Bài thuốc quý từ cây chuối hột
Trong các loài chuối, chuối hột (chuối chát) có hương vị kém hơn cả, nhưng lại được dùng làm thuốc phổ biến từ lâu trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.
Củ chuối hột đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt miếng, giã nát, ép lấy nước uống chữa cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng. Củ chuối hột phối hợp với tầm gửi cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía, mỗi thứ 12g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa ho ra máu; với củ sả, tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo, mỗi thứ 4g, sao vàng, sắc uống chữa kiết lỵ ra máu.
Đồng bào Thái ở Tây Bắc lại dùng củ chuối hột sắc uống với củ chuối rừng và rễ cây móc, mỗi thứ 10-12g để làm thuốc an thai.
Thân chuối hột còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối chữa đau nhức răng. Lõi thân cây già thái và giã nát, vắt nước uống sẽ làm tiêu khát, phát hãn hoặc đắp để cầm máu.
Lá chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g. Tất cả đốt tồn tính, tán nhỏ, hòa với nước uống chữa băng huyết, nôn ra máu.
Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn để tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh con và chống táo bón ở người cao tuổi.
Quả chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với các loại rau sống, ăn với nộm sứa, gỏi cá để giảm vị tanh và đề phòng tiêu chảy. Quả chuối xanh còn ở trên cây đem cắt đôi hứng lấy nhựa bôi chữa hắc lào hoặc đem quả phơi, sấy khô tán nhỏ, rây bột mịn, dùng uống hàng ngày chữa viêm loét dạ dày với kết quả tốt.
Để chữa sỏi bàng quang, lấy quả chuối hột xanh thái mỏng sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày, mỗi lần dùng 50-100g sắc với 400ml nước, uống làm 2 lần trong ngày vào lúc no. Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà mà uống.
Video đang HOT
Hạt chuối hột 200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống. Thuốc có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp.
Có người đã dùng hạt chuối hột để tống sỏi với kết quả rất tốt. Dùng hạt chuối hột rang giòn, giã nát, rây bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 thìa canh bột cho vào ấm tích chế nước sôi pha trà uống. Trong thời gian uống thuốc thấy có chất lắng đục ở đáy dụng cụ đựng nước tiểu qua đêm. Uống liên tục trong 30 ngày, sỏi ra hết thành những viên nhỏ.
Vỏ quả chuối hột 40g, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột; quế chi 4g; cam thảo 2g tán bột. Trộn đều hai bột, luyện với mật làm viên, uống 2-3 lần trong ngày với nước ấm chữa đau bụng kinh niên. Hoặc vỏ quả chuối hột, rễ gai tầm xọng, vỏ quả lựu, rễ tầm xuân, mỗi thứ 20g; búp ổi 10g, phơi khô, sắc uống chữa kiết lỵ.
Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc thân và lá chuối hột có tác dụng lợi tiểu chữa phù thũng. Nước hãm củ chuối hột uống mát, tiêu khát, giải độc, kích thích tiêu hóa. Lá bắc (lá màu đỏ bao bọc buồng chuối) và hoa chuối hột sắc uống làm thuốc bổ, mát phổi, tiêu độc. Quả chuối hột có tác dụng chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.
Theo Sức khỏe và đời sống
Bài thuốc cho người hay uống rượu, gan nhiễm độc nặng
Nếu ông xã bạn là người hay uống rượu bia, lâu ngày gan có biểu hiện nhiễm độc nặng, hãy dùng các bài thuốc từ cà gai leo để nhanh chóng giúp tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan.
Cà gai leo còn có tên khác là cà gai dây, cà quạnh, cà quýnh, gai cườm, chẻ nan (Tày), b'rongoon (Ba Na). Cây nhỏ sống nhiều năm, mọc leo hay bò dài. Thân hoá gỗ, nhẵn, phân cành nhiều; cành phủ lông hình sao và rất nhiều gai.
Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, xẻ thuỳ không đều, mặt trên có gai, mặt dưới có lông mềm hình sao màu trắng. Cụm hoa hình xim ở nách lá, hoa màu tím nhạt. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ. Hạt hình thận dẹt, màu vàng. Cây mọc hoang ở khắp nơi cũng có khi được trồng làm hàng rào.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, thân cành thu hái quanh năm. Rễ rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Thân cành cắt ngắn từng đoạn 2cm. Phơi khô hay sao vàng. Có khi dùng tươi. Có thể dùng dược liệu nấu cao nước, cao mềm hay cao khô.
Theo nghiên cứu, toàn cây nhất là rễ, chứa saponin steroid. Khi thủy phân cho diosgenin, solasodinon, solasodin, flavonoid có tác dụng chống viêm và chống xơ hóa rất tốt. Còn theo Đông y, cà gai leo hơi the, tính ấm, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu. Dùng giải rượu, chữa viêm lợi, viêm quanh răng, thấp khớp, làm mát gan...
Cà gai leo. Ảnh: KH
Giải rượu
Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo dùng chữa ngộ độc rượu rất tốt. 100g cà gai leo khô sắc với 400ml nước còn 150ml, uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Hoặc 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước. Dùng đến khi tỉnh rượu. Các bài thuốc trên sẽ nhanh chóng giúp tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan.
Chữa nhức, sưng đau do viêm khớp
Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, dây mấu, rễ tầm xuân, mỗi vị 25g, sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia uống 2 lần trong ngày. Uống vào buổi sáng và trưa sau bữa ăn. Mỗi liệu trình điều trị dùng trong 20 ngày (theo chỉ định của bác sĩ).
Chữa ho do viêm họng
Rễ cà gai leo 15g, lá chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng trong 5 - 7 ngày.
Chữa viêm lợi, viêm quanh răng
3g hạt cà gai leo, tán nhỏ, cho vào trong dụng cụ đựng bằng đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng. Ngày làm 2-3 lần. Dùng trong 3-5 ngày. Hoặc ngày ngậm 10-20ml cao lỏng chiết xuất từ cà gai leo, ngậm sau bữa ăn sáng và tối.
Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (viêm gan B, xơ gan...)
35g rễ cà gai leo, sắc với 1 lít nước, còn 300ml chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc có thể sử dụng dược phẩm cà gai leo được chiết xuất dạng viên, cao khô hay trong các sản phẩm thực phẩm chức năng... sẽ giúp hạ men gan, giải độc gan rất tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng về liều lượng, thời gian cần theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Có chồng hay uống rượu, gan nhiễm độc nặng, cho dùng vị thuốc này Nếu ông xã bạn là người hay uống rượu bia, lâu ngày gan có biểu hiện nhiễm độc nặng, hãy dùng các bài thuốc từ cà gai leo để nhanh chóng giúp tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan. Cà gai leo còn có tên khác là cà gai dây, cà quạnh, cà quýnh, gai cườm, chẻ nan (Tày), b'rongoon (Ba Na)....