Bản đồ ẩm thực: Đến Củ Chi thử món bò ngon như bò “Kobe”
Được mệnh danh là vùng đất thép anh hùng, Củ Chi (TPHCM) không chỉ có những di tích lịch sử hào hùng mà nơi đây còn có nhiều món ăn hấp dẫn. Ngoài cháo lươn môn, dế chiên hay nước mía sầu riêng thì bò tơ nơi đây được ví như thịt bò “Kobe” Nhật Bản.
Thật vậy, khi nhắc về ẩm thực Củ Chi, nhiều người thường nghĩ ngay đến bò tơ. Dù biết bò tơ thì nhiều tỉnh, thành cũng có nuôi và bán lấy thịt nhưng để trở thành định danh ẩm thực như cái tên Bò tơ Củ Chi thì quả thật không nhiều nơi làm được.
Dọc đường hành trình du lịch về Tây Ninh, bạn sẽ bắt gặp nhiều hàng quán bán bò tơ ở dọc quốc lộ 22. Có khi là những quán ăn đồng quê, không gian thoáng mát bán nhiều món ăn từ bò tơ hay chỉ đơn giản là những sạp bán thịt bò tơ ven đường treo những tảng thịt tươi roi rói.
Video đang HOT
Theo chia sẻ của anh bạn đầu bếp người địa phương, sở dĩ bò tơ Củ Chi nổi tiếng là bởi vì nó cũng có những nguyên tắc riêng để giữ gìn thương hiệu. Đầu tiên, bò tơ được chọn phải trong độ tuổi từ 5 đến 6 tháng, khá sớm so với độ tuổi trung bình để lấy thịt là 16-24 tháng. Trong độ tuổi này thịt bò có độ mềm, ngọt thơm mùi sữa bởi còn ở giai đoạn uống sữa mẹ.
Chia sẻ thêm về cách nhận biết thịt bò tơ Củ Chi, anh bạn này cho rằng có thể quan sát bằng mắt và sờ vào thịt để kiểm tra. Cụ thể, bò tơ có thịt màu trắng, lớp da mỏng hơn so với thịt bò trưởng thành có thớ thịt màu đỏ hồng và da dày; cộng thêm lỗ chân lông của bò tơ nhỏ, màu trắng cũng là đặc điểm dễ nhận dạng.
Luận bàn về chất lượng thịt đã thấy “thèm”, giờ thì vào trọng tâm bò tơ sẽ làm thành những món gì thì mới thấy kể sao cho xiết. Do thịt mềm, mọng hương sữa nên bò tơ có thể ứng dụng làm nhiều món ăn.
Có một câu thành ngữ vui nói về chuyện này là “Nhât nương, nhì chiên, tam xào, tư luôc”. Nếu bạn thích món nướng thì sẽ có ngay bò nướng Y (thịt cắt theo từng miếng to, ướp sơ qua với ít dầu ăn và tỏi). Với cách chiên thì bò tơ chiên nước mắm sẽ là gợi ý mà chủ quán đưa ra.
Về xào thì thật sự không thể kể hết bởi thịt bò tơ phù hợp với nhiều loại rau, củ nên cứ theo sở thích của mình mà gọi món. Còn lại “tứ luộc” thì cũng là cách ăn nhiều người yêu thích bởi nó vẫn giữ nguyên vẹn hương vị của thịt bò. Tùy vào mỗi cách chế biến mà nguyên liệu ăn kèm cũng đa dạng, như món luộc thì nhất định phải có bánh tráng, đĩa rau sống, chén nước chấm mới gọi là chuẩn vị.
Nếu đang sinh sống ở TPHCM và một số vùng lân cận thì còn chần chừ gì mà không chuẩn bị thử một chuyến du lịch đến Củ Chi để biết nhiều hơn về lịch sử qua những khu di tích và được thưởng thức món bò thơm ngon được ví như bò “Kobe” của Nhật Bản.
Bản đồ ẩm thực: Hủ tiếu chiên giòn, món ngon đất Tây Đô
Được sáng tạo bởi một cơ sở sản xuất hủ tiếu truyền thống tại TP Cần Thơ, hủ tiếu chiên giòn dần trở thành món ăn độc đáo giữa muôn vàn món ăn truyền thống của miền Tây sông nước.
Món ăn này có nguồn gốc từ lò hủ tiếu truyền thống Sáu Hoài nghĩ ra để tạo thêm điểm nhấn cho cơ sở của mình cũng như TP Cần Thơ. Và rồi những năm gần đây, hủ tiếu chiên giòn được nhiều lò sản xuất hủ tiếu khác đón nhận và chế biến để phục vụ du khách mỗi khi ghé thăm.
Nhìn qua về bề ngoài món ăn, có người thì cho rằng nó khá giống với món mì xào giòn của người Hoa với sợi bánh được chiên giòn rụm. Còn với du khách phương Tây thì lại đặt cho nó cái tên khá là Tây phương "pizza hủ tiếu".
Có một điều hay về hủ tiếu chiên giòn là du khách sẽ được tận mắt theo dõi cách chiên bánh ngoài việc thăm thú quy trình sản xuất hủ tiếu cũng như thưởng thức những loại trái cây miệt vườn. Theo đó, bột sau khi tráng chín trên lò, đem đi phơi khô trên mành tre rồi xắt thành sợi đều nhau bằng máy xắt tự động.
Khi có thực khách yêu cầu, thợ nấu sẽ cho một nhúm bánh hủ tiếu vào chảo ngập dầu sôi ùng ục. Dưới bàn tay điêu luyện của họ, thoáng chút những chiếc bánh phồng lên theo từng khối hình tròn đẹp mắt. Nếu muốn thử sức làm hay chiên bánh thì du khách cũng sẽ được chủ quán hướng dẫn thử qua một lần.
Về nhân ăn kèm thì cũng tùy nơi bán. Có chỗ thì chỉ đơn giản thêm chút chà bông rồi ăn như cơm cháy chà bông. Có nơi thì chiên thêm quả trứng, cho thêm miếng thịt khìa nước dừa, rắc thêm ít đậu phộng rồi thưởng thức cùng rau giá kèm chén tương ớt. Mỗi "topping" đều có hương vị riêng nhưng tựu chung lại thì sự giòn tan trên đầu lưỡi khi thưởng thức bánh mới là cái níu chân thực khách.
Ngoài phục vụ tại chỗ, một số nơi bán còn chiên bánh và đóng sẵn túi để du khách có thể mua về làm quà, chiêu đãi người thân hay họp mặt bạn bè trong những ngày lễ, cuối tuần. Có dịp ghé thăm những làng nghề sản xuất hủ tiếu tại Cần Thơ, ngoài hủ tiếu chiên giòn, mọi người cũng nên thử qua món hủ tiếu nước truyền thống với sợi bánh làm từ lá dứa, bột nghệ, gạo lứt.
Bản đồ ẩm thực: Bột chiên Sài Gòn, món ăn vặt lạ mà quen Trong những món ăn vặt được người dân TPHCM yêu thích thì bột chiên luôn được nhắc đến bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng. Theo nhiều nguồn tư liệu, bột chiên có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa. Khi du nhập vào Việt Nam, nó đã trở thành món ăn vặt ở một số tỉnh, thành. Trong đó, TPHCM có lẽ...