Bán đất trái thẩm quyền, nguyên Bí thư xã bị khởi tố
Theo nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, cơ quan này vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Trọng Kiện – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan chức năng cũng khởi tố bị can đối với Kế toán trưởng Nguyễn Khắc Hùng về cùng tội danh.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra Công an Nghệ An, vào tháng 12.2011, ông Nguyễn Trọng Kiện (lúc đó là Bí thư xã Phúc Thành) đã chủ trì cuộc họp, thống nhất chủ trương bán một số lô đất tại chợ An Mọ trên địa bàn. Đến ngày 5.1.2012, xã Phúc Thành họp xét duyệt bán 49 lô đất tại chợ An Mọ và tại 20 xóm.
Quá trình điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 1.2012 đến cuối năm 2016, UBND xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bán 283 lô đất trái thẩm quyền (năm 2012, xã Phúc Thành bán 104 lô đất; năm 2013 bán 59 lô; năm 2014 bán 66 lô; năm 2015 bán 55 lô và năm 2017 bán 19 lô). Tổng diện tích đất xã Phúc Thành tự bán là 88.539m2, thu hơn 22 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách xã hơn 14,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại các xóm tự thu tự chi.
Những lô đất tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã được lãnh đạo xã bán trái thẩm quyền.
Với những sai phạm trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã quyết định khởi tố nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thành Nguyễn Trọng Kiện và Kế toán trưởng Nguyễn Khắc Hùng (kế toán từ năm 2014 đến nay) về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Trọng Kiện để điều tra.
Trước đó, ngày 20.5, Dân Việt đã đưa tin Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can đối với ông Đinh Văn Dương (SN 1963, nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Thành); Nguyễn Văn Quyết (SN 1970, nguyên Kế toán trưởng giai đoạn 2012-2013); Tống Hữu Tình và Nguyễn Văn Trung (nguyên cán bộ địa chính xã Phúc Thành).
Video đang HOT
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Nghệ An mở rộng điều tra.
Theo Danviet
Tín dụng đen khó xử lý triệt để
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, các hoạt động tín dụng đen diễn ra ở nhiều địa phương và kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, việc xử lý hoạt động này khó triệt để và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã lên tiếng cảnh báo nhưng tình trạng vỡ nợ liên quan đến "tín dụng đen" vẫn liên tiếp diễn ra. Trong vòng 3 năm (2012 - 2015), toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ phường, hụi tại 14/21 huyện, thành, thị, với số tiền thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỉ đồng. Năm 2016, các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Anh Sơn tiếp tục xảy ra các vụ vỡ phường, hụi. Năm 2018, ghi nhận 5 vụ vỡ nợ tại các huyện Yên Thành (3 vụ), Thanh Chương, thị xã Cửa Lò và TP Vinh với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Hiện trường một vụ "siết nợ" sau khi vỡ hụi ở xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào cuối năm 2017
Theo đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, các hoạt động tín dụng đen diễn ra ở nhiều địa phương. Khi các hoạt động tín dụng đen này bị vỡ, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn gia đình bị thiệt hại, gây nên những bất ổn về trật tự xã hội trên địa bàn.
Thời gian gần đây, hoạt động tín dụng đen có xu hướng lan về các làng quê nghèo. Với mức lãi suất hấp dẫn, thủ tục được rút gọn 1 cách tối đa, thậm chí các quy định hết sức lỏng lẻo nên nhiều người dân sẵn sàng mang tiền mặt, sổ đỏ để tham gia phường hụi. Bởi vậy, khi xảy ra vỡ nợ, hàng trăm gia đình bỗng chốc trắng tay, gia đình ly tán. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng hết sức phức tạp khi một lượng không nhỏ thành viên các phường, hụi tới nhà chủ phường đòi nợ, siết nợ...
Ngoài việc tổ chức phường hụi với mức lãi suất cao để thu hút người dân tham gia, vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện một hình thức huy động vốn khá mới từ các cá nhân, tổ chức không có chức năng huy động vốn đó là phát hành sổ tiết kiệm với nhiều kỳ hạn.
Với mức lãi suất cao, thủ tục nhanh chóng cùng với cuốn sổ tiết kiệm, các cá nhân, tổ chức này đã thu hút được một số lượng không nhỏ người dân tham gia. Đến khi tuyên bố vỡ nợ, người dân mới tá hỏa khi biết rằng cuốn sổ tiết kiệm mà mình đang giữ không có giá trị pháp lý. Vụ việc xảy ra đối với gần 100 hộ dân ở hai huyện Yên Thành, Nghi Lộc gửi "tiết kiệm" ở Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên (Yên Thành) là một ví dụ.
Sổ tiết kiệm cho một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc phát hành huy động tiền gửi từ người dân. Tuy nhiên hiện tại sau 3 năm gửi tiết kiệm ở đây, người dân đang có nguy cơ mất trắng tiền do không thể tất toán
Từ năm 2015, gần 100 hộ dân ở hai địa phương này đã thực hiện việc gửi tiết kiệm tại doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên. Họ được cấp sổ tiết kiệm ghi rõ số tiền, mức lãi suất, kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, khi người dân có nhu cầu rút tiền thì bị chủ doanh nghiệp này lần lữa không trả. Năm 2017, doanh nghiệp này từ chối tất toán các sổ tiết kiệm cho những hộ dân nói trên.
Theo thống kê của 83 hộ dân có tên trong đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc này thì tổng số tiền họ gửi tại đây lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc nhưng bức xúc trước việc hàng tỉ đồng của mình có khả năng biến mất, thỉnh thoảng người dân lại kéo đến trụ sở doanh nghiệp này để đòi tiền buộc cơ quan chức năng phải cử lực lượng đến đảm bảo an ninh trật tự.
Nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen được chỉ ra là do người dân không nhận thức được rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn của việc vay lãi suất. Việc cho vay chỉ là giao dịch dân sự nên cơ quan chức năng nói chung và lực lượng công an rất khó phòng ngừa, phát hiện, và thường khi xảy ra tranh chấp mới nắm bắt được.
Bên cạnh đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng đối với hoạt động tín dụng đen vẫn còn nhiều yếu kém. Thực tế cho thấy chỉ đến khi đa số vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra lúc đó chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Khi đó, hậu quả xảy ra đã quá lớn.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: Hành lang pháp lý để xử lý hoạt động tín dụng đen chưa rõ ràng
Việc phát hiện các hoạt động tín dụng đen rất khó, hầu như khi xảy ra vỡ nợ, cơ quan chức năng mới có thể nắm bắt được. Tuy nhiên, khi các vụ vỡ nợ xảy ra, xử lý như thế nào cũng là vấn đề khiến cơ quan chức năng đau đầu. Hiện tại, những quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng đen còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
"Về hành lang pháp lí vẫn chưa rõ ràng nên cơ quan chức năng khó khăn khi xử lý vụ việc. Nếu xác định có dấu hiệu gian dối ngay từ đầu thì có thể đưa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai là đưa về tội lạm dụng tín nhiệm tài sản nếu xác định sau khi vay được rồi mà có tính chất chiếm đoạt. Cuối cùng thông thường là xử lý về mặt dân sự. Cho nên nhiều lúc không xử lý triệt để được", Đại tá Nguyễn Hữu Cầu thừa nhận.
Người đứng đầu cơ quan công an tỉnh Nghệ An cũng cảnh báo, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện nghề kinh doanh tài chính. Và nếu nghề này phát triển như thời điểm hiện nay thì sắp tới hoạt động cầm đồ sẽ chuyển sang hình thức này. "Đây có thể nói là một trong những điều kiện để tín dụng đen tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta không quản lý, không đảm bảo sớm thì hậu quả sẽ rất nặng nề", Đại tá Cầu cho biết.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Bán đất trái thẩm quyền, chủ tịch xã và 3 thuộc cấp bị khởi tố Sáng 20.5, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, cơ quan điều tra Công an huyện Yên Thành đã ra quyết định khởi tố ông Đinh Văn Dương, nguyên Chủ tịch xã Phúc Thành và 3 đồng sự liên quan đến việc bán 283 lô đất trên địa bàn xã trái thẩm quyền Theo đó, cơ quan...