm chiên muối ớt xanh.
Vốn dĩ, tôi không hề biết tới món ăn này trước đó. Bởi lẽ cơm chiên chưa bao giờ nằm trong danh mục yêu thích, vị ớt cay nồng lại càng không.
Tôi nghe đến cơm chiên muối ớt xanh từ người chồng của mình, anh bị ấn tượng bởi món này từ mấy lần tới Phú Yên trước đó. Trong bữa ăn cuối trước khi rời nơi đây, tôi được nếm thử đồ ăn dân dã ấy tại một quán gần quảng trường. Tôi xúc những muỗng đầu tiên trong vô thức, rồi bị lôi cuốn tới muỗng cuối cùng lúc nào không hay.
Đĩa cơm có màu xanh nhạt đẹp mắt, cơm mang độ mềm vừa đủ, lại lẫn những hạt chiên giòn xốp như cơm cháy trong khi gia vị đậm đà đượm trong từng hạt. Vị hăng hăng, cay cay của ớt xanh ẩn hiện tinh tế tựa cuộc trốn tìm của vị giác. Một đĩa cơm chiên muối ớt xanh tại đây có giá bốn mươi ngàn đồng, thấp hơn nhiều so với cơm chiên hải sản hay cơm chiên dưa bò... Dù vậy, hương vị dân dã vẫn đem tới một ấn tượng khó quên.
Hỏi thăm chủ quán mới hay, cơm nguội dùng để chiên cùng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới độ ngon của món ăn. Cơm nên được nấu từ loại gạo thơm ngon, có độ dẻo nhưng không nở để tạo độ tơi. Cơm nấu để nguội qua đêm cũng là một bí quyết giúp tạo độ khô vừa phải cho hạt cơm chiên, đồng thời vẫn giữ được kết cấu mềm và hương thơm.
Loại ớt được sử dụng để chế biến món cơm chiên này là ớt xiêm xanh, to bằng khoảng đầu một chiếc đũa. Nó mang đến vị cay the vừa phải nơi đầu lưỡi, điểm xuyết thêm chút vị ngọt thanh. Vì thế, ngay cả người không ưng đồ cay cũng dễ dàng thưởng thức. Ớt xiêm được rửa sạch và giã nhuyễn cùng muối ta sẽ có loại muối ớt xanh làm gia vị chính cho món ăn.
Tôi có hỏi cô bé người gốc Phú Yên địa chỉ quán ăn nổi tiếng về món cơm chiên muối ớt xanh này thì mới hay ở đây quán nào cũng có. Nó không hẳn là kiểu đặc sản địa phương mà dân bản địa nơi đây thường giới thiệu với du khách như cơm gà, mắt cá ngừ đại dương, cháo hàu... Cơm chiên muối ớt xanh đối với tôi là người bạn vô tình gặp gỡ trên hành trình du lịch tới xứ hoa vàng cỏ xanh này. Người bạn ấy có dáng vẻ bình dị nhưng có nét lôi cuốn tiềm ẩn, tiếp xúc một lần là không thể nào quên.
Bản đồ ẩm thực: Mát lòng bánh ướt An Lạc đất Quảng Trị Mang dấu ấn của ẩm thực miền Trung, bánh ướt An Lạc "ghi điểm" trong lòng thực khách bằng hương vị đậm đà và màu sắc bắt mắt. Nhiều người thường đùa rằng, đến Quảng Trị mà chưa nếm thử món ăn này nghĩa là chưa thực sự trải nghiệm văn hóa ẩm thực nơi đây. Sở dĩ, món ăn có tên gọi...