“Bài toán” cứu sông bao giờ có lời giải?
Cách đây chưa đầy 20 năm, những người dân tại các xã của huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Nội vẫn coi sông Nhuệ như mạch máu của mình.
Dải đê với bãi cỏ xanh mướt vẫn là nơi lý tưởng để những đứa trẻ trăn trâu, thả diều. Người dân vẫn đến lấy nước về sinh hoạt. Mỗi mùa nước sông rút, dân làng lại đua nhau ra sông để bắt cá, mò trai. Đó cũng là nơi hẹn hò, gắn kết nhiều mối tình cho thanh niên sống dọc sông Nhuệ.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nguồn nước các dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Sinh sống gần dòng sông, bà Doãn Thị Khương, ở Phú Đô – Nam Từ Liêm – Hà Nội cho biết: “Mấy hôm nắng nóng, mùi hôi bốc lên khiến ngày nào gia đình tôi cũng phải đóng cửa. Ô nhiễm sông còn làm hàng loạt giếng khoan bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này để người dân chúng tôi có lại được con sông xanh mát như ngày xưa”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do hoạt động xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý. Theo thống kê, thời điểm này, trên 4 tuyến sông: Nhuệ, Bùi, Tích, Đáy có 1.868 điểm xả nước thải; trong đó, 797 điểm xả có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, 1.071 điểm xả là các cống tiêu dân sinh.
Mặt khác, dòng chảy các sông này phụ thuộc rất lớn nguồn nước bổ cập của sông Hồng. Trong khi đó, từ năm 2003 đến nay, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp, không thể đưa nước vào các dòng sông trên nên nước sông ô nhiễm càng thêm ô nhiễm.
Video đang HOT
Để cứu các dòng sông trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt dự án để cải thiện nguồn nước như: dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang sông Nhuệ; nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy; tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích… Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này chưa đáp ứng yêu cầu.
Hơn nữa, việc bổ cập nguồn nước chỉ có ý nghĩa giải quyết mức độ ô nhiễm sông ở khu vực Hà Nội, nhưng khu vực hạ du sẽ phải hứng chịu nguồn ô nhiễm. Để bảo đảm tính bền vững, giải pháp quan trọng là thu gom nước thải đưa vào hệ thống xử lý bảo đảm tiêu chuẩn sau đó mới xả xuống dòng sông.
Để biến những dòng sông ô nhiễm thành những dòng “sông xanh, sông lụa” một cách bền vững, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, các dự án xử lý nước thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…
Còn tại nội đô Hà Nội, các dòng sông như: Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét nhiều năm nay đã là nỗi ám ảnh về ô nhiễm của người dân. Hàng loạt các phương án cải tạo, làm sạch được các cơ quan chức năng đưa ra. Nhưng bất kể dự án, phương án nào đưa lên đều có sự tranh luận về tính hiệu quả, tính tối ưu của các dự án.
Và cứ như thế, khi cuộc tranh luận về việc làm sạch cách nào, cải tạo ra sao… vẫn chưa biết đến khi nào mới có hồi kết, thì hàng ngày hàng giờ, người dân sinh sống và đi lại dọc 2 bên các dòng sông “chết” vẫn phải sống trong ô nhiễm, khổ sở bởi mùi hôi thối và thấp thỏm với nguy cơ dịch bệnh thường trực từ dòng nước thải đen ngòm, đặc quánh.
Sinh Nguyễn
Theo PLVN
7 sân dạy lái xe 'chui' hoạt động giữa Hà Nội: Buông lỏng quản lý hay làm ngơ?
Có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông và được xây dựng theo tiêu chuẩn, mỗi ngày có cả trăm lượt xe "tập lái" ra vào, tuy nhiên 7 sân dạy lái ô tô trong khu vực nội đô Hà Nội vừa bị phát hiện không có giấy phép. Trong số này, có sân của một số đơn vị có tên tuổi trong lĩnh vực đào tạo lái xe.
Bãi xe tập lái không phép tại 132 Nguyễn Xiển nhưng có nhiều xe "tập lái" hoạt động trong sáng 26/8 Ảnh: Anh Trọng
Qua công tác rà soát, thu thập thông tin, Sở GTVT Hà Nội vừa phát hiện, tại các quận nội thành đang tồn tại 7 địa điểm dạy lái xe không được Sở GTVT cấp phép theo quy định. "Việc này đã ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo được cấp phép và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố", ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.
Thống kê về các địa điểm này, Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho biết, 7 sân đào tạo lái xe "chui" nằm ở các quận nội thành, trong đó quận Hoàng Mai: 2 sân, quận Nam Từ Liêm: 2 sân; quận Tây Hồ: 2 sân; quận Cầu Giấy: 1 sân.
Trong các địa điểm này, sân dạy lái xe tại đường Đỗ Đức Dục ( Mễ Trì, Nam Từ Liêm) và cơ sở tập lái tại cột phát sóng VOV ( Mễ Trì, Nam Từ Liêm) là 2 điểm mới phát sinh thời gian qua; các điểm còn lại đã tồn tại nhiều năm nay. Ông Đào Duy Phong, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định: Về nguyên tắc các điểm dạy lái xe không có phép thì không được hoạt động, do vậy lãnh đạo Sở GTVT đã có văn bản gửi Thanh tra giao thông, công an tại các quận huyện và cơ sở đào tạo lái xe này phải chấm dứt hoạt động các sân tập lái này.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trong 2 ngày qua cho thấy, hầu hết các sân tập không phép kể trên vẫn hoạt động bình thường, xe ra vào tấp nập. Tại sân dạy lái xe số 312 Nguyễn Xiển, sáng 26/8, chúng tôi thống kế có hàng chục xe tập lái di chuyển, đi hết lượt này đến lượt khác trong sa hình (đường di chuyển theo bài thi thực hành lái ô tô). Mỗi xe khi di chuyển trên sân đều có một người ngồi ở ghế lái (được gọi là học viên) và một người ngồi ở ghế phụ bên phải (được gọi là giáo viên hướng dẫn, giám sát). Cùng với diện tích rộng gần 10.000 m2, sân và bãi tập lái xe ở đây được láng bê tông, kẻ vạch đường, làn đường và có các cột biển báo giao thông hướng dẫn các xe di chuyển theo bài thi sát hạch lái xe ô tô.
Trách nhiệm của ai
Tại sân tập lái xe cạnh cột phát sóng VOV sáng 25/8, chúng tôi ghi nhận, có từ 20 đến 30 xe tập lái hoạt động. Do lượng xe vào bãi tập quá đông nên nhiều lúc, tại một số khu vực xe phải đi chậm để học viên thực hành các bài tập "lùi chuồng", "đề-pa"... xe tập lái dồn thành hàng dài, đứng chờ nhau. Ngoài một số biển hiệu đề tên sân tập lái VOV, nhiều xe chạy trong bãi tập cũng đeo tên đơn vị chủ quản và logo là: "Trung tâm DN và ĐT lái xe VOV" (một đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam).
Trên diện tích rộng gần 10.000 m2, sân tập dưới chân cột phát sóng VOV cũng được thảm bê tông, vạch kẻ đường và cắm biển báo hướng dẫn xe học lái di chuyển theo bài thi sát hạch ô tô. Tại đây học viên cũng được tập các bài tập "tăng tốc", "lùi chuồng" và vượt dốc "đề-pa"... So với hạ tầng một sân tập lái tiêu chuẩn, hầu hết các sân tập trong danh sách trên không thiếu hạng mục nào. Điều này chứng tỏ rằng, là bãi xe "lậu" nhưng hạ tầng được đầu tư công phu, có thời gian chuẩn bị, xây dựng và mời chào người đến tập, học lái công khai.
Với sân dạy lái xe tại đường Đỗ Đức Dục, ngoài sân tập, tại đây còn được đơn vị chủ quản bố trí một diện tích không nhỏ để làm bãi đỗ ngày đêm cho hàng chục xe khách, thậm chí có thời điểm các chủ nhà xe này còn vận chuyển, nhận - trả hàng gửi tại đây. Sau khi tìm hiểu được biết đơn vị chủ quản của cơ sở dạy lái kèm bãi đỗ xe này là Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh.
Bãi tập lái xe "chui" cạnh cột phát sóng VOV (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) với nhiều xe tập lái đeo logo tên doanh nghiệp chủ quản hoạt động trong 2 ngày qua Ảnh: Anh Trọng
Để vào các sân này tập, người học lái xe có thể thuê thầy (chủ xe) trọn gói với giá từ 300 đến 500 nghìn đồng/giờ. Nếu cá nhân tự đưa xe vào bãi tập, mất phí từ 100 nghìn đến 150 nghìn/giờ. Ngoài sân bãi, tại hầu hết địa điểm tập lái đều có bộ phận bán vé, thu tiền, nhận đăng ký học lái xe, thậm chí hồ sơ đăng ký thi lái xe...
Trao đổi với PV Tiền Phong về hướng xử lý sau khi đơn vị phát hiện 7 sân dạy lái xe "chui", lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, về mặt nhà nước Sở GTVT không cấp phép nên rất khó có các biện pháp xử lý trực tiếp. Xét về mặt chức năng và vị trí địa lý thì các đơn vị quản lý địa bàn như công an, chính quyền sở tại cần có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc này cần thực hiện ngay do các địa điểm này đang hoạt động không có phép, mặt khác quá trình tập và dạy lái xe trên có nguy cơ mất an toàn cao nếu không được kiểm tra, quản lý theo các điều kiện kèm theo.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện sự việc, Giám đốc Sở Vũ Văn Viện đã ký văn bản thông báo cho các đơn vị có liên quan biết và vào cuộc. Cùng với đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị, Thanh tra Sở GTVT, Công an các phường sở tại, các đơn vị chủ quản xử lý xe dạy lái thực hành không đúng địa điểm đã đăng ký, tổng hợp báo cáo kết quả về Sở GTVT. "Căn cứ báo cáo của Thanh tra GTVT, Phòng Quản lý phương tiện và người lái tham mưu, đề xuất giám đốc sở hình thức xử lý đối với các cơ sở đào tạo lái xe vi phạm", ông Viện yêu cầu.
Theo TPO
'Chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch Tô Lịch khác nào trò chơi' Theo chuyên gia, việc lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ, giải pháp chỉ như một trò chơi. Về đề xuất chi 150 tỷ đồng lấy nước sông Hồng làm sạch hồ Tây và sông Tô Lịch, theo Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước...