Bạn có đủ tư chất thành sếp?
Làm sếp nghe có vẻ hấp dẫn, tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng trở thành một doanh nhân thành công.
Ảnh minh họa
Hãy thử làm trắc nghiệm những câu hỏi sau đây. Kết quả sẽ giúp bạn hiểu rõ về khả năng của mình:
1. Nếu cần thiết, tôi sẵn sàng chấp nhận điều kiện sống khó khăn trong một thời gian khi chờ công việc kinh doanh khởi sắc hơn – đi nghỉ mát ít hơn (hoặc không đi nghỉ), giảm chi tiêu không cần thiết như đi ăn tiệm/nhà hàng.
Hãy tự cho bạn 10 điểm nếu trả lời Đồng ý.
Kinh nghiệm: Những nhân viên làm việc tại các công ty lớn khi bắt đầu tự kinh doanh thường cảm thấy sốc vì công ty của họ tiêu tốn quá nhiều tiền: các loại bảo hiểm, thuế cùng tỉ thứ chi phí khác. Chắc chắn bạn sẽ phải từ bỏ các chuyến đi nghỉ mát trong một thời gian.
2. Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi việc, từ trả lời điện thoại đến thay bóng đèn, trước khi tôi có khả năng thuê người khác làm những công việc nhỏ nhặt đó.
Hãy cho mình điểm 10 nếu bạn trả lời Đồng ý
Kinh nghiệm: Một khi bạn đã rời khỏi môi trường công ty lớn, tất cả mọi việc từ nay sẽ phụ thuộc vào chính bạn. Bạn sẽ không thể gọi điện cho ai khi hệ thống máy tính gặp trục trặc. Nếu bạn là người năng động có thể làm mọi việc thì thật tuyệt vời. Nếu không, bạn nên chuẩn bị một danh sách những dịch vụ sửa chữa để gọi khi cần thiết.
Video đang HOT
3. Nguyên nhân chính khiến tôi muốn tự kinh doanh là tôi không hài lòng với công việc hiện nay của mình.
Điểm 10 nếu bạn Không đồng ý.
Kinh nghiệm: Không phải ai không hài lòng với công việc cũng nên mở công ty tự kinh doanh. Bạn cần phải thực sự nghiêm khắc và trung thực khi đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Nếu bạn muốn mở công ty riêng chỉ vì bạn không hài lòng với công việc hiện tại, tốt hơn hết bạn nên đi tìm một công việc khác.
4. Tôi có đủ tiền tiết kiệm để chi trả cuộc sống của mình trong vòng 3 năm tiếp theo, kể cả trong trường hợp công ty của tôi không đem lại một đồng lợi nhuận nào trong khoảng thời gian đó.
Điểm 10 nếu bạn trả lời Đồng ý.
Kinh nghiệm: Hầu hết các công ty cần khoảng 3 năm mới có thể hòa vốn (nếu vẫn sống sót sau 3 năm). Chính vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị rất nhiều tiền. Tất nhiên bạn cũng có thể tiếp tục tìm các khoản vay mới để trả cho các khoản vay cũ, nhưng đó không phải là cách làm lâu dài và bền vững.
5. Những doanh nhân thành đạt không nhất thiết phải là những người bán hàng xuất sắc.
Hãy tự cho bạn 10 điểm nếu trả lời Không đồng ý.
Kinh nghiệm: Nếu bạn nghĩ “bán hàng” là một việc đơn giản thì bạn đã gặp rắc rối lớn. Rất nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của các công ty mới thành lập là các ông chủ mới không muốn tự đi bán những sản phẩm của mình – đặc biệt khi họ xuất thân từ những công ty lớn nơi mà họ không bao giờ phải làm công việc “bán hàng”.
6. Tôi có khả năng lấy lại tinh thần rất nhanh khi mọi việc không diễn ra như tôi mong muốn.
Hãy tự cho bạn 10 điểm nếu trả lời Đồng ý.
Kinh nghiệm: Theo những doanh nhân thành đạt, xây dựng một công ty và làm cho nó hoạt động là một công việc khó khăn và dễ gặp thất bại. Nếu bạn không có khả năng chịu đựng những rủi ro bất ngờ thì rất có khả năng bạn sẽ quay trở lại với công việc cũ của mình trong vòng một đến hai năm đầu tiên.
7. Tự kinh doanh không khiến bạn phải mở rộng quan hệ nhiều như nhân viên tại các công ty lớn.
Hãy tự cho bạn 10 điểm nếu trả lời Không đồng ý.
Kinh nghiệm: Khả năng mở rộng quan hệ là rất quan trọng trong bất kỳ công việc nào, nhưng đối với những chủ doanh nghiệp, chính khả năng này tạo ra sự khác biệt giữa phát triển hay thất bại. Khi làm việc cho các công ty lớn, các mối quan hệ với khách hàng, các nhà cung cấp, nhà đầu tư và tài trợ, vv, đều đã được thiết lập sẵn khi bạn gia nhập công ty. Đối với một công ty mới mở, bạn sẽ phải tự xây dựng các mối quan hệ từ đầu.
8. Bắt đầu công việc kinh doanh là quyết định của riêng tôi, tôi không phải bàn bạc chi tiết với chồng/vợ hay gia đình của mình.
Điểm 10 điểm nếu trả lời Không đồng ý.
Kinh nghiệm: Các doanh nhân thành đạt đều đồng ý rằng sự phản đối của vợ/chồng hay con cái trong gia đình có nghĩa là bạn sẽ không thực sự có cảm giác được &’ở nhà’ nữa. Điều này có thể dẫn đến thất bại của công việc kinh doanh mới. Một doanh nhân cho biết: “Gây dựng một công ty đã đủ mệt mỏi lắm rồi. Nếu bạn phải trở về nhà sau mỗi ngày làm việc với một người luôn căn vặn và can ngăn bạn tiếp tục công việc thì quả là không chịu nổi”.
9. Bạn nên thuê một kế toán nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề về thuế và tài chính mà doanh nghiệp nhỏ của bạn gặp phải.
Điểm 10 điểm nếu trả lời Đồng ý.
Kinh nghiệm: Các doanh nghiệp mới sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến các quy tắc và luật lệ, và bạn có thể sẽ phải trả giá rất đắt nếu cố gắng tự mình giải quyết những vấn đề này. Bạn nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, và thuê một kế toán có kinh nghiệm để hướng dẫn tất cả những vấn đề cần thiết, từ quản lý các tài sản văn phòng hay khai thuế cho các khoản nợ xấu.
10. Mở một công ty mới là rất rủi ro, nhưng kế hoạch kinh doanh của tôi xuất sắc đến mức tôi chắc chắn sẽ trở nên giàu có chỉ sau một vài năm.
Điểm 10 nếu trả lời Không đồng ý.
Kinh nghiệm: Vô số những tỷ phú &’tương lai’ đã phải bỏ cuộc trong giận dữ khi họ không trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Trong 99% các trường hợp, bạn cần phải mất nhiều năm làm việc vất vả, cực nhọc và khó khăn để có thể gây dựng được một công ty hoạt động có lãi. Quy luật là, hãy cố gắng tồn tại trước, sau đó mới tính đến thành công – dù có mất bao lâu đi chăng nữa. Có thể mọi người không thích sự chậm chạp, nhưng vẫn còn hơn là chạy nhanh và vấp ngã.
Kết quả
0-30 điểm: Không ổn rồi. Đừng từ bỏ công việc hiện nay của bạn .
40 – 70 điểm: Bạn có một số tố chất của một doanh nhân thành đạt, nhưng cần phải xem xét lại tình hình thực tế trước khi bạn ra quyết định tự kinh doanh.
80 – 100 điểm: Tuyệt vời! Ai biết được, bạn có thể trở thành Bill Gates tiếp theo!
Theo Dân Trí