Bám đất làng làm rau sạch, thu lợi gấp 5 lần trồng lúa
Bình quân mỗi hộ dân trồng rau sạch ở huyện Hoà Vang (TP.Đà Nẵng) thu nhập từ 20-40 triệu đồng/năm. Mặc dù vậy, cung vẫn không đủ đáp ứng cầu khiến chợ đầu mối nông sản Đà Nẵng và một số chợ vùng lân cận thường xuyên phải nhập rau từ nơi khác…
Vợ chồng ông Nguyễn Lai (ở thôn Tuý Loan Tây 1, Hoà Phong) trước đây có 1.500m2 đất màu trồng đậu. Khi thấy không hiệu quả, vợ chồng ông chuyển sang trồng rau sạch, luân phiên trồng rau cải, ngò tây, khổ qua, đậu tây, dưa leo, đậu phộng… Giá cả rau phụ thuộc vào thị trường, năm được năm mất nhưng bình quân vợ chồng ông thu được khoảng 15-20 triệu đồng mỗi năm.
Bình quân mỗi hộ trồng rau ở huyện Hoà Vang thu nhập từ 20-40 triệu đồng mỗi năm từ rau sạch. Ảnh: Kim Oanh
Ông Lai cho biết, ông bắt đầu trồng rau sạch từ năm 2008, với diện tích 1.500m2 ông trồng các loại rau dền, muống, cải ngọt, cải cay, ớt… Mỗi ngày thu từ 120.000- 150.000 đồng tiền rau. “Không thu tiền nhiều một lúc nhưng ngày nào cũng có tiền bỏ túi. Nghề trồng rau sạch tuy vất vả, suốt ngày chăm chút từ tưới nước, làm cỏ, làm đất… nhưng thu nhập khá nên sống khỏe. Từ nhiều năm nay, người dân ở Túy Loan cứ bám đất ở làng mà trồng rau kiếm sống…” – ông Lai tâm sự. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn Túy Loan Tây 1, Hoà Phong) có 250m2 đất, sau khi trồng đậu không hiệu quả, bà chuyển sang trồng ớt, mỗi vụ thu hoạch được 5-6 triệu đồng. “Trước đây, trồng đậu làm chi có được số tiền đó, làm một vụ mấy tháng cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng” – bà Tuyết cho biết.
Video đang HOT
Gần 2 năm nay, gia đình ông Võ Mạnh (ở thôn Phú Sơn Nam, Hoà Khương) chuyển 3 sào đất làm lúa của gia đình sang trồng rau sạch. Mỗi năm ông Mạnh trồng 2 vụ khổ qua, dưa leo và đậu đũa, trừ chi phí, mỗi vụ ông thu được 20 triệu đồng, mỗi năm thu nhập được 40 triệu đồng.
Thấy làm rau hiệu quả, ông Mạnh tiếp tục thuê thêm 2 sào đất của người dân trồng bắp không hiệu quả để chuyển sang trồng 2 sào bí đao. “Từ năm ngoái đến nay, giá rau tăng, thương lái đến tận làng tìm mua rau nên người dân làm có lãi… Tính ra làm rau sạch lợi hơn làm lúa, mỗi vụ lúa thu hoạch xong, trừ chi phí mỗi sào cũng lãi chỉ được 500.000 đồng” – ông Mạnh thổ lộ.
Cầu vượt cung
Ông Bùi Dũng- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Tuý Loan (Hoà Phong) cho biết, vùng rau sạch Tuý Loan có hơn 40 hộ tham gia trồng rau với diện tích 8ha, trồng hơn 30 sản phẩm rau quả các loại gồm mồng tơi, rau dền, xà lách, rau cải, hành lá, bí đao, khổ qua, bầu, mướp, ớt…
Hiện mỗi ngày, người dân vùng rau xuất bán khoảng 500kg rau/ngày. Trong đó, số rau cung cấp qua HTX là 30%. Còn lại các hộ dân bán lẻ cho các chợ, thương lái. Bình quân hàng ngày, mỗi hộ trồng rau thu nhập từ 120.000-150.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Ban đầu, HTX được thành lập có diện tích 2ha với 20 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã được mở rộng lên 8ha và đầu tư các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP với các loại rau quả như dưa leo, bí đao, chanh, khổ qua, cải xanh, rau muống…
“Hiệu quả kinh tế của trồng rau sạch là thấy rõ, đầu ra của HTX đã tương đối ổn định. HTX vừa ký hợp đồng cung ứng mỗi ngày từ 500- 600kg các loại cho 2 công ty, 1 trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang lo sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, một phần do diện tích đất canh tác ít, một phần là nhân lực không có bởi vùng rau này chủ yếu là những người lớn tuổi trồng, không có một đội ngũ kế cận. Chúng tôi cũng đang làm phương án đề nghị Sở NNPTNT mở rộng thêm 3ha diện tích đất trồng rau sạch” – ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Mười- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Khương cho biết, vùng rau sạch Hoà Khương được hình thành từ năm 2015 của dự án QSEAF hỗ trợ do Sở NNPTNT chủ trì, có diện tích 6,3ha với 10 hộ tham gia trồng, mỗi năm mỗi hộ thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/sào từ trồng rau sạch. “Cái khó hiện nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh nhỏ lẻ tại các chợ. Hơn nữa, nếu vùng rau tiếp cận được các siêu thị, nhà hàng, thì bắt buộc phải cung ứng trong cả năm, trong khi việc canh tác của người dân cũng gặp khó do thời tiết không thể sản xuất cả năm, và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cần….” – ông Mười chia sẻ.
Theo Danviet
Cả trăm loại nông sản thực phẩm an toàn Nam Bộ "trình làng" ở Thủ đô
Đến với "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản Nam Bộ tại Hà Nội" với sự góp mặt của hơn 100 sản phẩm đa dạng, người tiêu dùng Thủ đô sẽ có dịp tìm hiểu cách nhận biết, phân biệt và lựa chọn các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng.
"Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản Nam Bộ tại Hà Nội" sẽ được tổ chức từ ngày 12.8 đến ngày 18.8 với 20 gian hàng bán nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền nội thành Hà Nội tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Đồng thời, kết hợp với 100 địa điểm bán hàng được tổ chức đồng loạt ở nhiều quận nội thành với sự tham gia chung tay của nhiều DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn như Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen, Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại...
Hơn 100 sản phẩm gồm các nông sản thực phẩm an toàn là các đặc sản Nam Bộ sẽ được trưng bày, giới thiệu tại "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ" ở Hà Nội.
Trong đó, tuần lễ chủ yếu tập trung vào khoảng hơn 100 sản phẩm gồm các nông sản thực phẩm an toàn là các đặc sản Nam Bộ như: Xoài Cát Hòa Lộc (Tiền Giang), nước mắm Phú Quốc; bưởi Năm Roi (Vĩnh Long); gạo thơm Hậu Giang; trứng gia cầm Ba Huân (Bình Dương); thịt đóng hộp Vissan (TP Hồ Chí Minh); dừa Xiêm (Bến Tre); quýt đường Lai Vung (Đồng Tháp); hạt điều (Bình Phước); măng cụt (TP Cần Thơ); bánh pía (Sóc Trăng); gạo Hạt ngọc trời Tiên nữ (An Giang); gạo Nàng Mai (Long An); Thanh long ruột đỏ (Tây Ninh)... Đặc biệt, hội chợ sẽ chú trọng vào các sản phẩm trái cây trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ.
Cụ thể sẽ có 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền các tỉnh Nam Bộ. "Sẽ có kho bảo quản lạnh sản phẩm để phục vụ các đơn vị miền Nam mang sản phẩm ra trưng bày", bà Vũ Thị Vân Phượng, đại diện công ty cổ phần thương mại VietRAP cho biết.
Toàn cảnh hội nghị triển khai "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ" tại Hà Nội
Phát biểu tại Hội nghị triển khai "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ" (diễn ra sáng nay 2.8 tại Hà Nội do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức), ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết: "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ tại Hà Nội" nhằm giới thiệu các sản phẩm an toàn và là đặc sản của những địa phương Nam Bộ đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là hoạt động giúp người tiêu dùng biết cách nhận biết, phân biệt và lựa chọn các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng.
Tại Hội nghị, một số đại biểu đã đưa ra những ý kiến đề xuất về việc bên cạnh những chứng nhận nông nghiệp thông dụng như VietGAP, GlobalGAP thì cần đưa ra một bộ tiêu chí nhận diện nông sản thực phẩm an toàn cụ thể để người tiêu dùng đánh giá được chất lượng sản phẩm khách quan và chính xác hơn.
"Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ" ở Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp phân phối của Thủ đô có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín của các tỉnh, thành phố để liên doanh, liên kết; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm tốt từ khắp các vùng miền. Trong khuôn khổ thời gian tổ chức tuần lễ nhận diện sản phẩm sẽ diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động tuyên truyền quảng bá và người tiêu dùng Thủ đô đi tham quan, mua sắm tại tuần lễ.
Theo Danviet
Nức danh cam Xã Đoài Cam Xã Đoài - Nghệ An từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi vì hương vị và chất lượng có một không hai và nằm trong top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Cam Xã Đoài được trồng chủ yếu tại xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An với giống cam hình quả nhót (người ta gọi là cam lót)...