Bạn có đang làm ‘mẹ’ của chồng mình?
Không có gì đáng buồn hơn khi một người phụ nữ phải đối xử với chồng mình như “một đứa trẻ”, dù to xác mà dường như vẫn chưa trưởng thành.
Không ít thì nhiều, cảnh tượng này chắc chắn vẫn đang diễn ra ở đâu đó, trên khắp hành tinh này. Nhất là khi gia đình đón chào thêm thành viên mới, việc đôi khi người vợ cảm thấy mình đang phải làm trọng trách nuôi dạy “hai đứa trẻ” – một lớn một bé – không phải hiếm gặp. Cùng điểm qua một số dấu hiệu cho bạn đang đối xử với ông xã như một “đứa trẻ trong hình hài người lớn”:
Thường xuyên phải nhắc nhở
Video đang HOT
Nếu bạn liên tục phải nhắc ông xã phải làm việc này việc kia, hết ngày này qua ngày khác, bạn chính xác đã hạ thấp vị trí của người đàn ông đó xuống ngang hàng với những… đứa con mình. Tất nhiên, việc ông xã thường quên cho con uống thuốc theo lời dặn của bạn hay cứ lặp lại một lỗi mà bạn đã chỉnh từ lâu sẽ khiến bạn bực mình, khó chịu. Nhưng thay vì cho ông xã thời gian và sự khích lệ nghiêm túc, luôn miệng cằn nhằn và nhắc nhở chỉ làm chồng bạn thấy mình bị đối xử như trẻ con và chính bạn lại chất thêm vô số trách nhiệm lên vai mình.
Nguyên nhân của việc bạn phải làm “đồng hồ nhắc việc” đó có thể do bạn thiếu niềm tin vào chồng. Chẳng ai làm tốt được nếu cứ bị cho rằng anh ta không có khả năng làm tốt. Do đó, sẽ tốt hơn nếu bạn để chồng mình tự chịu trách nhiệm về hậu quả có thể có do hành động của mình gây ra, từ đó, rút kinh nghiệm cho lần sau. Trong trường hợp người bạn đời vẫn tỏ ra vô trách nhiệm, hai người sẽ cần ngồi lại và nói chuyện một cách nghiêm túc để tìm hướng giải quyết vấn đề, tránh tình trạng căng thẳng triền miên.
Bạn không để chồng chịu trách nhiệm việc gì
Nhìn chồng con làm việc gì đó, bạn luôn thấy không ưng ý và thế là quyết dành mọi thứ về mình: bạn nai lưng ra làm mọi việc hộ chồng con mà không biết rằng bạn đối xử với họ như những đứa trẻ.
Cội nguồn gốc rễ của rắc rối này thường gồm 2 lý do: về phía bạn và chồng bạn. Nếu bạn ưa kiểm soát mọi chuyện, muốn nhúng tay vào mọi chuyện, hãy lùi lại một bước, điều hòa trạng thái căng thẳng của mình và để ông xã “nắm dây cương”. Nếu vấn đề nằm ở phía chồng bạn, đã đến lúc tổ chức cuộc họp gia đình và nói cho anh ấy biết, anh ấy sẽ cùng chia sẻ với bạn một số trách nhiệm trong nhà. Có thể chính bạn lại là người tạo cho ông xã thói quen dựa dẫm và trở nên lười biếng. Hãy trò chuyện thẳng thắn và chân thành để cùng tìm cách giải quyết.
Các con luôn là mối bận tâm chính của bạn
Nếu có việc bận, bạn sẵn sàng để chồng trông con hay cảm thấy ngần ngại, lo lắng? Nếu bạn rơi vào trường hợp thứ hai, có lẽ bạn đã không đủ niềm tin vào người bạn đời, vào khả năng chia sẻ việc nuôi dạy con của anh ấy. Bạn có nghĩ rằng mình sẽ tận hưởng một cuộc hôn nhân hạnh phúc đúng nghĩa nếu chồng bạn lại không thể cùng bạn nuôi dạy các con – kết tinh tình yêu của hai người?
Thực ra, bản thân người đàn ông có thể trông chờ việc bạn là người đảm nhiệm vai trò chính trong việc chăm sóc, dạy dỗ con. Nhưng đó là quan điểm lạc hậu rồi bởi vì nó không công bằng với bạn và cũng không hợp khoa học. Có lẽ không cần viện tới các nghiên cứu mới có thể chỉ ra rằng, một đứa trẻ nhận được yêu thương và chăm sóc của cả cha lẫn mẹ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.
Chồng bạn vẫn chưa trưởng thành
Ông xã ham chơi, ham vui của bạn có vẻ như chưa lúc nào thể hiện sự sẵn sàng làm một ông bố tốt, một ông bố có trách nhiệm. Đây có thể là do bản tính từng người và bạn đừng trông mong sẽ thay đổi nó ngày một ngày hai.
Không có nỗi buồn nào có thể so sánh với việc bạn đang nuôi con nhỏ mà có cảm giác như mình phải làm mẹ thêm một-đứa-trẻ-lớn. Lời khuyên của các chuyên gia vẫn là: trước hết, tự nhìn lại chính bạn, học cách buông bỏ những căng thẳng, muộn phiền không cần thiết và đặt niềm tin vào người bạn đời của bạn. Sau nữa, mới là tính việc trò chuyện, chia sẻ, khuyên nhủ nhẹ nhàng chồng mình, khuyến khích anh ấy cùng bạn góp phần vào việc chăm con, dạy con và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Khó không có nghĩa là không làm được. Hãy tin rằng, với tình yêu và sự kiên trì – dù chưa thể làm người đàn ông của bạn trưởng thành hơn – ít ra, bạn cũng làm cho cuộc sống của mình không phải giống như địa ngục.