Bạn có thực sự có khả năng… “làm” Tiến sỹ?
“Khi quyết định theo đuổi việc “làm” Tiến sĩ (Phd) nghĩa là bạn đã chọn dấn thân vào một con đường đầy thử thách…” – chia sẻ của Tiến sỹ Bùi Thị Bích Liên (Đại học Monash – Úc).
Tôi đã nhận được khá nhiều yêu cầu từ các bạn và người quen của mình hỏi về kinh nghiệm xin học bổng để học Phd tại Úc trong một năm qua. Bài viết ngắn này ghi lại những điều tôi đã chia sẻ với các bạn.
Trước hết, tôi phải nói rằng tôi mới đi được một chặng rất ngắn trên hành trình gian nan của mình. Tôi chỉ có thể biết những gì mình đã trải qua, mà không thể biết những gì đang đợi mình ở phía trước. Vì vậy, những gì tôi chia sẻ với các bạn ở đây chỉ dựa trên những kinh nghiệm hạn chế đó. Thứ hai, tôi sẽ không bàn về những cách thức để có thể thành công trong việc xin học bổng. Bạn có thể tìm những thông tin loại đó ở rất nhiều nơi. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn những cân nhắc cần thiết khi quyết định học Phd.
Xét về góc độ bằng cấp, chắc bạn biết rõ rằng tấm bằng tiến sỹ (Phd) là cấp độ cao nhất trên con đường học thuật. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rằng trong một hệ thống giáo dục như ở Úc thì tấm bằng Phd không phải là sự kết thúc, mà chính là sự khởi đầu của một nghề mang tính chất chuyên nghiệp – nghề nghiên cứu. Khác với học đại học, hoặc cao học, Phd được biết đến như một “hành trình cô đơn” nơi một mình bạn theo đuổi một hành trình của riêng bạn trong 3-4 năm. Nếu ở những bậc học khác, thầy cô sẽ dậy và truyền kiến thức cho bạn thì với Phd bạn cần tự vạch ra con đường mình sẽ đi, tự xây dựng kế hoạch để có thể đi hết con đường đó. Tùy thuộc ngành học và chủ đề nghiên cứu, có thể khi kết thúc hành trình bạn sẽ tới một cái đích mà người khác đã từng tới (hoặc biết đến), nhưng bạn buộc phải tới đó trên một con đường chưa ai đi. Phd là sự “mài giũa” đầu óc của bạn với mức độ mà bạn sẽ không tưởng tượng được cho tới khi bạn đặt chân vào hành trình ấy. Phd đòi hỏi tư duy của bạn phải độc lập và sáng tạo tới mức cao nhất mà bạn có thể. Phd thử thách độ bền của tâm lý bạn với muôn vàn cung bậc cảm xúc và trạng thái tình cảm, trong đó không thiếu những lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng.
Video đang HOT
Nhiều người quanh tôi thường có giả định rằng với vốn tiếng Anh tốt và kinh nghiệm học thạc sỹ trước đây ở một nước nói tiếng Anh, tôi sẽ không có khó khăn gì đáng kể trong việc tiếp tục con đường học vấn của mình. Đó là một giả định sai lầm như bao nhiêu giả định khác tôi đã từng gặp. Phd là quá trình học để loại bỏ dần những giả định của chúng ta về thế giới bên ngoài – cho tới khi ta tìm được lý do, bằng chứng để chứng minh rằng giả định đó là đúng đắn. Phd là thử thách lớn ngay cả với người bản ngữ. Tại một hội thảo đầu tiên dành cho sinh viên Phd mà tôi tham dự, tôi được nghe các bạn đi trước kể về những kinh nghiệm “rất đáng ngại” của họ trong quá trình nghiên cứu như việc phải thay đổi giáo viên hướng dẫn và thay đổi hướng nghiên cứu giữa chừng.
Bài báo trong ảnh dưới đây bao gồm những lời khuyên hữu ích về những thất bại thường gặp trong việc lựa chọn Phd để bạn cân nhắc.
Những thông tin mà tôi kể ra ở đây hoàn toàn không nhằm mục đích ngăn bạn không lựa chọn Phd. Quyết định của bạn vẫn sẽ là của bạn. Tôi chỉ hy vọng bạn biết rằng khi quyết định theo đuổi Phd nghĩa là bạn đã chọn dấn thân vào một con đường đầy thử thách. Có lẽ với tất cả mọi người quyết định liên quan tới hướng đi của cuộc đời thường bao gồm nhiều cân nhắc rất thực tế, ví dụ cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, cơ hội sống và học tập tại một nước phát triển v.v. Tuy nhiên, Tiến sĩ cũng là “một nghề” và cái nghề đặc biệt này đòi hỏi một số tư chất nhất định. Cũng giống như việc bạn chỉ nên theo đuổi nghiệp cầm ca nếu bạn có một giọng hát tốt, bạn chỉ nên làm nhà văn nếu bạn có óc tưởng tượng, và khả năng sử dụng ngôn từ tốt để diễn tả ý nghĩ của mình.
Trước khi tìm kiếm những thông tin về học bổng và lao đầu vào “nghiên cứu” các thủ tục của nhà tài trợ, bạn hãy tự hỏi mình xem bạn có phải là người tò mò, và thích quan sát, tìm hiểu về thế giới xung quanh không? Bạn có hay tự hỏi mình những câu hỏi “như thế nào” và “tại sao” không? Phu nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt từng có câu nói nổi tiếng: “Những đầu óc vĩ đại thảo luận về ý tưởng, những đầu óc trung bình thảo luận về sự kiện, những đầu óc nhỏ bé thảo luận về người khác” ( Great minds discuss ideas. Average minds discuss events. Small minds discuss people). Nếu bạn quan tâm tới các ý tưởng thì có nghĩa là bạn có tiềm năng cho việc học Phd.
Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là sự quyết tâm. Bạn hãy nghĩ về một lần bạn thực sự mong muốn làm một điều gì đó cho cuộc đời mình. Bạn có cố gắng “làm bằng được” nó không? Bạn có đủ kiên nhẫn với chính bản thân mình và với hoàn cảnh xung quanh để vượt qua những lúc bạn cho rằng bạn không thể làm được điều đó không? Nếu bạn đã từng vượt qua khó khăn, gian khổ chiến thắng chính bản thân mình thì đó sẽ là “của để dành” đáng quý cho bạn trên hành trình “làm” Tiến sỹ.
Chúc các bạn sáng suốt, và thành công với lựa chọn của mình.
Theo ANTD
Dừng mở ngành "hot": Chỉ mang tính cơ học
Xoay quanh vấn đề dừng mở thêm ngành thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, kế toán, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (ảnh) - Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - nguyên Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực ngành này vừa thừa vừa thiếu và việc dừng mở ngành chỉ là giải pháp tạm thời.
- PV: Theo dự báo của Viện Nhân lực, năm 2013 có khoảng 32 nghìn sinh viên ngành ngân hàng tài chính ra trường, trong đó hơn 10 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Tại sao lại khó tìm việc ngành ngân hàng thưa ông?
- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Ngân hàng cho đến nay vẫn là khu vực có hiệu quả kinh doanh tốt nhất, đem lại cơ hội việc làm lớn cho toàn xã hội và thu nhập cao cho cá nhân người lao động. Trên thế giới và ở Việt Nam, ngành ngân hàng vẫn sẽ là lĩnh vực được sinh viên coi là hấp dẫn nhất, giống như nhu cầu đào tạo bác sỹ và luật sư, nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì đó là lĩnh vực có cơ hội cạnh tranh, trả lương cao, đãi ngộ tốt có cơ hội thăng tiến.
Tuy nhiên, vì cơ hội tốt nên yêu cầu cao, chỉ những sinh viên xuất sắc nhất mới có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm trong những lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng thường mong muốn tuyển người có kiến thức chuyên sâu và có kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, sinh viên mới tốt nghiệp luôn phải đối mặt với bài toán "con gà và quả trứng" muốn có việc làm thì phải có kinh nghiệm và muốn có kinh nghiệm thì phải có việc làm.
Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, ngân hàng sẽ thu hẹp tuyển dụng lao động không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những công việc liên quan đến kỹ năng phân tích tài chính và quản trị đầu tư ở các doanh nghiệp khác đều vẫn rất cần và sinh viên hoàn toàn có thể khai thác cơ hội này để chuẩn bị kinh nghiệm cho những cơ hội việc làm tốt hơn.
- Gần đây, Bộ GD&ĐT có chủ trương dừng mở mới ngành đào tạo Tài chính-Ngân hàng vì dư thừa nguồn nhân lực, ông có ý kiến như thế nào?
- Phát biểu tại Hội nghị ngân sách ngành giáo dục 2012 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định năm 2013 không mở mới các trường về khối kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng (TCNH). Các trường công lập và ngoài công lập đã thành lập mà có hồ sơ xin mở ngành thuộc khối ngành trên sẽ không được chấp thuận. Đây là chủ trương đúng đắn đối với toàn bộ khối kinh tế và quản lý để khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" ở Việt Nam. Việt Nam đang thừa người quản lý có trình độ kém và thiếu công nhân lành nghề có chất lượng cao.
Người học tài chính - ngân hàng mà không có kiến thức chuyên sâu tài chính và tác phong làm việc chuyên nghiệp, đào tạo từ nguồn sinh viên chất lượng thấp, chương trình đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, không gắn kết học thuật với các cơ hội việc làm thì sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội.
Kiến thức tài chính cực kỳ quan trọng trong sự phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Không có chuyện dừng tuyển sinh, nếu có thì dừng mở ngành. Quản lý mở ngành là công tác quản lý nhà nước, cần có định hướng, cần có điều kiện đảm bảo để mở ngành, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành đó.
- Theo ông việc dừng mở ngành "hot" có phải biện pháp hiệu quả trong thời gian này?
- Tôi nghĩ biện pháp này mang tính cơ học không giải quyết được vấn đề, có thể giải quyết được 1 năm, 2 năm sau đó đâu lại vào đó. Điều quan trọng là có chiến lược phát triển giáo dục phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cung cấp thông tin, định hướng, phân luồng giáo dục từ cấp thấp để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khả năng của cá nhân và yêu cầu của thị trường lao động.
Thay vì việc hạn chế tuyển sinh hay cấm mở ngành thì điều quan trọng hơn trong chiến lược phát triển giáo dục là phải định hướng, phân luồng cho học sinh phổ thông, lựa chọn ngành nghề và chỉ rõ cơ hội nghề nghiệp ngay từ cấp thấp. Đào tạo đạt chuẩn, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo gắn kết học thuật với thực tiễn, đào tạo gắn kết nhà trường với doanh nghiệp.
Quy hoạch giáo dục cần định hướng và phân luồng theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ các cấp thấp hơn. Để cho người dân tự lựa chọn cơ hội phù hợp với khả năng của mình và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
- Cảm ơn ông!
Theo ANTD
Khoa học Việt Nam kẹt trong phi chuẩn mực, tư duy ăn xổi Việt Nam là nước đi sau về KH-CN. Ta du nhập cách làm KH-CN từ các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu, gần đây từ các nước tư bản Âu-Mỹ. Ý thức hệ và thiết chế của hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, song tư duy và cách nghiên cứu khoa học khá giống nhau. Học họ, nhưng ta chẳng giống...