‘Bản chờ chồng’ ở Mù Cang Chải
Cuối ngày, khi hoàng hôn gọi mặt trời xuống núi, màn đêm dần bao phủ lên bản Pú Cang xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thì chủ nhân của những ngôi nhà lục tục từ trên nương rẫy trở về, nhưng không thấy bóng dáng đàn ông mà chỉ toàn phụ nữ.
Các chị sau hàng chục giờ lao động trên nương, về nhà lại tiếp tục bắt tay vào những công việc gia đình cho đến tận nửa đêm… Sự khắc khổ, buồn bã hiện rõ trên từng khuôn mặt phụ nữ người Mông. Cả bản không nghe thấy một tiếng cười. Không khí hoang vắng, ảm đạm ngự trị trong các ngôi nhà…
Già làng Sùng A Chinh, Bản Pú Cang, xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải kể lại: Ngày trước bản này cũng đông vui lắm, nhưng từ khi ma túy về bản, bọn đàn ông, thanh niên đã không nghe theo lời người già nên rủ nhau chơi bời nghiện ngập, buôn bán ma túy.
Giờ nhiều người bị bắt đi tù rồi, ở đây hầu hết chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Bản bây giờ nghèo lắm, chính vì vậy mà nhiều người còn gọi Pú Cang là “ Bản chờ chồng”.
Ảnh minh họa
Ở cái bản này, chịu cơ cực nhất có lẽ là chị Giàng Thì Pàng….Hơn 5 năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Pàng một mình lên nương rẫy rồi trở về nhà với những công việc quen thuộc. Chồng lĩnh án tù vì tội buôn bán ma túy nên mọi công việc trong gia đình một mình chị phải gánh vác. Cuộc sống hàng ngày thiếu thốn, nhưng khổ nhất là lũ trẻ không được đi học và thiếu sự dạy dỗ, che chở của người cha…
Lời tâm sự của chị Pàng xen lẫn những giọt nước mắt: Từ năm 2007 đến nay chồng mình bị bắt đi tù vì mua bán ma túy, 4 mẹ con sống khổ lắm, gà lợn không có ai trông bị bắt trộm hết. Ngày trước có ít gỗ để làm nhà mới, giờ cũng phải bán hết để cho các con ăn rồi…
Còn chị Mùa Thị Cha thuộc diện nghèo nhất bản cũng là một phụ nữ phải sống trong hiu quạnh chờ chồng cải tạo trong trại giam vì buôn bán ma túy từ năm 2004. Túp lều của 2 mẹ con không có lấy một vật gì đáng giá, khi trời mưa nước hắt đầy nhà nhưng cũng không có ai sửa giúp, cảnh thiếu đói thì diễn ra quanh năm.
Chị Cha cũng chỉ mong muốn chồng mình cải tạo tốt để sớm trở về cùng làm ăn cho các con đỡ khổ…Đây chỉ là hai trong số hàng chục người phụ nữ Mông đang chờ chồng mãn hạn tù về với gia đình, về với bản…
Video đang HOT
Tại bản Pú Cang, việc sửa chữa nhà đáng ra của cánh đàn ông, nhưng ở đây chị em phụ nữ phải trèo lên cả nóc và trần nhà, một việc có thể coi là cấm kỵ đối với phụ nữ người Mông…Cũng ở Pú Cang, dễ dàng bắt gặp cảnh chị em phụ nữ làm những công việc nặng nhọc nhất…
Còn trẻ con trong bản thì hầu hết không được tới trường…Có thể thấy hệ lụy từ ma túy đã dẫn tới tình trạng nghèo đói, bệnh tật và thất học ở nơi đây
Do nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến huyện Mường La (Sơn La) nên nhiều năm nay Pú Cang đã trở thành cái rốn ma túy không riêng của xã Nậm Khắt mà còn của cả huyện Mù Cang Chải. Hiện cả bản có hơn 10 trường hợp đang cải tạo trong trại giam chỉ vì ma túy. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, bản Pú Cang có gần 30 trường hợp nghiện ma túy.
Điều đáng nói, trong 98 hộ của bản Pú Cang, có tới 89 hộ nghèo và thiếu đói từ 5 đến 6 tháng trong năm. Nhiều gia đình cả vợ và chồng bị bắt vì ma túy, bỏ lại đàn con không nơi nương tựa. Cảnh con không cha, vợ không chồng đã không còn là chuyện lạ ở nơi này. Hiện cả bản chỉ có khoảng 30% là thanh niên, còn lại là phụ nữ, người già và trẻ em…cũng chỉ vì ma túy
Ông Chang Thế Sửu, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt lo lắng: Không riêng gì Pú Cang mà hiện nay các bản Làng Sang và Páo Khắt của xã Nậm Khắt, mỗi bản cũng có trên chục trường hợp đi tù vì ma túy. Tệ nạn ma túy đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây mãi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu. Và người chịu thiệt thòi nhất chính là chị em phụ nữ người dân tộc khi phải một mình gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống.
Hiện nay, xã Nậm Khắt đang được đầu tư xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 32 sang huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Đây là thời cơ để Nậm Khắt hội nhập và phát triển song cũng là điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động…Nếu không sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy thì có lẽ xã Nậm Khắt sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều “bản chờ chồng” như ở Pú Cang này…
Theo vietbao
Vạch mặt 'ông trùm' buôn người núp bóng 'thương gia'
May mắn thoát ra từ "động quỷ", nhưng đến nay, hai mẹ con chị Sùng Thị G. và cháu Hảng Thị N. (trú tại bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.
Bản thân cháu N. luôn bị ám ảnh bởi những trận đòn thừa sống thiếu chết của bọn buôn người bên kia biên giới. Khi chúng tôi đến thăm, cháu co rúm người, sợ sệt trốn vào góc nhà. Gia đình chị G. cho biết, N. thường xuyên gặp ác mộng, nửa đêm khóc lóc, la hét, rồi trốn dưới gầm giường...
Sắp vào "động quỷ" vẫn chưa biết bị lừa
Theo hồ sơ từ cơ quan công an cung cấp, khoảng đầu năm 2012, khi chị G. đến chơi nhà người em rể ở cùng quê tên là Mùa A Rùa (SN 1976).
Biết chị G. có ý định đi Lào Cai thăm người quen bị ốm, Rùa liền nảy ý định sẽ lừa bán chị sang Trung Quốc. Hắn nhiệt tình lấy xe máy đề nghị chở chị G. đi. Trước khi đi, Mùa A Rùa không quen gọi cho đồng bọn chuẩn bị nhận "hàng". Bởi trước đó, hắn đã móc nối với những tên buôn người bên biên giới phía Bắc. Trong đó có Hùng Chí An (sinh năm 1989, quốc tịch Trung Quốc), là bạn hàng buôn bán lâu năm với Mùa A Rùa.
Trong thời gian qua lại nhà Rùa ở Việt Nam, Hùng Chí An nhận thấy các thiếu nữ người Mông ở đây rất xinh đẹp, khỏe mạnh, lại cả tin. Hùng Chí An đã bàn với những bạn hàng của mình lừa các thiếu nữ sang biên giới bán. Chúng lên kế hoạch, nếu là thiếu nữ chưa chồng thì sẽ bán cho đàn ông Trung Quốc lấy về làm vợ. Còn nếu là phụ nữ đã có gia đình, nhan sắc kém mặn mà thì sẽ bán vào các nhà thổ kiếm lời.
Để tránh bị phát hiện, Hùng Chí An thuê nhà nghỉ gần biên giới tiện cho việc nhận "hàng". Sau khi đưa chị Sùng Thị G. lên Lào Cai, Mùa A Rùa gọi điện cho Hùng Chí An đến xem mặt. Khi gặp chị G., Hùng Chí An lắc đầu chê "hàng" xấu, không thể "bán" được. Tuy nhiên, vì đã đưa được chị G. qua biên giới nên không muốn phí công, Hùng Chí An vẫn gọi điện cho một số khách đến xem "hàng". Để tránh sự nghi ngờ của người nhà chị G., Hùng Chí An đưa cho Mùa A Rùa 600 nhân dân tệ (NDT) mang về cho gia đình, và nói chị G. ở lại biên giới để làm ăn. Sau đó, Hùng Chí An đưa chị G. về nhà mình và bắt đầu tìm kiếm mối "khách" để bán.
Mặc dù bị đưa sang biên giới, qua tay nhiều gã đàn ông không quen biết, nhưng chị Sùng Thị G. vẫn không hề hay biết chuyện mình bị bọn buôn người lừa bịp. Chị vẫn tin rằng, người em rể đang nhờ vả những người đàn ông Trung Quốc này để tìm việc làm cho chị. Vì thế, suốt một tháng trời ở nơi xứ người, chị vẫn sống vô tư, thoải mái mà không biết rằng, mình sắp bị đem bán vào "động quỷ", làm đồ mua vui cho những gã đàn ông ham của lạ.
Hai đối tượng bán mẹ con chị G. sang biên giới bị cơ quan công an bắt giữ.
Lừa cả mẹ lẫn con
Thời gian này, vì nhớ gia đình nên chị G. đã mượn điện thoại của Hùng Chí An gọi điện về nhà. Biết chị G. nói chuyện với con gái tên là Hảng Thị N. nên An ghi lại số điện thoại và lân la làm quen. Để N. tin lời mình, Hùng Chí An chụp ảnh hắn cùng với chị G. rồi gửi về cho N.. Nhờ chiêu bài này, An đã lừa được N. sang biên giới mà không phải tốn công, nhọc sức, và không bị nghi ngờ.
Tìm mãi mà không có khách mua "hàng", Hùng Chí An sốt ruột sợ khi đón Hảng Thị N. sang thì mọi chuyện vỡ lở nên đã bàn với Giàng Seo Phừ bán chị G. vào nhà thổ. Khi vụ "giao dịch" chưa thành công thì chị G. đòi về nhà thăm con. Mặc cho Hùng Chí An và Giàng Seo Phừ khuyên giải thế nào, chị G. cũng không đồng ý. Biết rằng nếu bán chị G. vào nhà thổ thì số tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao nên Hùng Chí An đồng ý để Seo Phừ đưa chị G. về Việt Nam. Tỏ ra hào phóng, Hùng Chí An còn đưa cho chị G. 200 NDT và hứa sẽ đưa về tận huyện Mù Cang Chải. Về đến nhà, chị G. mới phát hiện con gái là Hảng Thị N. đã bỏ nhà đi gần được một tuần. Lo có chuyện không lành nên chị G. cùng người thân trong gia đình chạy đi khắp nơi tìm con nhưng bặt vô âm tín.
Lúc này Hảng Thị N. đã ở bên xứ người và được Hùng Chí An "tiếp đón" như khách quý trong nhà. Biết N. vẫn còn là con gái nên An không vội vàng đem bán ngay mà tìm những mối "khách" trả giá cao mới chịu đàm phán. Hắn "hét giá" bán N. là 10.000 NDT cho những người đàn ông muốn mua về làm vợ. Thấy N. nhớ nhà, lại thường xuyên hỏi về thông tin của mẹ, Hùng Chí An đưa cho N. 1.500 NDT để mua sắm và nhờ người chuyển 4 triệu tiền Việt Nam về cho gia đình N.. Để tránh sự tố cáo của gia đình N., Mùa A Rùa yêu cầu Hùng Chí An chụp ảnh chung với Hảng Thị N. và đưa thêm tiền cho gia đình cô bé. Thấy con gái béo tốt, lại chụp ảnh với "thương gia" Hùng Chí An nên gia đình không nghi ngờ gì, trái lại, còn tỏ ra vui vẻ khi con gửi tiền lương tháng về nhà.
Chuyện vượt sông bất thành
Tuy nhiên, lúc này thấy Hùng Chí An thường xuyên đưa mình đi gặp nhiều người đàn ông lạ, họ lại liên tục sờ nắn thân thể mình, N. bắt đầu nghi ngờ. Rồi N. vô tình phát hiện ra Hùng Chí An thực chất là một kẻ buôn người vào nhà thổ, nhưng núp bóng "thương nhân". Vì thế, ngay ngày hôm sau, lợi dụng lúc Hùng Chí An tiếp khách, N. đã bỏ trốn. Nhưng vì không quen đường và sợ hãi nên N. không dám bỏ đi quá xa, chỉ quanh quẩn xung quanh nhà An để tìm cơ hội gọi điện về nhà. Vì thế, chưa đầy một ngày, Hùng Chí An và đồng bọn đã tìm được cô bé. Biết N. đã phát hiện ra việc làm của mình, Hùng Chí An quyết định bán N. cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 8000 NDT. Tuy nhiên, khi "khách" đến xem "hàng", N. đã kháng cự lại. Vì thế, N. bị đám tay chân của "ông trùm" Hùng Chí An đánh đập dã man, thậm tệ.
Lúc này ở Việt Nam, thấy công việc làm ăn thuận lợi, lại kiếm tiền một cách dễ dàng nên Mùa A Rùa tiếp tục thực hiện thương vụ tiếp theo. Đối tượng được hắn nhắm đến là cô cháu gái Lý Thị M. (sinh năm 1995, trú cùng thôn). Biết M. là thiếu nữ đang tuổi lớn, thích mặc quần áo, đeo trang sức đẹp nên Mùa A Rùa rủ M. lên Lào Cai chơi để mua đồ đẹp. Không chút nghi ngờ, M. đồng ý cùng Rùa đi xe máy lên biên giới.
Nhận được tin báo có "hàng", Hùng Chí An trực tiếp qua biên giới nhận người. Sợ bị công an Việt Nam phát hiện, Hùng Chí An ra điều kiện, Mùa A Rùa phải đưa M. đến gần biên giới Trung Quốc thì mới trả tiền. Rùa đồng ý và đưa M. đến khu vực bờ sông Nậm Thi, thuộc tổ 9, phường Lào Cai. Khi đã nhận "hàng" và thanh toán số tiền 3000 NDT cho Mùa A Rùa sòng phẳng, Hùng Chí An chuẩn bị đưa M. vượt sông sang Trung Quốc thì bị đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện bắt quả tang. Sau khi được các chiến sĩ biên phòng giải thích, Lý Thị M. mới tá hỏa khi biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm.
Mặc dù đã trở về nhà bình yên và cũng may mắn chưa bị bán vào nhà thổ, nhưng những ngày qua mẹ con chị Sùng Thị G. và cháu N. vẫn còn bị ám ảnh bởi những giây phút kinh hoàng bên xứ người. Một điều khá lạ lùng ở nơi được xem là điểm nóng của tệ nạn buôn người nhưng những người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây vẫn nhẹ dạ, cả tin và sẵn sàng tự nguyện sang xứ người tìm cuộc sống giàu sang. Họ vô tình trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ buôn người. Rất nhiều cô gái dân tộc không may mắn được giải cứu kịp thời như trường hợp của hai mẹ con chị G. và bị sa chân vào "động quỷ".
Nhiều người thân cũng bị đem bán
Qua khai thác từ Hùng Chí An, công an Việt Nam đã phối hợp với công an Trung Quốc giải cứu được Hảng Thị N. và nhiều thiếu nữ khác khi đang bị nhóm buôn người ép vào "động quỷ". Ngày N. trở về, cả gia đình không thể nhận ra cô bé bởi khắp người cô là vết thương do bị đánh đập, tra tấn mỗi lần bỏ trốn bất thành. Lúc này, bộ mặt thật của người em rể Mùa A Rùa mới bị vạch trần. Cũng theo tài liệu của cơ quan công an thì trước đó, Mùa A Rùa đã thực hiện trót lọt hai vụ mua bán người trái phép qua biên giới, mà nạn nhân là những người thân quen của gia đình hắn.
Theo vietbao
Khám phá rừng Chế Tạo Là một xã vùng cao, với khoảng 1.700 nhân khẩu sống rải rác trên một địa bàn rộng hơn 30km2 bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu. Cuộc sống của người dân xã vùng cao Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái gần như biệt lập với xã hội hiện đại, chủ yếu là tự cung tự cấp. Con đường duy...