Bạn đến nhà, mẹ đừng làm con quê!
Mẹ giật mình. Cuộc sống bận rộn nhiều áp lực, đôi khi mẹ cũng quên kiềm chế bản thân, gắt gỏng và trút giận lên con.
Con gái vào bếp phụ mẹ lặt rau, xong lại quay sang đề nghị để con chiên cá. Thường có bao giờ con siêng chuyện nấu nướng đâu. Mẹ biết con có gút mắc gì đó muốn chia sẻ. Nhưng mẹ làm ngơ, vui vẻ nói toàn chuyện linh tinh.
Sau một lúc bấm bụng nghe mẹ nói, con không giữ bí mật được nữa, bắt đầu dò xét: “Ví dụ mai mốt con có bạn đến nhà chơi, mẹ đừng làm con quê nha!”.
Rồi con kể, nhóm bạn của con vừa có thêm một bạn mới. Bạn tốt bụng và rất đáng thương. Có lần, cả nhóm đến nhà cô giáo chủ nhiệm. Nhà cô nằm trong hẻm sâu nên cả nhóm đi lạc. Một bạn đồng trang lứa đã nhiệt tình giúp đỡ, dẫn các con đến tận nhà cô.
Chơi với nhau một thời gian, nhóm bạn con ghé thăm bạn. Lúc đó, bạn vừa đi học về, cả nhà cũng mới ăn trưa xong, đang ngồi coi ti vi, còn chưa dọn dẹp. Người bạn sốt sắng chạy xuống bếp, định lấy thêm thức ăn đãi khách. Không thấy mọi thứ được cất ở đâu nên bạn hỏi vọng lên nhà trên.
Mẹ chính là người đã học hỏi được nhiều điều từ con. (Ảnh minh họa)
Sau vài lần trả lời, mẹ bạn phát bực, hét toáng lên rằng cô không phải người ở đợ trong nhà, thức ăn đã hết sạch rồi. Cô không có trách nhiệm hầu hạ những ai về trễ, càng không có trách nhiệm lo chuyện ăn chuyện uống của mấy đứa không quen… Bà nội của bạn thì dửng dưng nói: “Đói thì ra đầu hẻm mua gói mì tôm”. Chưa hết, ba bạn còn gầm ghè: “con nít, mới nhiêu đó tuổi đã bày đặt bạn bè…”.
Cả nhóm im lặng, lấm lét nhìn nhau, cảm giác như có lỗi. Người bạn mới nước mắt lưng tròng, ráng nhịn nhưng không kiềm được, bật khóc, lao ra khỏi nhà. Nhóm bạn con vội vàng chào người lớn để đi theo bạn. Đáp lại là những gương mặt lạnh băng, như muốn xua đuổi. Biết bạn không có tiền, nhóm đã hùn tiền lại rủ bạn đi ăn. Mọi người cố gắng vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sau lần đó, bạn bè thân thiết hơn, các con cảm thấy thương người bạn ấy vô cùng. Sinh nhật bạn, cả nhóm mua bánh kem và thức ăn rồi ra ngồi ở bãi cỏ công viên chứ không dám theo bạn về nhà. Bởi người thân cư xử như vậy nên bạn không còn dám đưa ai về nhà chơi.
“Sợ quá mẹ ạ. Nếu là con, con sẽ xấu hổ, tủi thân lắm. Tại sao gia đình nỡ đối xử với bạn ấy như vậy? Mai mốt con có bạn đến nhà chơi, mẹ đừng làm con quê nha!”, con gái lặp lại một lần nữa lời đề nghị. Mẹ giật mình. Cuộc sống bận rộn nhiều áp lực, đôi khi mẹ cũng quên kiềm chế bản thân, gắt gỏng và trút giận lên con. Đã vài lần bị mẹ mắng oan, con chỉ biết im lặng chịu đựng. Có lúc bị bà nội cằn nhằn, mẹ bực tức, bao nhiêu ấm ức đem đổ hết lên thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Đổ rồi mẹ quên, còn con thì giữ trong lòng, lâu lâu lại nhắc khéo.
Hôm nay, nghe câu chuyện bạn của con, mẹ nhận ra mình còn nhiều điều phải sửa… Con vẫn băn khoăn, hỏi mẹ rằng, nhóm con phải làm gì để giúp đỡ người bạn ấy, để gia đình không còn đối xử với bạn kiểu đó nữa. Mẹ không biết trả lời thế nào. Dù con có quý bạn đến đâu thì cũng không thể xen vào chuyện nhà của bạn. Các con chỉ có thể chơi thân với nhau hơn, thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tạo một chỗ dựa tinh thần cho bạn.
“Cũng có khi lúc đó, gia đình họ đang căng thẳng, nên mới có thái độ như vậy. Không chừng sau khi tụi con ra về, họ đã nhận ra cái sai và có cách chuộc lỗi…”, nhận thấy con vẫn chưa hết băn khoăn, mẹ đành an ủi như vậy.
Theo phunutoday.vn
La La Land Câu chuyện chân thực của những kẻ mộng mơ
Bộ phim không dạy chúng ta bài học về sự cố gắng hay tuổi trẻ hết mình vì đam mê mà nhắc ta rằng: bạn à, hãy lắng nghe bản thân mình, thấu hiểu nó và sống chân thành với trái tim.
Nghe bài hát City of Stars (nhạc phim La la Land)
Vào rạp muộn gần 30 phút, tôi đã bắt gặp ngay ánh mắt mê đắm của Mia khi nhìn gã nhạc công cô độc, thả trôi tất cả trong dòng nhạc Jazz mênh mang, mênh mang. Tôi đã phải lòng ngay lập tức ánh mắt ấy, phải lòng sự hòa quyện hoàn toàn của những ngón tay lướt trên các phím đàn, của sự cô độc mà bản nhạc buồn ôm trọn người đàn ông kia, của sự chuyên tâm say mê mà người nghệ sĩ lan tỏa,...
Từ giây phút bắt gặp nhau trong đời ấy, hai con người đứng bên rìa đời dường như được sắp đặt để xen lồng vào cuộc sống của nhau. Họ xa lạ nhưng đồng điều.
Họ bắt gặp nhau trong những tháng ngày khó khăn của cuộc sống, trong sự bế tắc của sự nghiệp, trong cái chênh chao của tuổi trẻ. Khi người ta hoang mang bởi những ngã rẽ và mệt mỏi với tất cả người ta cần tình yêu. Như cậu bạn ghế bên đã nói với tôi rằng: " Ai cũng vậy, chúng ta luôn sống cần có nhau, thấy nhau, để cảm thông, để thấu hiểu, để chân thành, để khóc, để cười rồi để yêu".
"Thành phố ngôi sao
có phải đang chiếu sáng cho riêng tôi?
Thành phố ngôi sao
tôi chẳng thể nào đếm xuể
Ai biết chứ
liệu đây có phải khởi đầu cho những điều tốt đẹp?
hay lại là một giấc mơ
tôi chẳng thể nào nắm giữ
Thành phố ngôi sao
có phải đang chiếu sáng cho riêng anh
Một giọng hát cất lên rằng "tôi sẽ ở đây"
và bình an đến với người
chẳng bận tâm đến chuyện
mai này tôi sẽ về đâu"
Con người mà, trong những tháng ngày chông chênh, ta luôn cần một chỗ dựa tinh thần.
Nhưng La La Land - không đơn thuần chỉ là câu truyện của tình yêu. Đó là câu truyện của cuộc đời.
Tình tiết diễn biến rất nhanh, nhưng mạch cảm xúc trong phim lại vô cùng chậm rãi. Không nút thắt, không kịch tính. Có những khi tôi tưởng xung đột phim sẽ đẩy lên cao trào nhưng không. Mạch phim cứ nhẹ nhàng như thế, lãng mạn như thế nhưng lại rất chân thực, rất đời.
Tôi thích cách bộ phim khắc họa nỗi sợ hãi của Mia. Khi cô trôi tuột trong đám đông, hoang mang trong dòng người hò reo phấn khích theo nhạc. Khi cô thường xuyên một mình trong mùa đông lạnh lẽo, một mình cố gắng với tương lai mông lung. Khi cô nhìn thấy giấc mơ của Seb đã khép lại. Khi cô một mình nếm trải sự lo lắng, rồi lại một mình nếm trải sự thất vọng trong thất bại ê trề....
"Em chỉ yêu anh khi anh còn thất nghiệp vì khi đó em thấy bản thân tốt hơn phải không?"
Câu nói của Seb không hoàn toàn đúng nhưng nỗi sợ hãi trong Mia là có thật.
Cô sợ hãi, sợ Seb đã thay đổi, sợ Seb đánh mất lý tưởng sống của bản thân, sợ Seb mất đi niềm vui trong cuộc sống,...nhưng hơn hết thảy cô sợ Seb đã cách cô quá xa.
Đàn ông luôn mong muốn rằng có thể bao bọc, chở che cho người phụ nữ của mình. Bởi vậy luôn phấn đấu buộc mình phải thành công mới cảm thấy đủ tốt, đủ mang lại hạnh phúc cho cô ấy. Dù là một người không chạy theo số đông, không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình như Seb cũng không ngoại lệ. Nhưng đàn ông lại không biết rằng phụ nữ rất hay bất an. Là không đủ tự tin, không đủ tin tưởng, sinh ra lo sợ. Lo sợ một người đã cách mình quá xa. Càng ngày càng xa, không cách nào đuổi kịp. Sự sợ hãi ấy làm người ta hoang mang hơn, mệt mỏi hơn, sốt ruột hơn và tuyệt vọng hơn....
Mia đã đau khổ biết nhường nào khi trong vở độc diễn đầu tiên đầy hồi hộp và lo lắng, người dạy cô cách mặc kệ đám đông, người khán giả cô tin tưởng duy nhất lại vắng mặt, người kéo cô thoát khỏi nỗi sợ người khác không thích mình lại để cô cô độc rơi vào cái hố sâu ấy một lần nữa. Và sau chừng ấy tuyệt vọng, cô về nhà. Chao ôi, bộ phim! Sao nó lại chân thực đến thế?
Còn Seb? Mia đã từng lo sợ Seb đánh mất đam mê, đánh mất ước mơ, đánh mất niềm vui sống. Vậy Seb có thực sự vui vẻ không? Cậu bạn ghế bên bảo tôi "Anh ấy đã thực sự hạnh phúc, hạnh phúc với những gì anh ấy đang làm, hạnh phúc trong thành công và sự nổi tiếng." Kể cũng phải. Nghệ sĩ ai mà lại không muốn được đón nhận? Mia cũng đã lo sợ rằng Seb đã thay đổi, lo sợ rằng Seb đã đánh mất bản thân. Cậu bạn ghế bên lại hỏi tôi: "Liệu có phải anh ấy đã thay đổi không? Seb vẫn là Seb thôi." Tôi cũng không biết Seb có thay đổi không. Tôi đã tưởng tượng rằng Seb sẽ đi xa hơn nữa. Và có lẽ bi kịch sẽ xảy ra và hai người sẽ chia tay trong đau khổ. Nhưng không, nhịp phim vẫn cứ nhẹ nhàng như thế. Và rồi, Seb lại quay lại thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu, quay lại với kiểu nghệ thuật mà anh luôn theo đuổi, quay lại là Seb-một nghệ sĩ yêu Jazz cổ điển chân chính. Và một lần nữa bộ phim lại khắc họa nỗi bất an của phụ nữ. Mia đã chẳng thể chịu đựng sự bất an của cuộc sống cô độc dù vật chất đã đủ đầy, dù ánh đèn sân khấu giờ đây đã rực rỡ vây quanh cô. Cô đã chẳng thể thắng nỗi thời gian....
Họ đã đi cùng nhau trong những tháng ngày khó khăn nhất của tuổi trẻ nhưng lại không thể năm tay nhau đi đến hết cuộc đời. Sep và Mia của sau này, họ có tất cả, chỉ là không có nhau. Nhưng phải chăng họ sẽ mãi mãi là một phần thanh xuân tươi đẹp trong kí ức của đối phương. Có lẽ ai cũng có một tình yêu như vậy. Một tình yêu tuổi trẻ dở dang đầy nuối tiếc. Một tình yêu "vượt qua mùa đông" nhưng lại "gục chết sau đêm mùa xuân". Một tình yêu mà mỗi khi ta nhớ lại đều bất giác mỉm cười nhưng kèm theo đó lại là một tiếng thở dài.
Bản độc tấu "City of star" của Sep gần cuối phim, như môt nốt lặng để kết thúc câu chuyện tình yêu của tuổi trẻ, để đưa người xem lạc vào tâm trí của nhân vật mà trầm mặc thốt lên rằng "giá như"...
Xuyên suốt cả hành trình, mạch phim cứ nhẹ nhàng như vậy, cảm xúc người xem chẳng bao giờ được đẩy lên cao trào. Chỉ duy nhất một phân đoạn khiến tôi xúc động rưng rưng. Đó là khi câu chuyện về người dì được kể lại. Bỗng nhiên cảm thấy bi thương. Cuộc đời những kẻ mộng mơ luôn chênh chao như vậy sao? Dễ gì đâu tìm thấy được một kẻ đồng điệu? "Nhưng thế giới luôn cần những kẻ mộng mơ." Bởi thế giới cần sống chứ không chỉ cần tồn tại.
Bộ phim không dạy chúng ta bài học về sự cố gắng hay tuổi trẻ hết mình vì đam mê mà nhắc ta rằng: bạn à, hãy lắng nghe bản thân mình, thấu hiểu nó và sống chân thành với trái tim.
Trịnh Minh Hằng
Theo blogradio.vn
Tôi xây nhà to đẹp nhưng vợ chồng con trai nhất định không ở cùng Vợ chồng tôi đã về hưu, tiền thoải mái, nhà đẹp nhưng chẳng vui nổi khi các con nằng nặc ra riêng. Hai năm trước, khi con trai chuẩn bị lấy vợ, tôi đã xây một căn nhà 3 tầng khang trang, mỗi tầng đều có 2 phòng. Cứ nghĩ như vậy là hoàn thành hết trách nhiệm làm cha mẹ rồi, khi...