Bài toán công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam mùa Covid-19: Doanh thu là con số 0, loạt bom tấn Disney phụ thuộc vào tình hình đất Mỹ
Là một trong những nền công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải đối mặt với bài toán doanh thu bằng không và việc hủy ngày ra mắt loạt bom tấn.
Do sự ảnh hưởng của COVID-19, nền phim ảnh trên toàn thế giới, nhất là tại thị trường Mỹ và châu Á đã chịu tổn thất không nhỏ về mặt doanh thu. Các rạp phải đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới tạm dừng các hoạt động ghi hình đông người, dù cho các nền tảng trực tuyến cũng may mắn phần nào cứu nguy cho tình hình hiện tại. Tại Việt Nam, bài toán doanh thu cũng chẳng hề khá khẩm hớn trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, tiêu biểu là chia sẻ của hàng loạt tập đoàn, công ty sản xuất ở thời điểm hiện tại. Các dự án điện ảnh đã buộc phải lùi ngày phát hành hay ảnh hưởng tới giai đoạn hậu kỳ của phim, tới con số doanh thu chạm mốc 0 giữa bão dịch.
Thu Trang phân trần việc hoãn chiếu “Chị Mười Ba” vì COVID-19: Đâu thể nói chưa phát hành nên diễn viên “thối tiền” lại, chờ ngày ra rạp sẽ lấy doanh thu bù?
Giữa diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nền điện ảnh tại Việt Nam đã gánh chịu không ít tổn thất đến từ việc hoãn chiếu, hủy họp báo quảng bá, truyền thông các dự án phim đã lên kế hoạch ra rạp từ những tháng đầu năm 2020. Một trong số đó chính là phim điện ảnh Chị Mười Ba của vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang – Tiến Luật, dự án nhận được sự mong đợi lớn của các khán giả từ năm ngoái khi phiên bản webdrama đã “tạo sóng” trên MXH. Bộ phim vốn đã có lịch dự kiến khởi chiếu cho bản điện ảnh vào 27/3 vừa qua, nhưng buộc phải hủy bỏ từ sớm trước tình hình dịch bệnh.
Chị Mười Ba đáng nhẽ đã ra rạp từ cuối tháng 3.
Trailer Chị Mười Ba
Kế hoạch điện ảnh Chị Mười Ba của chị bị ảnh hưởng thế nào khi buộc phải hoãn công chiếu?
Việc phim không ra rạp đúng ngày có đôi phần ảnh hưởng đến uy tín của mình đối với nhà đầu tư và khán giả. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, Trang nghĩ khán giả lẫn nhà đầu tư sẽ hiểu và thông cảm cho mình. Vì đây là dịch bệnh không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn lan rộng trên toàn thế giới nữa. Trang cho rằng không ra rạp đúng như kế hoạch cũng là điều dễ hiểu và nên làm trong thời diểm này.
Chị Mười Ba là một trong những dự án chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Phải làm việc như thế nào với bên phát hành để có “thời điểm đẹp”?
Việc ra mắt vào thời điểm nào thì còn phải chờ đến khi dịch bệnh được khống chế. Hiện tại, cũng đã có lịch dự kiến rồi, nhưng Trang không dám nói trước điều gì vì phải tùy vào thực tế nữa. Lỡ mình chọn ngày mà đến lúc đó dịch bệnh vẫn còn thì đâu có được. Trang sẽ không nói trước ngày nào cả nhé, việc quan trọng bây giờ là chung tay chống dịch.
Thời gian hoãn chiếu lâu đến vậy, chị có lo lắng nội dung phim sẽ bị cũ hoặc khán giả không còn quan tâm đến tác phẩm như trước không?
Chuyện phim bị cũ thì Trang không lo lắng đâu. Việc phim bị hoãn chiếu vài tháng, đến khi ra mắt trở lại, Trang nghĩ không phải vấn đề quá lớn. Ngoài ra, nếu như phim hoãn với thời gian lâu hơn, đến khi ra mắt trở lại, mình có thể xử lý bằng cách chỉnh sửa nội dung hoặc quay thêm 1 số tình tiết để cập nhật tình hình hiện tại. Thêm đó, việc quan trọng là mình cứ làm ra sản phẩm chỉn chu, chất lượng, khi đã có phim chất lượng thì không lo lắng.
Thu Trang tin rằng một sản phẩm chỉn chu, chất lượng sẽ không có gì phải lo lắng sau này.
Khi phòng chiếu mở cửa lại, hàng loạt phim nội địa lẫn quốc tế sẽ ồ ạt kéo nhau ra rạp. Chị có lo lắng dự án của mình sẽ gặp sự cạnh tranh lớn?
Đương nhiên là khi phòng chiếu mở cửa trở lại, sẽ có nhiều phim nội địa lẫn quốc tế cùng ra rạp, vì thời gian trước tất cả đều bị lưu kho giống mình. Tuy nhiên, Trang rất yên tâm bởi nhà phát hành của Chị Mười Ba là nhà phát hành lớn, lại rất uy tín và chuyên nghiệp. Họ sẽ biết thời điểm nào phim ra mắt thì thích hợp.
Phim hoãn chiếu như vậy, chị cảm thấy “có lỗi” với ai nhất, khán giả, diễn viên, nhà đầu tư hay nhà phát hành?
Khi phim hoãn chiếu, đầu tiên là Trang cảm thấy có lỗi với khán giả, kế tiếp là với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc hoãn chiếu này đến từ nguyên nhân rất khách quan, không ai mong muốn điều này cả. Trang tin rằng mọi người sẽ hiểu và cảm thông thôi.
Những thành viên trong ekip, đặc biệt là diễn viên có hỗ trợ gì về mặt tổn thất không?
Đáng nhẽ ra thời điểm này phim Chị Mười Ba – 3 Ngày Sinh Tử đã phải ra rạp nhưng vì dịch bệnh nên mới phải hoãn chiếu. Phim quay xong hết, diễn viên cũng hoàn thành nhiệm vụ với tất cả các cảnh quay, mình đâu thể nào nói với họ rằng phim chưa phát hành được nên thôi mọi người “thối tiền” lại cho mình để chờ đến ngày ra rạp sẽ lấy tiếp phần tiền còn lại (cười).
Quan trọng là Trang hiểu các diễn viên đã làm việc chăm chỉ, nỗ lực cho dự án này thế nào. Với vai trò là nhà sản xuất, Trang không cần các diễn viên hỗ trợ gì cho mình về mặt vật chất cả, chỉ mong mọi người có thể hỗ trợ về tinh thần thôi. Cát xê cũng đã thanh toán hết cho mọi người, cứ bình tĩnh chờ hết dịch rồi mọi thứ sẽ ổn. Như Trang đã nói lúc nãy, điều quan trọng nhất là chung tay chống dịch.
Một con số ước chừng nhất định về tổn thất của mình thì sao?
Con số ước lượng về tổn thất à? Mình không ước lượng được đâu và cũng không thể nói tổn thất bao nhiêu được do phim chưa ra rạp mà. Tác phẩm vẫn còn cất trong kho nghĩa là nó vẫn thuộc về mình, chưa ra mắt thì không thể tính được doanh thu thế nào. Trang không tổn thất về vật chất cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với tinh thần cũng có buồn 1 chút. Dẫu vậy, nhìn cách mọi người cùng bảo vệ sức khoẻ cho nhau, Trang lại có sự lạc quan, tin tưởng. Sức khoẻ là vàng. Có sức khoẻ sẽ có tất cả.
CJ HK trước dịch bệnh: 4 phim buộc lùi ngày phát hành, dời lịch bấm máy một số dự án hợp tác
CJ HK hiện có nguồn thu nào vẫn đang chảy về cho CJ E&M trong tình hình diễn biến đang khá phức tạp không?
Chúng tôi hiện tại vẫn có nguồn thu từ việc bán phim trên thị trường quốc tế và các platform (nền tảng) sau rạp như VOD (truyền hình theo yêu cầu), paid TV (TV trả phí)…
CJ HK là liên doanh giữa CJ E&M Việt Nam và HK Film.
Là một tập đoàn sản xuất phim đa quốc gia có trụ sở ở Hàn, tình hình nhân sự làm việc ở cả hai bên ra sao trong thời điểm hiện tại?
Thực tế ở công ty chúng tôi và trụ sở chính ở Hàn Quốc, theo như được biết thì không có bộ phận nào đang phải đóng băng. Việc cắt giảm nhân sự hay giảm lương cũng chưa phải tiến hành. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thì hai nguy cơ trên tất yếu sẽ xảy ra.
Công ty CJ HK hiện vẫn làm việc bình thường: team nào làm việc ở nhà được thì ở nhà, team nào bắt buộc lên văn phòng thì thay phiên nhau lên văn phòng làm việc. Team sản xuất chủ yếu làm việc ở nhà, hai dự án đang trong giai đoạn hậu kỳ thì thỉnh thoảng producer phải đến phòng hậu kỳ để làm việc. Trừ team kế toán bắt buộc phải làm việc trên server và máy tính của công ty thì thay phiên nhau lên văn phòng làm việc. CJ HK là studio và không có production house nên team sản xuất phần lớn cũng làm việc ở văn phòng như team công sở, trừ khi có dự án trong quá trình sản xuất.
Hiện tại thì công ty may mắn chưa phải cắt giảm nhân sự hay lương của nhân viên. Toàn bộ công ty vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ này có thể xảy ra.
Bạn có thể chia sẻ một con số tỉ lệ tượng trưng với tổn thất cho các hoạt động từ tạm hoãn đến buộc phải huỷ vì diễn biến dịch phức tạp cho đến thời điểm này?
Bí Mật Của Gió buộc phải hủy công chiếu ngay sau buổi premiere.
Nếu xét về doanh thu thì CJ HK có 2 phim Việt và 2 phim ngoại lẽ ra có thể mang lại doanh thu trong thời điểm này, nhưng bị dời lại vì dịch bệnh bao gồm: Trạng Tí hợp tác với Studio 68 và Bí Mật Của Gió hợp tác với BHD, Classic và The Wishmas Tree là 2 phim ngoại đã được nhắc đến.
Khi điều kiện làm việc đang bị giới hạn như hiện tại, những hạng mục nào sẽ được tập trung vào nhiều hơn và các kế hoạch nào sẽ phải đợi xong dịch mới chạy?
Hiện tại thì CJ HK có 2 dự án đang trong giai đoạn hậu kỳ nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch. Một số deadline bị trễ vì không thể họp mặt đông người nên tất cả mọi việc phải chuyển qua online.
Trong thời gian này, team sản xuất tập trung vào việc phát triển kịch bản cho các dự án để sẵn sàng đưa vào sản xuất sau khi hết dịch và trong năm sau. Hiện tại team sản xuất đang phát triển 7 tới 8 kịch bản khác nhau để có thể bắt đầu đưa vào sản xuất tầm tháng 7 năm nay.
Team Marketing vẫn sản xuất và chuẩn bị các tài liệu cho các phim ra mắt sắp tới.
Các hoạt động marketing vẫn được lên kế hoạch.
Với các kế hoạch sản xuất, công ty đã hoãn thời gian bấm máy bao nhiêu dự án?
CJ HK đã phải dời lịch bấm máy một dự án hợp tác với Live On, dự tính bấm máy cuối tháng 3 hiện đã dời xuống cuối tháng 4 và có khả năng sẽ phải dời nữa nếu dịch bệnh còn phức tạp.
Dự án Trịnh Công Sơn mà CJ HK hợp tác với Galaxy cũng bị chậm tiến độ vì dịch bệnh. Các công tác tiền kỳ như casting, chọn bối cảnh… không thực hiện được. Vì vậy, thời gian bấm máy dự tính là tháng 7/2020 nhưng có thể bị dời lại do công tác tiền kỳ bị trễ.
Hai đạo diễn/NSX có dự án lớn với LOTTE trong năm 2020: “May mắn lịch hậu kỳ chưa bị ảnh hưởng nặng”
Anh Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Phim điện ảnh Tiệc Trăng Máu chia sẻ: “Lịch phát hành của Tiệc Trăng Máu từ đầu đã xác định sẽ ra mắt vào 28/8, nên cho đến nay, lịch hậu kỳ vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, đạo diễn sẽ buộc phải hạn chế ngồi cùng với dựng phim để hoàn thiện bản dựng trong thời gian toàn quốc thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội. Trước mắt, mọi thứ vẫn theo đúng lịch, nhưng nếu diễn biến của dịch nghiêm trọng hơn thì có lẽ phim cũng sẽ bị ảnh hưởng. Teaser của phim hiện tại đã bị ảnh hưởng do nghệ sĩ chỉnh màu của phim không thể bay sang vì lệnh cấm xuất nhập cảnh. Các kế hoạch quảng bá phim cũng bị ảnh hưởng do mọi người đều bận tâm về tin tức dịch bệnh. Nhà sản xuất cũng quyết định tạm gác lại một số chiến dịch.”
Bom tấn Tiệc Trăng Máu đối mặt với chướng ngại vật ở giai đoạn hậu kỳ.
Trong khi đó, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: “Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, không chỉ ngành phim. Nhiều người đang chịu nhiều thiệt thòi hơn mình, nên chỉ mong chúng ta sẽ vượt qua dịch sớm.”
Đạo diễn Victor Vũ.
Tập đoàn CGV trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh: Doanh thu là con số 0
CGV có nguồn thu nào vẫn đang chảy về trong tình hình diễn biến dịch vẫn đang phức tạp không?
Khi CGV đóng cửa toàn hệ thống thì cũng là lúc doanh thu CGV quay về con số 0.
CGV là một trong vô số cụm rạp tại Việt Nam đối mặt với bài toán doanh thu con số 0.
Tình hình nhân sự làm việc ở cả hai bên ra sao trong thời điểm hiện tại?
Theo dòng chảy chung của dịch bệnh toàn cầu, cả CGV Việt Nam và CGV Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều tổn thất nặng nề từ COVID-19 để lại. Hiện nay, mặc dù CGV Việt Nam đã đóng cửa toàn cụm rạp và nhân viên (CGV HQ và CGV VN) được làm việc tại nhà, nhưng các bộ phận liên quan vẫn kết nối làm việc qua lại với trụ sở CGV Hàn Quốc. Ví dụ như các dự án như “nhà biên kịch tài năng” hay “dự án phim ngắn CJ” vẫn đang được tiến hành làm việc trao đổi giữa hai bên để khi dịch giảm nhiệt thì sẽ khởi động lại.
Trước chỉ thị cách li xã hội từ chỉ thị Chính phủ đưa ra, CGV đã cho nhân viên được làm việc tại nhà từ ngày 1/4 đến hết ngày 15/4, tránh tụ tập đông người ngay cả trong công sở. Công ty vẫn đang cố gắng trả lương và các phúc lợi khác cho nhân viên đầy đủ theo luật lao động Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, CGV không cắt giảm nhân sự bộ phận nào và vẫn tiếp tục động viên tinh thần toàn thể nhân viên cùng chung tay với công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Con số tổn thất ước tính nói chung tính từ việc huỷ/dời đa số các hoạt động họp báo/premiere vì dịch ở tập đoàn mình chiếm bao nhiêu %?
So với cùng kì năm ngoái, chỉ riêng tháng 3, doanh thu phòng vé của các cụm rạp trên cả nước giảm 40% (ước tính 500 tỷ). Hầu hết các bộ phim bom tấn đều dời ngày ra mắt vào quý 4 của năm thậm chí sang năm sau nên con số này sẽ còn suy giảm mạnh trong những tháng sắp tới khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường.
Khi điều kiện làm việc đang bị giới hạn như hiện tại, những hạng mục nào sẽ được tập trung vào nhiều hơn và các kế hoạch nào sẽ phải đợi xong dịch mới chạy?
Hiện tại, các bộ phận vẫn làm việc bình thường, rạp phim vẫn được các bạn thay phiên nhau làm việc như vệ sinh rạp, khử khuẩn, kiểm kê hàng hoá và tất cả trong tình trạng sẵn sàng để chờ ngày quay lại. Trong thời gian cách li xã hội, bộ phận marketing tập trung các nội dung, bài viết trên online để tăng tính tương tác với khán giả, bộ phận chăm sóc khách hàng vẫn túc trực 24/7 để giải quyết những thắc mắc của khách hàng liên quan đến chương trình thành viên…
Với các kế hoạch sản xuất phim Việt, nhà mình có phải hoãn thời gian bấm máy dự án nào?
Tất cả dự án đều đang dừng vì hưởng ứng theo lời kêu gọi của Chính phủ là không tụ tập nơi đông người, không di chuyển nhiều nơi. Ngay cả Cục Điện Ảnh vẫn tạm thời ngưng cấp giấy phép bấm máy quay cho đến khi tình hình dịch bệnh giảm hẳn.
Đại diện team PR Disney: “Phụ thuộc khá nhiều vào tình hình tại Mỹ do Bắc Mỹ vẫn là thị trường nội địa chính của các phim do Disney sản xuất”
Hiện tại tình hình ở Mỹ đang diễn biến phức tạp, kể cả khi ở Trung Quốc đã qua đỉnh dịch, team PR của Disney Việt Nam có kế hoạch ứng phó ra sao trong mùa dịch?
Kế hoạch hành động của riêng các phim Disney phụ thuộc khá nhiều vào tình hình tại Mỹ, do Bắc Mỹ vẫn là thị trường nội địa chính của các phim do Disney sản xuất. Vì vậy, kế hoạch truyền thông cho phim tại Việt Nam cũng phải chờ các cập nhật mới nhất từ studio tại Mỹ thì mới có thể thông tin tiếp tục đến khán giả tại Việt Nam.
Mulan công bố hoãn chiếu toàn cầu trước thời điểm dịch bùng nổ.
Trailer Mulan
Diễn biến của dịch vẫn rất khó lường, nên riêng bộ phận truyền thông của phim Disney tại Việt Nam đang cố gắng hết sức để duy trì lịch làm việc linh hoạt, giữ liên lạc nhằm cập nhật sớm nhất các thông tin quan trọng về loạt phim trọng điểm đã công bố trong năm. Team cũng cố gắng tận dụng khoảng thời gian tuy khó khăn này để nhìn lại, đánh giá, sàng lọc ra các hoạt động truyền thông hiệu quả để sẵn sàng cho sự trở lại của màn ảnh rộng sau dịch nhằm đem nhiều cách thức thông tin hiệu quả và hấp dẫn hơn đến cho người xem.
Cho tới hiện tại, mọi hoạt động được yêu cầu phải huỷ hoặc hoãn, tổn thất cho các hạng mục này ước tính con số ra sao?
Do các hoạt động chuẩn bị cho các phim sắp tới đều đang trong giai đoạn lên kế hoạch, việc hủy hoặc hoãn ra mắt phim ảnh hưởng về mặt tinh thần nhiều hơn là con số. Tuy nhiên, tổn thất về mặt giá trị truyền thông trong thời điểm này là không nhỏ nếu so với cùng kì ra mắt các phim bom tấn năm 2019.
Black Widow có lịch dự kiến ra mắt gần với thời điểm công chiếu Avengers: Endgame năm ngoái.
Trailer Black Widow
Khi điều kiện làm việc đang bị giới hạn như hiện tại, những hạng mục nào sẽ được tập trung vào nhiều hơn và các kế hoạch nào sẽ phải đợi xong dịch mới chạy?
Tạm thời, team đang cùng nhau lên các kịch bản hành động dựa theo các dự đoán về tình hình dịch, tìm tòi các cách thức truyền thông mới phù hợp hơn cũng như các kế hoạch kích cầu khi khán giả đã có thể trở lại rạp sau dịch. Tất cả các hạng mục truyền thông cho từng phim cụ thể sẽ phải đợi đến khi có thông tin rõ ràng hơn.
Tình hình nhân sự làm việc ra sao trong thời điểm hiện tại?
Tổn thất về kinh tế là tình trạng chung của cả nước, nên trước hết là công ty và nhân viên bàn bạc với nhau trên tinh thần hỗ trợ là chính. Ảnh hưởng thu nhập là không thể tránh khỏi vì thị trường phim chiếu rạp là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng mùa dịch.
Tuy nhiên đó là chuyện không của riêng ai, nên team cũng không để tinh thần bị tuột dốc quá mà cùng tìm cách vượt qua khó khăn. Mọi người cũng tuân thủ quy định và các khuyến nghị của chính phủ về việc giữ an toàn vệ sinh cho bản thân. Hiện các team đã áp dụng làm việc tại nhà, tất cả các cuộc họp và gặp gỡ đều được thực hiện trực truyến để đảm bảo an toàn.
Cảm ơn các đại diện vì lời chia sẻ này!
HM
NSX phim Việt "ứng phó" thế nào trước Covid-19: Tranh thủ ở nhà viết kịch bản bên con cái, khỏi cần ra tiệm đỡ tốn tiền cafe!
Các đạo diễn phim Việt, những gương mặt đi đầu trong sản xuất các tác phẩm giải trí cho khán giả phải đương đầu với giai đoạn cách ly vì dịch bệnh như thế nào?
Khán giả không thể ra rạp, hàng loạt dự án phim Việt phải bị hoãn lại để cả nước cùng nhau tích cực phòng chống dịch Covid-19. Các đạo diễn - những người chịu trách nhiệm chính trong việc "chế biến" ra những món ăn tinh thần, phục vụ cho khán giả trong mùa dịch bệnh này sẽ làm gì nếu không được lên trường quay?
1. Đạo diễn "Thưa Mẹ Con Đi" - Trịnh Đình Lê Minh: Tranh thủ ở nhà "ém hàng", tin tưởng nhà nước sẽ sớm dập được dịch Covid-19
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Đạo diễn đứng sau dự án điện ảnh Thưa Mẹ Con Đi chia sẻ rằng đối với anh, giai đoạn sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là lúc ngành làm phim phải chạy nước rút. Các hãng sản xuất sẽ phải chạy đua để hoàn thành kế hoạch, kịp thời đưa phim của mình ra rạp chào đón khán giả quay trở lại. Nam đạo diễn chia sẻ:
"Hiện tại thì chúng tôi đang ở giai đoạn hậu kỳ của một dự án vừa hoàn thành sản xuất trước Tết. Nên nhìn chung, tình hình lúc này công việc của tôi chưa bị ảnh hưởng nhau. Quá trình hậu kỳ chủ yếu là các cá nhân làm việc riêng với nhau chứ không làm chung. Tuy nhiên, ở các đoàn phim khác, cũng đang tranh thủ chuẩn bị phần tiền kỳ hay sản xuất để sẵn sàng khi mọi thứ trở lại quỹ đạo thường nhật.
Anh tranh thủ ở nhà xem lại Thưa Mẹ Con Đi - bộ phim vừa lên sóng Netflix.
Sau khi hết dịch, các hãng phim hẳn là sẽ chạy đua để hoàn thành kế hoạch năm đã đặt ra. Trong khi đó, phim mới của tôi cũng phải chờ xem liệu có ra mắt kịp như dự kiến không". Tuy từ chối tiết lộ thêm về dự án mới nhưng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã hé lộ rằng , anh đang ấp ủ bộ phim Bằng Chứng Vô Hình, tác phẩm thuộc thể loại trinh thám - giật gân sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhá hàng teaser Bằng Chứng Vô Hình trên trang cá nhân.
2. Biên kịch Khánh Hoàng - Em Chưa 18: Viết kịch bản thì dịch hay không mình cũng vẫn phải làm thôi
Trái với các vị trí đạo diễn, sản xuất thì các cây bút viết kịch bản dường như ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vì nhiệm vụ của các biên kịch, chủ yếu vẫn là hoạt động riêng lẻ, một mình. Biên kịch Nguyễn Khánh Hoàng - người chắp bút cho những sản phẩm thành công như Em Chưa 18 (2017), Mùa Viết Tình Ca (2018), Mặt Trời Con Ở Đâu (2018) v.v... chia sẻ: "Viết kịch bản thì dịch hay không dịch mình cũng vẫn làm. Đó cũng là điều duy nhất các nhà sản xuất có thể làm hiện nay, tập trung cho các kịch bản và dự án mới để nhanh chóng khởi động sau mùa dịch. Những phim đã quay thì phải cố gắng duy trì, thực hiện hậu kỳ cho xong. Những phim đang quay là khổ nhất, vì bị hoãn lịch quay chưa biết đến bao giờ".
Biên kịch Khánh Hoàng.
Biên kịch là một trong những người đầu tiên bắt tay vào quá trình khai sinh ra một dự án phim ảnh. Họ phải thảo xong những kịch bản văn học, đề cương và kịch bản phân cảnh v.v... Thành quả của các biên kịch sẽ là kim chỉ nam, cũng là tiếng súng báo hiệu cho các bộ phận còn lại như sản xuất, đạo diễn bắt tay vào thực hiện phim.
3. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền - Tiếng Sét Trong Mưa: Tôi ôm ổ cứng ở nhà làm việc luôn, khỏi ra đường
Là một trong những gương mặt "may mắn" vừa hoàn thành xong tác phẩm Vua Bánh Mì bản Việt trước khi dịch bùng phát, đạo diễn Phương Điền giờ đây chỉ phải chuyên tâm vào giai đoạn hậu kỳ. Anh chia sẻ: "Cũng may là dự án Vua Bánh Mì đã hoàn thành xong giai đoạn bấm máy trước mùa cách ly. Giờ tôi ôm ổ cứng ở nhà làm việc luôn, khỏi ra đường và cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể, để nhà Đài duyệt sớm. Hy vọng khán giả sẽ có thêm phim xem trong mùa dịch bệnh.
Đạo diễn Phương Điền bên gia đình.
Ngoài ra, về dự án Tiếng Sét Trong Mưa phần 2 đang được khán giả trông đợi, thì mới chỉ trong giai đoạn tiền kỳ. Biên kịch Hà Thu cũng đang ở nhà viết kịch bản thật chu đáo để sẵn sàng khởi động đâu đó sau khi dịch bệnh qua đi".
Về đời sống riêng và kinh tế gia đình, đạo diễn Phương Điền chia sẻ: "Mùa cách ly, tôi và gia đình được ở nhà nhiều hơn. Vợ tôi đi chợ tuần/lần, bản thân tôi không làm việc sẽ dành thời gian chơi với con cái. Rảnh nữa thì lên mạng, ti vi xem phim. Tôi coi giai đoạn cách ly này như một cơ hội để trau dồi kiến thức phim ảnh cho bản thân và dành thời gian ở bên gia đình".
Biên kịch của dự án "Tiếng Sét Trong Mưa" phần 2 cũng tranh thủ mùa dịch mà tập trung viết.
4. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - Trạng Tí: Tôi bỏ thói quen ra quán cà phê viết kịch bản mà ở nhà làm việc, tiết kiệm hơn
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - tên tuổi đứng sau thành công của Em Là Bà Nội Của Anh (2015), Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (2017)... là một trong những người hứng chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch cúm toàn cầu. Tác phẩm điện ảnh cổ trang đầu tay của anh - Trạng Tí bị lùi ngày ra mắt sang tận dịp Tết năm sau. Nhưng một cách khá lạc quan, vị đạo diễn nhận định:
"Về Trạng Tí, việc dời lịch chiếu dĩ nhiên đã ảnh hưởng đến kế hoạch truyền thông cũng như các vấn đề về tài chính của tổ sản xuất. Tuy nhiên, ở cương vị đạo diễn, tôi thấy đó là một cơ hội tốt để ekip có thêm thời gian chăm chút cho phim trong khâu hậu kỳ từ dựng phim đến âm nhạc, kỹ xảo. Đặc biệt, Trạng Tí là một phim cổ tích, phiêu lưu, mạo hiểm dành cho đối tượng khán giả gia đình, nên phần kỹ xảo rất quan trọng. Có thêm thời gian để chăm chút sẽ mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Với tính chất, chủ đề phim như vậy nên công chiếu vào Tết năm sau là thời điểm khá phù hợp để gia đình cùng nhau ra rạp xem phim".
Trạng Tí dời lịch ra mắt đến dịp Tết.
Khi được hỏi về những ảnh hưởng về dịch cúm đến đời sống cá nhân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khiêm tốn chia sẻ về những cách anh áp dụng để sống tiết kiệm hơn: "Cũng như mọi người, ai cũng chịu ảnh hưởng kinh tế khi công việc bị đình trệ. Các dự án phim đều chậm lại. Tôi cũng vậy, nhưng bù lại mình có thêm nhiều thời gian đọc, viết và nghiên cứu cho những dự án tương lai. Thời điểm này, tôi thay đổi cách làm việc. Bỏ thói quen ra quán cà phê ngồi, tôi ở nhà làm việc cho tiết kiệm hơn. Thay vì họp kịch bản đông người, chờ đợi các thành viên tập hợp đủ thì nay chuyển qua làm việc trực tuyến. Như thế sẽ nhanh gọn, tiết kiệm mà không kém phần hiệu quả".
5. Nam Thư ở nhà tranh thủ viết kịch bản và đợi tin tốt từ chính phủ: Lúc này, chắc là ai cũng mong một tin mừng về COVID-19 hơn là muốn nghe tin giải trí
Là một nghệ sĩ đa năng, Nam Thư làm tròn trọng trách ở diễn xuất lẫn mảng sản xuất, đạo diễn. Có lẽ suy nghĩ cho nhiều vị trí như vậy, mùa dịch bệnh này cô trăn trở rất nhiều vấn đề trong khâu làm phim từ vấn đề tài chính, kịch bản và sức khỏe cho các anh em trong đoàn. Nữ diễn viên tuy trả lời câu hỏi với phong thái vui vẻ, niềm nở nhưng từng suy nghĩ của cô lại cho thấy sự lo âu cho kế hoạch, sản phẩm đang thai nghén:
Nam Thư bên cạnh Jun Phạm, diễn viên trong "Nhà Trọ Có Qua Trời Phòng".
Tôi bị ảnh hưởng khá nhiều vì đợt dịch bệnh này. Đơn cử như dự án Nhà Trọ Có Quá Trời Phòng phần 2. Sau khi đo lường phản ứng từ phần 1, thì may mắn được khán giả yêu thương nên tôi quyết định sản xuất tiếp, nhưng ngay giai đoạn dịch thì Thư và ekip phải dời gian quay lại. Dự án chưa chạy, ở nhà không có show gì nên tất nhiên tôi bị tổn thất về kinh tế. Trong cái rủi có cái may, thời gian này ở nhà nhiều nên Thư có thể tập trung nhiều cho kịch bản.
Thời điểm nhạy cảm như thế này, Thư không bận tâm lắm tới chuyện khán giả quên mình. Vì điều quan trọng cần phải chú ý, theo dõi và chấp hành nhất bây giờ là tình hình dịch bệnh và tuân thủ theo chỉ thị của nhà nước về phòng tránh lây lan. Quan trọng là chúng ta đều đang đồng lòng hướng về tình hình dịch bệnh của cả nước. Lúc này, chắc là ai cũng mong một tin mừng về COVID-19 hơn là muốn nghe tin giải trí.
Thư cũng đang chuẩn bị trước những khâu tiền kỳ, dịch vừa ổn định là sẽ tiến hành sản xuất luôn, để có sản phẩm phục vụ khán giả mùa sau dịch. Trong thời điểm như thế này, muốn ra sản phẩm cũng rất khó khăn. Các nhà tài trợ, diễn viên và cả việc bảo đảm an toàn cho đoàn phim cũng vô cùng phức tạp. Một ekip đi quay ít nhiều cũng phải 30 người, trong khi nhà nước lại khuyến cáo không nên tụ tập trên 5 người, mình không bảo đảm sức khỏe cho mọi người được. Vì vậy, bất khả kháng Thư phải hoãn lại kế hoạch của mình thôi".
Nhưng dù vậy, nữ diễn viên vẫn lạc quan tin rằng ngày dịch COVID-19 qua đi sẽ sớm đến thôi. Và ngay khi chỉ thị toàn xã hội tự cách ly được tháo bỏ, cả nước ăn mừng dịch bệnh bị đầy lùi, Nam Thư và ekip của mình sẽ lập tức sẵn sàng lên đường đến trường quay.
6. Võ Đăng Khoa - "Ghe Bẹo Ghẹo Ai": Phần hai của Cô Mến Ghe Bẹo phải dời lịch quay
Nghệ sĩ đa tài - Võ Đăng Khoa, hay còn được khán giả biết đến với tên gọi "cô Mến" trong web drama Ghe Bẹo Ghẹo Ai chia sẻ rằng dự án sản xuất bộ phim về cuộc đời cô Mến cũng sẽ phải dời lịch quay.
Phần hai của dự án "Ghe Bẹo Ghẹo Ai" cũng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm
Võ Đăng Khoa chia sẻ: Phần hai của web drama Ghe Bẹo Ghẹo Ai dù không muốn cũng phải dời lịch. Ban đầu chúng tôi dự kiến sẽ bấm máy vào tháng 4, nhưng sau đó ekip quyết định dời sang đầu tháng 5 để bảo đảm an toàn cho mọi người trong mùa dịch. Tuy không tổn thất về kinh tế, nhưng kế hoạch năm nay của tôi coi như bị chậm. Đáng lẽ năm 2020, tôi phải hoàn thành hai dự án nhưng với tình hình dịch bệnh, có lẽ sẽ chỉ thực hiện được một. Tuy nhiên, Khoa cũng không cảm thấy lo lắng gì vì giai đoạn ở nhà tránh dịch giống như một cách cho mình nghỉ ngơi.
Võ Đăng Khoa dành thời gian ở nhà để tập thể dục.
Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, cho dù là nghệ sĩ hay khán giả đi nữa, ai nấy đều đang một lòng chung tay, cùng nhà nước vượt qua khó khăn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Giống như lời Nam Thư nói, rõ ràng chúng ta đang cần nghe tin tốt từ chính phủ hơn là những tin vui từ làng giải trí.
Paul
Diễn viên Việt "thích nghi" mùa dịch Covid-19: Trần Nghĩa - Trúc Anh tranh thủ trau dồi kĩ năng, Puka khẳng định bán hàng online là thượng sách Hội diễn viên Việt Nam đang làm gì để vực dậy kinh tế ngay trong mùa cách ly toàn xã hội? Ở thời điểm hiện tại, hàng loạt dự án phim, các chương trình giải trí, sự kiện lớn,... đều ngưng sản xuất để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng dịch, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn thu nhập...