Bãi rác Đa Phước bị thanh tra
Gây ô nhiễm môi trường, giá xử lý rác cao làm thiệt hại ngân sách… và hàng loạt nội dung khác vừa được Thanh tra Chính phủ công bố trong quyết định thanh tra đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực 3 (Cục 3 – Thanh tra Chính phủ) cho biết vừa công bố quyết định thanh tra dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (còn gọi là bãi rác Đa Phước).
Động thái này diễn ra sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP HCM làm rõ những nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức về bãi rác Đa Phước.
Kết quả thanh tra phải báo cáo Thủ tướng trước tháng 4.
Bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Hữu Nguyên.
Trong đơn tố cáo gửi đến Chính phủ, ông Đức đề nghị hàng loạt vấn đề cần thanh tra triệt để dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Xem xét lại đơn giá xử lý rác từ khi triển khai dự án. Cần đánh giá một cách khoa học từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đến khi vận hành khai thác dự án. Theo dõi giám sát quá trình thực hiện nghiệm thu đầu vào trong việc thanh toán từng đợt cho chủ đầu tư dự án, có hay không đúng theo hợp đồng.
Xác định giá trị đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài và Nghị định 52/1999 về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Điều này Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM (đơn vị ký kết hợp đồng) bị cho là “thiếu sót nghiêm trọng”.
Lập tổ công tác với nhiều bộ ngành thanh tra tổng thể bãi rác Đa Phước. Đồng thời, xác định trách nhiệm và quyền hạn của UBND TP HCM về những cam kết trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Video đang HOT
UBND TP HCM cho phép Công ty Môi trường đô thị đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) bằng ngân sách. Sau đó, cũng chính UBND TP HCM đóng cửa Phước Hiệp, tạo thế độc quyền tiếp nhận rác cho Đa Phước. Việc làm này được cho là gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách.
Làm rõ căn cứ UBND TP HCM ứng trước cho chủ đầu tư 9 triệu USD bằng ngân sách.
Khu xử lý rác Đa Phước sau khi nhận thêm 2.000 tấn rác của Phước Hiệp đã q uá tải, mùi hôi thối phát tán hàng chục km, khu dân cư Phú Mỹ Hưng không chịu nổi. Do vậy cần sớm đóng cửa bãi rác để tránh nhiều hậu quả về môi trường.
Cần có cơ quan giám định độc lập, giám định thiệt hại của người dân, doanh nghiệp do ô nhiễm xuất phát từ khu xử lý rác để buộc chủ đầu tư bồi thường.
Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố.
Với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước từ đầu năm 2015, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng. Chênh lệch giá được giới chuyên gia về môi trường tính toán TP HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD “và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay là điều vô lý”.
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Đến cuối tháng 9/2016, chính quyền TP HCM xác định mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước (huyện Bình Chánh). Đồng thời, cam kết sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện cam kết để dự án thực sự mang lại hiệu quả.
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) được đầu tư 100% vốn từ Công ty California Waste Solution (CWS), có trụ sở tại California, Mỹ.
Người sáng lập VWS là ông David Dương, Việt kiều Mỹ. Ông cũng là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty California Waste Solutions (CWS), Mỹ. Website của VWS giới thiệu ông David Dương là chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn dựa trên kinh nghiệm điều hành ba khu liên hợp tương tự tại tiểu bang California.
Trong đơn cố cáo, ông Đoàn Văn Đức nhận mình là người hướng dẫn ông David Dương về Việt Nam đầu tư xử lý rác, giới thiệu ông này cho ông Lê Thanh Hải – khi đó là Chủ tịch UBND TP HCM. Sau đó ông David Dương được thành phố cho đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Trung Sơn
Theo VNE
Đa Phước muốn trả lại TP HCM 2.000 tấn rác mỗi ngày
Sau sự cố gây mùi hôi cho khu Nam Sài Gòn, bãi rác Đa Phước đề nghị chính quyền thành phố cho trả lại 2.000 tấn mỗi ngày mà họ nhận thêm từ cuối năm 2014.
Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) vừa gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị ngưng xử lý 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và trả lại cho thành phố.
Theo VWS, thực hiện yêu cầu của chính quyền thành phố, từ cuối tháng 11/2014, công ty đã tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác trong ngày từ Công ty Môi trường Đô thị TP HCM. Để thực hiện được, VWS đã đầu tư thêm nhiều thiết bị mới, xây dựng nhà máy xử lý nước mở rộng và tuyển dụng thêm nhân công...
"Tuy nhiên, quá trình thực hiện yêu cầu này công ty đã gặp phải tình huống khó khăn, phức tạp bởi những định kiến sai lệch của dư luận dẫn đến sự hiểu sai về bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, gây hoang mang về tinh thần cho đội ngũ chuyên gia, công nhân và ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và công ty, đặc biệt là trong thời gian một tháng qua", văn bản của VWS nêu.
Khu chôn lấp rác và chứa nước thải của bãi rác Đa Phước phát sinh mùi hôi. Ảnh: Hữu Nguyên
Chủ đầu tư bãi rác Đa Phước cho biết, trước áp lực của dư luận, đồng thời để giảm khối lượng nước mưa pha lẫn nước rỉ rác bị tăng lên đột ngột do ảnh hưởng từ hai trận mưa lớn vừa qua và chờ hoàn tất nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000 m3/ngày, VWS đề xuất tạm ngưng nhận khối lượng rác nêu trên.
"Thời gian tạm ngưng tiếp nhận khối lượng tăng thêm 2.000 tấn mỗi ngày sẽ bắt đầu từ ngày 10/10 tới. Riêng khối lượng rác được giao cho công ty tiếp nhận ổn định lâu nay vẫn thực hiện bình thường từ 18h đến 6h sáng mỗi ngày. Đồng thời, sẽ tiếp nhận lại lượng rác trên khi nhà máy xử lý nước thải mở rộng đi vào hoạt động trở lại vào 2/2017", VWS cho biết.
Trao đổi với VnExpress sáng 6/10, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc xử lý rác, Sở đều có ký hợp đồng với các đơn vị xử lý, trong đó có VWS.
"Vì vậy chúng tôi cũng sẽ căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng để giải quyết các việc phát sinh", ông Thắng nói và cho biết "tất nhiên việc giải quyết sẽ được xem xét thấu đáo và luôn đặt vấn để bảo đảm môi trường lên hàng đầu".
Hôm 29/9, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, sau khi tổ chức các đoàn kiểm tra, thành phố xác định mùi hôi thối tấn công dân cư quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè là từ khu vực chôn lấp rác đang tiếp nhận và hồ xử lý nước rỉ rác của bãi Đa Phước (huyện Bình Chánh) và thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng.
Khu xử lý rác này rộng cả trăm hecta, cao 25 m và sẽ đạt được cao độ chuẩn 40 m. Nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. "Quan điểm của thành phố là sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện cam kết để dự án thực sự mang lại hiệu quả", ông Hoan nói và cho biết thành phố sẽ sớm giải phóng mặt bằng 100 ha để trồng cây xanh cách ly phía bên ngoài bãi rác để hạn chế mùi hôi, đẩy nhanh phân loại rác tại nguồn.
Trước đó, người dân khu Nam Sài Gòn bị mùi hôi thối tấn công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Sau đó, bãi rác Đa Phước là một trong 3 "nghi can" được Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ và có phương án giải quyết.
Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, giá xử lý rác quá cao của Đa Phước hồi tháng 8 bị Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại.
Hữu Nguyên
Theo VNE
TP HCM cho phép đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước Chính quyền TP HCM đồng ý với giải pháp thay đổi công nghệ mới, để hạn chế việc chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. UBND TP HCM vừa yêu cầu Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) lập đề án cụ thể khi chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Khu liên hợp...