Bạn có thể nghe thấy virus SARS-CoV-2: Và đây là bản nhạc du dương chết người của nó
Bản nhạc này cho thấy bản chất “lừa phỉnh” của virus, khi nó âm thầm xâm nhập, làm tổn thương chúng ta và giết chết hàng chục ngàn sinh mạng.
Có thể bạn đã thấy vô số hình ảnh của SARS-CoV-2, chủng virus corona mới đang phải chịu trách nhiệm cho hơn 70.000 ca tử vong và 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. Nhưng nhìn thấy virus là một phần, các nhà khoa học bây giờ còn có thể giúp bạn nghe thấy chúng.
Bằng cách mã hóa từng axit amin trên gai protein virus SARS-CoV-2 thành các nốt nhạc có cao độ, trường âm và độ lớn khác nhau, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo ra được bản nhạc có tên: “ Viral Counterpoint of the Coronavirus Spike Protein (2019-nCoV)”.
Bản nhạc dài gần 2 tiếng đồng hồ được đăng tải trên tài khoản Sound Cloud của Markus J. Buehler, nhà khoa học vật liệu tại MIT. Trong khi bạn thưởng thức giai điệu thật du dương và dễ chịu này, Buehler cho biết sự du dương đó chính là một phần bản chất “ lừa phỉnh” của virus, khi nó âm thầm xâm nhập, làm tổn thương chúng ta và giết chết hàng chục ngàn sinh mạng:
Trong bản nhạc mà bạn đang nghe có những tiếng chuông rung, tiếng dây đàn, tiếng sáo khi êm đềm, khi dồn dập. Tất cả đều thể hiện các khía cạnh khác nhau trong cấu trúc gai protein trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Gai protein chính là đặc điểm đặc trưng của virus corona. Nó nhô ra bên ngoài vỏ tế bào virus, tạo thành hình vương miện và khiến virus corona có được cái tên của chúng. Ở SARS-CoV-2, gai protein của virus này có những đột biến đặc biệt, khiến nó bám chắc vào tế bào người và lây nhiễm mạnh hơn các chủng virus corona khác bao gồm SARS và MERS.
Các gai của virus SARS-CoV-2 có cấu trúc ăn khớp với một thụ thể có tên là ACE2. Các thụ thể ACE2 tập trung rất nhiều trên bề mặt tế bào phổi. Do vậy, virus này thường xâm nhập phổi và gây ra bệnh viêm phổi cấp.
Ngoài tế bào phổi, thụ thế ACE2 cũng xuất hiện cả ở ruột, thận, tinh hoàn và tim. Mặc dù vậy, điều kỳ lạ là virus SARS-CoV-2 không tấn công tim của người bệnh.
Giống như tất cả các protein khác, gai của SARS-CoV-2 được tạo thành từ sự kết hợp của các axit amin. Sử dụng một tập hợp các thuật toán gọi là kỹ thuật sonization, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts đã gán cho mỗi axit amin này thành một nốt nhạc duy nhất trong thang cao độ, chuyển đổi toàn bộ protein gai của virus thành một bản nhạc.
“ Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy các vật thể nhỏ ở kích thước nano như protein, hoặc các phân tử khác tạo thành hầu hết tất cả các vật chất sống bao gồm tế bào, mô, cũng như các mầm bệnh như virus, thuật toán của chúng tôi cho phép chúng ta có thể nghe thấy chúng. Tác phẩm này là một bản nhạc đại diện cho trình tự và cấu trúc axit amin của protein gai trên mầm bệnh COVID-19, 2019-nCoV”, Buehler viết.
Trong đời thực, các axit amin tạo thành gai protein cho SARS-CoV-2 có xu hướng cuộn tròn thành một chuỗi xoắn hoặc kéo dài ra thành một dải dài. Các nhà nghiên cứu đã dùng thuật toán mô phỏng các đặc tính này thành trường độ và âm lượng của mỗi nốt nhạc. Các rung động phân tử do nhiệt gây ra cũng được mô phỏng thành một âm thanh riêng.
“ Những gì bạn nghe thấy là âm nhạc được tạo ra từ những thuật toán nhiều lớp bao gồm cả phổ rung động của toàn bộ protein (thể hiện ở các yếu tố âm thanh và nhịp điệu), chuỗi và các nếp gấp axit amin cấu thành gai protein của virus, cũng như các giai điệu đan xen – tạo thành các phần đối âm – phản ánh phân cấp hình học phức tạp của protein“, Buehler giải thích.
Trong đời thực, các axit amin tạo thành gai protein cho SARS-CoV-2 có xu hướng cuộn tròn thành một chuỗi xoắn hoặc kéo dài ra thành một dải dài.
Video đang HOT
Nhưng tại sao các nhà khoa học lại muốn biến virus thành âm nhạc? Nó không hẳn là một công việc mang tính giải trí. Các nhà khoa học tại MIT giải thích định dạng mới của virus có thể giúp họ tìm thấy các địa điểm trên gai protein của SARS-CoV-2, nơi mà một kháng thể hoặc thuốc có thể bám vào đó để chặn virus này xâm nhập tế bào.
Bản nhạc là một cách tiếp cận nhanh và trực quan hơn các phương pháp nghiên cứu protein thông thường, chẳng hạn như các mô hình hóa phân tử mà nhiều nhóm nghiên cứu khác đang thực hiện.
Họ nói thêm rằng, bằng cách so sánh trình tự âm nhạc của protein gai SARS-CoV-2 với một cơ sở dữ liệu lớn chứa các bản nhạc mô phỏng protein đã khác, một ngày nào đó, các nhà khoa học có thể tìm thấy một loại protein có thể bám vào gai SARS-CoV-2 để ngăn chặn virus này, đó chính là một vắc-xin cho COVID-19.
Tất nhiên, bản nhạc chính nó cũng mang tính giải trí. Các nhà khoa học cho biết họ đã chọn một bộ nhạc cụ bao gồm đàn, sáo mang âm hưởng Nhật Bản, để tạo ra những âm thanh dễ nghe, du dương và êm đềm.
“ Nghệ thuật âm nhạc này dạy chúng ta điều gì đó về ranh giới giữa vẻ đẹp của sự sống và cái chết như những thái cực đối nghịch. Khi bạn nghe protein này, bạn sẽ thấy cấu trúc phức tạp của nó lại dẫn đến những âm thanh cực kỳ thú vị, dễ chịu và thư giãn”, Buehler giải thích.
“Nó không thực sự truyền đạt sự chết chóc mà loại protein đặc biệt này đang gieo rắc trên toàn thế giới. Bản nhạc này cho thấy bản chất lừa phỉnh của virus, cách nó xâm nhập cơ thể chúng ta để tái tạo và làm tổn thương chúng ta trên đường đi của chúng. Vì vậy, âm nhạc là một phép ẩn dụ cho bản chất của virus, nó đang đánh lừa vật chủ và khai thác con người để được nhân lên”.
ZKNIGHT
Virus SARS-CoV-2 có ở đâu trong môi trường?
"Virus SARS-CoV-2 có ở đâu trong môi trường xung quanh chúng ta?" Để giải đáp những câu hỏi xung quanh dịch bệnh, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.
11. Tác nhân gây bệnh COVID-19 là gì?
Tác nhân gây bệnh COVID-19 là một chủng virus Corona. Chủng virus gây bệnh COVID-19 khác hẳn với các chủng virus Corona đã biết trước đó nên đã được đặt tên là "virus Corona mới" (Novel Coronavirus - viết tắt là nCoV).
Trong danh pháp khoa học, tên chủng virus mới còn có thêm thông tin về năm phát hiện, do vậy tên đầy đủ của chủng virus Corona mới này là "2019 Novel Coronavirus" viết tắt hay ký hiệu là "2019-nCoV". Ngoài ra, chủng virus này còn được một số phòng thí nghiệm khác gọi là SARS-CoV-2 với ý nghĩa là chủng virus Corona thứ hai gây bệnh có biểu hiện là hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS). Trên phương diện virus học, virus gây bệnh COVID-19 chính là chủng virus Corona mới có các ký hiệu là "2019-nCoV" hoặc "nCoV" hoặc "SARS-CoV-2".
Từ ngày 11.2.2020, sau khi WHO chính thức gọi tên bệnh là COVID-19.
12. Virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ đâu?
Tên gọi Corona bắt nguồn từ đặc điểm nhận dạng virus khi nhìn dưới kính hiển vi điện tử, chúng có các gai nhô ra ở mặt ngoài trông như hình chiếc vương miện.
Corona là một họ virus lớn thường thấy lưu hành và gây bệnh ở động vật. Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) xuất hiện ở người vào năm 2002 - 2003, các nhà khoa học xác định được virus Corona gây bệnh SARS (ký hiệu là SARS-CoV) có nguồn gốc từ cầy hương lây sang người. Đến dịch viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện ở người vào năm 2012, các nhà khoa học lại xác định được virus Corona gây bệnh MERS (ký hiệu là MERS-CoV) cũng có nguồn gốc từ động vật (lạc đà). Lần này, khi phân lập được chủng virus mới ở các bệnh nhân đầu tiên bị bệnh ở Vũ Hán cũng thuộc họ Corona và yếu tố khởi phát bệnh có liên quan đến động vật hoang dã nên có thể khẳng định loại virus mới này (Covid-19) cũng có nguồn gốc từ động vật rồi lây sang và gây bệnh cho người.
Như vậy, đã có ba bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm do virus Corona có nguồn gốc từ động vật lây sang người là SARS, MERS và COVID-19. Có thể thấy, thế giới tự nhiên đã nhiều lần nhắc nhở con người về việc săn bắt, mua bán, giết thịt động vật hoang dã sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh mới thuộc loại đặc biệt nguy hiểm rất cao do quá trình này con người tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết và thịt sống của động vật hoang dã.
13. Virus SARS-CoV-2 có ở đâu trong môi trường xung quanh chúng ta?
SARS-CoV-2 là virus có cả ở người và động vật bị bệnh cũng như người và động vật mang virus không có biểu hiện bệnh. Từ người và động vật mang virus, SARS-CoV-2 được phát tán ra môi trường xung quanh chủ yếu dưới dạng giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp khi ho, hắt hơi, xì mũi hay khạc nhổ.
Các giọt bắn này gây ô nhiễm không khí trong phạm vi bán kính 2m từ nguồn phát tán. Từ không khí, các giọt bắn rơi lên bề mặt các đồ vật như quần áo, bàn ghế, điện thoại, bàn phím máy tính, nút bấm thang máy... gây ô nhiễm trực tiếp các bề mặt này. Nếu ai đó chạm vào bề mặt ô nhiễm trên rồi lại chạm tiếp vào các vật khác như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, thành ghế, tay vịn cầu thang, tay vịn trên các phương tiện giao thông... sẽ tiếp tục gây ô nhiễm gián tiếp cho các bề mặt mới này.
Virus SARS-CoV-2 có gai protein S được dùng để bám và xâm nhập vào tế bào đích.
Như vậy, SARS-CoV-2 tồn tại chủ yếu trong không khí ở khoảng cách trong bán kính khoảng 2m xung quanh người mang virus ho, hắt hơi, xì mũi mà không đeo khẩu trang hay lấy tay che mũi, miệng; ở trên bề mặt các đồ vật xung quanh khu vực người ho, hắt hơi, xì mũi, khạc nhổ và có thể cả trên bề mặt các đồ vật bị ô nhiễm thứ phát rất khó xác định.
Từ các lý do trên, hành động đeo khẩu trang khi bị bệnh hoặc nghi ngờ mang mầm bệnh; che mũi, miệng khi ho, hắt hơi khi không đeo khẩu trang; không xì mũi, khạc nhổ nơi công cộng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hạn chế phát tán và gây ô nhiễm virus trong cộng đồng; thường xuyên vệ sinh các đồ vật xung quanh cũng là biện pháp hiệu quả để tránh ô nhiễm (kể cả trực tiếp và gián tiếp) môi trường sống; hạn chế chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ ô nhiễm cao, rửa hoặc sát trùng tay thường xuyên, hạn chế bắt tay cũng là các biện pháp hiệu quả để tránh gây ô nhiễm thứ phát.
14. Virus SARS-CoV-2 có nhân lên trong môi trường tự nhiên không?
Không. SARS-CoV-2 nói riêng và virus nói chung không tự nhân lên được. Virus phải "mượn" tế bào sống để nhân lên bằng cách "khống chế" tế bào chủ "làm việc" cho virus. Sau khi nhiễm được vào tế bào virus sẽ kiểm soát tế bào chủ bằng cách cài các gen của virus vào bộ gen của tế bào chủ, bắt tế bào bị nhiễm virus tạo ra các thành phần của virus. Khi đã đủ các thành phần cần thiết, các thành phần này lắp ghép lại với nhau để hình thành nhiều virus mới, đồng thời làm tổn thương cho tế bào bị nhiễm virus.
15. Virus SARS-CoV-2 tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?
Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên. Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt...) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả.
Đã có một số nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường tự nhiên. Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường. Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus SARS-CoV-2 trong môi trường.
16. Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm vào con người như thế nào?
Mỗi loại virus có các cấu trúc đặc trưng trên bề mặt hoạt động như những "móc câu" để virus bám vào các cấu trúc phù hợp với loại móc câu ấy (được gọi là thụ thể - receptor) trên bề mặt tế bào chủ để virus chui vào bên trong tế bào. Tế bào nào có cấu trúc giúp các "móc câu" của virus "móc" vào được sẽ là tế bào "nhạy cảm" với virus và bị virus nhiễm vào.
Virus SARS-CoV-2 sử dụng protein S làm "móc câu" để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể.
Do các tế bào của đường hô hấp là đích tấn công của virus SARS-CoV-2 (trong đó các tế bào niêm mạc ở mũi, họng được cho là cửa ngõ đầu tiên để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể) nên thường xuyên uống nước ấm, không để họng bị khô là một biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ họng, giảm bớt khả năng tấn công của virus vào các tế bào niêm mạc họng.
17. Tôi đang ở nơi được gọi là "vùng dịch" thì có phải là tôi đã mắc COVID-19 không?
Không hoàn toàn như vậy. Sống trong "vùng dịch" hay "vùng có dịch" là sống ở nơi có dịch đang lưu hành, tức là có người bị bệnh và tác tác nhân gây bệnh đang ở khu vực đó chứ không phải mọi người trong khu vực đó đều là người đã mắc COVID-19.
Chỉ khi đã có xét nghiệm khẳng định nhiễm virus gây bệnh mắc COVID-19 mới coi là người bị nhiễm bệnh. Đây cũng là lý do làm nảy sinh nguy cơ kỳ thị có liên quan đến địa danh nơi có dịch - điều đã được WHO lưu tâm khi đặt tên các loại bệnh dịch mới.
18. Tôi đang khỏe mạnh nhưng nếu cứ ở vùng có dịch là tôi sẽ bị mắc COVID-19 phải không?
Không hoàn toàn như vậy. Sống trong vùng có dịch là sống ở nơi có nguy cơ cao bị mắc COVID-19. Mặc dù đang ở nơi có nguy cơ cao nhưng thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát nguy cơ (chính là các biện pháp phòng chống dịch đang được các cấp, các ngành và toàn dân triển khai) sẽ không để xảy ra nguy cơ nhiễm bệnh. Làm tốt điều này thì mỗi cá nhân dù đang ở trong vùng dịch cũng sẽ không bị nhiễm bệnh. Cộng đồng trong vùng dịch làm tốt không để có thêm người nhiễm bệnh mới, đồng thời điều trị khỏi cho những người đã nhiễm bệnh và vệ sinh môi trường loại bỏ mầm bệnh thì khu vực đó sẽ hết dịch.
19. Tôi vừa đi cùng chuyến máy bay/chuyến ô tô/toa tàu; ở cùng phòng họp/lớp học với một người vừa được xác định là người mắc COVID-19 có nghĩa là tôi cũng đã mắc COVID-19 phải không?
Không hoàn toàn như vậy. Trường hợp này được coi là tiếp xúc gần với người bệnh. Bạn cần theo dõi và tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày, vừa để bảo vệ mình vừa để bảo vệ những người xung quanh và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
20. Thế nào là tiếp xúc trực tiếp với người bệnh?
Là tiếp xúc có "da - chạm - da", hôn hoặc quan hệ tình dục với người bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của cơ thể người bệnh được coi là tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) - TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
COVID-19 và cúm - Giống và khác? COVID-19 có các triệu chứng ban đầu tưởng chừng như nhẹ nhàng hay vô hại, không khác mấy so với cảm cúm. Cũng thường bắt đầu bằng sốt, mệt mỏi và ho. Tuy nhiên, chúng lại có nhiều điểm khác biệt. Nguyên nhân Cúm: Tất cả các loại cúm, trong đó phổ biến nhất là cúm A, là do virus cúm gây ra....