‘Bán đảo’ – cái xác vô hồn của ‘Train to Busan’
Chưa cần so sánh nhiều với “ Train to Busan”, bản thân “Peninsula” là một tác phẩm mắc phải rất nhiều vấn đề khi đứng độc lập.
Trailer bộ phim ‘Bán đảo’ Phần hậu truyện của bộ phim xác sống nổi tiếng “Train to Busan” (2016).
Peninsula lấy bối cảnh bốn năm sau các sự kiện trong Train to Busan. Nhân vật chính trong phim là Jung-seok (Gang Dong-won) – một cựu Đại úy thủy quân lục chiến Hàn Quốc đang tị nạn tại Hong Kong. Khi đại dịch bùng phát, anh từng phải tận mắt chứng kiến chị gái và cháu trai biến thành xác sống.
Mang mặc cảm tội lỗi, Jung-seok nhận lời cùng anh rể Chul-min (Kim Do-yoon) quay trở lại Hàn Quốc nhằm tìm kiếm chiếc xe tải chứa 20 triệu USD cho một nhóm giang hồ. Nhiệm vụ thoạt nhìn có vẻ tương đối dễ dàng khi xác sống không nhìn thấy gì khi màn đêm buông xuống.
Song, cả hai vô tình lọt vào ổ phục kích của Băng 631 khiến Chul-min bị bắt. Đây vốn là một đơn vị quân đội Hàn Quốc, nhưng nay trở thành băng cướp chuyên bắt những người sống sót đấu với xác sống để mua vui.
Trong khi đó, Jung-seok lại được Min-jung (Lee Jung-hyun) cùng hai con gái của cô là Joon (Lee Re) và Yu-jin (Lee Ye-won) giải cứu. Họ lên kế hoạch cướp lại chiếc xe chở tiền để có thể thoát khỏi bán đảo hoang tàn.
Nội dung tập trung vào mảng hành động
Với bối cảnh bốn năm sau Train to Busan, đạo diễn Yeon Sang-ho đã xây dựng hình ảnh Hàn Quốc như một thế giới hoang tàn, chết chóc. Những kẻ có thế lực như Băng 631 chuyên cướp bóc, giết người để thỏa mãn thú tính. Trong khi đó, những người sống sót khác như Min-jung vừa phải tìm cách sinh tồn giữa bầy xác sống, vừa phải đối đầu với chính đồng loại.
Tuy nhiên, mô-típ hậu tận thế này đã được vô số tác phẩm Hollywood khai thác. Những gì mà Peninsula mang đến không mới mẻ, thậm chí còn hời hợt. Khó khăn trong công cuộc sinh tồn của Min-jung và các con được mô tả chủ yếu qua lời thoại, còn phần hình ảnh lại chưa thể hiện được điều đó.
Peninsula tập trung gần như hoàn toàn cho mảng hành động xuyên suốt thời lượng.
Có một điều đáng ngạc nhiên là Peninsula loại bỏ hầu hết yếu tố kinh dị vốn từng tạo nên thành công cho Train to Busan, mà lại tập trung vào mảng hành động. Trong phần trước, các nhân vật luôn trong tình trạng chạy trốn hoặc nhanh chóng bị giết nếu đụng độ xác sống. Sang đến Peninsula, đám zombie chỉ còn làm nền cho các nhân vật chính đụng độ, bắn nhau.
Lần lượt Jung-seok, Min-jung, hay thậm chí hai cô bé Joon và Yu-jin, đều có thể giết xác sống một cách “chuyên nghiệp”. Nói không ngoa khi phim gần như đã biến dàn nhân vật chính thành “siêu anh hùng”, đơn cử như Joon có thể lái xe một cách điệu nghệ giữa bối cảnh tận thế.
Do đó, Peninsula không mang đến quá nhiều nỗi sợ hãi cho khán giả. Trừ phân cảnh đầu tiên khi Jung-seok chứng kiến đại dịch bùng phát trên một con tàu, phim trôi qua bình bình với những màn đấu súng có chất lượng tầm trung.
Phân đoạn cao trào của bộ phim là cảnh đua xe giữa vùng đất hoang tàn. Song, nó bị kéo dài một cách phi lý và nhàm chán. Không ít lần phim khiến người xem liên tưởng tới loạt Fast & Furious hay Mad Max. Tuy nhiên, kỹ xảo trông còn giả tạo khiến mảng hành động không đạt được hiệu quả mãn nhãn.
Thiếu đầu tư trong việc xây dựng nhân vật
Nhìn lại Train to Busan, khán giả được làm quen với rất nhiều người trên chuyến tàu sinh tử như cha con Seok-woo (Gong Yoo) – Su-an (Kim Su-an), hay cặp vợ chồng Sang-hwa (Ma Dong-seok) – Seong-Kyeong (Jung Yu-mi). Thông qua quá trình sinh tồn, họ chia sẻ câu chuyện riêng để tạo sự kết nối. Do đó, những cái chết đột ngột tỏ ra hiệu quả trong việc lấy đi nước mắt khán giả.
Tuy nhiên, Peninsula không còn đầu tư cho mảng này nữa. Vì dành quá nhiều thời lượng cho phần hành động, phim không còn đủ thời gian để xây dựng mối quan hệ giữa dàn nhân vật đông đảo.
Phim sở hữu dàn nhân vật đông đảo, nhưng không có ai có thể chạm tới trái tim người xem.
Đơn cử như cảm xúc Jung-seok dành cho nhóm Min-jung chỉ xuất phát từ mặc cảm tội lỗi do anh đã từ chối cho họ lên xe bốn năm trước và không có thêm sự phát triển nào xuyên suốt thời lượng phim.
Không những thế, tác phẩm còn sở hữu một dàn nhân vật dạng rập khuôn, cùng hàng loạt cài cắm lộ liễu. Tất cả khiến người xem tinh ý có thể dễ dàng nhận ra ai sẽ bỏ mạng trong tình huống nào.
Khi những cái chết không còn mang tính bất ngờ, đạo diễn Yeon Sang-ho lại cố tình kéo dài những phân đoạn bi kịch nhằm câu nước mắt khán giả một cách thô thiển. Chúng chỉ khiến người xem cảm thấy ngao ngán, mệt mỏi, trong khi lẽ ra họ phải cảm động.
Thay vì tập trung cho một câu chuyện duy nhất, tác phẩm lại tách thành quá nhiều tuyến truyện: về Jung-seok, về Chul-min, về nhóm phản diện Hwang (Kim Min-jae), về Đại úy Seo (Koo Kyo-hwan). Khi thời lượng không đảm bảo, tất cả trở nên hời hợt, nhạt nhẽo và khiên cưỡng.
Dàn diễn viên tài năng dường như bị hoài phí bởi kịch bản phim.
Có lẽ vì thế mà Gang Dong-won cũng không biết phải diễn sao cho hợp lý. Ngoài hình ảnh “cool ngầu” khi chiến đấu với xác sống hay một vài phân cảnh thể hiện sự đau khổ khi mất người thân, tài tử không để lại quá nhiều ấn tượng cho người xem.
Những cái tên như Lee Jung-hyun, Lee Ye-won hay Kwon Hae-hyo cũng bị phí phạm một cách đáng tiếc. Hai cái tên ấn tượng nhất có lẽ thuộc về Lee Re và Kim Do-yoon khi thể hiện được nét ngây thơ nhưng mạnh mẽ của hai cô bé phải sống sót giữa đại dịch xác sống ở độ tuổi còn quá nhỏ.
Nhìn chung, Peninsula không thể vượt qua cái bóng quá lớn của Train to Busan. Nhưng ngay cả khi xét trên tinh thần của một tác phẩm độc lập – điều mà đạo diễn Yeon Sang-ho từng nhấn mạnh trong quá trình quảng bá, đây vẫn là một xuất phẩm chưa xứng tầm bom tấn của điện ảnh Hàn.
'Peninsula' có gì khác 'Train to Busan'?
Trong một phỏng vấn mới thực hiện, đạo diễn Yeon Sang Ho của "Train to Busan" và "Peninsula" đã chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa hai bộ phim.
Peninsula diễn ra bốn năm sau vụ bùng phát dịch xác sống trong Train to Busan. Phần hậu truyện xoay quanh hành trình chạy trốn của một nhóm người còn sống sót giữa Hàn Quốc hoang tàn.
Trailer phim
Phim do Yeon Sang Ho đạo diễn, có sự tham gia của Kang Dong Won, Lee Jung Hyun, Kwon Hae Hyo, Kim Min Jae, Goo Kyo Hwan, Kim Do Yoon, Lee Re và Lee Ye Won. Nam diễn viên Kang Dong Won vào vai cựu quân nhân Jung Suk.
Xác sống không phải mối đe dọa chính trong hậu truyện
Anh quay về Hàn Quốc để thực hiện một nhiệm vụ săn thưởng và phát hiện ra một nhóm người sống sót. Hai bên đã kề vai sát cánh chống lại binh đoàn xác sống khát máu cũng như những con người biến chất.
Peninsula đưa khán giả quay trở lại vùng đất hoang tàn vì nạn xác sống. Ảnh: Next Entertainment World.
Bộ phim được kỳ vọng là bom tấn vực dậy phòng chiếu nhiều quốc gia sau quãng thời gian đình đốn vì dịch bệnh. Đạo diễn Yeon Sang Ho tiết lộ chưa bao giờ nghĩ tới việc lùi lịch chiếu và luôn tin rằng tác phẩm mới có thể ra mắt vào tháng 7. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ bộ phim sẽ đánh dấu sự bắt đầu phục hồi của nền điện ảnh".
Vì Peninsula là phần hậu truyện của Train to Busan, theo lẽ thường, bộ phim sẽ dễ sử dụng xác sống làm yếu tố câu khách quan trọng. Tuy nhiên, theo lời đạo diễn Yeon Sang Ho, vai trò của quân đoàn xác sống trong phim trên thực tế không lớn đến vậy:
"Xác sống trong Peninsula thực ra không phải một mối nguy quá lớn. Nếu khán giả ở vào vị trí của Jung Suk khi quay lại Hàn Quốc sau bốn năm, họ sẽ chỉ cảm thấy nơi đây bi thương và ma quái, bởi những xác sống trong Train to Busan cũng có câu chuyện riêng của chúng".
Bộ phim cho thấy sức sống mãnh liệt của trẻ em
Vị đạo diễn cũng hé lộ thêm về góc nhìn của nhân vật trong bộ phim. "Không khí căng thẳng trong phim hoàn toàn bị phá bỏ sau cảnh hành động đầu tiên... Đó là bởi góc nhìn của bộ phim đã chuyển dịch từ Jung Suk sang những đứa trẻ đã sống trên mảnh đất này suốt bốn năm trời. Khung cảnh ấy là cuộc sống thường nhật của chúng.
Còn với Yoo Jin (Lee Ye Won), cô ấy đã phải tự thay đổi để thích nghi với môi trường mới. Do đó, thay vì cảm thấy đám xác sống là một mối đe dọa, nhân vật này còn bất an hơn vì những con người còn sống xung quanh mình".
Trẻ em tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong phần hậu truyện. Ảnh: Next Entertainment World.
Những khác biệt trong dàn nhân vật của Train to Busan và Peninsula cũng là điều đáng chú ý. Dù khai thác những nhóm nhân vật khác nhau, nhưng cả hai bộ phim đều nhấn mạnh vào sức sống mãnh liệt của lũ trẻ giữa buổi loạn lạc rối ren. Đây là kinh nghiệm mà chính đạo diễn Yeon Sang Ho đã đúc kết được khi chăm sóc và nuôi dạy con của ông.
"Khi tôi nhìn con mình, tôi lo lắng cho chúng. Nhưng tôi không nghĩ chúng có cùng một nỗi lo lắng giống như tôi khi bị đặt vào tình huống nguy hiểm... Tôi nghĩ bọn trẻ thích nghi nhanh hơn những người trưởng thành" - vị đạo diễn hồi tưởng.
Những nét đặc sắc của phần hậu truyện?
Trong buổi phỏng vấn, Yeon Sang Ho cũng đề cập đến nét đặc sắc của phần hậu truyện nằm trong cảnh đua xe. Bởi Train to Busan đã gắn liền với hình ảnh các đoàn tàu, nên vị đạo diễn muốn đưa một hình ảnh tương tự vào phần hậu truyện để mang lại sự thỏa mãn cho khán giả.
"Ý tưởng đầu tiên đến với tôi là một cô gái trẻ lái chiếc xe ben" - ông nói. Để tạo ra được cảnh truy đuổi bằng ô tô khán giả sẽ thưởng thức trên màn ảnh, Yeon Sang Ho và ê-kíp đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị ròng rã suốt ba tháng trời.
Phim hứa hẹn là tác phẩm giúp "hồi sinh" phòng vé giữa đại dịch. Ảnh: Next Entertainment World.
Vị đạo diễn cũng không ngớt lời ca ngợi dàn diễn viên chính và màn hóa thân xuất sắc của họ. Ông đặc biệt khen ngợi Kang Dong Won là nam diễn viên hiểu vai, biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được hiệu quả ấy.
Tương tự, nữ diễn viên Lee Jung Hyun cũng được khen ngợi vì luôn biết chính xác mình cần phải làm gì. "Cô ấy luôn nắm được hướng di chuyển của máy quay. Mỗi khi quay các cảnh hành động, thần thái của cô ấy lập tức thay đổi khiến chính tôi cũng bất ngờ" - Yeon Sang Ho chia sẻ.
Tại sao tên phim lại sử dụng hình ảnh bán đảo?
Khi được hỏi về ý nghĩa đằng sau nhan đề phim, Yeon Sang Ho nói ý tưởng đến rất tự nhiên vì bản thân Hàn Quốc cũng nằm trên một bán đảo. Ông cũng cho biết, "bán đảo" cũng là một khái niệm mơ hồ.
"Nó không hoàn toàn bị cô lập, do đó, vẫn còn hy vọng về một lối thoát. Ý tưởng này đã hành hạ các nhân vật chính trong suốt bộ phim" - Yeon Sang Ho chia sẻ.
Vị đạo diễn cũng cho biết, họ từng cân nhắc đặt tên cho phần hậu truyện là Train to Busan 2. Tuy nhiên ý tưởng nhanh chóng bị loại bỏ vì cảm giác kỳ quặc khi tên phim nhắc đến địa danh Busan, mà cả bộ phim lại không có lấy một cảnh diễn ra ở đó.
'Peninsula' hé lộ bối cảnh thế giới hậu tận thế: Zombie chạy nhanh hơn, độ sợ hãi của người xem sẽ tăng thêm gấp bội Nếu "Train to Busan" mở màn kỷ nguyên zombie tại xứ Kim Chi, thì phần hậu truyện "Peninsula" lại là bom tấn hậu tận thế đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc. Thành công vang dội của Train To Busan năm 2016 không chỉ vang dội tại Hàn Quốc mà còn lan rộng ra nhiều nước trên toàn thế giới. Cụ thể, phim...