Bầm dập vì tố cáo tiêu cực
Trải qua nhiều thị phi, “lên bờ xuống ruộng”, thậm chí nguy hiểm tính mạng khi đứng ra tố cáo tiêu cực nhưng họ vẫn khẳng định sẽ kiên quyết đấu tranh cho đến lúc tìm được lẽ phải.
Vụ tố cáo tiêu cực xảy ra đã 7 năm nhưng trong buổi trò chuyện với chúng tôi mới đây, “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa luôn lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi không đặt yêu cầu gì cho bản thân, chỉ mong cái sai bị xử lý”.
“Bố nó lôi ra thì chết”!
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A, tỉnh Hà Tây (cũ), bức xúc trước việc giáo viên bỏ vị trí coi thi, nhân viên phục vụ thì vào tận phòng phân phát bài giải sẵn cho thí sinh, thầy Khoa đã quay video và đưa ra công luận. Trước sức ép của dư luận, tháng 7/2006, ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đã từ chức.
Ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phát động phong trào “hai không”: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Từ đó, nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục được ngăn chặn. Thầy Khoa được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia chương trình Người đương thời và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử.
Tháng 12/2007, thầy Khoa tiếp tục tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Sở GD-ĐT Hà Tây bao che, không xử lý. Thầy Khoa bị trù dập, bôi nhọ. Người ta vu cáo ông là bị thần kinh, phản động.
Những người bị tố cáo còn thuê các đối tượng giang hồ hành hung, cướp tài sản, cảnh cáo thầy Khoa không được can thiệp vào các sai phạm của nhà trường. Cũng trong thời gian ấy, cô con gái lớn của ông vừa học hết tiểu học thì bị một trường THCS từ chối, không cho nhập học với lý do: “Bố nó chống tiêu cực, nhận nó vào lỡ nay mai có chuyện gì, bố nó lại lôi ra thì chết!”.
Nỗi buồn bị cô lập, bị người xung quanh ghẻ lạnh luôn đeo bám nhưng thầy Khoa vẫn kiên trì trên con đường đấu tranh làm rõ trắng – đen. Đơn tố cáo các sai phạm của Trường THPT Vân Tảo được ông gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ GD-ĐT nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Những ngày tháng nặng nề kéo dài đến giữa năm 2010, thầy Khoa phải làm đơn xin thôi việc ở trường này. Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận, Sở GD-ĐT Hà Nội đã điều động ông về công tác tại Trường THPT Thường Tín.
Năm 2012, thầy Khoa lại hỗ trợ một giáo viên và một thí sinh cung cấp cho báo chí những hình ảnh tiêu cực gây chấn động tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012.
“Tin đồn xấu về tôi nhiều lắm. Có lúc tôi mất niềm tin nhưng nghĩ lại, mình phải làm những gì đúng với trách nhiệm của người thầy. Như thế tôi mới được sống đúng lòng mình, đúng lý tưởng” – thầy Khoa thổ lộ.
Video đang HOT
Chúng tôi thắc mắc liệu có bao giờ thầy Khoa thấy nản lòng trên con đường chống tiêu cực? Ông tâm sự: “Không chỉ riêng tôi, người nào đấu tranh chống tiêu cực cũng nản. Chúng tôi bị “bạo hành tâm lý”, bị mất niềm tin vào bộ máy quản lý. Riêng mình, dù thế nào thì tôi cũng vẫn làm”.
Hiện mỗi tuần thầy Khoa dạy 16 tiết, thu nhập “có thể sống được”. Để tích lũy, nuôi 2 con ăn học, ông phải làm thêm việc chụp ảnh, kinh doanh máy tính và đang dự định mở quán nước tại nhà. “Tôi thấy vui vì mình kiếm tiền từ những công việc chính đáng, dù rất khó khăn. Mình có trong sạch thì mới kết nối, động viên được anh em chống tiêu cực. Cái xấu luôn được bao che nhưng còn sức thì tôi còn đấu tranh đến cùng” – ông quả quyết.
Chị “Nguyệt – Hoài Đức”: “ Lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng” Ảnh: Ngọc Dung
Chấp nhận hy sinh
Gặp lại chị “Nguyệt – Hoài Đức”, tức Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức, TP Hà Nội – chúng tôi nhẹ lòng khi nụ cười đã trở lại trên môi chị. “Tôi tố cáo không ngoài mong muốn những sai phạm được thay đổi, bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, an toàn và không còn bị lừa dối, trục lợi” – chị Nguyệt bộc bạch.
Khi chị Nguyệt quyết định viết đơn tố cáo, gia đình khuyên chị dừng lại, đồng nghiệp thì nói ra nói vào. Bản thân chị cũng lo lắng cho những đồng nghiệp làm sai sẽ bị kết tội nặng… “. Nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng khi thấy những phiếu xét nghiệm trùng được in ra từng xấp. Chỉ trong 10 ngày, chúng tôi đã thu hơn 400 bản. Không thể lường hết được những hậu quả mà người bệnh phải gánh chịu từ việc làm sai trái, phi đạo đức đó. Một kết quả xét nghiệm được tận dụng in thêm để cùng trả cho nhiều người, việc lấy máu chỉ để bỏ đi, trong khi bệnh nhân phải chờ đợi vất vả, mệt mỏi, khổ sở. Chính vì vậy, tôi chấp nhận hy sinh” – chị bày tỏ.
Lá đơn tố cáo chưa được gửi đã bị lộ. Giám đốc BVĐK Hoài Đức phân công người xuống gặp chị Nguyệt để uy hiếp, bắt rút đơn, theo dõi mọi hoạt động… Chị đã gầy đi 5 kg, nhiều đêm không ngủ, thường xuyên căng thẳng và đau đầu. Đến cơ quan công an và báo chí để tố cáo, chị luôn trong tâm trạng căng thẳng vì sợ bị cướp giật toàn bộ hồ sơ, chứng cứ. Khi đơn đã gửi, chị lại lo lắng không biết sự việc sẽ được xử lý ra sao. Khi mọi việc được đưa ra ánh sáng, chị Nguyệt vẫn trăn trở, không an lòng vì chị Oanh, người giúp chị thu thập các bằng chứng để tố cáo, bị khởi tố.
Chị Nguyệt tâm sự: “Bây giờ, tôi phải thận trọng hơn vì còn có gia đình và các con. Tố cáo để đòi lại công bằng cho người bệnh và đồng nghiệp đang hết lòng với chuyên môn nhưng giờ đây, chính tôi cũng chưa hết ngổn ngang lo nghĩ”.
Sau vụ việc này, chị Nguyệt đề đạt nguyện vọng chuyển sang khoa khác. Không phải chị sợ hay né tránh nhưng không ai muốn hằng ngày gặp lại những người không cùng quan điểm trong công việc. Tuy vậy, chị Nguyệt vẫn xác định BVĐK Hoài Đức vẫn là môi trường gắn bó lâu dài, giúp chị tiếp tục theo đuổi nghề y mà mình say mê.
Phải bảo vệ người tố cáo Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TP HCM, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng… đã có nhưng còn thiếu những quy định cụ thể. Chẳng hạn, người tố cáo tham nhũng, tiêu cực được bảo vệ như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ họ vẫn chưa được quy định, phân công rõ. Luật sư Thi cho rằng muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, trước hết phải bảo vệ cho được người tố cáo; đồng thời trừng trị nghiêm những kẻ có hành vi trả thù người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. H.Hiếu
Theo Yến Anh – Ngọc Dung (Người Lao Động)
Chị "Nguyệt Hoài Đức" có xứng Công dân Thủ đô ưu tú?
"Ngành Y tế Hà Nội không giới thiệu chị "Nguyệt Hoài Đức" vào danh sách đề nghị Thành phố xét tặng thưởng danh hiệu 'Công dân Thủ đô ưu tú' năm 2013".
Đó là thông tin từ ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 1/10.
Tại cuộc giao ban, PV đặt câu hỏi đến vị Phó trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội về trường hợp của chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng tên trong lá đơn tố cáo sai phạm vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức (Hà Nội).
Cụ thể, PV hỏi, nhân dịp Hà Nội đang xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013, ngành Y tế Hà Nội có giới thiệu chị Nguyệt vào danh sách đề nghị không? Chị Nguyệt có xứng đáng với danh hiệu trên không?
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội
Ông Phan Đăng Long cho biết, mỗi dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10, tổ chức Hội nghị biểu dương "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu. Từ năm 2010, nhân dịp Đại lễ nghìn năm, Hà Nội có đề xuất tổ chức Hội nghị trên kết hợp với vinh danh 10 "Công dân Thủ đô ưu tú".
Tuy nhiên, theo ông Long, năm 2010, lần đầu tiên Hà Nội vinh danh 11 công dân thủ đô ưu tú. Khi đó, GS Ngô Bảo Châu vừa được giành giải thưởng toán học Fields sau khi Hà Nội đã xét 10 người, nên Hà Nội đặc cách tặng thưởng GS.
Năm 2013 là lần thứ 4 Thành phố xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Theo quy trình, các sở ban ngành giới thiệu danh sách những người xứng đáng, trên cơ sở đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xem xét theo các tiêu chí xét tặng. Sau đó, Hội đồng bỏ phiếu, lấy từ cao xuống thấp.
Chị Nguyệt nhận bằng khen từ Sở Y tế Hà Nội ngày 16/8/2013
Theo ông Long, năm 2013, các đơn vị giới thiệu tổng số 47 trường hợp, Hội đồng xem xét và cân nhắc 11 trường hợp xứng đáng, nhưng đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu cho 10 người theo đúng quy chế.
"Câu hỏi Sở Y tế có đề xuất chị Nguyệt - người tố cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm vào danh sách xét tặng không? Là một thành viên Hội đồng, tôi được biết, Sở không giới thiệu và nếu có đề xuất cũng chưa thể xem xét trường hợp chị Nguyệt".
Ông Long giải thích, vụ việc chị Nguyệt tố cáo, hiện nay cơ quan điều tra đang làm, thời gian tới đưa ra xét xử. Sau khi xét xử mới biết rõ sai đúng của vụ việc.
Quan trọng hơn, Công dân thủ đô ưu tú là xem xét cả một quá trình chứ không phải chỉ riêng một việc. Ví dụ, những người được xem xét đều có cả một quá trình cống hiến như: GS Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, GS Phan Huy Lê...
Theo ông Long, khi cân nhắc "Công dân Thủ đô ưu tú" cũng có một chút "cơ cấu", để có các đối tượng trí thức, nông dân, nghệ sỹ... Nếu nhiều trí thức quá hay nhiều nghệ sỹ quá cũng không nên.
"Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013, ngành Y tế giới thiệu GS. TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Ông sinh năm 1936, là một chuyên gia uy tín của nhiều tổ chức tim mạch học lớn trên thế giới.
Chiều 30/9, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã họp, xét và dự kiến đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013 cho 10 cá nhân: 1. Bà Chu Anh Đào, Giám đốc Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội (SN 1938). 2. GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (SN 1936). 3. GS Sử học Lê Văn Lan (SN 1936). 4. Bà Nguyễn Phi Nga, Tổ trưởng sản xuất tổ Môi trường 4 - Chi nhánh Hoàn Kiếm (SN 1961). 5. Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (SN 1955). 6. Ông Nguyễn Văn Thanh, Hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, Ứng Hòa (SN 1963). 7. Đại tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Công binh Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (SN 1958). 8. Bà Nguyễn Thị Tiêu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (SN 1943). 9. Ông Nguyễn Văn Tỵ, nguyên Chủ tịch UB MTTQ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (SN 1916). 10. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1941).
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Nhân bản XN: Bị can cầu cứu, CA nói gì? Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Hà Nội cho rằng: "Kêu oan là việc của chị Oanh, còn chúng tôi làm việc phải dựa trên căn cứ pháp luật...". Ngày 22/8, trao đổi với NTNN về việc bị can Phan Thị Oanh - nguyên Kỹ thuật viên trưởng (Khoa xét nghiệm...