Băm nát núi Chín Khúc
Đứng ở đâu tại TP Nha Trang đều thấy núi Chín Khúc bị xẻ tan nát từ chân lên đến đỉnh nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không nắm rõ đó là những dự án gì
Núi Chín Khúc là ngọn núi rất lớn thuộc địa phận các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Phước Đồng (TP Nha Trang), Diên An, Diên Toàn (huyện Diên Khánh) và một phần thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Hiện chưa có thống kê về diện tích nhưng theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thì núi này đang thực hiện dự án trên diện tích khoảng 700 ha.
Sạt lở ngổn ngang
Tiếp cận các công trình ở khu vực phía Nam núi Chín Khúc, phóng viên chứng kiến cả vùng núi như đại công trình. Từ dưới chân núi, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Vĩnh Thái, Vĩnh Trung (TP Nha Trang), hàng chục xe ben lớn đang múc đất đá.
Một dự án trên núi Chín Khúc đang được san gạt tạo mặt bằng
Đường lên núi rộng gần 20 m, có một nhà chòi chắn ngang, chỉ trổ một lối đi. Phía trên một đoạn, phần chân núi được san ủi tạo mặt bằng rộng hàng chục hecta với nhiều đường xương cá, như một khu đô thị nhìn xuống TP Nha Trang. Đường lên đỉnh núi nhiều đoạn đã đổ bê-tông với nhiều tốp công nhân đang xây dựng. Một đường đất lớn ngoằn ngoèo lên đỉnh núi dẫn đến nơi có mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông đang san ủi. Phía Đông núi thuộc khu tái định cư Đất Lành (xã Vĩnh Thái) và đường Phong Châu (nối dài). Tại đây, nhiều khu vực bị khoét sâu vào chân núi. Khung cảnh sạt lở ngổn ngang.
Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân sống ở đây, cho biết: “Từ khi các dự án làm trên núi Chín Khúc, người dân hết sức khổ sở. Hơn 20 năm sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy lũ quét như năm rồi, rất kinh khủng. Nước từ trên núi đổ xuống như thác khiến cả khu dân cư Phong Châu ngập nặng. Đường Phong Châu nối dài gần như bị xóa sổ… Các dự án làm cho được việc họ chứ không biết gì đến hậu quả gây ra. Người ta cạo núi trắng xóa như vậy thì làm sao mà chịu được”. Cần nói thêm là trong đợt mưa lũ cuối năm 2018, TP Nha Trang xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng làm 21 người tử vong, trong đó chủ yếu là do sạt lở núi.
Video đang HOT
Trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng Nha Trang có nhiều dự án đã và đang san lấp núi để xây dựng nhà ở, khu đô thị. Những dự án đó đã báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Các cơ quan có trách nhiệm đã thẩm tra, có kết luận về báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào? Việc xây dựng nhiều dự án trên núi, giảm tỉ lệ che phủ rừng thì ảnh hưởng gì, góp phần gì vào vấn đề mưa, bão, lụt vừa qua? Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa trả lời vào trọng tâm những câu hỏi này.
Không rõ dự án gì?
Để tìm hiểu về các dự án bạt núi làm đường lên đỉnh Chín Khúc, phóng viên liên lạc với nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa nhưng không nhận được câu trả lời chính thức. Tại khu vực núi Chín Khúc không thấy bảng giới thiệu dự án theo đúng quy định. Hỏi mãi thì nhiều công nhân ở đây mới ấp úng cho biết trên đỉnh núi sẽ xây dựng một tượng Phật lớn kết hợp du lịch tâm linh. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết không nắm rõ dự án nào đang làm đường lên núi và phải rà soát lại. Sở Xây dựng cũng thừa nhận đang rà soát các dự án trên núi, yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo và sẽ kiểm tra cụ thể.
Ông Nguyễn Thanh Hy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, cho biết đợt mưa vừa qua chính quyền xã phải túc trực để di dời dân vì sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí phải thuê xe múc để phá đường thoát nước chống ngập. Ông Hy nhìn nhận các dự án đã làm thay đổi dòng chảy. Khi đề cập đến dự án bạt núi, làm đường lên đỉnh Chín Khúc thì ông Hy nói không nắm rõ.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết tại núi Chín Khúc có dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái trong khu kinh tế trang trại Đất Lành (phần mở rộng khu B của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa) được cấp phép từ năm 2012 với diện tích 123 ha, trong đó đất dịch vụ du lịch sinh thái là 17.400 m2. Theo ông Bảo, việc mở đường lên núi Chín Khúc là do công ty này thực hiện. Chúng tôi liên lạc với công ty để tìm hiểu nhưng bị từ chối và cho biết công ty không làm đường nào lên núi Chín Khúc.
Không đánh giá tác động môi trường?
Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện ở núi Chín Khúc chỉ có dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường lần gần nhất là vào tháng 11-2017.
Trả lời về việc đánh giá tác động môi trường khi làm đường lên đỉnh núi Chín Khúc, đại diện chi cục không xác nhận được có hay không vì dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung có độ cao khoảng 68 m, trong khi đỉnh núi Chín Khúc cao khoảng 500 m.
Bài và ảnh: Kỳ Nam
Theo Nguoilaodong
Gia tăng ùn tắc giao thông vì... phân luồng
Cơ quan chức năng cấm ô tô trên 29 chỗ vào đường Trần Phú (TP Nha Trang) vô tình khiến các tuyến đường khác bị dồn ứ.
Hết giờ cấm, xe từ 29 chỗ lại đổ về, chạy nối đuôi suốt tuyến đường Trần Phú
Gần 2 tháng nay, từ khoảng 6h30 hàng ngày, đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu "nêm chặt" xe đi lại, hoạt động nhiều nhất là xe từ 29 chỗ trở lên. Các xe xếp thành hàng dài, bấm còi inh ỏi. Càng về cuối đường, lượng xe càng càng đông, ở đoạn này người đi bộ tràn xuống lòng đường khiến con đường càng trở nên chật chội, xe nhích từng chút một.
Theo người dân sống bên đường, nguyên nhân bởi tuyến đường Trần Phú cấm xe ô tô từ 29 chỗ trở lên hoạt động vào giờ cao điểm (từ 6h30 - 8h và từ 16h30 - 18h30) khiến đường 1 chiều Nguyễn Thiện Thuật trở thành "lối thoát" cho các xe từ trung tâm ra cảng Cầu Đá đi tham quan vịnh Nha Trang hay về các địa điểm phía Nam như Phước Đồng, sân bay Cam Ranh.
"Đoạn cuối Nguyễn Thiện Thuật rẽ ra khu 86 Trần Phú có rất nhiều khách sạn cao tầng, giờ cấm xe ô tô lớn không vào được phải dừng đỗ đón khách. Xe nhiều, khách xuống đi bộ đông gây ùn tắc", một người dân hẻm 86 Trần Phú nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại tuyến đường Trần Phú, hiện không còn cảnh "ngột ngạt" vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, khi hết giờ vàng, ô tô từ khắp các ngả đường đổ về rất đông, gây ùn tắc.
Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, hiện mỗi ngày Nha Trang tiếp nhận khoảng 1.800 xe từ 30 chỗ ngồi trở lên, khoảng 2.000 xe dưới 29 chỗ ngồi. Việc cấm xe tuyến đường này vô tình khiến các tuyến đường các bị dồn ứ.
Tìm hiểu của PV, từ ngày 1/2, TP Nha Trang tổ chức phân luồng giao thông mới, ngoài đường Trần Phú, các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Vân Đồn cấm tất cả ô tô khách trên 29 chỗ lưu thông cả hai hướng vào giờ cao điểm. Ngoài ra, nhiều đường giao cắt với Trần Phú như: Nguyễn Chánh, Lý Tự Trọng, các đường khu sân bay cũ... cũng cấm rẽ trái vào đường Trần Phú. Dễ nhận thấy, việc phân luồng này nhằm ưu tiên giảm áp lực cho đường Trần Phú, con đường du lịch ven biển, sầm uất nhất Nha Trang với hàng trăm khách sạn, nhà cao tầng và thường xuyên có tình trạng kẹt xe từ nhiều năm qua.
Một số đơn vị lữ hành cho biết, việc phân luồng mới khiến họ gặp khó, trong đó chủ yếu là việc cấm xe trên 29 chỗ lưu thông vào các tuyến đường du lịch vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, ủng hộ các phương án phân luồng của thành phố, tuy nhiên ngành chức năng cần có phương án hợp lý, tối ưu nhất để thuận lợi cho việc đưa đón khách du lịch. Nha Trang là thành phố du lịch, nếu đường nào cũng cấm, sẽ rất khó cho các hãng đơn vị lữ hành.
Theo Trung tá Lê Bửu Thọ, Phó đội trưởng Đội CSGT - trật tự (Công an TP Nha Trang), những tuyến đường được phân luồng trở lại có những tín hiệu tích cực, đường thông thoáng, dòng xe lưu thông thuận lợi. Tuy nhiên, các tuyến Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo... lại bị ảnh hưởng, thường xuyên ùn tắc cục bộ.
Quốc Nhựt
Theo Baogiaothong
Công an truy quyét nạn bán hàng rong và đi xe máy trên cao tốc Ngay sau khi Tạp chí Giao thông vận tải phản ánh tình trạng hàng trăm mét tôn hộ lan "không cánh mà bay" cũng như tình trạng xe máy ngang nhiên đi vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra, xử lý vi phạm....