Bạn bè không thiếu, cần gì phải chơi cùng người yêu cũ
“ Xã hội hàng ngàn người, mắc gì phải đi làm bạn với người yêu cũ?” – đây chính là quan điểm của rất nhiều người hiện nay. Đối với họ, làm bạn với tình cũ là một việc làm ngu ngốc, phí thời gian. Liệu rằng điều đó có đúng?
Làm bạn cùng tình cũ – tưởng dễ nhưng thực ra lại không. (Ảnh: Pinterest)
Chơi với người yêu cũ, liệu có chắc sẽ không “nối lại tình xưa”?
Để quên được một người không phải là chuyện dễ dàng gì, nhất là khi cả hai từng yêu nhau sâu đậm. Khi làm bạn với người yêu cũ, cả hai sẽ rất dễ nhớ lại những kỉ niệm khi xưa, mãi không thể thoát khỏi hai chữ tình yêu. Nhưng ai chia tay mà chẳng có lý do, đã tan vỡ 1 lần thì khả năng xảy ra những lần kế tiếp rất cao. Ai dám khẳng định khi nối lại tình xưa, mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp hơn trước. Rồi cuối cùng lại tan hợp như một vòng lặp, vừa tốn thời gian vừa khiến đôi bên mệt mỏi, buồn phiền.
Rút kinh nghiệm từ câu chuyện của mình, cô bạn K.T (26 tuổi) cũng đồng tình với quan điểm “không làm bạn với người yêu cũ”. Cô kể: ” Không phải tự nhiên nhiều người không muốn yêu vì sợ đánh mất mối quan hệ đâu. Mọi người phải hiểu làm bạn với người yêu cũ khó xảy ra lắm. Nhất là khi một trong hai vẫn còn tình cảm. Mình với bạn trai cũng từng dây dưa, lằng nhằng với nhau suốt 2 năm trời sau khi chia tay chỉ vì cái trò ‘làm bạn tình cũ’ này.
Lúc yêu nhau cả đống kỉ niệm đẹp, đến khi làm bạn cứ thấy sượng sao ấy, không thoải mái được. Người từng cùng mình nói bao lời mật ngọt, nắm tay, ôm hôn đi khắp nơi, giờ bảo coi nhau chỉ như bạn thì nghe có buồn cười không. Chưa kể, đi đâu, làm gì cũng nhớ đến hồi mới yêu nhau. Con gái như mình còn dễ yếu lòng, thế là cứ tan hợp không biết bao nhiêu lần, cứ bảo làm bạn là 1, 2 tuần sau về lại với nhau. Cuối cùng chỉ tốn thời gian mà thôi”.
Làm bạn với người yêu cũ chỉ khiến bạn dễ “nối lại tình xưa. (Ảnh: Pinterest)
Càng yêu sâu đậm càng khó làm bạn với người yêu cũ. (Ảnh: Pexels)
Không chỉ từ chối làm bạn với người yêu cũ, nhiều người còn cho rằng cả hai bên nên cắt hẳn liên lạc với nhau sau khi chia tay. Bởi đến cả mối quan hệ xây dựng bằng tình yêu còn chẳng bền vững thì nói gì đến tình bạn. Chưa kể có những mối tình chỉ mang lại toàn cay đắng, tại sao phải làm bạn với người đã từng khiến mình khổ đau, sầu não?
Đây cũng chính là lý do cô bạn M.T (30 tuổi) thẳng tay block tình cũ sau khi đường ai nấy đi. 9X bày tỏ: “Chẳng hiểu sao mọi người lại chọn làm bạn với người yêu cũ được nhỉ. Bản thân mình thì nghĩ, chia tay rồi, không block là còn may đấy. Bởi vì chuyện tình cảm mà tan vỡ thì nhất định phải có lý do đúng không? Mà nếu vậy thì đâu thể nhìn mặt nhau sau này được. Như đợt mình bị bạn trai ‘cắm sừng’, mình chỉ hận không thể tung hô khắp các mặt trận thôi. Gặp đâu chắc mình xả một tràng luôn quá. Nghĩ đến thôi còn cọc chứ nói gì đến làm bạn bè”.
Hay kể cả cô bạn T.H (28 tuổi) – người bước ra từ một mối tình không ồn ào, cãi vã – cũng khó lòng nói chuyện lại với bạn trai.H. kể: “Mình với bạn trai yêu nhau được 3 năm. Trước đó bọn mình là bạn thân, sau đó mới tiến tới yêu đương. Lúc hẹn hò mình mới biết anh ấy vô tâm kinh khủng, suốt ngày chỉ cắm đầu chơi game, tụ tập bạn bè. Cuối cùng không chịu được nữa mình quyết định chia tay giải thoát cho bản thân. Thực ra, lúc chọn đường ai nấy đi, bọn mình cũng không có cãi vã hay căng thẳng gì đâu, nhưng bảo quay trở lại làm bạn mình sẽ từ chối luôn, bởi vì cứ nhìn anh ấy mình lại nghĩ đến quãng thời gian stress, đau lòng khi xưa. Đúng là từ bạn thành yêu thì dễ, chứ ngược lại thì không thể.”
Nhắc đến tình cũ, nhiều người lại khó chịu ra mặt, đến gặp cũng không muốn. (Ảnh: Pinterest)
Video đang HOT
Nếu yêu mệt mỏi quá thì tốt nhất không nên ở bên nhau, kể cả với tư cách bạn bè. (Ảnh: Pexels)
Anh chàng M.V (29 tuổi) còn có một lý do quan trọng khác cho việc không làm bạn với người yêu cũ. M.V nói: ” Thử nghĩ đến lúc bạn có người mới đi, rồi người đó biết bạn vẫn còn liên lạc với người yêu cũ thì sẽ nghĩ như thế nào, không ghen có mà lạ. Đến bạn thân khác giới còn dễ hiểu lầm thì nói gì đến người yêu cũ. Bản thân mình mà có bạn gái chơi cùng người yêu cũ thì mình cũng tức lắm, nên là tốt nhất tránh xa hai chữ ‘tình cũ’ ra, thiếu gì bạn đâu”.
Kết bạn với tình cũ nên tùy vào hoàn cảnh
Thực tế, điều khiến một số người muốn làm bạn với người yêu cũ là vì họ tiếc nuối, không phải dễ dàng gì mới tìm được một ai đó hiểu và cùng sở thích với bản thân. Cái cớ này nghe cũng khá có lý, vì trong biển người rộng lớn ngoài kia, tìm bạn thì dễ nhưng tìm người đồng điệu lại rất khó. Tuy nhiên mọi người chỉ nên làm bạn với người yêu cũ khi tình cảm giữa cả hai chưa quá lớn, như vậy mới tránh được những tình huống khó xử như đã nói ở trên.
Đồng tình với điều này, cậu bạn Q.A (24 tuổi) bày tỏ: ” Đâu phải mối tình nào tan vỡ cũng đều là vì những lý do cay đắng, phải block hay quay lưng với người yêu cũ đâu. Mình cũng từng chia tay bạn gái vì mẹ cô ấy không thích mình. Lúc đó tình cảm của chúng mình chưa đủ lớn để mà ‘vượt giông bão’ như mọi người thường nói. Cũng vì vậy nên bọn mình quyết định quay trở lại làm bạn. Từ đó đến giờ, hai bọn mình chơi chung nhưng chưa từng có ý định quay lại với nhau, bởi vì dù sao tình cảm của cả hai cũng không quá nhiều, dễ đến dễ quên, lại biết rõ lý do chia tay rồi.”
Dù đã xác định rõ mối quan hệ của cả hai chỉ nên dừng lại ở mức bạn bè, thế nhưng ban đầu, Q.A vẫn hạn chế nhắn tin nhiều hay đưa người yêu cũ đi chơi riêng. Anh chàng còn rủ thêm nhiều bạn bè khác rồi tạo thành một nhóm chơi chung. Như vậy vừa giúp bạn gái cũ đỡ ngượng ngùng, vừa khiến cả hai nhanh làm quen với vị trí mới.
Làm bạn với người yêu cũ cũng phải làm đúng cách. (Ảnh: iStock)
Hãy xác định kĩ tình cảm của mình trước khi quyết định làm bạn với người yêu cũ. (Ảnh: Efexchangeyear)
Trước khi làm bạn với người yêu cũ, hãy cân nhắc thật kĩ lưỡng. (Ảnh: firstinsight)
Tất nhiên mỗi người sẽ có một câu chuyện khác nhau, thế nên trước khi quyết định làm bạn với người yêu cũ, hãy tự hỏi bản thân rằng điều đó có cần thiết hay không, cả hai liệu rằng sẽ hài lòng với điều đó?
Ở nhờ nhà người thân: Tiết kiệm tiền nhưng đủ thứ mệt mỏi
Hiện nay có rất nhiều người trẻ chọn ở nhờ nhà người thân thay vì thuê trọ bên ngoài. Họ cho rằng làm vậy vừa giúp bản thân tiết kiệm tiền vừa không phải đối mặt với những nỗi lo khác trong cuộc sống.
Nhưng thực tế, không phải ai ở cùng người thân cũng có được một cuộc sống "màu hồng" như những gì tưởng tượng. Mệt mỏi, ngột ngạt, khó xử đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Ở nhờ nhà người thân không phải lúc nào cũng sướng. (Ảnh: SCMP)
1001 chuyện mệt mỏi khi ở nhờ nhà người thân
Thay vì thuê trọ bên ngoài, nhiều bạn trẻ khi mới lên thành phố đã chọn ở nhờ nhà người thân để tiết kiệm chút chi phí. Thế nhưng, không ít người trong số họ lại rơi vào một cuộc sống ngột ngạt, chẳng "màu hồng" như những gì bản thân từng tưởng tượng. Giữ được chút tiền nhà nhưng phải đánh đổi cả sự tự do.
Điển hình như câu chuyện của cô bạn V.T.H.T (21 tuổi, sống tại Hà Nội). Cô nàng kể: " Đợt đầu mình còn vui lắm, vì tiết kiệm được 4,5 triệu bạc chứ ít gì đâu, lại còn có người thỉnh thoảng nấu cơm cho nữa chứ. Nhưng tầm 1 tuần thôi là thấy vấn đề liền. Mình bị cô chú quản lý thời gian chặt lắm, ngay cả thứ 7, chủ nhật cũng không được ra ngoài chơi.
Mỗi lần xin ra ngoài liền bị nói 'đi ít thôi, học không học còn suốt ngày đàn đúm'. Chưa kể còn liên tục hỏi mình đi với ai, sao về muộn thế, kiểm soát hơn cả bố mẹ mình ở quê. Có đợt xe hỏng, bạn nam học cùng mình đưa về nhà, thế là cô liền gọi mách bố mẹ mình, tự dưng bị mắng không ngóc đầu lên được."
Họ hàng đôi khi quan tâm chúng ta quá mức. (Ảnh: China Daily)
Nhiều người phải chịu đựng sự kiểm soát vô lý từ người thân. (Ảnh: NBC)
Ở nhờ nhà người thân cũng đồng nghĩa với việc bạn đang "mang ơn" họ. Thay vì trả tiền nhà, một số người lại "đền ơn" bằng cách làm việc vặt. Tuy nhiên chính hành động đó lại khiến họ vô tình trở thành "ô sin bất đắc dĩ". Kể về điều này, cô bạn N.K.L (21 tuổi, sống tại Nam Định) cho biết: " Ban đầu, thím chỉ bảo mình rảnh thì giúp thím. Lúc đó cũng chẳng nghĩ gì nhiều, vui vẻ làm ngay, nhưng lâu dần bỗng thành nhiệm vụ hàng ngày lúc nào không hay. Có đợt máy giặt trong nhà hỏng, mình phải nai lưng suốt 2 tiếng đồng hồ để giặt hết đống đồ của 5 người.
Lúc chú bảo sửa, thím mình còn bảo 'thôi sửa máy giặt làm gì, cái L. giặt tay cũng được mà'. Nghe bực kinh khủng. Biết là ở nhờ thì phải có ý thức làm việc nhà, nhưng không phải dồn hết việc lên vai mình như vậy. Vừa bị nói ở nhờ nhà người khác, vừa không được trả công giặt đồ, quét dọn, nấu cơm mỗi ngày. Thà sức đó mình đi làm thêm kiếm tiền thuê nhà còn đỡ bực hơn ấy."
Đôi khi bạn phải làm nhiều việc hơn bình thường. (Ảnh: NBC)
Một trong những nỗi sợ nhiều người muốn né nhất khi ở nhờ nhà người thân chính là anh/chị họ vô duyên, khó tính. Cô bạn H.N (24 tuổi, sống tại H.P) cũng từng phải xin bố mẹ ra ở trọ gấp chỉ sau vài tháng sống chung cùng chị họ. Cô bạn kể lại: "Đến giờ vẫn thấy quyết định ra ở riêng là đúng đắn. Ban đầu tưởng ở cùng chị họ bằng tuổi còn vui mừng, nghĩ hai đứa bằng tuổi lại là con gái sẽ dễ làm thân. Ai dè như cơn ác mộng. Mỗi lần mình mua đồ mới, chưa kịp mặc thử đã bị chị dùng mất. Có lần rách áo, tức lên đòi nói chuyện rõ ràng thì lại bảo mình làm quá, ở nhờ nhà người khác còn không biết điều, sống ích kỉ.
Có lần cãi nhau, chị ấy còn nói thẳng mình chỉ là con ở đợ từ quê ra. Lúc đó ấm ức lắm, khóc mấy ngày nhưng không dám nói với hai bác. Vì hai bác tốt với mình nên không muốn để họ phiền lòng. Còn bố mẹ mình ở quê, lại nghèo nên mình cũng không muốn cả nhà buồn. Cuối cùng đành ngậm ngùi cho qua.
Nhưng đến khi biết chị lấy tiền của mình tiêu không xin phép, mình đã thẳng thừng dọn đồ ra ở riêng. Từ đó đến giờ có về quê mình cũng không còn muốn gặp hay chào chị nữa".
Giống như H.N, có rất nhiều người ở nhờ nhà người thân nhưng không dám nói lên sự bất mãn của mình. Họ chấp nhận sống dựa vào sắc mặt của người khác để đổi lấy một chỗ ở miễn phí. Tuy nhiên, sau cùng họ vẫn chọn cách rời đi vì không thể chịu được cuộc sống ngột ngạt.
Ở cùng nhà đôi khi cũng sinh ra đủ thứ chuyện đau đầu. (Ảnh: Pexels)
Khó thở quá thì đừng ngại "dứt áo ra đi"
Không thể phủ nhận, ở nhờ nhà người thân có cả đống lợi ích. Ngoài việc tiết kiệm tiền nhà, bản thân còn được sống gần với gia đình hơn. Nếu gặp khó khăn hay vấn đề gì liên quan đến tiền bạc, sức khỏe còn có người ở bên chăm sóc, bảo vệ. Nhưng đây là khi chuyện "sống chung" diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Còn trong trường hợp bạn cảm thấy cuộc sống của mình quá khó thở, ngột ngạt, đừng ngần ngại xin ra ngoài ở riêng.
Tất nhiên, khi thuê trọ, bạn sẽ phải đối mặt với cuộc sống tự lập đầy rẫy khó khăn. Chuyện gì cũng phải tự làm, tự giải quyết, kể cả những chi phí ăn uống, điện nước hàng ngày. Đổi lại bạn sẽ có sự tự do, không phải sống trong sự soi xét, kiểm soát của bất kỳ ai. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định sống một mình hay với bạn bè, người thân. Hãy nhớ, chỉ khi bản thân đủ khả năng mới tính đến chuyện sống một mình.
Sống một mình, mọi người có thể tự do làm những điều bản thân muốn mà không sợ ai nhòm ngó, đánh giá. (Ảnh: Pexels)
Tuy nhiên đôi lúc cũng cô đơn, nhiều nỗi vất vả. (Ảnh: VCG)
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trao đổi với Thanh Niên rằng: "Việc lựa chọn sống như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của cá nhân. Tuy nhiên việc ở đâu, có lựa chọn nào thì bản thân mỗi bạn trẻ cũng đều phải tự học, tự lo được cuộc sống của mình.
Trước khi ra riêng cần cân nhắc quyết định của mình, đặt lộ trình và thích nghi tốt với môi trường đó. Đối với những bạn vừa vượt qua tuổi 18, chưa có nhiều kinh nghiệm sống mà ra riêng thì cần nhất là luôn giữ kết nối, chia sẻ với gia đình, bạn bè để không bị 'ngộp' khi sống riêng".
Sống cùng người nhà đôi khi cũng có nhiều lợi ích. (Ảnh: NPR)
Mọi người nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định sống chung hay ở riêng. (Ảnh: Pexels/Chinlingo)
Tóm lại, ở trọ một mình hay sống nhờ nhà người thân đều có những mặt ưu và nhược điểm rõ ràng. Bạn nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định bất kỳ điều gì.
Đi làm mấy năm nhưng cha mẹ cần tiền, bản thân lại không thể giúp Từ lúc còn ở nhà cho đến tận khi lên Đại học, cứ khó khăn, cần đến tiền là lại cầm máy lên, gọi điện xin viện trợ từ cha mẹ. Thế nhưng khi đã đi làm rồi, mấy năm trôi qua vẫn phải chật vật nuôi bản thân, đến lúc cha mẹ cần cũng chẳng thể giúp đỡ. Khoảnh khắc đó rất...