Bài review Bhutan “có tâm nhất quả đất” của gái xinh khiến dân mạng ai cũng gật gù: Xứng đáng để đi một lần trong đời!
Những ai quan tâm đến “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” Bhutan thì nhất định không thể bỏ qua bài viết cực xịn sò này nhé!
Là một quốc gia nhỏ bé nằm cô lập trên dãy Himalaya hùng vĩ ở châu Á, Bhutan từ lâu đã gắn với danh xưng “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” khiến bao tín đồ cuồng xê dịch mơ ước. Mới đây, một bài review trên Facebook với loạt kinh nghiệm quý báu được đúc kết sau hành trình khám phá đất nước này càng khiến dân mạng nuôi mộng được đến đây một lần trong đời.
Đặng Thùy Dương (hay còn thường được gọi là Nana) chính là chủ nhân của bài review cực “xịn sò” này. Chia sẻ cảm xúc về chuyến đi, cô nàng viết: “Đây là một trong những chuyến du hí độc đáo và đáng nhớ nhất của Na, cũng là chuyến đi mà khi trở về mình vẫn có nhiều băn khoăn. Như thế nào là hạnh phúc, nơi đây có thật sự là quốc gia được cả thế giới ngưỡng mộ với chỉ số hạnh phúc bậc nhất hay không?”.
Nếu đang có ý định ghé thăm vùng đất này thì đọc ngay bài chia sẻ tâm huyết đến từ Thùy Dương nhé!
Một vài lưu ý trước khi du lịch Bhutan
Tiền tệ
Đông tiên chính thưc cua Bhutan là Ngultrum (Nu), 1 USD = 67 – 70 Nu. Bạn nên đổi tiền ngay tại sân bay sẽ dễ dàng và rẻ hơn. Chỉ nên đổi vừa số tiền mình chi tiêu và khi rời Bhutan nếu không sử dụng hết, các bạn hãy nhớ đổi lại tại sân bay trước khi bay nhé!
Sim card
Rất dễ dàng để có thể mua sim card tại Bhutan. Chỉ cần bước ra khỏi cửa sân bay là có ngay 2 quầy bán sim ở 2 bên với mức giá từ 300 – 700 Nu tuỳ vào dung lượng.
Có một sự thật rằng bạn không thể tự làm visa hay qua Bhutan du lịch bụi được. Công ty tour sẽ chuẩn bị hết cho bạn, và visa sẽ được làm trực tiếp tại hải quan sân bay Paro.
Trang phục
Mang theo trang phục thoải mái, gọn gàng lịch sự, đừng có ý định vác theo một đôi giày cao gót hay những chiếc váy ngắn vì xuyên suốt chuyến đi chủ yếu sẽ tham quan đền chùa hay nhiều nơi trang trọng, tôn nghiêm. Nhớ bỏ túi đôi sneaker đủ xịn để trekking Tiger Nest nữa nhé!
Đồ ăn
Là một người siêu dễ ăn nhưng mình phải công nhận rằng đồ ăn Bhutan với cách nấu quá đơn giản, sơ sài nên đồ xào cũng hơi giống đồ luộc và vị thì khá nhạt nhẽo. Dù nguyên liệu rau, củ, quả organic khá hấp dẫn nhưng vẫn không thể dành 1 lời khen nào cho thức ăn nơi đây được. Chính vì vậy, mọi người hãy bỏ ngay vào túi vài gói mì tôm thượng hạng 1 chai xì dầu, hoặc đồ khô nếu các bạn kén ăn để tránh nhịn đói nha! À mà duy nhất chỉ có món Momo giống như dimsum, có thể là hấp hoặc chiên ăn khá ngon. Ai muốn thử món này thì mình xin nhiệt tình đề xuất quán Zombala2 ở trên tầng 2 của 1 căn nhà ngay tại trung tâm Thimphu nhé!
Một vài lưu ý khác
- Mọi người nhớ trang bị ổ cắm đa năng, vì ở Bhutan sử dụng ổ cắm điện loại 3 chấu dẹt.
- Thời tiết ở đây khá mát mẻ và có khi lạnh, nên hãy chuẩn bị đồ ấm và khăn choàng nha!
- Chi phí cho 1 tour trong khoảng 5 ngày là tầm 40 – 50 triệu với đường bay thẳng từ Sài Gòn hoặc Hà Nội. Tất cả các tour về chất lượng và lịch trình tương đối giống nhau, chỉ là dịch vụ bên nào chất lượng hơn một chút hay không thôi.
Video đang HOT
Những địa điểm check-in ở Bhutan
- Paro Dzong: “Dzong” là cách gọi đền đài, chùa chiền tại Bhutan, và Paro Dzong được xem như trung tâm hành chính, tu viện của khu vực phía tây Bhutan.
- Taa Dzong: Là bảo tàng quốc gia của Bhutan.
- Zorig Chusum: Trường nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ quốc gia. Na cũng ngồi may may, vá vá thử nè! Theo mình thấy thì nghề thủ công mỹ nghệ ở Bhutan cực kỳ quan trọng, hầu hết các đền đài, tu viện, ngay cả nhà ở đều sử dụng chất liệu chủ yếu bằng gỗ, được tô vẽ nhiều hoạ tiết bắt mắt, tranh về phật giáo cực kỳ tỉ mỉ cũng được sử dụng ở nhiều nơi.
- Takin Rehabilitation Center: Khu bảo tồn loài động vật Takin – quốc thú của Bhutan. Takin là một thành viên cực kỳ hiếm trông giống như lai giữa bò và dê và loài này chỉ được tìm thấy ở Bhutan. Phần này thì có trong lịch trình, nhưng hôm đấy đoàn của mình có chút trục trặc nên không được ghé thăm.
- Centenary Farmers’ Market: Chợ nông sản, theo mình thấy cũng không có gì đặc sắc. Đến đây mình mua được 1 chai mật ong rừng (coi như có mua 1 thứ gì đó ở Bhutan). Còn lại chắc ở Việt Nam cũng có đủ các mặt hàng này.
- Pháo đài Tashi Chhodzong: Đây là nơi làm việc của chính phủ, các tu viện và dân sự, và nó được xây dựng từ thế kỷ 18.
- Đừng quên ghé thăm 108 ngôi đền xinh đẹp được xây dựng trên ngọn đồi bởi Nhà vua Ashi Dorji Wangmo.
- Devine Madman’s Monastery-Chhimi Lhakhang: Tu viện này nổi tiếng linh thiêng, nơi mà các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái thường lui tới để xin được ban phước lành về đường con cái. Đến khu này thì Na há hốc mồm vì hình ảnh “của quý” xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ hình vẽ trên tường nhà, “của quý” bằng gỗ treo trang trí, thậm chí là quà lưu niệm.
- Punakha Dzong: Ngôi đền được cho là đẹp nhất đất nước, nằm giữa dòng sông Pho – Chu (Giống đực) và dòng sông Mochu (Giống cái).
- National Memorial Chorten: Đài tưởng niệm quốc gia Chorten được xây dựng vào năm 1974 để tưởng nhớ vị vua thứ ba của Bhutan.
- Kuensel Phodrang: Nơi có tượng phật Thích Ca Mâu Ni vàng khổng lồ cao 60m ngồi trên toà sen. Bức tượng được xây dựng để ban phước lành, hoà bình và hạnh phúc cho toàn thế giới. Bên trong tượng Phật khổng lồ này là hàng trăm nghìn tượng phật nhỏ.
Điểm đến vào ngày thứ 4 là Tu viện Tiger Nest, nơi mà Na thấy mãn nguyện và mãn nhãn nhất trong suốt chuyến đi. Nằm cheo leo bên vách núi, Tiger Nest là tu viện linh thiêng nhất Bhutan. Cảnh đẹp chỉ là một phần, đường đến tu viên mới thật sự là điều thú vị, trekking liền tù tì từ chân núi lên đến tu viện mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Thay vì chọn cưỡi ngựa cùng người dắt ngựa nửa chặng đường thì Na chọn tự thân vận động, leo trèo rồi thi thoảng dừng lại ngắm cảnh, thật sự rất thi vị!
Trước chuyến đi mình bị ốm siêu nặng, còn phải đi vật lý trị liệu, tưởng chắc không trekking nổi đâu. Nhưng sức khoẻ vốn có chỉ là 1 vấn đề, để băng băng leo đến nơi mình muốn thì tiềm thức thật sự là một cú hích quan trọng. Leo lên leo xuống gần 5 tiếng có khi lại thấy khoẻ hơn lúc ở Việt Nam ra vào bệnh viện điều trị ấy chứ! Riêng Tiger Nest, có quá nhiều điều thú vị mà khiến 1 con Na “não cá vàng” nhớ được, nên Na sẽ để dành viết riêng 1 bài nho nhỏ về nơi đây sau nha!
Giờ thì mình đã hiểu vì sao lại gọi Bhutan là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”!
Đi du hí ngoài khung cảnh, đồ ăn, địa điểm vui chơi thì lịch sử, văn hoá, những câu chuyện ý nghĩa của nơi đây là thứ Na mong mỏi được nghe, được học hỏi trong suốt chuyến đi. Một trong những điều bản thân thấy tiếc nuối nhất sau chuyến đi là hướng dẫn viên người Việt theo đoàn của mình không biết nhiều về các câu chuyện của Bhutan, dù anh chăm sóc đoàn khá tốt.
Nên cuối cùng mình cứ lẽo đẽo theo sau Kesa – một bạn hướng dẫn viên người Bhutan để hỏi đủ thứ trên trời dưới đất. May mà Kesa cực kỳ dễ thương, còn lôi mình đi xem ngõ này ngách kia và chia sẻ những câu chuyện ngoài lề, từ chuyện cả hai đứa cùng 30 tuổi, cũng như chuyện độ tuổi này mà ở Bhutan mà chưa lấy chồng là “too late” (quá trễ). Nhưng Kesa lại chọn sống con đường được tự do thoải mái ngao du đây đó, mặt đầy tàn nhang vì sương, nắng từ những buổi trekking Tiger Nest, một cô gái tương đối “ăn chơi” với lối suy nghĩ khá thoáng. Cũng từ Kesa mà mình quan tâm hơn về câu hỏi, liệu Bhutan có phải là đất nước thật sự hạnh phúc không?
Na và Kesa trên đường cuốc bộ đến một ngôi đền thờ thì gặp 2 em bé xinh xắn đi theo tay cầm mấy bản vẽ nguệch ngoạc và rao bán. Kesa đứng lại và nói một hồi, tổng kết lại là bảo 2 đứa nhỏ đi về đi, đừng bán tranh như thế này nữa. Rồi cô bạn quay lại nói với mình: “Mình không muốn nhìn thấy trẻ em đi bán những món đồ không có giá trị, và nghĩ là có thể kiếm tiền một cách đơn giản như vậy. Có thể đưa tiền cho các bé một cách dễ dàng, nhưng như thế là làm hư chúng nó, lớn lên sẽ ỷ lại vào những đồng tiền kiếm được đơn giản kia mà không cố gắng trong cuộc sống”.
Cách đây 20 năm, Na tin chắc rằng Bhutan là đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới. Vì sao ư? Không chỉ vì đất nước yên bình, ít dân, được bao bọc bởi thiên nhiên hùng vĩ hay tất cả người dân đều theo đạo Phật, luôn hướng thiện, luôn làm điều tốt. Mà còn vì thời đấy du lịch chưa phát triển, Internet chưa có, tivi cũng không. Con người sống đơn giản, lương thiện như thời kỳ đồ đá, khi mà mọi người đều hài lòng và hạnh phúc với những cái mình đang có. Chả quan tâm thế giới ngoài kia có gì, người dân làm việc mà họ nên làm chứ không phải làm những việc để có được cái mà người ta ham muốn.
Mình xin tóm lại rằng Bhutan là đất nước độc đáo và xinh đẹp thực sự. Không phải ánh mắt của ai cũng nhuốm màu như mình nói ở trên đâu. Vì vậy, các bạn hãy đến thăm Bhutan sớm nhé, trước khi mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng mặt. Đây vẫn là một nơi nên đến 1 lần trong đời, một nơi hiếm hoi trên thế giới với cảnh quan thiên nhiên còn nguyên sơ, những tu viện và câu chuyện hay ho mà chẳng nơi nào có được đâu!
Nguồn & ảnh: Dang Thuy Duong
Theo Helino
Khác hẳn với vẻ chững chạc thường ngày, Hoàng tử nhỏ Nhật Bản gây sốt cộng đồng mạng với hình ảnh mới lạ ở Bhutan
Hoàng tử Hisahito gây sốt với những khoảnh khắc ấn tượng trong chuyến thăm tới Bhutan.
Trang Kyodo đưa tin, vào ngày 25/8, Thái tử Nhật Bản Fumihito cùng vợ con đã trở về Nhật Bản, kết thúc chuyến đi du lịch Bhutan trong tốt đẹp, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, tiểu Hoàng tử Hisahito đã có những trải nghiệm thú vị trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình.
Theo những hình ảnh được chia sẻ trên truyền thông, Hoàng tử Hisahito đã có quãng thời gian vui vẻ với nhiều trải nghiệm trong hành trình khám phá đất nước Bhutan. Hoàng tử Nhật Bản đã gặp gỡ hoàng tử Bhutan Jigme Namgyel Wangchuck (3 tuổi). Đây là lần đầu tiên hai vị vua tương lai của hai đất nước gặp nhau nhưng đã có được kết nối gần gũi.
Hoàng tử Nhật Bản cùng gia đình rời Bhutan trở về Nhật Bản.
Vào ngày 19/8, Hoàng tử Hisahito đã được đến xem và được dạy học bắn cung, môn thể thao vua của đất nước Bhutan. Hoàng tử nhỏ cười rạng rỡ, thích thú trong buổi học bắn cung. Đây là dịp hiếm hoi công chúng được nhìn thấy nụ cười thoải mái, hồn nhiên của hoàng tử nhỏ, khác hẳn vẻ ngoài chững chạc, điềm tĩnh như thường thấy.
Tiểu Hoàng tử Nhật Bản cũng được cha mẹ đưa đến thăm Bảo tàng Dệt may của Bhutan và Viện quốc gia Zorig Chusum để tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này.
Vào ngày 20/8, Hoàng tử Hisahito đã đến thăm một trường học ở Thủ đô Thimphu. Hoàng tử nhỏ đã tham gia các trò chơi vận động với các bạn học sinh nơi đây. Cậu bé thể hiện sự năng động và thân thiện với mọi người. Tiểu Hoàng tử cũng được cha mẹ đưa đến thăm vườn quốc giá của Bhutan, khám phá cảnh quan thiên nhiên cùng các loài động vật quý hiếm nơi đây.
Hoàng tử Nhật Bản đã có nhiều trải nghiệm ở Bhutan.
Có thể thấy rõ, Hoàng tử nhỏ đã có chuyến đi nước ngoài đầu tiên thật ý nghĩa và công chúng cũng có cái nhìn rõ hơn về Hisahito. Ngoài việc gánh vác trên vai là người thừa kế cuối cùng của Hoàng gia Nhật Bản, Hisahito còn là một cậu bé vô cùng thân thiện, vui vẻ và đáng yêu.
Chuyến đi này ngoài việc đem đến những kiến thức, sự trải nghiệm, nó còn giúp tinh thần của tiểu Hoàng tử thoải mái hơn sau sự cố bị kẻ lạ đặt dao trong ngăn bàn để đe dọa và những nghi lễ khuôn phép trong hoàng tộc.
Nguồn: Tổng hợp
Theo afamily
Học bí quyết chụp ảnh du lịch đẹp như tạp chí của cựu du học sinh Anh Đặng Thuỳ Dương - cô gái có niềm đam mê mãnh liệt với du lịch truyền cảm hứng cho giới trẻ qua những bức ảnh tuyệt đẹp của mình. Ngắm những bức ảnh du lịch của Dương và tìm ra bí quyết chụp ảnh của cô nàng cựu du học sinh Anh này nhé. Đặng Thuỳ Dương ở Bhutan Đặng Thuỳ Dương nổi...