Bãi lầy chiến địa Afghanistan: 10 năm binh lửa không có người chiến thắng
Các chiến binh Mujahideen coi việc người Cơ đốc giáo hay “người Xôviết vô thần” kiểm soát Afghanistan là một điều báng bổ Hồi giáo cũng như văn hóa truyền thống của họ, vì thế khi tuyên cáo một cuộc “jihad” (thánh chiến), nghiễm nhiên họ đã giành được sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo.
Chống lại quân đội Liên Xô, các Mujahideen sử dụng chiến thuật du kích: Họ tổ chức tấn công hoặc đột kích chớp nhoáng, sau đó rút vào trong các ngọn núi, thung lũng… gây tổn thất lớn cho đối phương mà không cần phải đối đầu trực tiếp. Các nhóm Mujahideen thường chỉ từ 3-5 người.
Sau khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt một ai đó trong chính phủ, họ bỏ nhiều thời gian nghiên cứu thói quen và các chi tiết về đời sống của người đó để tìm ra phương pháp hoàn thành nhiệm vụ thích hợp nhất. Họ ám sát từ trên ôtô, bắn vào ôtô, đặt mìn tại các cơ sở hay tòa nhà chính phủ, thậm chí dùng tới phương cách cổ xưa là thuốc độc. Quân du kích sử dụng mọi khí tài họ giành được từ phía Liên Xô hay được Hoa Kỳ viện trợ.
Tổng Bí thư Liên Xô Leonid chào đón Babrak Karmal, người lên làm Tổng thống Afghanistan sau khi Amin bị lật đổ.
Tháng 3-1982, một quả bom phát nổ tại Bộ Giáo dục, làm hư hại nhiều tòa nhà. Cùng trong tháng đó, tình trạng thiếu điện lan rộng tại Kabul khi một cột điện cao thế dẫn từ nhà máy điện Naghlu bị đặt mìn phá hủy. Tháng 6-1982, một đội khoảng 1.000 đảng viên trẻ được gửi tới làm việc tại thung lũng Panjshir đã bị phục kích ở vị trí 20 dặm ngoài Kabul, với thiệt hại nhân mạng to lớn. Ngày 4-9-1985, quân nổi dậy bắn hạ một máy bay nội địa thuộc Bakhtar Airlines khi nó cất cánh từ sân bay Kandahar, 52 người thiệt mạng…
Mùa đông năm 1980, đã có các đơn vị tương đối lớn hoạt động chống quân đội Xôviết (100-150 phiến quân hoặc nhiều hơn nữa). Ví dụ, ngày 12-1-1980, các phân đội Xôviết đã bị một đội kỵ binh quân số đến 1.000 người tấn công. Ngày 21-1 đội 500 kỵ binh. Tại thời điểm đó, những kẻ nổi loạn hiếm khi né tránh đối đầu trực tiếp với quân đội Liên Xô. Chỉ huy một trung đoàn Xôviết ghi nhận: “Trong trận đánh, kẻ thù thể hiện sự đặc biệt ngoan cường, tuy có thể phân tán thành những nhóm nhỏ, nhưng các phiến quân đã không sử dụng điều này, mà chiến đấu cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn”.
Tháng 5-1985, bảy tổ chức nổi dậy chính đã thành lập Liên minh bảy đảng Mujahideen để phối hợp các chiến dịch chống quân đội Liên Xô. Cuối năm 1985, các nhóm hoạt động mạnh cả trong và ngoài Kabul. Tình thế cuộc chiến được nâng lên một tầm với sự ra đời của các loại tên lửa phòng không vác vai của Mỹ năm 1987. Thế hệ tên lửa Stinger đã cho phép các Mujahideen thường xuyên bắn hạ máy bay và trực thăng Liên Xô.
Tháng 11-1987, Tập đoàn quân số 40 của Quân đội Liên Xô dưới quyền tướng Boris Vsevolodovich Gromov bắt đầu Chiến dịch Magistral để mở đường từ thành phố Gardez (thủ phủ tỉnh Paktia) tới thành phố Khost (thủ phủ tỉnh Khost) gần biên giới Pakistan. Thành phố Khost đã bị cô lập trong nhiều tháng bởi lực lượng Mujahideen do Jalaluddin Haqqani chỉ huy, các chuyến hàng tiếp tế lương thực và thuốc men muốn đến được thành phố này chỉ có thể thực hiện bằng đường hàng không.
Xác những chiếc xe tăng Liên Xô phơi mình trong thung lũng Panjshir.
Các cuộc đàm phán đã được thực hiện với bộ lạc Jadran ở địa phương cũng như với Haqqani, tuy nhiên không thu được bất kỳ kết quả nào do Haqqani muốn kiểm soát thành phố và biến nó thành lãnh địa của một bang độc lập cũng như làm cơ sở cho việc thâm nhập sâu hơn vào các vùng khác trong tương lai. Trước khi chiến dịch Magistral bắt đầu, đã có một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, với một đài phát thanh đặc biệt được thành lập, để kêu gọi người dân Jadran ngừng hỗ trợ quân Mujahideen và rời khỏi khu vực chiến sự.
Ngay cả trong lúc tiến hành đàm phán, một kế hoạch tác chiến chi tiết đã hình thành. Sau khi cuộc đàm phán cuối cùng thất bại, cuộc tiến công bắt đầu được khởi động. Chiến dịch đã huy động các sư đoàn bộ binh cơ giới 108 và 201 cùng 2 lữ đoàn bộ binh không vận: Lữ đoàn 345 và Lữ đoàn 56. Họ còn được hỗ trợ bởi năm sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp của chính phủ Afghanistan.
Khen thưởng các binh sĩ Đại đội 9, Trung đoàn dù độc lập 345 sau trận đánh trên cao điểm 3234 trong chiến dịch “Magistral”.
Ngày 28-10-1987, một cuộc đổ bộ đường không giả được thực hiện trong khu vực quân Mujahideen kiểm soát, các hình nộm mặc quân phục được thả dù xuống; nhờ đó, một máy bay trinh sát đã phát hiện và truyền về tọa độ các vị trí của phiến quân cho không quân Liên Xô.
Video đang HOT
Một trong những vị trí quan trọng nhất là ngọn đồi không tên được xác định trên bản đồ: Cao điểm 3234, được giao cho Đại đội 9 của Lữ đoàn Không vận Độc lập 345. Đại đội 9 chỉ có 39 binh sĩ đã đổ bộ lên đỉnh đồi trên vào ngày 7-1- 1988, với trách nhiệm thiết lập và chốt giữ một tiểu cứ điểm trên đỉnh đồi để từ đó quan sát và kiểm soát một đoạn dài của con đường bên dưới, đảm bảo an toàn cho các đoàn xe tiếp vận của quân đội Liên Xô. Vừa ngay sau khi hoàn thành tuyến công sự phòng thủ, quân Mujahideen bắt đầu cuộc tấn công lúc 15 giờ 30 phút chiều cùng ngày.
Đây là đợt tấn công đầu tiên khởi đầu cho một chuỗi 12 đợt tấn công đẫm máu, có những lúc cả hai bên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, dao găm và mọi thứ có thể, liên tiếp cho đến ngay trước bình minh ngày hôm sau (3 giờ ngày 8-1), khi quân Mujahideen rút lui, điểm cao 3234 vẫn trong tay lính dù Liên Xô. 39 lính dù Liên Xô phải chống lại từ 300-500 chiến binh Mujahideen có kinh nghiệm chiến đấu và được trang bị tốt.
Các đợt tấn công được chia thành hai hướng rất bài bản, điều này chỉ ra rằng đối phương có thể đã được hỗ trợ bởi phiến quân được huấn luyện ở Pakistan. Đại đội 9 có 34 người thương vong, trong đó có 6 người hy sinh và 28 người bị thương, đạn dược gần cạn sau cuộc tấn công cuối cùng. Còn phía Mujahideen, theo ước tính của phía Liên Xô, thương vong hơn 200 người.
Ngày nay trên khắp đất nước Afghanistan, có khá nhiều vũ khí Quân đội Liên Xô còn nằm lại dù hơn 37 năm đã trôi qua kể từ sau khi Liên Xô rút quân vào tháng 2 -1989. Một trong những nơi ghi dấu đậm nét nhất chính là thung lũng Panjshir, vùng đất màu mỡ tuyệt đẹp cách thủ đô Kabul 100 dặm.
Nơi đây cung cấp chỗ trú đóng và nguồn thực phẩm dồi dào cho lực lượng chiến binh Mujaheddin được phương Tây hậu thuẫn chống lại chính phủ Afghanistan “thân Liên Xô”. Chính vì thế, Quân đội Liên Xô trong suốt 10 năm đã tiến hành 16 chiến dịch lớn nhắm vào đây. Tuy nhiên, các chiến dịch thường kết thúc trong thất bại, hàng trăm cỗ pháo, xe tăng và những phương tiện khí tài khác còn phơi mình ở thung lũng này đến ngày hôm nay như những chứng tích đau buồn của 10 năm lao vào binh lửa nơi xứ người.
Trong khi quân đội Liên Xô ngày càng bị cuốn sâu hơn vào các chiến dịch phòng thủ, đối đầu… thì các khoản viện trợ nước ngoài dành cho các lực lượng thánh chiến ngày càng được khuếch trương. Trên thực tế đã hình thành cả một liên minh mà trong đó có vũ khí, cơ quan tình báo và bộ máy tuyên truyền của Mỹ, tiền bạc của Arabia Saudi và các “tình nguyện viên” của cả thế giới Hồi giáo tham gia cuộc “thánh chiến” chống lại chính quyền Kabul và quân đội Liên Xô.
Những người thuộc các bộ tộc Tadjik, Pashtun, Uzbek và Khazares của Afghanistan đã từng bắn giết lẫn nhau trước khi quân đội Liên Xô hiện diện ở đất nước này và người Mỹ đã làm tất cả để cuộc chiến tranh Afghanistan kéo dài càng lâu, càng tốn kém, càng tổn thất nhiều sinh mạng của Liên Xô càng tốt. Hơn 600.000 người lính phục vụ thông qua “đội quân Xôviết hạn chế”, 15.000 người đã hy sinh, người Mỹ đã bỏ ra một vài triệu USD viện trợ cho lực lượng thánh chiến – nhưng đã không một ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.
Khi Mikhail Gorbachev nắm được vị trí quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Xôviết, ông ta muốn quân đội Liên Xô triệt thoái khỏi Afghanistan theo cách nào đó để nó trông giống như là một thỏa thuận dàn xếp chứ không phải là một thất bại. Tại hội nghị Bộ Chính trị diễn ra vào ngày 17-10-1985, Gorbachev tuyên bố rằng, ông ta đã “đạt được sự đồng nhất” với Babrak Karmal và nhà cầm quyền Afghanistan, và rằng tới mùa hè năm 1986, người Afghanistan sẽ phải học cách “làm thế nào để tự bảo vệ cuộc cách mạng của chính họ”.
Anatoliy Chernyaev, Phó trưởng Ban Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và là người, từ tháng 2-1986, chuẩn bị trở thành trợ lý chính về chính sách đối ngoại cho Gorbachev, cũng có mặt tại hội nghị Bộ Chính trị đó kể lại: Gorbachev đọc to “một số bức thư thống thiết” từ những người mẹ của các binh sĩ Liên Xô đã phục vụ, và một số đã hy sinh, ở Afghanistan. Gorbachev dùng yếu tố tình cảm trong nỗ lực thuyết phục Bộ Chính trị rằng, sự hiện diện của Liên Xô tại Afghanistan là một sai lầm rất lớn.
Ông kết thúc bài tham luận với câu nói: “Có hay không có Karrmal, chúng ta sẽ vững chắc theo đuổi con đường này, tức phải dẫn đến sự rút lui của chúng ta khỏi Afghanistan trong một khoảng thời gian ngắn tối thiểu”.
Vào cuối năm 1979, khi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan, Ban lãnh đạo tối cao Liên Xô tin rằng, chuyện can thiệp quân sự sẽ không phải kéo dài. Khi đó, nhiệm vụ chính là giúp quân đội Afghanistan duy trì sự ổn định trong nước vào những tháng đầu tiên sau khi lật đổ chế độ cầm quyền bằng bạo lực của Hafizullah Amin.
Thế nhưng sự can thiệp ấy đã kéo dài 10 năm khiến đất nước Afghnistan chưa bao giờ biết đến phồn vinh, mà càng thêm kiệt quệ, đất nước Liên Xô sa vào bãi lầy tồi tệ nhất của cuộc Chiến tranh lạnh và chỉ có thể chứng kiến người lính Xôviết cuối cùng rời khỏi vùng chiến địa khốc liệt Afghanistan vào ngày 15-2-1989.
Năm 2011, xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của hãng CNN, Tổng thống Nga Putin khi trả lời câu hỏi của “ông hoàng phỏng vấn” Larry King: “Afghanistan đối với Liên Xô có gì khác Việt Nam với nước Mỹ?”, dù phủ nhận sự so sánh (bằng lời nhắc nhở rằng, quân đội Liên Xô đã triệt thoái một cách có tổ chức và an toàn, chế độ tại Kabul còn duy trì được 3 năm – khác hẳn với người Mỹ, đã tháo chạy khỏi Sài Gòn cùng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa), vẫn nói rằng: “Liên Xô đã mắc nhiều sai lầm tại đó, và sai lầm chủ yếu nhất là, quân đội Xô viết đã có mặt tại đó. Lẽ ra chúng tôi đã không nên làm điều này. Đây là một sự thật rõ ràng”.
Tháng 5-2015, Lần đầu tiên chính quyền Liên bang Nga công khai thừa nhận những điều lẽ ra cần phải được nói một cách công khai và trung thực từ lâu: Cuộc chiến tại Afghanistan không phải là một sự phiêu lưu và hành động thiếu lý trí. Tại cuộc gặp các cựu chiến binh Afghanistan, Tổng thống Putin dùng những lời đầy trọng thị: “Chúng ta cần phải và luôn nhớ tới những người đã bảo vệ các lợi ích của Tổ quốc chúng ta trong lịch sử hiện đại. Những binh đoàn cùng những người lính đã hành động vì yêu cầu thực hiện mệnh lệnh quân sự – và họ đã làm điều này vì danh dự”.
(Theo An Ninh Thế Giới)
"Đoản mạch" giữa Tổng thống đắc cử và các cơ quan tình báo Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cùng với các trợ lý cao cấp vạch kế hoạch tái cơ cấu và tinh gọn hoá hai cơ quan tình báo quan trọng nhất nước Mỹ: Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia (DNIO) và Cục tình báo trung ương mỹ (CIA). Đây là hai cơ quan tình báo đang có những vấn đề bất đồng với Tổng thống đắc cử, đặc biệt là trong việc cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Phải tinh giản số "điệp viên phòng lạnh"
Đối với Cơ quan Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (DNIO), việc cải tổ được đặt ra như một giải pháp cấp bách nhằm thay đổi lối mòn làm việc cứng nhắc hiện nay. DNIO được thành lập vào năm 2004 chủ yếu nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa 15 cơ quan tình báo trong cộng đồng tình báo Mỹ.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống đắc cử Trump, cơ quan này hiện nay đang gặp hai vấn đề lớn là đang bị "phình to" quá mức và bị chính trị hóa hoàn toàn, gây khó khăn cho việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong cộng đồng tình báo, đồng thời đánh mất niềm tin nơi người đứng đầu chính phủ trong tương lai. Vì vậy, mục tiêu cải tổ của ông Trump đối với DNIO là tinh gọn hóa, đưa cơ quan này trở về với tôn chỉ mục đích ban đầu là phục vụ đắc lực cho Tổng thống Mỹ trong lãnh đạo, điều hành các cơ quan tình báo.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và vợ trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề "Nga can thiệp bầu cử".
Đối với CIA, phương án cải tổ sẽ thực hiện theo hướng giảm bớt quân số của lực lượng "điệp viên phòng lạnh" ngồi trong trụ sở ở Langley, tăng cường nhân sự đi làm điệp viên tại các địa bàn tiền tuyến trên khắp thế giới. Việc cải tổ CIA có lẽ là trọng tâm gây chú ý nhất, bởi cơ quan này đang là mục tiêu đối đầu lớn nhất của Tổng thống đắc cử Trump. Các cố vấn của ông Trump nói rằng, từ lâu ông đã không còn tin tưởng vào tính chính xác của CIA, thường xuyên nhắc lại những lỗi tình báo trong giai đạn 2002-2003 liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq.
Theo các nguồn tin trong bộ sậu chuyển tiếp, dường như có sự "đoản mạch" giữa Tổng thống Trump và các cơ quan tình báo. Những gì ông Trump phát biểu trước công chúng không hoàn toàn trùng khớp với cách ông làm việc với các cơ quan tình báo trong phòng làm việc.
Có nhận xét cho rằng, Trump đã thể hiện tính chuyên nghiệp, lịch sự nhưng có vẻ bàng quan, không quan tâm lắm đến những nội dung báo cáo của ngành tình báo. Trong suốt các cuộc báo cáo tình báo, ông lắng nghe, nhưng không hoàn toàn "nhập cuộc", thỉnh thoảng lại chen vào vài câu hỏi, bắt bẻ các thông tin báo cáo. Ông không đặt câu hỏi với các dữ liệu báo cáo mà thường bắt bẻ các kết luận tình báo rút ra từ các dữ liệu đó.
Tổng thống đắc cử Trump đang được xem là vị Tổng thống Mỹ rất hay dùng mạng xã hội trên Inertnet để phát biểu chính kiến, đưa ra các tuyên bố mang tính chất cá nhân về tất cả những vấn đề liên quan đến nước Mỹ và thế giới. Từ đó, mạng xã hội cũng là "mặt trận" mới để ông triển khai cuộc đối đầu với các cơ quan tình báo Mỹ.
Trên các dòng bình luận đăng trên mạng xã hội Twitter gần đây, ông Trump đã tung ra một loạt công kích nhắm vào các cơ quan tình báo xoay quanh việc các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là CIA, kết luận rằng chính phủ Nga tấn công vào máy chủ e-mail của đảng Dân chủ và sau đó lấy trộm thư đăng trên trang WikiLeaks nhằm mục đích gây mất uy tín ứng cử viên đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton), tạo lợi thế giúp ông Trump thắng cử. Những người thân cận trong bộ sậu mới của Trump cho biết, quan điểm của ông Trump là các cơ quan tình báo Mỹ đang hoàn toàn bị chính trị hoá, và tất cả cần phải được chấn chỉnh, tinh giản lại, tái cơ cấu và xây dựng lại sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan.
Hôm 4-1-2017, ông Trump đã đưa lên mạng Twitter nội dung cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News của ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange. Trong đó, Assange đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nước Nga là khởi nguồn các cuộc tấn công mạng vào hệ thống e-mail của đảng Dân chủ (DNC) và các cố vấn của bà Hillary Clinton. Trump viết "Julian Assange nói rằng một đứa bé 14 tuổi cũng có thể hack vào hộp thư của Podesta." Rồi đặt câu hỏi: "Tại sao DNC bất cẩn thế? Người Nga đâu có trao thông tin cho anh ta!".
Thái độ, lời lẽ của ông Trump "thiên vị" cho Assange, nước Nga và Tổng thống Putin, công kích các cơ quan tình báo Mỹ đã châm ngòi cho những lời chỉ trích từ các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và trong cộng đồng tình báo, cũng như các quan chức bảo vệ pháp luật.
Julian Assange bác bỏ cáo buộc cho rằng nước Nga có liên quan trong vụ hacker tấn công bầu cử Mỹ.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ông Trump lại đối đầu với các cơ quan tình báo chủ chốt của nước Mỹ, như DNIO, CIA, vốn là những đơn vị cung cấp báo cáo tình báo hàng ngày cho Chính phủ? Nói một cách khái quát, đây là cuộc đối đầu xoay quanh cáo buộc nước Nga tấn công mạng can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Sẽ không sai nếu nói rằng Donald Trump từ rất lâu (nhiều năm trước khi tranh cử tổng thống Mỹ) đã là một người hâm mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ông đã thể hiện điều này bằng các phát biểu ca ngợi Putin, xem ông Putin như một thần tượng về tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và tinh thần can đảm trong cuộc đối đầu chính trị với phương Tây.
Chính vì vậy mà Trump quyết liệt phản bác những lời cáo buộc "tấn công mạng" nhắm vào nước Nga và Tổng thống Putin. Một khía cạnh khác trong cuộc đối đầu của ông Trump với cộng đồng tình báo Mỹ xoay quanh cáo buộc nước Nga can thiệp bầu cử chính là ông xem những cáo buộc dai dẳng này như một đòn tấn công của đảng Dân chủ và thành phần ủng hộ đảng này nhắm vào tính hợp pháp của chiến thắng bất ngờ và ngoạn mục của ông trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11-2016.
"Tôi là fan cuồng của các cơ quan tình báo" (!)
Thật khó hiểu là dường như để xóa nhòa sự "đoản mạch" trong mối liên hệ với các cơ quan tình báo, vào ngày 5-1, trên trang mạng xã hội Twitter, ông Trump lại tự mô tả mình là "fan cuồng" của các cơ quan tình báo Mỹ khi viết: "Truyền thông dối trá đưa thông tin như thể tôi chống lại các cơ quan tình báo nhưng sự thật tôi là fan cuồng!".
Trong ngày này, lãnh đạo 3 cơ quan tình báo Mỹ gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về tình báo Marcel Lettre tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đã ra một tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi đánh giá chỉ các quan chức cấp cao nhất của Nga mới có thể chỉ đạo những vụ tấn công mạng của Mỹ, trộm và phát tán các tài liệu".
Phát biểu tại phiên điều trần, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, "chắc chắn" Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn chiến dịch tấn công mạng này và rằng bây giờ mọi việc phụ thuộc vào giới chức Mỹ quyết định đó có phải là "một hành động chiến tranh" hay không. "Tôi cho rằng chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với một chiến dịch táo bạo và trực tiếp nhằm vào bầu cử như thế này", ông Clapper nói.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ điều trần trước Thượng viện về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tuy ông Clapper không nêu rõ điều gì khiến ông tin tưởng rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công tin tặc vừa qua, nhưng kết luận này được các cơ quan tình báo như CIA, FBI, và một số công ty an ninh mạng tư nhân tán đồng. Các thông tin hành lang cho biết, một báo cáo về sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử đã được trao cho Tổng thống Barack Obama vào đúng hôm diễn ra phiên điều trần. Tổng thống đắc cử Trump sẽ được tóm tắt nội dung báo cáo trong ngày 6-1 và tuần tới, thông tin sẽ được công bố chính thức.
Ngày 6-1, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức cao cấp thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Trump cho biết, ông Dan Coats, cựu đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời Tổng thống George W. Bush, vừa được ông Trump lựa chọn đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia. Cựu thượng nghị sĩ Coats, 73 tuổi, là một người thuộc phe bảo thủ truyền thống đến từ bang Indiana, từng phục vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ trong thời gian từ năm 1989-1999 trước khi trở thành đại sứ Mỹ ở Đức trong nhiệm kỳ đầu của chính phủ Tổng Thống George W Bush.
Vào năm 2010, ông trở lại Thượng Viện sau khi thắng cử. Năm 2015, sau khi quyết định không tái tranh cử vào thượng viện, ông Dan Coast trở thành cố vấn chính của ông Trump về vấn đề tình báo, đồng thời đảm trách việc giám sát các hoạt động của tình báo Hoa Kỳ.
Được biết, ông Coats là người bảo vệ mạnh mẽ cho các chương trình giám sát của chính phủ, cũng là thành viên của đảng Cộng hoà chấp thuận báo cáo ủng hộ CIA sử dụng các biện pháp thẩm vấn khắc nghiệt với những tù nhân bị giam ở các nhà tù bí mật tại nước ngoài. Giám đốc tương lai của DNI còn là một trong những người ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga.
Moscow từng đưa tên của ông Coats cùng với 5 nghị sĩ Mỹ và 3 quan chức Nhà Trắng vào danh sách đen năm 2014, nhằm trả đũa việc Mỹ áp đặt cấm vận với nước này sau vụ bán đảo Crimea sáp nhập về Nga. Vào thời điểm đó, Dan Coats khẳng định trên Twitter: "Dù tôi thất vọng khi không thể cùng gia đình đi nghỉ hè ở Siberia, tôi vẫn cảm thấy vinh hạnh khi nằm trong danh sách đen đó".
Ông Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ cho rằng, ông Coats "sẽ là một lựa chọn tuyệt vời" vì đây là người có kinh nghiệm, có kỹ năng lãnh đạo của một đại sứ và từng làm việc trong uỷ ban để hiểu rõ vai trò này. Một quan chức đảng Dân chủ cho hay ông Coats hiểu rõ về châu Âu và Nga, có thể bất đồng với ông Trump về Moscow.
Tuy nhiên, một số quan chức tình báo Mỹ hoan nghênh việc chọn ông Coats cho chức danh trên và hy vọng đây là một dấu hiệu cho thấy ông Trump nỗ lực hàn gắn quan hệ với cộng đồng tình báo Mỹ. Dan Coast đảm nhận vai trò giám đốc tình báo quốc gia vào lúc mà các hoạt động của tình báo Hoa Kỳ bị "soi" kỹ do đưa ra các kết luận cho rằng tin tặc Nga đột nhập hệ thống email của các cá nhân và tổ chức thuộc đảng Dân chủ, điều mà ông Trump liên tục bác bỏ.
Một nguồn tin thân cận với đội chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết chức danh giám đốc tình báo từng được dự kiến dành cho Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, nhưng ông này từ chối. Việc chọn ông Dan Coats trùng hợp với dư luận cho rằng nhóm, thành lập tân chính phủ Trump đang tìm cách hạn chế bớt quyền hạn của giám đốc tình báo quốc gia, điều mà một số cố vấn của ông Trump tin là từng xen vào việc làm của 16 cơ quan tình báo của Mỹ.
Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng tương lai, nói: "Ưu tiên hàng đầu của tổng thống đắc cử sẽ là bảo đảm sự an toàn của người dân Mỹ và an ninh của quốc gia, và ông Trump quyết tâm tìm cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để thực hiện. Nhưng tôi muốn tái khẳng định về điều cho rằng, sẽ có sự tái tổ chức lại hạ tầng của cộng đồng tình báo là điều sai lạc 100%," ông Spicer khẳng định.
(Theo Soha News)
Tổng thống Obama gọi điện chia tay Thủ tướng Ấn Độ Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện chia tay các lãnh đạo Afghanistan và Ấn Độ, hai ngày trước khi mãn nhiệm. Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2014. Ảnh: Reuters "Tổng thống Obama hôm nay nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để cám ơn Thủ tướng về...